Thời gian: 28/06/2023 06:04

Giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán tại thành phố Hải Phòng

1. Đặt vấn đề

Ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 03 - NQ/TU về chuyển đổi số thành phố, đặt ra các mục tiêu lớn cho tầm nhìn 10 năm: phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%; tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số. Năm 2022 được xác định là năm đặt ra nhiều thách thức lớn, là năm khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2030. Đánh giá tầm quan trọng của chuyển đổi số như là cơ hội, giải pháp mang tính căn bản, có tính chất thời cơ trong bối cảnh thành phố cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong nhiều thập kỷ sắp tới, Thành ủy đã xác định chuyển đổi số là "động lực" của sự phát triển thành phố, theo đó nhiều mục tiêu chuyển đổi số của thành phố được đặt ra trong Nghị quyết cao hơn mục tiêu chung được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ TTg ngày 03/6/2020). Điều này thể hiện rõ quyết tâm và khát vọng của thành phố Hải Phòng với khả năng bứt phá dẫn đầu trong thời gian tới nhờ vào dữ liệu, công nghệ, giải pháp chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán là việc ứng dụng các công nghệ số vào các nghiệp vụ kế toán, giúp cho các nghiệp vụ kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp tại Thành phố Hải Phòng như: Giúp hiện đại hóa phương thức làm việc và tiết kiệm thời gian cho bộ phận kế toán; việc ghi chép, truy vết dữ liệu

của kế toán viên trở nên chủ động, đơn giản hơn qua việc sử dụng phần mềm lưu trữ đám mây. Nhờ có nhiều phần mềm, công cụ hiện đại, doanh nghiệp có một kho lưu trữ thông tin lớn, có thể liên kết bộ phận kế toán với các bộ phận khác, giúp hoạt động của doanh nghiệp được rõ ràng, thống nhất và hiệu quả hơn. Với sự phát triển vượt bậc của nền tảng số và việc nhập liệu trên nền tảng đám mây, mọi thông tin được truy xuất dễ dàng, nhanh chóng, lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể truy cập dữ liệu bất cứ lúc nào để theo dõi và thực hiện công tác quản trị, vì thế mà hiệu quả quản trị doanh nghiệp cũng được nâng cao.

Bên cạnh những lợi ích kể trên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán cũng có nhiều rủi ro đi kèm như hệ thống công nghệ thông tin bảo mật gặp sự cố gây rò rỉ dữ liệu tài chính, hay để chuyển đổi khối lượng hồ sơ công việc kế toán tài chính từ trước đến giờ cũng là một thách thức không hề đơn giản.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Khó khăn khi ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kế toán tại Thành phố Hải Phòng

Một là, nhân sự ngành kế toán còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ và đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin. Thực tiễn cho thấy, các cơ sở đào tạo (các trường đại học, Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và các đơn vị đào tạo trong nước) tại Việt Nam chưa có chương trình đào tạo bài bản về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Báo cáo của Bộ Tài chính ghi nhận ở Việt Nam chỉ có khoảng hơn 5.000 kế toán sở hữu các chứng chỉ quốc tế - một con số khá khiêm tốn khi so với các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Thái Lan. Với việc phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ cao trong tương lai, sự thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng kế toán viên có chuyên môn cao đang là một thách thức lớn đối với Thành phố Hải Phòng.

Hai là, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chất lượng kém, bảo mật thấp. Trước khi có sự chuyển mình của công nghệ, công việc kế toán của các doanh nghiệp trong Thành phố Hải Phòng gắn liền với hồ sơ, giấy tờ,… và gặp muôn vàn khó khăn về sự thuận tiện cũng như tính bảo mật thông tin. Sự ra đời của các công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi hoàn toàn phương thức, quy trình kế toán hiện tại: toàn bộ dữ liệu được số hóa thành các thông tin điện tử, công nghệ blockchain trở thành “sổ cái” khổng lồ,… Nếu không có chính sách hay biện pháp bảo mật thì việc lộ thông tin, đánh cắp thông tin là điều dễ nảy sinh. Chính điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp trong Thành phố về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng của hệ thống công nghệ thông tin, cũng như tìm kiếm đối tác uy tín để nâng cao tính an toàn của dữ liệu.

Ba là, phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp và phương thức kiểm toán của của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hải Phòng chưa quyết liệt thay đổi thích ứng với quá trình chuyển đổi số, điều này cản trở tới lộ trình đầu tư vào số hóa tài liệu và ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, quản trị, hạch toán kế toán và hoạt động điều hành.

2.2. Các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán tại Thành phố Hải Phòng

Thứ nhất, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng số liệu giao dịch ngày một lớn; ứng dụng công nghệ Blockchain để phân tích, xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn về bảo mật. Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp cần cập nhật dữ liệu thường xuyên, lưu trữ các dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu tài chính và phi tài chính; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị trong hệ thống công nghệ thông tin chung; xây dựng phần mềm kế toán,… Đồng thời, các quy định mang tính trói buộc, hạn chế quá trình chuyển đổi số cần được xem xét để điều chỉnh hoặc dỡ bỏ.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hải Phòng bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo kế toán đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay. Thực hiện quy chế đào tạo và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, trau dồi trình độ ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin và đạo đức nghề nghiệp cho các kế toán viên.

Bởi dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các dữ liệu về hồ sơ, giấy tờ kế toán sẽ dần được chuyển sang dạng số hóa, làm

cho các kế toán viên với những kỹ năng thông thường khó có thể nắm bắt được sự đa dạng về loại hình và hình thức giao dịch số. Các xu hướng mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng đặt ra yêu cầu phát triển mới các nhóm kỹ năng cần thiết cho các kế toán viên. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu về nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, các kế toán viên trong tương lai cũng cần các kỹ năng và kiến thức về luật pháp, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý.

Thứ ba, sử dụng phần mềm kế toán online song cần chú trọng an toàn và bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. Phần mềm kế toán online là chương trình phần mềm thông qua kết nối internet để kết nối, trao đổi và khai thác thông tin từ bất kỳ đâu, không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn trong ngành, giữa các ngành và thậm chí là toàn cầu. Hiện nay các phần mềm kế toán online đều sử dụng được trên các trình duyệt thay vì phải cài đặt lên máy tính mang đến sự thuận tiện trong công việc cho bộ phận kế toán doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi ứng dụng các công nghệ mới này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về nguy cơ bị mất cắp các dữ liệu thông tin kế toán. Do vậy, cần chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.

Thứ tư, sử dụng dịch vụ kết nối ngân hàng điện tử. Dịch vụ kết nối ngân hàng điện tử mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như rút ngắn thời gian thao tác, giảm thiểu tối đa sai sót với các nghiệp vụ: thanh toán, tự động hạch toán lệnh chuyển tiền vào hệ thống kế toán, truy vấn thông tin tài khoản,...

3. Kết luận

Kế toán là một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp, cần độ chính xác cao và các kế toán viên phải chịu nhiều áp lực. Chính vì vậy, chuyển đổi số ngành kế toán chính là giải pháp hỗ trợ tối ưu nhất giúp bộ phận kế toán giảm áp lực và linh hoạt hơn, các bộ phận trong công ty dễ dàng kết nối với nhau giúp nắm bắt thông tin nhanh chóng, chủ động giải quyết công việc từ xa ở mọi thời điểm.

Vì thế, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán là xu thế tất yếu khi mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu bước vào giai đoạn 2. Việc số hóa các hoạt động quản trị tài chính, kế toán sẽ giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hải Phòng giải quyết nhiều bài toán khó với chi phí tối ưu nhất giúp tăng khả năng cạnh tranh cho chính các doanh nghiệp đó./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chúc Anh Tú (2019), Thông tin kế toán hữu ích trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, Tạp chí Tài chính.

2. Mai Thị Sen (2020), Ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến hệ thống thông tin kế toán doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, Tạp chí Công Thương.

3. Trần Thị Quyên (2022), Giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính.

4. Hoàng Linh (2022), Chuyển đổi số để Hải Phòng bứt phá, trở thành trung tâm công nghệ mới, Tạp chí Thông tin và Truyền thông.

Lượt truy cập: 264701
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn