Thời gian: 30/06/2023 06:07

Tăng cường công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp điện tử tại Hải Phòng

1. Đặt vấn đề

Lĩnh vực sản xuất điện tử là lĩnh vực công nghệ cao, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được là rất hạn chế. Lĩnh vực này đòi hỏi từ nguyên liệu cho đến máy móc và các kỹ thuật sản xuất có hàm lượng công nghệ rất cao, vì vậy các nhà máy sản xuất chi tiết như bảng mạch, IC, chip, panel màn hình, bóng bán dẫn chủ yếu được đặt tại các nước có trình độ công nghệ cao như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan... Tại các nước như Việt Nam và cả Trung Quốc chỉ là các phân xưởng lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn do các nhà sản xuất đặt ra.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử thấp, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 50 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong khi khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước còn rất hạn chế. [2]

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện ở Việt Nam đạt 51,2 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Còn mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 15,8%. 10 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn đạt 41,16 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; điện thoại các loại và linh kiện đạt 46,22 tỷ USD, tăng 9,6%. Thị trường xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam cũng liên tục được mở rộng, hiện Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại sang 50 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường hàng đầu, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, UAE, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, ASEAN…

2. Phân tích vấn đề

Sản xuất điện tử trên địa bàn Hải Phòng hiện tập trung chủ yếu vào các công ty, các tập đoàn có nguồn vốn FDI với đặc trưng sản xuất chủ yếu là lắp ráp, hoàn thiện thông qua nguồn vật tư từ nước ngoài. Quy trình sản xuất của các công ty này khép kín trong một chu trình sản xuất có tính chất toàn cầu. Thành quả sản xuất của một số công ty, một phần nhỏ bán trong nước Việt Nam, phần còn lại xuất khẩu đi toàn thế giới như LG, Samsung, nhưng cũng có một số công ty xuất khẩu 100% như Kyocera.

Đối với công ty LG Hải Phòng đặt tại khu công nghiệp Tràng Duệ, tại đây công ty hiện đang sản xuất nhiều sản phẩm tiêu dùng như tivi, tủ lạnh, lò vi sóng... và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như tivi 70% xuất đi Đông Nam Á, sản phẩm điện tử dành cho ô tô 100% xuất sang Châu Âu. Mặc dù công ty này được nhiều ưu đãi về thuế và chính sách ưu đãi nhưng đến thời điểm hiện tại việc thực hiện cam kết tỷ lệ nội địa hóa 50% vẫn chưa thực hiện được. Ngoài 27 doanh nghiệp Việt Nam cung ứng khoảng 10% vật tư linh kiện cho sản xuất của LG bao gồm dây hàn, nhựa, bao bì, phần còn lại chủ yếu của các công ty nước ngoài cung ứng. Nguyên nhân chủ đạo bao bồm:

Thứ nhất: các nhà cung ứng nội địa chưa đạt được tiêu chuẩn do LG đề ra để bước vào chuỗi cung ứng do yếu về công nghệ và vốn.

Thứ hai: Ít nhà đầu tư nội địa mặn mà với việc đầu tư sản xuất vật tư. Linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất điện tử trong nước do chi phí đầu tư cao và những giới hạn về chuyển giao công nghệ.

Thứ ba: nguồn linh kiện vật tư cung cấp từ các đối tác nước ngoài luôn sẵn có và giá cả hợp lý do công nghệ và quy trình sản xuất đã được hoàn thiện từ nhiều năm nay.

Thứ tư: Bản thân công ty LG cũng chưa thực sự quyết liệt trong quá trình nội địa hóa.

Vì vậy để thúc đẩy chuỗi cung ứng cho công ty LG nói riêng và chuỗi các nhà sản xuất điện tử nói chung, việc đầu tiên phải khuyến khích thúc đẩy phát triển ngành sản xuất phụ trợ cho công nghiệp điện tử. Mặc dù Nghị quyết số 115/NQ-CP thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử đã được ban hành từ ngày 6/8/2020, tuy nhiên đến nay công nghiệp phụ trợ đối với ngành điện từ vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 50 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử.

3. Giải quyết vấn đề

Do tính chất sản phẩm điện tử là một trong những ngành có tương lai phát triển lâu dài trên thế giới, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp tăng mức hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực điện tử, đồng thời có thể chủ động hóa phát triển ngành điện tử nội địa. Vì vậy bên cạnh chính sách của Chính phủ trong thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử, bản thân UBND thành phố Hải Phòng cũng phải mạnh dạn xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà đầu tư nội địa trong lĩnh vực linh kiện điện tử trên địa bàn Hải Phòng. Chỉ có những chính sách ưu đãi đặc biệt mới có thể hấp dẫn nhà đầu tư nội địa khi chi phí công nghệ và tính chất rủi ro cao. Việc ưu đãi đặc biệt có thể bao gồm:

- Hỗ trợ chi phí thuê đất trong 10 năm: đây là một khoản chi phí chiếm tỷ trọng không nhỏ đối với các doanh nghiệp, vì vậy nó có thể làm giảm giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

- Hỗ trợ ưu đãi thuế TNDN 0% trong 5 năm đầu và 5% trong 5 năm tiếp theo nếu doanh nghiệp đầu tư thỏa mãn các điều kiện:

· Công nghệ đầu tư hiện đại, tuổi công nghệ trong phạm vi 2 năm kể từ khi đầu tư.

· Công nghệ có tiềm năng, có khả năng nâng cấp phù hợp với biến đổi công nghệ tương lai

· Công nghệ là đặc biệt quan trọng, là công nghệ chủ chốt trong sản xuất một hoặc một vài loại linh kiện điện tử nào đó.

· Dây truyền công nghệ có công suất đủ lớn, đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất điện tử trên địa bàn Hải Phòng và có khả năng mở rộng quy mô sản xuất khi nhu cầu tăng lên.

· Công nghệ sản xuất đáp ứng chất lượng sản phẩm đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế.

· Công nghệ phù hợp với môi trường Việt Nam theo quy định trong luật Chuyển giao Công nghệ Việt Nam.

- Hỗ trợ doanh nghiệp kiểm định chất lượng sản phẩm quốc tế.

- Xây dựng chính sách áp dụng bắt buộc các công ty điện tử phải sử dụng sản phẩm của công

ty khi bản thân sản phẩm đó đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật - công nghệ.

- Hỗ trợ giảm thuế phí nhập khẩu đối với vật tư nhập khẩu, ví dụ chất bán dẫn trong sản xuất IC.

4. Kết luận

Lĩnh vực sản xuất điện tử tại Hải Phòng nói riêng, tại Việt Nam nói chung chủ yếu nằm trong tay những doanh nghiệp FDI, vì vậy nhiệm vụ cơ bản là yêu cầu các doanh nghiệp này đảm bảo lộ trình nội địa hóa. Nhưng cũng đồng thời phải phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử nội địa, qua đó mới có thể tăng mức nội địa hóa của các công ty điện tử hợp lý được./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong -nghiep/san-xuat-cong-nghiep-ho-tro-nganh-cong-nghiep-dien-tu-duy-tri-tang-truong-kha.html 2. https://vimexpo.com.vn/phat-trien-cong-n ghiep-ho-tro-nganh-dien-tu-hien-thuc-hoa-co-hoi/.

Lượt truy cập: 264702
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn