Thời gian: 28/04/2024 09:18

Ý nghĩa lịch sử của chiến công đập tan trận càn Cờ Lốt của thực dân Pháp của Đảng bộ, quân và dân huyện Tiên Lãng

Để triển khai kế hoạch Na Va, ngày 28/8/1953, thực dân Pháp huy động 3 binh đoàn cơ động, 2 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn dù, 5 đại đội Com măng đô, 50 xe lội nước, 43 tầu chiến lớn nhỏ và nhiều máy bay mở trận càn Cờ Lốt (Claude) vào huyện Tiên Lãng từ 28/8/195. Âm mưu của chúng là tiêu diệt cơ quan chỉ huy kháng chiến, bộ đội tỉnh Kiến An, xóa khu du kích Tiên Lãng để mở rộng và củng cố "vành đai an toàn" của "khu cố thủ Hải Phòng" của chúng. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy Kiến An, Đảng bộ, quân và dân huyện Tiên Lãng đã đoàn kết một lòng, hợp đồng chặt chẽ, kiên cường đập tan trận càn quét lớn và dài ngày của thực dân Pháp. Ngày 20 tháng 9 năm 1953, thực dân Pháp phải rút quân cơ động khỏi địa bàn huyện Tiên Lãng, chấp nhận thất bại.

Chiến công đập tan trận càn Cờ Lốt của Đảng bộ, quân và dân huyện Tiên Lãng có ý nghĩa lịch sử quan trọng:

Thứ nhất, đã góp phần làm phá sản kế hoạch Na Va của thực dân Pháp ngay từ thời điểm bắt đầu được triển khai thực hiện (tháng 8 năm 1953).

Trực tiếp là làm thất bại âm mưu tiêu diệt cơ quan chỉ huy kháng chiến, bộ đội tỉnh Kiến An, xóa khu du kích Tiên Lãng để mở rộng và củng cố "vành đai an toàn" của khu cố thủ Hải Phòng của chúng. Sau thất bại của trận càn, trên địa bàn Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, địch buộc phải co cụm và lún sâu vào thế phòng ngự, bị động. Bộ đội và du kích ta thi đua "nhốt chặt địch" trong các vị trí đóng quân. Mặt khác, chiến công đập tan trận càn Cờ Lốt của Đảng bộ, quân và dân Tiên Lãng cũng góp phần làm tiêu hao đáng kể một phần sinh lực địch.

Thứ hai, đây là thắng lợi của sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân mà Đảng bộ, quân và dân huyện Tiên Lãng dầy công xây dựng trên địa bàn huyện.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tiên Lãng là huyện cuối cùng của tỉnh Kiến An bị thực dân Pháp đánh chiếm (tháng 1 năm 1950). Trong những năm 1950 đến tháng 8 năm 1953, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ huyện đã nêu cao tinh thần quyết tâm, bám đất, bám dân, gây dựng cơ sở kháng chiến, từng bước xây dựng huyện thành khu du kích của tỉnh Kiến An. Thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn huyện được củng cố vững chắc bao gồm: lực lượng vũ trang bao gồm bộ đội tỉnh Kiến An, bộ đội huyện, dân quân du kích các xã, thôn; làng kháng chiến xung quanh trồng tre rào làng, bên trong có hào giao thông, có cổng làng người canh gác suốt đêm ngày chống địch do thám. Trong làng có hào giao thông từ nhà này sang nhà kia, từ xóm này thông sang xóm khác và kết nối giao thông giữa các làng với nhau tạo thành thế liên hoàn đánh giặc. Trận địa chông mìn đạp lối của du kích như một chiến trận thiên la địa võng bày sẵn ở mọi nơi để “nhử” địch: như chuồng gà, chuồng lợn, buồng chuối, bờ ao và những bãi chông nằm trên đoạn đường địch ắt phải đi qua, nơi chúng tập trung quân đội để tiêu diệt địch. Về chính trị, quân và dân huyện tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về kinh tế, quân và dân huyện ra sức tăng gia sản xuất, lương thực đảm bảo cho bộ đội du kích chiến đấu dài ngày. Đồng thời còn giao nộp thuế nông nghiệp đối với Chính phủ. Năm 1953, nhân dân Tiên Lãng đã đóng cho kháng chiến 1028 tấn thóc thuế nông nghiệp (vượt mức tỉnh giao 225 tấn) 65 tấn thóc công lương, ủng hộ bộ đội 5.362.000đ và 350m vải. Trong thời gian địch càn quét, cán bộ, đảng viên, quân và dân huyện đoàn kết, đồng lòng, mưu trí đánh trả, đối phó và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chúng.

 Trước sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân của Đảng bộ, quân và dân huyện, bọn địch bị đánh thất bại thảm hại, ngày 20/9/1953 buộc địch phải rút quân cơ động gồm toàn bộ GEM3, GEM5 và các tiểu đoàn dù và pháo binh ra khỏi Tiên Lãng. Rút khỏi Tiên Lãng, tên Nê Mô chỉ huy phó GEM5, một trong những tên chỉ huy trận cần phải thốt lên: “Càn lên Tiên Lãng, quân đội Pháp phải đối phó với một rừng chông, trẻ con cũng đánh hăng như sư tử”.

Ba là, đây là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy tài tình của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Kiến An; của Huyện ủy, chính quyền huyện Tiên Lãng trong bố trí lực lượng bộ đội tỉnh, huyện đánh địch kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và binh ngụy vận, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng.

Nắm được âm mưu của địch, Tỉnh ủy Kiến An đã chủ trương phân tán các đại đội bộ đội tỉnh về địa bàn các xã, để phối hợp với dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu. Những hoạt động của địch, Tỉnh ủy nhận định và chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, kế hoạch chống càn,được phổ biến từ huyện đến cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công ủy viên phụ trách các khu vực, mỗi đồng chí Huyện ủy viên phụ trách một tiểu khu để đối phó, chống càn.

Từ sáng sớm ngày 28/8/1953, địch tiến công vào Tiên Lãng với 5 mũi, 21 tiểu đoàn quân tinh nhuệ, có máy bay, pháo binh yểm trợ, có xe lội nước càn vào Tiên Lãng, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu “Cất vó” cán bộ của tỉnh và huyện. Nhưng địch đã vấp phải sự kháng cự rất quyết liệt của quân dân Tiên Lãng đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với địch, khi chúng càn vào làng, ngay từ trận đầu tiên, địch đã bị thất bại thảm hại ở trận độn thổ Hán Nam xã Kiết Thiết, ta tiêu diệt 70 tên chủ yếu là lính Âu Phi, bắt sống 5 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Trận đánh hay, diệt gọn, địch không kịp trở tay. Thắng lợi trận đầu đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân trong những ngày chống địch càn quyét.

Tối 30/8 đồng chí Nguyễn Bá Thành, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp theo dõi Tiên Lãng đã họp với Ban Thường vụ Huyện ủy và các đồng chí cán bộ chỉ huy đơn vị 295, 196 truyền đạt chỉ thị của cấp trên. Nhận định tình hình, tính chất, qui mô của trận càn này mang tên Cờ Lốt (Claude), nhằm bình định Tiên Lãng “Cất vó” toàn bộ ban lãnh đạo của huyện và cơ quan tỉnh đóng ở Tiên Lãng. Chúng huy động lực lượng quân cơ động nhanh, thắng nhanh và hội tụ ở Bạch Đằng, Cấp Tiến.

Tỉnh ủy Kiến An đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo chống càn của tỉnh gồm có: đồng chí Nguyễn Bá Thành, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng chí Hoàng Thanh, Bí thư huyện Tiên Lãng, làm Phó ban; đồng chí Phạm Tuyên, Chủ tịch UBKC-HC huyện làm ủy viên, đồng chí Nguyễn Sĩ Đô, Phó ban Tham mưu Tỉnh đội về theo dõi trận càn làm ủy viên.

Ban chỉ đạo chống càn tỉnh họp xác định phải tiếp tục tổ chức lãnh đạo huyện, quân và dân Tiên Lãng kiên quyết đánh bại trận càn lớn của giặc. Địch thực hiện âm mưu càn quét dài ngày, cướp phá, đốt nhà, vây bắt cán bộ, bộ đội, bắn giết nhân dân ta rất dã man. Với nhiều cách đánh sáng tạo của quân dân Tiên Lãng, dùng chông, mìn, cạm bẫy, địch sa vào trận địa thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, du kích có hàng trăm nghìn cách đánh địch mà chúng không có cách nào đối phó được. Cả 5 cánh quân, chúng đi đến đâu đều bị bộ đội, du kích các xã chặn đánh quyết liệt.

Chiến thắng trận phá Càn Cờ lốt, quân dân Tiên Lãng vinh dự được Hồ Chủ tịch gửi thư khen. Bác khen “Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ huyện nhà lâu nay đã đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn, liên tục chiến đấu”chính nhờ có đoàn kết trên dưới một lòng mới làm lên chiến thắng. Bác động viên “Tôi mong rằng mọi người hăng hái đoàn kết chiến đấu, không chủ quan khinh địch”

Thực hiện lời Bác dạy quân dân hăng hái đoàn kết chiến đấu, trong trận càn Cờ lốt, dân quân và du kích kết hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh địch trong các trận càn. Đặc biệt là ở xã Khởi Nghĩa, nhân dân sát cánh cùng lực lượng vũ trang, vừa phục vụ bộ đội, du kích đánh giặc vừa trực tiếp đấu tranh với giặc. Nhân dân không chỉ lo cho bộ đội, du kích ăn no mặc ấm, mà còn chăm sóc thương binh chu đáo. Cả trận địa không có thương binh nào sa vào tay giặc…

Trong trận chiến đấu, các lực lượng đoàn thể được huy động  như Đội thiếu niên “Gang Thép” của xã Quyết Tiến, các em phân công nhau làm liên lạc, mang cơm nắm cho bộ đội, du kích. Nhiều em thâm nhập vào nơi địch đóng quân lấy trộm đạn của địch để tiếp tế cho du kích và quấy rối bọn địch đóng ở chùa Mụa làm chúng mất ăn mất ngủ. Kết quả dân quân du kích các xã đã diệt 60 tên địch, làm hàng chục tên bị thương do sập hố chông và dẫm phải đạp lôi…

Công tác dân vận chị em phụ nữ ở các xã, đấu tranh gọi hàng binh ở bốt địch, quay về với nhân dân, giải thích chính sách khoan hồng của Đảng và chính phủ, làm cho tinh thần binh lính rệu rã. Đồng thời các mẹ, các chị làm công tác hậu cần nấu cơm, gánh nước phục vụ bộ đội, du kích chiến đấu đã động viên và tạo nên sức mạnh của quân dân góp phần vào chiến thắng.

Bốn là, Chiến công đập tan trận càn Cờ lốt đã cổ vũ và cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu để quân và dân khu tả ngạn sông Hồng chống địch càn quét thắng lợi, đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến, góp phần đập tan kế hoạch Na Va và phối hợp với chiến dịch bao vây, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của ta.

Hơn 20 ngày đêm chiến đấu (từ 28/8/1953 đến 20/9/1953) địch buộc phải rút quân khỏi Tiên Lãng, quân dân ta chiến đấu 182 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 677 tên địch chủ yếu là lính Âu Phi, bắt sống nhiều tên, bắn bị thương 2 máy bay, thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng. Thắng lợi đó là đường lối quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng, đã đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm.

Sự bền gan chiến đấu, chịu đựng gian khổ, hy sinh của nhân dân, bộ đội và du kích. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm tiêu biểu như: Anh Vũ Hồng Phong Đại đội 295, bị thương vào bụng vẫn bình tĩnh buộc vết thương tiếp tục chiến đấu. Bí thư chi bộ Bạch Đằng Nhữ Văn Hộ bật nắp hầm, ném lựu đạn vào bọn địch và hy sinh anh dũng, em Phạm Ngọc Đa, Đỗ Văn Bước người thiếu niên dũng cảm, gan dạ khi sa vào tay giặc, chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng các em thà chết không khai nửa lời. Nữ du kích Phạm Thi Xim thôn Chử Khê xã Hùng Thắng đã đội hầm xông lên, dùng lựu đạn tiêu diệt địch, chị đã hy sinh anh dũng.  Chiến sĩ thi đua giết giặc toàn quân Phạm Đình Nguyên Đại đội 331 chiến đấu dũng cảm hy sinh, cụ Phạm Văn Vịnh thôn Kỳ Vĩ, xã Quang Phục dùng mưu trí đánh giặc và còn hàng trăm tấm gương khác đã kiên cường, dũng cảm, hy sinh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, kháng chiến nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng trận phá Càn Cờ lốt 1953 có thể khẳng định đây là cuộc phá càn thắng thắng lợi ở quy mô chiến dịch dài ngày của quân dân Tiên Lãng, lực lượng chính là bộ đội địa phương, dân quân du kích, cùng toàn dân, đã đánh bại những đơn vị chủ lực cơ động mạnh của địch. Thắng lợi này đã tạo đà cho chiến tranh du kích ở đồng bằng Tả Ngạn sông Hồng trong Thu Đông 1953 giữ vững và phát triển, phối hợp với chiến trường chính, tiến tới làm phá sản kế hoạch Nava, góp phần vào thắng lợi quyết định tại Mặt trận chiến trường Điện Biên Phủ./.

Lượt truy cập: 264010
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn