Thời gian: 28/06/2023 06:02

Những khó khăn khi thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và một số khuyến nghị để đẩy mạnh xuất khẩu những loại sản phẩm truyền thống của Hải Phòng vào thị trường EU

1. Mở đầu

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên Minh Châu Âu (EVFTA) đã được ký giữa Việt Nam và Ủy Ban Liên minh Châu Âu vào tháng 6 năm 2019 và được Nghị Viện Châu Âu thông qua vào tháng 2 năm 2020. Hiệp Định tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ thương mại toàn diện giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EU). Trong đó, mở ra cho Việt Nam cơ hội để xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường có tiềm năng kinh tế rất lớn gồm 28 nước phát triển hàng đầu trên thế giới. Tuy vậy, thị trường của những quốc gia giàu mạnh thường đặt ra những rào cản và những điều kiện rất khó khăn đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông. Vì vậy, cho đến nay, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nói chung của Hải Phòng nói riêng, vào thị trường đó còn rất hạn chế, hiệu quả thu được từ Hiệp Định không cao. Vấn đề đặt ra là mọi người Việt Nam cần phải hiểu rõ lợi ích cũng như những điều kiện để có thể khai thác những lợi ích đó. Bài báo này tập trung vào phân tích những lợi ích quan trọng và những điều kiện cần thiết để thực hiện EVFTA, từ đó sẽ đưa ra một số ý kiến để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Hải Phòng nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung, tham khảo nhằm khai thác có hiệu quả Hiệp Định, mang lại nhiều lợi ích hơn cho Thành phố Hải Phòng và cho đất nước Việt Nam.

2. Phân tích những lợi ích và điều kiện thực hiện EVFTA

2.1. Khái quát các cơ sở pháp lý của EVFTA

Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EU) khởi động đàm phán thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do viết tắt là EVFTA từ tháng 10 năm 2010, trải qua 9 năm đàm phán Hiệp Định đã được ký vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. EVFTA được Nghị viện EU chính thức thông qua vào ngày 20/2/2020. Kể từ ngày này, quan hệ thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức thiết lập.

Theo EVFTA, EU cam kết xóa bỏ ngay 85,6% và sau 7 năm sẽ xóa bỏ 99,2%, các dòng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tương đương 99,7% kim ngạch, 0,3% kim ngạch còn lại sẽ được sử dụng hạn ngạch

thuế quan. Như vậy, 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ hoặc giảm thuế xuống mức rất thấp trong thời gia ngắn. Về phía Việt Nam, Chính phủ cam kết xóa bỏ ngay 48,5% và sau 10 năm sẽ xóa bỏ 99,3% số dòng thuế của hàng hóa nhập khẩu từ EU, tương đương 99,8 % hạn ngạch xuất khẩu của EU, số còn lại được áp dụng xóa bỏ thuế dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan [1].

Tóm tắt cam kết của EU cho sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như sau:

Nhóm hàng Nông - Thủy sản:

+ Đối với thủy sản (Trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên):

- Xóa bỏ ngay 50% dòng thuế khi EVFTA có hiệu lực;

- 50% dòng thuế còn lại xóa bỏ theo lộ trình từ 3- 7 năm;

- Riêng đối với cá ngừ đóng hộp và cá viên: Áp dụng hạn ngạch thuế quan, có nghĩa là bỏ thuế theo mức khối lượng nhập.

+ Đối với gạo:

- Áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan, lượng nhập khẩu trong hạn ngạch thì được hưởng mức thuế 0%. Tổng hạn ngạch là 80.000 tấn, trong đó chia ra:

20.000 tấn cho gạo chưa xay xát; 30 000 tấn cho gạo xay xát; 30.000 tấn cho gạo thơm. Sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm và các sản phẩm từ gạo sau từ 3- 5 năm.

+ Đối với cà phê:

Xóa hoàn thoàn thuế nhập khẩu.

+ Đối với đường:

Áp dụng mức 0% thuế cho hạn ngạch 100.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn đường sản phẩm chứa trên 80% đường.

+ Đối với mật ong tự nhiên và sản phẩm rau, củ, quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi.

Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu.

Nhóm hàng công nghiệp:

+ Đối với hàng dệt may

- Xóa ngay đối với 42,5% dòng thuế;

- Số còn lại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.

+ Đối với giày dép

- Xóa ngay đối với 37% dòng thuế:

- Số còn lại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.

+ Đối với gỗ và sản phẩm gỗ

- Xóa ngay đối với khoảng 83% dòng thuế;

- Số còn lại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 5 năm.

+ Đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

- Xóa ngay đối với 74% dòng thuế;

- Số còn lại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 5 năm.

+ Đối với một số sản phẩm khác: Xóa ngay thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhựa, điện thoại và các loại linh kiện, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù…

Phía Việt Nam, Chính phủ cũng cam kết bỏ thuế nhập khẩu và áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với từng loại hàng nhập khẩu từ EU để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa EU nhập vào Việt Nam tương ứng với những ưu đãi mà phía EU dành cho sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài cam kết bỏ và giảm thuế nhập khẩu từ hai phía, Hiệp Định còn quy định rất cụ thể và chi tiết về các lĩnh vực khác liên quan đến thương mại và đầu tư như:

- Quy tắc xuất xứ;

- Cam kết về dịch vụ và đầu tư: Việt Nam cam kết cho phép các hoạt động dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, vận tải, phân phối được thực hiện tại Việt Nam. Về đầu tư: Hai bên cam kết đối xử như nhau đối với nhà đầu tư từ Việt Nam hay EU hoạt động trên lãnh thổ của nhau.

- Cam kết về mua sắm của Chính phủ. Nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của việc mua sắm công, đảm bảo chi tiêu có hiệu quả Ngân sách Nhà nước, EVFTA quy định về quy tắc và thủ tục áp dụng trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

- Cam kết về sở hữu trí tuệ: Cam kết liên quan đến bản quyền, phát minh, sáng chế, dược phẩm, chỉ dẫn địa lý…

- Cam kết về đối xử tối huệ quốc.

- Cam kết về Thương mại và Phát triển bền vững: Các quy tắc liên quan đến Đa dạng sinh học; Biến đổi khí hậu; Quản lý tài nguyên rừng và thương mại lâm sản; Quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản; Lao động và Minh bạch hóa.

- Cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng rào kỹ thuật.

- Cam kết về cạnh tranh và DNNN: Cam kết xây dựng và thực thi Luật cạnh tranh, đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.

2.2. Những lợi ích của Việt Nam từ EVFTA

EVFTA mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Việt Nam cũng sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh với công ty châu Âu thuận lợi hơn. Thị trường EU gồm 27 nước thành viên (trừ nước Anh đã ra khỏi EU), diện tích đến trên 4 triệu ki lô mét vuông, dân số trên 437 triệu người. GDP hàng năm đạt gần 15 ngàn tỷ Đô la Mỹ. Là thị trường các nước phát triển, sức mua rất lớn, thị trường này mở ra khả năng tiêu thụ rất thuận lợi và có hiệu quả cao cho các sản phẩm của Việt Nam nhất là các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản nước ta có lợi thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. EVFTA tạo điều kiện để các công ty châu Âu với công nghệ tiến tiến hàng đầu thế giới đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, góp phần giúp đất nước nhanh chóng thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công ty châu Âu sẽ có thể đầu tư và được quyền tham dự vào các hợp đồng Chính phủ với cơ hội cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp Việt Nam, điều đó làm cho việc chi tiêu của Chính phủ được minh bạch và hiệu quả hơn. Bên cạnh lợi ích kinh tế, việc bảo đảm tôn trọng các quyền về lao động, bảo vệ môi trường và Hiệp định Paris về khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững được thực hiện tốt hơn.

2.3. Điều kiện thực hiện EVFTA

Để có thể phát huy tốt lợi ích của EVFTA, Việt Nam cần thiết phải vượt qua những thách thức, đó cũng chính là những điều kiện để thực hiện Hiệp Định này. Những điều kiện cơ bản mà Việt Nam cần phải bảo đảm để tực hiện EVFTA gồm [1]:

- Người dân EU có mức thu nhập cao, bình quân đầu người khoảng 36000 USD/năm, cao hơn gần gấp 3 lần thu nhập bình quân của người Trung Quốc nên thị trường này có đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về sản phẩm không chỉ về mặt kỹ thuật và còn cả các tiêu chuẩn về xã hội. Các tiêu chuẩn xã hội của sản phẩm là những rào cản rất khó thực hiện như:

- Nhân cách của người sản xuất theo chuẩn châu Âu. Các cơ sở sản xuất của Việt Nam phải thể hiện được trách nhiệm xã hội của mình để người châu Âu tin tưởng về nhân cách như việc tuân thủ pháp luật, không trốn, lậu thuế, không xả thải chất độc hại ra môi trường, không lạm dụng lao động trẻ em, thực hiện tốt chế độ thù lao lao động và đối xử nhân văn với người lao động…

- Về thể chế chính sách, pháp luật: Chính phủ phải cam kết và có lộ trình cải cách, hoàn thiện theo những quy tắc đặt ra trong Hiệp Định.

- Chính phủ phải cam kết và có biện pháp đảm bảo môi trường kinh doanh, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn lao động, đảm bảo điều kiện lao động, chế độ thù lao lao động…

- Sản phẩm phải được chứng minh xuất xứ cùng với minh chứng về quy trình sản xuất rõ ràng.

2.4. Đánh giá tình hình thực hiện EVFTA

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã có bước phát triển rõ rệt, hàng hóa của Việt Nam nhập vào EU đã tăng lên cả về lượng và giá trị. Các doanh nghiệp EU thực hiện nhiều dự án lớn, công nghệ cao tại Việt Nam. Mặc dù năm 2020 và đầu năm 2021 cả Việt Nam và EU đều bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - EU vẫn có sự tăng trưởng, trong khi quan hệ đó trên các thị trường khác đều giảm sút nghiêm trọng. Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam- EU được thể hiện qua một số số liệu sau:

Bảng 1. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU 3 năm vừa qua

Kim

ngạch (Tỷ

USD) 2020 2021 2022 Tăng trưởng BQ (%)

Nhập 14,66 13,87 15,26 102,3

Xuất 35,14 40,06 46,07 114,5

(Nguồn: Niên giám Thống kê 2020, 2021, 2022)

 

 

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU theo mặt hàng được thể hiện trong bảng sau:

 

Bảng 2. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào EU năm 2022 theo mặt hàng

KIM NGẠCH X.K

(Tỷ USD) Năm 2021 Năm 2022 Tăng trưởng (%)

1. Điện và linh kiện 57,9 58,0 100,08

2. Vi tính và SP

điện tử 50,8 55,5 109,30

3. Máy móc, thiết

bị 38,3 45,75 119,40

4. Dệt may 32,8 37,57 114,70

5. Giày dép 17,8 23,9 134,60

6. Gỗ và SP gỗ 14,9 16,1 108,10

7. Ô tô - 11,9 -

8. Thủy sản 8,9 10,92 123,00

9. Sắt thép 6,0 7,99 132,20

(Nguồn: Niên giám Thống kê 2021, 2022)

Về tình hình xuất khẩu sản phẩm của Thành phố Hải Phòng vào thị trường EU, sản phẩm từ khu vực FDI gồm các sản phẩm điện, điện tử, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, dệt may, da giày vẫn đang duy trì tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU của cả nước và mức tăng trưởng ổn định. Sản phẩm từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vào EU còn rất hạn chế và tăng trưởng không ổn định mặc dù Hải Phòng đang có những thế mạnh nhất định trong cạnh tranh hàng hóa nông, lâm, thủy sản trên thị trường quốc tế. Thành phố đã hình thành 1 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Tân Liên, Tam Đa huyện Vĩnh Bảo, với tổng diện tích trên 212ha do Công ty TNHH VinEco đầu tư và 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Thành phố đã thu hút được 9 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích gần 500ha, vốn đầu tư trên 3,1 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, mục tiêu thành phố đặt ra là xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU). Cho đến nay, xuất khẩu thủy sản của Hải Phòng vẫn còn hạn chế, sản phẩm nông nghiệp xuất vào EU hầu như chưa được nghi nhận.

Tóm lại, qua số liệu về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU nói chung, trong đó có thị phần của Hải Phòng, ta thấy kim ngạch xuất nhập hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng liên tục qua các năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Xét về chiều xuất từ Việt Nam vào EU, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, có những mặt hàng tăng tới trên 30% giữa kim ngạch năm 2022 so với năm 2021. Tuy vậy, các mặt hàng có lưu lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn vào EU chủ yếu thuộc lĩnh với công nghiệp, trong đó sản phẩm công nghiệp công nghệ cao có xuất xứ từ các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam mặc dù có lợi thế so sánh tương đối so với sản phẩm đó của các nước EU nhưng lượng và kim ngạch EU nhập của Việt Nam không cao. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào EU không đáng kể, riêng đối với Hải Phòng, ngoài lượng thủy sản hạn chế, các sản phẩm nông nghiệp khác hầu như chưa xuất khẩu được vào EU. Nguyên nhân của những hạn chế, không phát huy được thế mạnh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nước ta nằm ở chỗ Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ các Tiêu chuẩn và Điều kiện đặt ra đối với sản phẩm của Việt Nam theo EVFTA. Những tiêu chuẩn có tính xã hội là những rào cản gây rất nhiều khó khăn cho Việt Nam. Về môi trường cạnh tranh, môi trường sống, môi trường sản xuất kinh doanh, sản xuất xanh, sản xuất bền vững… EU đặt ra các yêu cầu cao mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Các vấn đề về lao động, quyền và thù lao cho người

lao động… cũng chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng khó tính tại thị trường EU. Về xuất xứ sản phẩm cũng chưa kiểm soát được chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái. Về chính sách, luật pháp cũng vẫn còn những điều chưa hoàn thiện. Riêng đối với sản phẩm thủy, hải sản, EU yêu cầu không chỉ phải bảo đảm chất lượng, mẫu mã mà việc đánh bắt, nuôi trồng phải đảm bảo không hủy diệt môi trường, không gây ô nhiễm môi trường, không làm mất cân bằng sinh thái. Nghề khai thác thủy, hải sản cũng chưa đảm bảo được Công ước quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing - IUU). Thực hiện và chứng minh cho việc đã thực hiện các yêu cầu trên đang gây rất nhiều khó khăn đối với Việt Nam. Khi chưa chứng minh được việc đã đáp ứng các yêu cầu trên thì sản phẩm khó có thể đưa vào thị trường EU.

Vấn đề đặt ra cho cả nước nói chung, cho Thành phố Hải Phòng nói riêng, là làm sao cho mọi người dân hiểu rõ lợi ích của EVFTA, hiểu rõ những điều kiện của EVFTA đặt ra để cùng nỗ lực thực hiện các yêu cầu của Hiệp Định. Việc thực hiện các yêu cầu của EVFTA không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành có chức năng quản lý có liên quan mà cần tổ chức hành động một cách bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng lòng, chung tay thực hiện của mọi người, từ đội ngũ cán bộ đến từng người dân.

3. Một số khuyến nghị để đẩy mạnh xuất khẩu những loại sản phẩm truyền thống của Hải Phòng vào thị trường EU

Lợi ích từ EVFTA đối với nền kinh tế đất nước ta là to lớn, tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa khai thác tốt lợi ích đó. Đối với Thành phố Hải Phòng, những sản phẩm truyền thống trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng hầu như chưa vào được thị trường các nước khối EU, chưa khai thác được lợi ích của EVFTA. Nguyên nhân của tình trạng đó đã được phân tích ở trên. Để tăng cường thực hiện EVFTA chúng ta cần nỗ lực thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp, trong đó một số giải pháp cơ bản tập trung giải quyết những hạn chế, yếu kém chưa đáp ứng được các yêu cầu của EVFTA, các khuyến nghị cụ thể như sau:

Khuyến nghị thứ nhất: Làm cho toàn dân thấu hiểu lợi ích của EVFTA và những yêu cầu từ phía EU.

Thành phố cần có Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, các địa phương tổ chức nghiên cứu và tuyên truyền rộng khắp đến toàn thể nhân dân Thành phố bằng tất cả các phương tiện thông tin, thực hiện thường xuyên, liên tục, kéo dài về những lợi ích cơ bản, những yêu cầu cụ thể của EU trong EVFTA. Các cơ quan quản lý liên quan cần phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức nhiều cuộc hội thảo, phát hành nhiều tài liệu nghiên cứu và khuyến nghị về việc thực hiện EVFTA.

Khuyến nghị thứ hai: Xây dựng hương hiệu sản phẩm là biện pháp quan trọng hàng đầu.

Trước hết, làm cho mọi người đều hiểu rõ về thương hiệu cho các sản phẩm của mình đồng thời quảng bá thương hiệu đó trên thị trường. Thương hiệu sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp của Thành phố là danh tiếng của nó trên thị trường mà người tiêu dùng trên thị trường nói chung, thị trường EU nói riêng đều biết đến và tin dùng. Thương hiệu sản phẩm phải có đủ hai thành tố: Một là Điều kiện cần - sản phẩm phải có chất lượng, mẫu mã phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng; Hai là Điều kiện đủ - sản phẩm thỏa mãn sự đòi hỏi của khách hàng trên thị trường giàu và khó tính như EU. Đây là những yếu tố không thể hiện ở các tính chất vật lý hay hình thức của sản phẩm mà nó là những yếu tố thuộc về phẩm chất của người sản xuất, của quốc gia mà sản phẩm có xuất xứ. Những yếu tố này khó nhận biết, khó thực hiện đầy đủ. Một số yếu tố đó có thể kể đến như: Xuất xứ sản phẩm rõ ràng; Nhân cách của người sản xuất thể hiện trong cách thức đối xử với môi trường, đối xử với xã hội, với người dân, đối xử với người lao động. Điều này có nghĩa là, người xuất khẩu sản phẩm vào EU phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; chứng minh người sản xuất đã không xả thải chất độc hại ra môi trường, không hủy diệt môi trường sinh thái, không vi phạm pháp luật, không trốn thuế, buôn lậu, không vi phạm các Công ước quốc tế về lao động tiền lương, về lao động trẻ em…Tất cả những yếu tố đó không thể chứng minh thông qua nhân cách của một hoặc một số cơ sở sản xuất thậm chí là

qua một số địa phương mà chỉ có thể chứng minh, thuyết phục khách hàng khi nó được phổ biến trên diện rộng, phổ biến trên phạm vi quốc gia. Ta có thể hiểu điều này qua Công ước Quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Theo đó, hải sản của Việt Nam bị “thẻ vàng” vào thị trường EU do chưa chứng minh được việc thực Công ước này, chưa thuyết phục được Ủy ban Châu Âu.

Vì vậy, khuyến nghị như sau:

- Phải tuyên truyền, giáo dục toàn dân Thành phố thông qua các kênh, các phương tiện về thương hiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp của Hải Phòng;

- Thành phố cần phải đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật, và có chương trình hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để doanh nghiệp và người dân thực hiện sản xuất xanh, sản xuất sạch, sản xuất thân thiện môi trường. Cần có: Hệ thống thu gom, xử lý chất thải; Phương tiện khai thác hải sản xa bờ; Quy hoạch vùng nuôi trồng; Trên từng con đường, từng góc phố, từng làng quê đều phải đảm bảo từng bước xây dựng môi trường sống, môi trường sản xuất kinh doanh, cùng với lối sống người dân càng ngày càng xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, văn minh hơn…

- Ban hành các Quy định chi tiết, đầy đủ, đồng bộ về về việc thực hiện các mục tiêu trên đồng thời với Chế tài xử lý nghiêm khắc các vi phạm, thực hiện Chế tài nghiêm túc.

- Thành phố cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư. Đảm bảo sản xuất, chế biến theo quy trình và công nghệ tiên tiến.

- Tuyên truyền, giáo dục người dân thay đổi thói quen sản xuất, tiêu dùng lạc hậu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất đảm bảo mục tiêu ‘xanh, sạch, thân thiện, tiên tiến”. Chẳng hạn giảm dần tiến tới thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng nước mắm, mắm tôm theo lối truyền thống gây mất cân bằng sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn thức ăn cho nhiều loài sinh vật biển.

Khuyến nghị thứ ba: Quảng bá thương hiệu rộng rãi

Tổ chức và tuyên truyền cho người dân tham gia đông đủ, thường xuyên các Hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh, các tổ chức truyền thông trong nước, quốc tế để chứng minh những loại sản phẩm tốt cùng với những thành tựu trong nỗ lực thực hiện mục tiêu sản xuất xanh, sạch, thân thiện, tiên tiến. Nỗ lực thiết lập sàn thương mại điện tử hoặc đưa sản phẩm của Hải Phòng lên các sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế.

Khuyến nghị thứ 4: Số hóa trong sản xuất

Tuyên truyền và hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong nuôi trồng, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Mỗi sản phẩm đều được mã hóa, số hóa việc lưu và truy xuất hồ sơ thông qua mạng internet về tất cả những thông tin có liên quan. Đảm bảo việc sản xuất diễn ra theo đúng quy trình kỹ thuật tiên tiến, đồng thời đảm bảo người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới dễ dàng truy xuất thông tin sản phẩm, thông tin về người sản xuất. Tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất đảm bảo tính khoa học trong sản xuất, minh bạch, rõ ràng trong tiêu thụ và tạo lập được niềm tin của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở thị trường giàu có, văn minh như thị trường EU.

4. Kết luận

Nghị quyết số 45-NQ/TƯ ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, Thành phố trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á [2].

Để thực hiện thành công Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nhanh chóng đưa Hải Phòng trở thành một đầu mối của chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiệm vụ và là giải pháp quan trọng. Trong đó, việc thực hiện tốt Hiệp định EVFTA là một phần không thể thiếu trong hệ thống các giải pháp nói trên. Việc thực hiện EVFTA đối với Việt Nam nói chung, đối với Hải Phòng nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của Thành phố mặc dù đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống kinh tế của Thành phố nhưng giá trị xuất khẩu còn rất hạn chế. Đối với thị trường EU, đây là thị trường có

sức tiêu thụ rất lớn nhưng sản phẩm truyền thống của Hải Phòng được xuất khẩu vào thị trường này còn rất hạn chế, đa số sản phẩm chưa tiếp cận được.

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích một số khía cạnh cơ bản về những lợi ích cũng như điều kiện để thực hiện được tốt Hiệp định EVFTA, chỉ ra một số khó khăn và nguyên nhân mà cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng chưa khai thác tốt được lợi ích từ EVFTA. Tác giả cũng đề xuất một số khuyến nghị để các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân Thành phố Hải Phòng tham khảo trong việc thực hiện thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm truyền thống thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vào thị trường EU góp phần phát triển Thành phố./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sở Công Thương Hải Phòng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hà Nội 2019.

2. Nghị quyết số 45-NQ/TƯ ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Tổng cục Thống kê, Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Thống kê năm 2020, 2021, 2022.

4. Nguyễn Hạnh, Điểm tên những thách thức từ các thị trường xuất khẩu nông sản năm 2023, Báo điện tử, Bộ Công thương, Ngày 10/02/2023.

Lượt truy cập: 264706
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn