Thời gian 22/03/2023 09:32
Thuật ngữ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) lần đầu tiên đề cập đến năm 2011. Do tính cấp bách và tầm quan trọng của cuộc cách mạng này mà ngay sau khi được đề cập, các chính phủ trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã có chiến lược cho cuộc cách mạng này. Sự nghiên cứu về CMCN 4.0 được đề cập tới nhiều góc độ. Trong đó, đáng kể là những nghiên cứu về tác động mạnh mẽ và toàn diện của CMCN 4.0 với kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động chỉ ra tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức sâu sắc, dường như không giới hạn đối với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam và Thành phố Hải Phòng. Thể hiện rõ nét sự quyết tâm cao trong quản trị quốc gia và địa phương là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0.
Những thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế xã hội cũng tác động mạnh lên giáo dục đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại. Bài viết này mong muốn góp phần làm rõ hơn về năng lực tiếp cận cuộc CMCN4.0 dưới góc nhìn đặc điểm nguồn nhân lực, từ đó phân tích những yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của Thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở kết hợp với những dữ liệu về thực trạng nguồn nhân lực của thành phố Hải Phòng, bài viết đưa ra những hàm ý chính sách đối với giáo dục đào tạo đại học nói chung và Trường Đại học Hải Phòng nói riêng. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn kết hợp với những phân tích và nhận định của nhóm tác giả.