Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), sáng ngày 25/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Khoa học Lịch Sử và Câu lạc bộ Trung dũng - Quyết thắng thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học "Hải Phòng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ". Tham dự Hội thảo có đồng chí Đào Khánh Hà - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Truởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, đại diện lãnh đạo các sở ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và các chiến sĩ Điện Biên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố nêu rõ: Hải Phòng là thành phố Cảng, thành phố “trung dũng - quyết thắng”, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hải Phòng có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần làm phá sản Kế hoạch Nava của thực dân Pháp và cùng cả nước làm nên bản “anh hùng ca bất diệt” - chiến thắng Điện Biên Phủ. 70 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như sự đóng góp của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời nêu rõ mục đích, ý nghĩa của Hội thảo: Hội thảo với mong muốn góp phần làm rõ thêm chủ trương và những đóng góp quan trọng của các Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An trong quá trình cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong những năm 1953 đến 7/5/1954; kết quả của hội thảo góp thêm tài liệu phục vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân thành phố trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, khát vọng yêu chuộng hòa bình; đúc rút những kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
TS. Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phát biểu khai mạc Hội thảo.
Các đại biểu tham luận nhiều nội dung như, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đẩy mạnh kháng chiến góp phần làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ; ý nghĩa, bài học lịch sử của chiến công đập tan trận càn Cờ-lốt của thực dân Pháp của Đảng bộ, quân và dân Tiên Lãng; trận tập kích sân bay Cát Bi (7/3/1954) - ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm, Ký ức về trận đánh sân bay Cát Bi của tỉnh đội Kiến An ngày 07/3/1954; Những đóng góp của đồng chí Đặng Kinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tại Hội thảo, Đại tá Lê Sỹ Mão, người từng tham gia chiến đấu ở Mường Thanh, Đồi A1, sân bay Mường Thanh, tham gia tải đạn, tải lương thực… trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Thiếu tá Trương Văn Ky, nguyên chiến sĩ Cơ động pháo 37 ly F367, Trợ lý tham mưu (Phòng không) Quân khu 4 tham gia trực tiếp vào những đợt tấn công trên chiến trường... đã chia sẻ những kỷ niệm hào hùng trong thời gian các đồng chí tham gia tại chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tá Lê Sỹ Mão kể về kỷ niệm tại chiến trường
Kết luận Hội thảo, ông Phạm Xuân Thanh - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố đã nêu 6 nội dung:
Một là, trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch Na Va của thực dân Pháp, Hải Phòng - Kiến An - đường số 5 - Hà Nội là khu cố thủ chiến lược của chúng. Những âm mưu và thủ đoạn chiến tranh mà thực dân Pháp tiến hành cả về chính trị, quân sự và kinh tế trên địa bàn Hải Phòng - Kiến An trong thời gian này được các tác giả, các đại biểu trình bày, phân tích, thảo luận, làm rõ tại hội thảo đã cho thấy việc bảo vệ "an toàn" cho khu cố thủ chiến lược Hải Phòng - Kiến An đối với thực dân Pháp là có ý nghĩa sống còn đến thành công hay thất bại của kế hoạch Na Va cũng như mưu đồ của chúng khi xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để thu hút và tiêu diệt các sư đoàn quân chủ lực của ta.
Ông Phạm Xuân Thanh - Chủ tịch Hội Khoa học và Lịch sử kết luận Hội thảo
Hai là, nắm vững âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của địch, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tổng Quân ủy Trung ương, Khu ủy Khu Tả ngạn sông Hồng, Tỉnh ủy Kiến An và Thành ủy Hải Phòng đã đề ra các chủ trương, nhiệm vụ lãnh đạo đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện bảo đảm đúng đắn, kịp thời, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, lập công xuất sắc và đạt hiệu quả cao. Qua đó, đã góp phần quan trọng làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và phối hợp, chia lửa với chiến dịch bao vây tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của ta một cách đầy hiệu quả.
Ba là, trong đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, hai đảng bộ, quân và dân Kiến An- Hải Phòng đã mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, lập được những chiến công xuất sắc. Tiêu biểu: Chiến công đập tan trận Càn Cờ lốt của thực dân Pháp (từ 28/8 đến 20/9/1953) của Đảng bộ, quân và dân huyện Tiên Lãng; chiến công tập kích sân bay Cát Bi (7/3/1954) của bộ đội tỉnh Kiến An.
Bốn là, không chỉ đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến toàn dân, toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, binh ngụy vận phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ; cũng đã có hàng ngàn người con Hải Phòng - Kiến An là bộ đội, tham gia thanh niên xung phong, dân công trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 56 ngày đêm quân ta tiến hành bao vây, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Năm là, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và trong giai đoạn từ tháng 8 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954 nói riêng, các tầng lớp quân và dân Kiến An Hải Phòng đã luôn tỏ rõ lòng yêu nước và cách mạng, tinh thần "Trung dũng" và "Luôn luôn Trung dũng", tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với "lòng son", "gan bền", "dạ sắt", "trí sáng"… góp phần cùng quân và dân cả nước từng bước đánh bại kẻ thù xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Bắc và quê hương. Trong đó, nổi bật những tấm gương ưu tú đó là: Cố Trung tướng Đặng Kinh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; đó là tấm gương tích cực tham gia kháng chiến, hy sinh lẫm liệt của đội viên Đội thiếu niên Phạm Ngọc Đa trong trận càn Cờ Lốt của địch.
Sáu là, tại hội thảo hôm nay, một số chiến sỹ Điện Biên năm xưa nhớ và kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Kết quả của Hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đây là những tư liệu quý để góp phần phục vụ việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống của Đảng bộ, quân và dân thành phố hôm nay và mai sau.
Bà Đào Khánh Hà - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ tặng quà tri ân các chiến sĩ Điện Biên
Tại Hội thảo, Câu Lạc bộ Trung Dũng - Quyết thắng có những phần quà trao tặng, tri ân các chiến sĩ Điện Biên./.
Trung Hiếu