Thời gian: 28/06/2023 06:00

Thực trạng vai trò của các hiệp hội trong việc hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

1. Chuỗi giá trị toàn cầu là gì?

Trong vài năm trở lại đây, từ khi xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới bước sang một chu kỳ phát triển mới: sâu hơn, rộng hơn, đa dạng hơn, nhiều nhà nghiên cứu đề xuất ý tưởng phát triển mô hình chuỗi giá trị của Porter để phân tích toàn cầu hóa. Khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu được nhắc tới ngày càng nhiều. Một trong số những công trình đầu tiên phải kể đến nghiên cứu của tác giả Gereffi và Korzeniewwicz, (1994); Kaplinsky, (1999). Các tác giả này đã sử dụng khung phân tích chuỗi giá trị của Porter để xác định cách thức các tập đoàn và các quốc gia hội nhập thành công vào kinh tế thế giới, đồng thời dựa vào đó để đánh giá các yếu tố quyết định giá trị phân phối toàn cầu. Kaplinsky và Morris, (2001) đã quan sát và chứng minh được bằng số liệu thực tế rằng trong quá trình toàn cầu hóa khoảng cách thu nhập giữa các nước ngày càng gia tăng đáng kể. Để lý giải điều này người ta đã thiết lập và so sánh chuỗi giá trị toàn cầu. Người ta sẽ tiến hành lập hồ sơ về các hoạt động liên quan trong một chuỗi, phân tích thu nhập hay chính là giá trị mà các chủ thể khi tham gia vào chuỗi có thể tạo ra được, từ đó so sánh để thấy sự chênh lệch về giá trị của những công đoạn khác nhau trong chuỗi, theo những khu vực địa lý khác nhau. Cách làm này sẽ giúp cho nhà nghiên cứu có cách nhìn tổng quát về thực chất các giá trị được tạo ra khi thực hiện các dòng chảy sản xuất – kinh doanh. Ngoài ra, cách làm này cũng giúp chúng ta nhận rõ phương thức mà các công ty, các quốc gia nên hội nhập hiệu quả nhất vào kinh tế toàn cầu. Khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu chính thức được hình thành và ngày càng được nhắc tới nhiều hơn. Tuy nhiên, để hiểu thấu đáo hơn về khái niệm mới này, chúng ta cần một bắt đầu từ thời điểm xuất phát cơ bản.

Chuỗi giá trị toàn cầu trong tiếng Anh là Global value chain (GVC). Dựa trên quan điểm của Michael Porter, năm 2002 hai nhà khoa học Mỹ là Raphael Kaplinsky và Mike Morris đã đưa ra khái niệm: “Chuỗi giá trị toàn cầu là một

dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa trong đó có nhiều nước tham gia, chủ yếu là các doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn khác nhau từ thiết kế chế tạo tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng”.

Chuỗi giá trị toàn cầu về thực chất vẫn là chuỗi giá trị, trong đó các giá trị được tạo ra trong chuỗi đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Chuỗi giá trị toàn cầu có thể được hiểu là một dây chuyền kinh doanh - sản xuất mang tính chất toàn cầu hóa, trong đó những nhân tố đóng vai trò then chốt trong mỗi khâu trong chuỗi là những doanh nghiệp tại những quốc gia khác nhau tham gia vào chuỗi giá trị bằng những công đoạn khác nhau như nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cung cấp nguyên liệu đầu vào, thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối.

Đặc điểm cơ bản của chuỗi giá trị toàn cầu là các doanh nghiệp lớn mở rộng phạm vi kinh doanh sang các nước đang phát triển để tận dụng nguồn nguyên liệu và giá nhân công rẻ. Các doanh nghiệp ký kết các hợp đồng kinh tế trong phạm vi toàn cầu, từ đó tăng khả năng chuyên môn hóa trong chuỗi giá trị. Không một doanh nghiệp nào thống lĩnh toàn bộ chuỗi giá trị và mỗi doanh nghiệp đều có thể khai thác những lợi thế của mình trong chuỗi.

Việc nhận biết những lợi thế so sánh của bản thân doanh nghiệp, tham gia vào chuỗi, nâng cấp vị thế doanh nghiệp trong chuỗi, trở thành chủ thể chính của những khâu có giá trị gia tăng cao nhất là mục tiêu chiến lược lâu dài của những doanh nghiệp, quốc gia trong quá trình nghiên cứu chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế, chuỗi giá trị toàn cầu là một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về phân công lao động quốc tế, nghĩa là bất kì doanh nghiệp nào có tham gia vào quá trình sản xuất một sản phẩm xuất khẩu đều có thể coi là đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng tiếp cận phân công lao động quốc tế theo chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vị trí của mình trên thị trường thế giới, để có thể chủ động lựa chọn công đoạn tham gia phù hợp nhằm đạt được lợi nhuận cao hơn.

Một chuỗi giá trị toàn cầu được phân chia giữa nhiều doanh nghiệp và không gian địa lí khác nhau. Chẳng hạn, một chiếc máy tính sử dụng lao động và vật liệu từ nhiều nhà cung cấp ở nhiều nước khác nhau, được lắp ráp ở một nước khác, được thiết kế và cuối cùng được bán ở nhiều nơi khác nữa.

Chuỗi giá trị toàn cầu là chuỗi giá trị đặc biệt mà lợi ích được phân chia giữa nhiều doanh nghiệp và trải rộng qua một số khu vực, quốc gia.

Chuỗi giá trị toàn cầu cần được sự quan tâm của nhiều chủ thể trong nền kinh tế. Chuỗi giá trị toàn cầu bao quát về mặt không gian, phân chia về mặt tổ chức và có tính năng động cao, khiến cho khó xác định vị trí và triển vọng của một chủ thể nào đó.

Vì vậy, nó cũng quan trọng trong việc giúp cho người làm kinh tế, các doanh nghiệp, người lao động và người làm chính sách hiểu sâu hơn về sự vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu trong những trường hợp cụ thể và có công cụ giúp dự báo xem chúng có thể thay đổi như thế nào qua thời gian.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nhỏ ở một quốc gia đang phát triển, một nhà quản lí trong doanh nghiệp đó và các nhà lập pháo địa phương tập trung phát triển kinh tế bền vững sẽ đều thu được lợi ích từ việc quan tâm đến năng lực so sánh với những chủ thể khác, cả ở trong khu vực đó hay trên toàn cầu, trong các chuỗi mà họ tham gia hoặc hi vọng sẽ tham gia.

2. Vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi nước, kể cả các nước có trình độ phát triển cao. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay thì các nước đều chú ý hỗ trợ các DNNVV nhằm huy động tối đa các nguồn lực và hỗ trợ cho DN lớn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đối với Việt Nam thì vị trí DNNVV lại càng quan trọng. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong những năm gần đây. Cụ thể:

a) DNNVV chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp. Trong các loại hình sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay DNNVV có sức lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Theo tiêu chí hiện nay thì DNNVV chiếm trên 96% tổng số các doanh nghiệp.

b) DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu ở Việt Nam. Thực tế trong những năm qua, đã cho thấy toàn bộ các DNNVV, đặc biệt là phần lớn

các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài quốc doanh là nguồn chủ yếu tạo ra công ăn việc làm cho tất cả các lĩnh vực. Cụ thể từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Các DNNVV tuyển dụng gần 1 triệu lao động chiếm 49% lực lượng lao động trên phạm vi cả nước. Ở các tỉnh duyên hải miền Trung số lao động làm việc tại các DNNVV so với số lao động trong tất cả các lĩnh vực chiếm cao nhất trong cả nước (67%); Đông Nam Bộ có tỷ lệ thấp nhất (44%) so với mức trung bình của cả nước. Qua đó, chúng ta có thể thấy các DNNVV có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra phần lớn các công việc ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân, góp phần tạo ra thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân.

c) Hình thành và phát triển đội ngũ các nhà kinh doanh năng động. Sự xuất hiện và khả năng phát triển của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào những nhà sáng lập ra chúng. Do đặc thù là số lượng DNNVV là rất lớn và thường xuyên phải thay đổi để thích nghi với môi trường xung quanh, phản ứng với những tác động bất lợi do sự phát triển, xu hướng tích tụ và tập trung hóa sản xuất. Sự sáp nhập, giải thể và xuất hiện các DNNVV thường xuyên diễn ra trong mọi giai đoạn. Đó là sức ép lớn buộc những người quản lý và sáng lập ra chúng phải có tính linh hoạt cao trong quản lý và điều hành, dám nghĩ, dám làm và chấp nhận sự mạo hiểm. Chính sự có mặt của đội ngũ những người quản lý này cùng với khả năng, trình độ, nhận thức của họ về tình hình thị trường và khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh sẽ tác động lớn đến hoạt động của từng DNNVV.

d) Khai thác và phát huy tốt các nguồn lực tại chỗ. Từ các đặc trưng hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV đã tạo ra cho doanh nghiệp lợi thế về địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế đã cho thấy DNNVV đã có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương. Chính điều này đã giúp cho doanh nghiệp tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Chúng ta có thể chứng minh thông qua nguồn lực lao động: DNNVV đã sử dụng gần 1/2 lực lượng sản xuất lao động phi nông nghiệp (49%) trong cả nước, và tại một số vùng nó đã sử dụng tuyệt đại đa số lực lượng sản xuất lao động phi nông nghiệp. Ngoài nguồn lao động, DNNVV còn sử dụng nguồn tài chính của dân cư trong vùng, nguồn nguyên liệu trong vùng để hoạt động sản xuất kinh doanh.

3. Thực trạng vai trò của các Hiệp hội trong việc hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

3.1. Vai trò tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến kiến thức giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Một trong số các hoạt động quan trọng gần như không thể thiếu trong các vai trò của Hiệp hội là hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến các kiến thức và kỹ năng cần thiết đặc biệt là các chính sách mới. Phần lớn các Hiệp hội hiện nay đều có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tổ chức các chương trình hội thảo/các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các loại hình thường gặp như các buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện, phát tờ rơi, tài liệu, tuyên truyền viên lưu động, sử dụng nhóm đồng đẳng, các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, tham vấn, tư vấn trực tiếp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hội thi, cuộc vận động...

Bên cạnh công tác tổ chức tập huấn trực tiếp, các chuyên gia của các Hiệp hội còn dành rất nhiều thời gian và tâm sức để biên soạn các bộ tài liệu truyền thông chuẩn phát cho các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan dự án như các tờ rơi, tờ gấp, các cuốn sổ tay hướng dẫn cụ thể các nội dung khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Qua khảo sát các Hiệp hội thì hiện nay phần đông các Hiệp hội bên cạnh website cũng đã xây dựng các trang fanpage trên nền tảng mạng xã hội facebook để thu hút sự quan tâm của cộng đồng các doanh nghiệp. Nhiều trang fanpage có nhiều lượt like, share và tương tác, đây cũng là những hoạt động tích cực và hiệu quả phù hợp với xu hướng truyền thông khoa học và công nghệ mới.

 

3.2. Vai trò hỗ trợ quyền lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

3.2.1. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Cụm liên kết ngành, Chuỗi phân phối sản phẩm, Chuỗi giá trị

Qua số liệu khảo sát, chỉ có 8,79% số lượng DNNVV được khảo sát trả lời đã tham gia các chuỗi giá trị. Điều này cho thấy việc các DNNVV tham gia các chuỗi giá trị còn rất hạn chế, nó cũng thể hiện khả năng liên kết của các DN còn non kém. Để các doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị nhiều hơn nữa cũng như để phát triển các chuỗi giá trị tại Hải Phòng đòi hỏi cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn của các cơ quan nhà nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả của các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp lớn với vai trò đầu chuỗi trên địa bàn. Các Hiệp hội, các DNNVV trên địa bàn cũng cần chủ động, mạnh dạn hơn trong việc liên hệ với các cơ quan chức năng để có thêm nguồn hỗ trợ tham gia vào các Cụm liên kết ngành, giúp doanh nghiệp phát triển hơn nữa.

3.2.2. Hỗ trợ công nghệ triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Thực tế trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp có quy mô khác nhau thì mục đích và mức độ tiếp cận chuyển đổi số cũng sẽ khác nhau. Các Hiệp hội hỗ trợ DNNVV tham gia chuyển đổi số sẽ tập trung vào 3 nhóm chính sách chính: Một là chính sách về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số thông qua sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chương trình hội nghị, hội thảo. Hai là chính sách về cung cấp thông tin (về giải pháp chuyển đổi số, nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị tư vấn chuyển đổi số…) thông qua hình thức hội chợ, hội nghị, chuyên trang thông tin (Cổng thông tin), giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của đơn vị. Ba là xây dựng các gói hỗ trợ kỹ thuật cụ thể: về chữ ký số, hóa đơn điện tử, các phần mềm (kế toán, quản lý bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng…), văn phòng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử… trong từng giai đoạn chuyển đổi số của doanh nghiệp.

3.2.3. Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý

a. Doanh nghiệp đã được cấp quyền truy cập, khai thác thông tin từ Cổng Thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Cổng Thông tin Thành phố.

Theo kết quả khảo sát, có 3,77% DNNVV đã được hỗ trợ từ Trung ương; 17,15% DNNVV đã được hỗ trợ từ thành phố; 46,03% DNNVV chưa nhận được hỗ trợ; 13,81% DNNVV chưa có nhu cầu và 19,25% DNNVV không biết về cơ chế này.

b. Doanh nghiệp đã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn của mạng lưới tư vấn viên của các Bộ ngành, của Thành phố.

Theo kết quả khảo sát, có 2,09% DNNVV đã được hỗ trợ từ Trung ương; 13,81% DNNVV đã được hỗ trợ từ Thành phố; 45,61% DNNVV chưa nhận được hỗ trợ; 15,06% chưa có nhu cầu và 23,43% DNNVV không biết về cơ chế này.

Tóm lại, bên cạnh nhu cầu hỗ trợ về vốn, thông tin, mặt bằng sản xuất kinh doanh... thì nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Công tác hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp mới được Chính phủ quan tâm từ năm 2008 đến nay, cụ thể được thể hiện trong một số văn bản quy định cụ thể. Để việc hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý được thực hiện một cách có hiệu quả nhằm thu hút nhiều DNNVV quan tâm, tham gia và được Trung ương, thành phố hỗ trợ nhiều hơn nữa thì cần có các quy định đầy đủ, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước có liên quan cũng như vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý cho doanh nghiệp.

3.3. Vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội và vận động chính sách giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Trong thời gian vừa qua, các Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng, các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng đến xã hội. Kết quả đã đề xuất được rất nhiều sáng kiến có ý nghĩa khoa học, góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng trong sự nghiệp phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước, giúp các cơ quan Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia các hoạt động xây dựng chính sách của Nhà nước, các hiệp hội đã tham gia tư vấn, giám sát, phản biện đối với các chủ trương, chính sách, chế độ liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của hiệp hội; tham gia xây dựng chương trình ban hành pháp luật và thực thi pháp luật.

4. Đánh giá chung về thực trạng vai trò của các Hiệp hội trong việc hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

4.1. Ưu điểm

- Các Hiệp hội doanh nghiệp được thành lập và hoạt động với chức năng nhiệm vụ theo quy định với những thế mạnh như với bộ máy tinh gọn, kết nối các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực trong và ngoài nước. Các Hiệp hội doanh nghiệp hiện nay đang có những vai trò quan trọng, đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hoạt động thực tiễn gắn với các chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Với sự hỗ trợ của các Hiệp hội doanh nghiệp, một tỷ lệ nhất định các DNNVV trên địa bàn đã được tiếp cận và hưởng lợi từ các cơ chế hỗ trợ đó (từ nguồn ngân sách Trung ương hoặc Thành phố), bước đầu nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp một phần cho sự phát triển cũng như thu ngân sách của thành phố.

4.2. Tồn tại

- Mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV đã có hiệu lực và đi vào thực tế hơn 4 năm, nhưng việc hỗ trợ của các Hiệp hội doanh nghiệp cho các DNNVV trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu theo tinh thần của Luật còn khá hạn chế và khiêm tốn, chưa mang tính tổng thể, toàn diện và chưa tạo được sự thay đổi đột phá về năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này.

- Đồng thời, các Hiệp hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế khác như: Cung cấp thông tin, thị trường giá cả chưa kịp thời; Tư vấn và định hướng cho doanh nghiệp chưa chính xác; Thiếu hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường; Tập huấn, đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp chưa đầy đủ; Việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh còn hạn chế; Chưa thực sự đại diện và bảo vệ quyền lợi hội viên; Thiếu gắn kết và phát triển các doanh nghiệp thành viên… Trong đó, hạn chế lớn nhất của các Hiệp hội là: i) Tư vấn và định hướng cho doanh nghiệp chưa chuẩn xác; ii) Chưa thực sự đại diện và bảo vệ quyền lợi hội viên.

5. Kết luận

Trong những năm gần đây, vị trí, vai trò của các Hiệp hội đã từng bước được khẳng định và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bài viết này đã đánh giá thực trạng vai trò của các Hiệp hội trong việc hỗ trợ, kết nối các DNNVV Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bài viết đã chỉ ra được những hạn chế trong vai trò của các Hiệp hội, đồng thời, phân tích, lý giải được những nguyên nhân của các hạn chế đó. Đây là cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của các Hiệp hội nhằm hỗ trợ và kết nối các DNNVV Hải Phòng trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nội vụ, Viện Nghiên cứu Khoa học Tổ chức Nhà nước (2006), Dự án: Điều tra thực trạng về hội và tổ chức phi chính phủ ở nước ta hiện nay, Hà Nội.

2. Chính phủ (2018), Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội.

3. Chính phủ (2018), Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội.

4. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 quy định chi tiết một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội.

5. Chính phủ (2019), Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội.

6. Chính phủ (2021), Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 Hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2020, Hà Nội.

7. Chính phủ (2021), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/08/2021 quy định chi

tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội.

8. Jean Claude Passeron (2002), Lý luận xã hội học, Nxb Thế giới, Hà Nội.

9. Nguyễn Đình Tấn (2005), Xã hội học, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

10. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/06/2017, Hà Nội.

11. Quốc hội (2020), Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020, Hà Nội.

12. UBND thành phố Hải Phòng (2017), Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 03/11/2017 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hải Phòng đến năm 2020, Hải Phòng.

13. UBND thành phố Hải Phòng (2021), Báo cáo số 2050/UBND-DN ngày 02/04/2021 của UBND thành phố về đánh giá tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố, Hải Phòng.

Lượt truy cập: 264743
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn