Thời gian: 30/04/2024 09:54

Những đóng góp của đồng chí Đặng Kinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Trung tướng Đặng Kinh một trong những vị tướng “du kích lừng danh” của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Với tài thao lược và cách đánh du kích mưu trí, dũng cảm, dùng ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại một cách tài tình đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong lời giới thiệu cuốn hồi ký "Giọt nước của dòng sông" của Trung tướng Đặng Kinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội".

Cán bộ quân sự đầu tiên của Liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An

Đồng chí Đặng Kinh, tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1922, tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão (nay là phường Bắc Sơn, quận Kiến An), TP Hải Phòng trong một gia đình nông dân nghèo. 11 tuổi, cậu bé Rợp phải cùng cha xa gia đình đến Hòn Gai (Quảng Ninh) làm công nhân mỏ. Năm 1937, ông bỏ nghề đội than ở mỏ Hà Lầm thuộc khu mỏ Hồng Quảng. Người đầu tiên dẫn dắt ông đến với cách mạng chính là đồng chí Tô Hiệu (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng). Năm 1941, ông tham gia Mặt trận Việt Minh và trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương tháng 7/1944. Ông từ một công nhân mỏ trở thành một đảng viên cộng sản và là cán bộ quân sự đầu tiên của Liên tỉnh Hải Phòng-Kiến An. Cũng từ đây, ông được các cấp ủy Đảng phân công chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu, trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn của quân và dân thành phố.

Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Sơn (Kiến Thụy) và chỉ huy lực lượng vũ trang chống Nhật bảo vệ căn cứ Kim Sơn.

Đầu tháng 7/1945, thời cơ khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện ở Kiến Thụy. Kim Sơn là nơi có phong trào cách mạng mạnh, khả năng khởi nghĩa thành công. Ban lãnh đạo Việt Minh tỉnh và huyện họp quyết định: Tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Sơn làm điểm khởi đầu để phát động nhân dân trong huyện nổi dậy. Chỉ định Ủy ban cách mạng lâm thời làng Kim Sơn huy động nhân dân mít tinh chào mừng Ủy ban cách mạng, tổ chức Hội nghị chủ trương đánh đồn Đoan (đồn thu thuế muối) ở Tiểu Bàng để gây thanh thế cho cách mạng.

Sau một số ngày điều tra nắm tình hình, sáng ngày 11/7/1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Kinh, 36 tự vệ của các làng tập trung tại Lão Phong, chia làm nhiều toán, cải trang thành người đi đánh dậm, đi làm ruộng, bán chiếu… bí mật tập kích đồn Đoan. Trận đánh diễn ra trong 10 phút, ta bắt gọn 20 lính đoan, thu một số súng, máy chữ và tài liệu, cờ đỏ sao vàng được kéo lên nóc đồn địch. Đây là chiến công đầu của lực lượng vũ trang cách mạng Hải Phòng - Kiến An gây được tiếng vang trong toàn quốc; tạo ra thế và lực cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Sơn.Ngày 12/7/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình làng để chào mừng Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn (chính quyền cách mạng đầu tiên trong tỉnh và thành phố ra đời). Đồng chí Đặng Kinh cùng với các đồng chí Phạm Thuyên, Đoàn Đắc Diễm, Trần Các, Hoàng Thiết Tâm, Mai Côn…tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng làng Kim Sơn.

Sau cuộc mít tinh, đồng chí Đặng Kinh trực tiếp chỉ huy hơn 100 tự vệ và quần chúng trấn áp tổ chức thanh niên Đại Việt (một tổ chức thân Nhật) đang họp do Tri phủ Trần Tự chủ trì, hạ cờ quẻ li, treo cờ đỏ sao vàng, giật thẻ ngà của Tri phủ. Các đồng chí diễn thuyết vạch mặt bọn bán nước, tuyên truyền chính sách của Việt Minh, Tri phủ và bọn tay sai xin tha tội, cuộc họp bị giải tán.Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên ở miền Duyên hải Bắc Kỳ, là tiếng trống thôi thúc nhân dân Hải Phòng - Kiến An và cả vùng Duyên hải Bắc Kỳ vùng lên theo Đảng đấu tranh tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Chính quyền cách mạng non trẻ của Kim Sơn ra đời làm cho giặc Nhật hết sức hoảng hốt, có thể dẫn đến bùng nổ dây chuyền không thể kiểm soát. Do đó, phát xít Nhật quyết định cho quân về đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng ở Kim Sơn.

Nhận được tin báo giặc Nhật về khủng bố Kim Sơn, các đồng chí cán bộ xã, tỉnh cùng Ủy ban dân tộc giải phóng tổ chức cuộc họp quyết định triển khai kế hoạch chiến đấu, chia tự vệ làm 4 đội (Trong đó, Đội 1 do các đồng chí Đặng Kinh, Đinh Văn Ất chỉ huy, chiến đấu tại khu trung tâm đình Đượng và cổng Cầu) thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm mật. Nhân dân được huy động rào làng chiến đấu, đào hào, dựng vật chướng ngại, đồng thời tổ chức liên hoàn báo động chiến đấu trong toàn khu vực.Sáng sớm ngày 04/8/1945, Phát xít Nhật cho hai xe cam-nhông chở 40 tên lính Nhật và tay sai từ Kiến An về càn quét Kim Sơn. Các chiến sĩ tự vệ canh gác phát hiện, đã nổi trống báo động chiến đấu. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa một bên lính địch được trang bị đầy đủ súng đạn với một bên có lòng quả cảm và vài khẩu súng kíp, súng săn, còn lại là gậy gộc, giáo mác, tro bếp… Trong cuộc chiến đấu này, địch bị tiêu diệt hai tên, một số bị thương và buộc phải rút lui. Trận đánh đã mở ra lối đánh liên hoàn giữa các thôn xã, khiến quân địch mạnh cũng trở thành yếu, chủ động trở thành bị động và dẫn tới hoang mang, bạc nhược về tinh thần.

Cương vị Chỉ huy trưởng Huyện đội Kiến Thụy kiêm Chỉ huy trưởng du kích chiến đấu tỉnh Kiến An, tích cực tham gia xây dựng lực lượng chính trị, quân sự,bám đất giữ làng, đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Ngày 06/3/1946, thực dân Pháp đổ bộ lên thành phố Hải Phòng, thực hiện chủ trương xây dựng phát triển lực lượng chiến đấu chuẩn bị khi chiến tranh xảy ra của Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Kiến An, đồng chí được giao chỉ huy Tiểu đoàn tự vệ tập trung mới được thành lập rồi được điều động về Chỉ huy trưởng Huyện đội Kiến Thụy kiêm Chỉ huy trưởng du kích chiến đấu tỉnh                 Kiến An.

Sau “Sự kiện Hải Phòng” ngày 20/11/1046, đồng chí Đặng Kinh báo cáo với Tỉnh ủy Kiến An để tổ chức luyện quân chuẩn bị chống Pháp; đồng thời đề xuất cho chỉ huy 01 đại đội sang An Dương, Đường 5, đường sắt để đánh quân Pháp. Ngày 28/11/1946, đồng chí chỉ huy đại đội chốt tại Cam Lộ, Thiết Chanh đón đánh, tiêu diệt hơn nửa Đại đội quân Pháp. Những ngày sau đó đến ngày 10/12/1946, đại đội do đồng chí chỉ huy liên tiếp tham chiến và trận cuối cùng trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đại đội đồng chí chiến đấu với một Tiểu đoàn quân Pháp, diệt 126 lính.

Trong lễ kỷ niệm một năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, các đồng chí: Hoàng Tùng, Lê Quốc Thân thay mặt Liên Tỉnh ủy Kiến - Hải và Xứ ủy Bắc Kỳ tuyên dương: "Ðặng Kinh là một đảng viên trung kiên, bất khuất, bất cứ nhiệm vụ gì giao cũng hoàn thành". Tại hội nghị này, ông được cử đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa 4 - lớp chính quy đầu tiên. Học xong, ông được giao nhiệm vụ về Hải Phòng, quê hương ông khi ở tuổi 27.

Trên cương vị Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Kiến An trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh lớn góp phần cùng quân và dân thành phố thực hiện thắng lợi phương châm chiến lược trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 của Đảng, trực tiếp “chia lửa” với mặt trận Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc.

Ngày 21/4/1953, trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang tỉnh tiến công thị xã Kiến An, hậu cứ quan trọng của giặc Pháp.

Để phối hợp với chiến trường Thượng Lào, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố và phát triển cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, cuối tháng 3/1953 Tỉnh đội quyết tâm tập kích vào thị xã Kiến An, hậu cứ chiến lược trong khu vực cố thủ Hải Phòng - Kiến An, một trong những bàn đạp xuất phát quan trọng của thực dân Pháp để đánh chiếm, bình định vùng duyên hải, đồng bằng Bắc Bộ và chi viện cho nơi khác.

Sau nhiều tháng trinh sát, theo dõi địch cả bằng cách hoạt động công khai và bí mật… Đêm 20/4/1953, dưới trời mưa phùn, các đơn vị lặng lẽ vượt các đoạn đường lầy lội, tiến sâu vào lòng địch. Từng mũi chiếm lĩnh mục tiêu theo kế hoạch phân công. Đúng 1 giờ 55 phút ngày 21, đồng chí Đặng Kinh, Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy trận đánh ra lệnh nổ súng. Qua 25 phút chiến đấu đánh vào nhiều mục tiêu, ta tiêu diệt gần 500 tên địch. Trong đó có 123 lính Âu Phi, một đại đội com-măng-đô khét tiếng tàn ác, tên Tỉnh trưởng, một thiếu tá, hai đại úy, bốn trung úy và một thiếu úy; bắt sống 120 tên. Thu được 12 trung liên, 104 tiểu liên, 71 súng trường, 3 súng ngắn, 3 ra-di-ô. Phá hủy một kho chứa xăng gồm 1.000 thùng (khảng 30 vạn lít), một kho vũ khí các loại, một kho chứa máy xe tăng và đại bác, 25 xe tăng, 300 xe tải, 1 pháo 240 mi-li-mét, 4 pháo 75, 5 nòng pháo và 2 máy nổ. Đặc biệt đã phá hủy hoàn toàn 24 nhà kho gồm 60 gian chứa đầy bom đạn các loại.

Trận tiến công thị xã Kiến An đánh dấu bước trưởng thành về khả năng tác chiến tập trung của bộ đội địa phương Kiến An. Lần đầu tập kích vào một căn cứ lớn của địch, sử dụng nhiều lực lượng, trận đánh được diễn ra trong sự hiệp đồng và tổ chức chỉ huy khá tỉ mỉ và đã kết thúc thắng lợi, nhanh gọn, trong điều kiện phương tiện chỉ huy, khả năng hiệp đồng chiến đấu có hạn.

Ngày 18/6/1953, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tập kích Tổng kho xăng dầu Thượng Lý.

Xuân hè năm 1953, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã và đang đi dần đến thắng lợi. Đội quân xâm lược Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Cục diện chiến trường toàn quốc đã tạo điều kiện cho phong trào chiến tranh du kích ở Hải Phòng - Kiến An phát triển.

Sau trận tập kích vào thị xã Kiến An thắng lợi, Tỉnh ủy Kiến An chủ trương tiếp tục tìm chỗ sơ hở của địch để chủ động tấn công, đánh thẳng vào sào huyệt, phá cơ sở hậu cần của chúng.Trong đó Tổng kho xăng dầu Thượng Lý (một trong những kho tàng lớn nhất trên miền Bắc của địch, gồm nhiều bể chứa xăng, nhiều nhà kho lớn chứa đạn dược để cung cấp cho các chiến trường. Địch bố phòng kiên cố và sử dụng toàn lính Âu Phi cánh gác ngày đêm. Hệ thống đèn chiếu sáng có thể soi từng con chuột chạy qua) là trọng điểm.

Thực hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Kinh - Tỉnh đội trưởng Kiến An hạ quyết tâm tập kích tổng kho xăng dầu Thượng Lý bằng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, luồn sâu, áp sát, tập kích bất ngờ. Lực lượng gồm 5 tiểu đội chọn từ đại đội 331 của tỉnh và đội vũ trang tuyên truyền An Dương. Mục tiêu chính của trận đánh là tổng kho xăng dầu và kho bom đạn nằm tại Sở Xi măng đen cạnh đó.

Ngày 17/6/1953, các lực lượng của ta vào vị trí tập kết, phân tán ở các cơ sở. Đêm ngày 18/6, các bộ phận đánh kho dầu đã tiếp cận mục tiêu theo kế hoạch, nhưng chưa đến giờ nổ súng bị địch phát hiện, đồng chí Quách Phú chỉ huy bộ phận đánh kho dầu ra lệnh cho đơn vị tiến công, đốt cháy được 147 triệu lít xăng, dầu cùng với trên 300 xe cơ giới các loại. Bộ phận đánh kho đạn do đường tiếp cận khó, xa, chưa kịp tới mục tiêu thì bên kho dầu đã đánh, nên phải rút lui không thực hiện được nhiệm vụ.

Chiến thắng Sở Dầu Thượng Lý có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần cùng toàn quốc đẩy địch lún sâu thêm vào thế phòng ngự, bị động tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954. Chiến thắng Sở Dầu Thượng Lý khẳng định chủ trương của Tỉnh ủy, Tỉnh đội dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ, bí mật luồn sâu, đánh hiểm, đánh thẳng vào các kho tàng, các cứ điểm quân sự quan trọng của định là đúng đắn.

Từ ngày 28/8 - 19/9/1953, trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, nhân dânhuyện Tiên Lãng, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các địa phương xung quanhchống cuộc hành quân mang tên Cờ Lốt (cloche).

Sau khi bị ta tiến công ở Kiến An, Sở Dầu, địch đã cố gắng tập trung quân, tăng cường càn quét bình định dài ngày ở từng khu vực thuộc Hải Phòng và Kiến An, trọng tâm là khu du kích Tiên Lãng. Theo đó, đúng 5 giờ sáng ngày 28/8/1953, tướng Cô Nhi, Tư lệnh Bắc Đông Dương phát lệnh cho hai binh đoàn cơ động số 3 và số 5 (gồm 6 tiểu đoàn vừa rút khỏi Nà Sản ngày 12/8/1953), một tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn bộ binh thiện chiến SêNêGan, một tiểu đoàn xe cóc 50 chiếc, một tiểu đoàn lính ngụy, 13 tàu chiến, 30 ca nô, 5 đại đội biệt kích cùng với bọn G.A.M.O mở cuộc hành quân mang tên Cờ Lốt (cloche) tiến vào bao vây càn quét bình định Tiên Lãng. Không kể hỏa lực đi cùng, các cánh quân càn quét còn được sự chi viện tối đa của 40 khẩu trọng pháo và nhiều máy bay.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Kinh - Tỉnh đội trưởng Kiến An đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền nhân dân huyện Tiên Lãng,các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các địa phương xung quanh ra sức sửa chữa công sự, trận địa, sắm sửa chông mìn, cạm bẫy, thực hiện khẩu hiệu: “Mỗi người dân phải có một vũ khí diệt địch”, “Mỗi nhà là một ổ đề kháng”.

Trong suốt thời gian chống càn, Tỉnh ủy và Tỉnh đội luôn nắm chắc tình hình, chỉ đạo kịp thời, phát huy sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang và đấu tranh chính trị của quần chúng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trực tiếp bám sát địa bàn, chỉ đạo cụ thể từng trận đánh…, nên ngay từ ngày đầu khi địch mở chiến dịch càn quét đã vấp phải sức kháng chiến của quân dân ta. Các mũi tiến quân của địch, nhiều tên bị vấp mìn, sa hố chông. Các đơn vị tự vệ, dân quân du kích địa phương và bộ đội của tỉnh tổ chức đánh phục kích tiêu diệt lượng lớn sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng… Cùng với đó nhân dân cũng tổ chức những cuộc đấu tranh quyết liệt, như: Địch dở trò hãm hiếp phụ nữ, nhân dân kéo đến đấu tranh chống hãm hiếp. Địch đốt phá, nhân dân xông lên ngăn chặn tay địch lại. Địch bắt thanh niên vào lính, nhân dân đấu tranh lôi kéo thanh niên về làng. Địch khủng bố ác liệt nhưng ta lãnh đạo kịp thời vạch mặt chúng, giữ vững tinh thần đấu tranh của nhân dân…

Ngày 19 và 20 tháng 9 năm 1953, địch phải rút toàn bộ các binh đoàn cơ động ra khỏi đất Tiên Lãng. Cuộc càn quét dài ngày nhất, ác liệt nhất của địch vào khu du kích Tiên Lãng đến đây coi như chấm dứt. Địch bị tổn thất nặng nề: 677 tên chết, 3 xe bọc thép bị phá, 2 ca nô bị đắm, 1 máy bay trực thăng bị rơi, 1 máy bay trinh sát bị thương. Địch đã không hề tiêu diệt được lực lượng bộ đội tỉnh, huyện và chúng đã không thể đóng chốt lại để bình định hòng xóa khu du kích, nơi đã làm bàn đạp cho những trận đánh ác hiểm vào hậu cứ chiến lược của chúng.

Đập tan trận càn Cờ Lốt của địch là thắng lợi lớn nhất của quân và dân Hải Phòng - Kiến An trong kháng chiến chống Pháp. Thắng lợi này góp phần đập tan kế hoạch Na - va khi nó vừa mới bắt đầu hình thành, góp phần tạo nên thắng lợi của quân dân cả nước ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Ngày 07/3/1954, trực tiếp chỉ đạo 32 đồng chí tập kích sân bay Cát Bi.

Sân bay Cát Bi nằm sâu trong vùng địch hậu, là một trong những sân bay lớn nhất của địch ở Đông Dương. Nó có tầm quan trọng chiến lược nên được thiết bị hiện đại và bố phòng, bảo vệ nghiêm mật. Lực lượng bảo vệ sân bay có khoảng 3.000 tên, gồm 6 tiểu đoàn trong đó có 3 tiểu đoàn Bắc Phi, 1 tiểu đoàn Lê Dương, 1 tiểu đoàn ngụy, 1 tiểu đoàn công binh và đại đội tham mưu chỉ huy sân bay. Ngoài ra còn có hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ và 50 cố vấn Mỹ. Trang bị vũ khí có 25 trọng liên, 15 cối 81mm. Sân bay có thể chứa 500 chiếc máy bay, nhưng thời gian này địch chỉ có 277 chiếc các loại, đỗ thành hàng ngang men theo các đường băng, chiếc nọ cách chiếc kia khoảng 50 mét. Xung quanh sân bay địch bố trí 6 hàng rào dây thép gai dày đặc, xen kẽ nhiều mìn các loại và ống bơ đề phòng ta đột nhập.

Chấp hành chủ trương của Tổng Quân ủy, mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh và chỉ thị của Khu Tả Ngạn về tổ chức một trận tập kích vào sân bay Cát Bi, phá hủy một số lớn máy bay địch để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, làm cản trở sự chi viện đường không của địch cho các mặt trận, gây hoang mang trong binh lính, sĩ quan địch, đồng thời thúc đẩy chiến tranh du kích của ta trong vùng địch tạm chiếm. Đồng chí Đặng Kinh - Tỉnh đội trưởng xác định quyết tâm chiến đấu: Sử dụng một lực lượng nhỏ (gồm 32 đồng chí, được chọn lọc từ các đơn vị tập trung của Tỉnh đội), bảo đảm chất lượng, hành động bí mật, bất ngờ, tranh thủ chủ động đột nhập sân bay phá hoại lớn, đánh nhanh, giải quyết nhanh và nhanh chóng rút về căn cứ trước khi trời sáng để bảo toàn lực lượng.

Theo đó, 18 giờ ngày 5/3/1954, lực lượng tập kích sân bay Cát Bi nhận lệnh xuất phát từ xã Hùng Thắng (Tiên Lãng) vượt sông Văn Úc vào cơ sở xã Hòa Nghĩa. Đêm ngày 6/3, các chiến sĩ xuất quân hướng về sân bay Cát Bi, theo hai mũi (mũi 1 gồm 17 đồng chí, mũi 2 gồm 15 đồng chí) vượt qua nhiều vị trí, tháp canh, bãi lầy, sông lạch với tốc độ nhanh nhất. Đúng 0 giờ 45 phút ngày 7/3, cả hai mũi đã triển khai xong; đến 01 giờ ngày 7/3 nhận được hiệu lệnh tiến công, các chiến sĩ dũng cảm xông vào khu đỗ máy bay, móc bộc phá, giật nụ xòe phá hủy từng chiếc một. Cuộc chiến đấu diễn ra trong 15 phút, sau đó các mũi nhanh chóng rút theo đường đã được rải vải trắng để đánh dấu đường ra. Sân bay Cát Bi bốc cháy suốt 17 giờ, 59 máy bay địch bị phá hủy cùng nhiều phương tiện, vũ khí. Bộ đội Kiến An đã thực hiện thắng lợi vượt mức yêu cầu Khu ủy đề ra.

Đây là chiến thắng lớn nhất về tiêu diệt phá hủy nhiều máy bay của địch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng to lớn ở Cát Bi có ảnh hưởng vang dội trên khắp các chiến trường toàn quốc, đã cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Ngược lại, quân địch bị một đòn sấm sét bất ngờ ở Cát Bi càng hoang mang, bối rối,từ đó liên tiếp tổn thất nặng nề,ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển tiếp tế cho các chiến trường, nhất là chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị quân ta bao vây, Chiến thắng Cát Bi góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50, trực tiếp chỉ huy Trung đoàn tổ chức nhiều trận đánh lớn, thu được thắng lợi vẻ vang.

Kể từ ngày thành lập (01/7/1954) đến khi đình chiến, chỉ vẻn vẹn có 26 ngày, nhưng với lòng quyết tâm chiến đấu, tranh thủ đến mức cao nhất trước giờ đình chiến để tiêu hao, tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch… dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Kinh - Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 50 đã tổ chức đánh 25 trận, diệt 3.231 tên địch, bắt sống gần 200 tên, phá hủy nhiều xe, pháo, phương tiện chiến tranh của địch; giải thoát cho 140 đồng bào, vận động 420 gia đình chống chính sách di dân của địch.

Suốt 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 45 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, từ người cán bộ quân sự đầu tiên của Liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An đến cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Đặng Kinh luôn giản dị, khiêm nhường, không ngừng học hỏi đồng bào, đồng chí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tài thao lược và cách đánh du kích mưu trí, dũng cảm, dùng ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại một cách tài tình, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo nhiều trận đánh lớnvới chiến thắng vang dội, trở thành những mốc son trong lịch sử, truyền thống vẻ vang của quân và dân thành phố Cảng, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, 02Huân chương Quân công hạng Nhất, 01 Huân chương Quân công hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.Đồng chí xứng đáng là một trong những vị tướng “du kích lừng danh” của Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, người con kiệt xuất, ưu tú của thành phố Cảng “Trung dũng- Quyết thắng”./.

Lượt truy cập: 263927
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn