Thời gian: 26/04/2024 08:21

Hải Phòng - Kiến An trong kế hoạch Na Va, âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp

Trải qua 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp thiệt hại ngày càng nặng nề. Đến năm 1953, quân Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tiêu tốn hơn 2.000 tỷ Phrăng. Vùng chiếm đóng của quân Pháp và tổ chức chiến đấu trên chiến trường ngày càng thu hẹp. Trước tình thế bị sa lầy và thất bại của Pháp, Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh, tích cực chuẩn bị thay thế quân Pháp.

Bước vào Đông - Xuân 1953-1954, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ âm mưu giành một thắng lợi quân sự quyết định. Ngày 7 tháng 5 năm 1953, được sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử Tướng Na-va làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thay cho Tướng Xa-lăng. Ngày 24 tháng 7 năm 1953, Na-va trình bày kế hoạch của mình trước Hội đồng Quốc phòng do Tổng thống V.Ô-ri-ôn chủ tọa. Kế hoạch gồm hai phần: Phần thứ nhất nói về “những điều kiện chính trị; Phần thứ hai nói về tổ chức lực lượng và kế hoạch tác chiến. Kế hoạch Na-va ra đời với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Kế hoạch của Na-va được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1: 1953-1954: phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công ở miền Nam, chiếm đóng Liên khu V; giai đoạn 2: 1954-1955: tiến công miền Bắc, tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị có lợi cho phía Pháp. Trong giai đoạn 1 được chia thành hai bước:

Bước thứ nhất: Trong Thu - Đông 1953 và mùa Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, tiến công chiến lược để bình định Trung bộ và Nam Đông Dương, giành lấy nguồn nhân lực, vật lực; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V, đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh.

Bước thứ hai: Từ đầu năm 1954 đến giữa năm 1955, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho phía Pháp, nhằm kết thúc chiến tranh.

Để thực hiện Kế hoạch Na-va, thực dân Pháp tăng thêm số lượng quân đội ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh đưa từ Pháp và Bắc Phi sang, đồng thời, xin Mỹ tăng thêm viện trợ quân sự (tăng gấp đôi so với trước, chiếm 73% chi phí chiến tranh ở Đông Dương).Dựa vào sự viện trợ của Mỹ, Na-va tăng quân số từ 378.000 (năm 1952) lên 465.000 (năm 1953); ra sức tăng cường ngụy quân, đưa lực lượng này lên đến 334.000 quân vào đầu năm 1954.

Tính đến Thu - Đông năm 1953, Na-va tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn cơ động (trong tổng số 84 tiểu đoàn trên toàn Đông Dương), 68 tiểu đoàn chiếm đóng; tiến hành càn quét nhằm bình định vùng chiếm đóng, mở rộng hoạt động thổ phỉ, biệt kích ở vùng rừng núi phía Bắc, mở rộng tiến công lớn vào Ninh Bình, Thanh Hóa...để phá kế hoạch tiến công của ta.

Thủ tướng Pháp La-ni-en từng tuyên bố: “Kế hoạch Na-va chẳng những được chính phủ Pháp mà cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hi vọng đủ mọi điều”.[1]

Như vậy, Kế hoạch Na-va là sản phẩm của tình hình Chính phủ Pháp rối ren sau 8 năm tham gia chiến tranh Đông Dương và sự thất bại về quân sự của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nhằm thực hiện một nỗ lực cuối cùng để kết thúc chiến tranh có lợi cho phía Pháp.

Kế hoạch Na-va là một thách thức mới đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Nhiều vấn đề mới đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nhưng thực tế chiến trường lúc này càng làm sáng tỏ sự thật về quân Pháp ngày càng thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Thời gian này, việc bảo vệ khu vực chiến lược Hải Phòng - Đường 5 - Hà Nội có ý nghĩa sống còn. Cảng Hải Phòng là cửa ngõ đường biển lớn nhất ở miền Bắc Đông Dương. Từ đây Thực dân Pháp tiếp nhận nhân lực, vật lực để duy trì và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược.Thành phố cảng Hải Phòng mau chóng trở thành một khu vực tổng kho, hệ thống tiếp tế hậu cần của địch để chi viện cho cả miền Bắc Đông Dương, trước hết là cho các mặt trận trong chiến trường chính Bắc bộ. Vì vậy, Thực dân Pháp sớm thực hiện kế hoạch phòng thủ nghiêm mật, vững chắc khu vực Hải Phòng - Kiến An, để khỏi bị “đối phương hất xuống biển” như một số tướng lĩnh Pháp “lo xa”. Trong các thời điểm chiến tranh, bao giờ địch cũng tập trung lực lượng quân đội lớn để bảo vệ vị trí đầu cầu chiến lược này.

Khi Na - va mới đặt chân lên Đông Dương, với cương vị là Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh, đã lo ngại hình thái chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh không có lợi cho chúng. Ông ta tính tới khả năng thực tế của đối phương: “Việt Minh có thể tấn công vào đồng bằng Bắc Bộ với mục đích chặt Hà Nội khỏi Hải Phòng… và đánh chiếm những thành phố quan trọng ở đồng bằng Bắc Bộ … hoặc đánh chiếm Hà Nội hoặc Hải Phòng” [1]

Khi triển khai kế hoạch Đông - Xuân theo hướng tập trung binh lực bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ, hay theo hướng đưa quân lên Tây Bắc (xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) nhằm bảo vệ Thượng Lào và thu hút chủ lực đối phương dài ngày, nhằm giảm sức ép cho đồng bằng Bắc Bộ, Tướng Na - va cũng hết sức chú ý tới việc bảo vệ vị trí đầu cầu chiến lược Hải Phòng -                     Kiến An.

Chính vì vậy, từ Tổng tư lệnh Na - va đến viên Tư lệnh Bắc Bộ Cô - nhi … đều ra sức đẩy mạnh và mở rộng các cuộc hành quân bình định, đánh phá vùng du kích của ta ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, hai bên đường 5, đường 10, càn quét vùng ngoại thành Hải Phòng, xây dựng thêm công sự bảo vệ bến cảng, sân bay, kho tàng, sở chỉ huy…

Nằm trên địa bàn khu Tả Ngạn, tỉnh Kiến An đã trở thành hệ thống phòng thủ và hậu cứ chiến lược của địch tại đồng bằng Bắc Bộ - Khu Tả Ngạn. Sau khi “Kế hoạch Na-va “ ra đời, địch càng đẩy mạnh việc bắt lính, đôn lính tổng dũng lên quận dũng, quận dũng lên địa phương quân, rút quân bảo chính đoàn bổ sung xây dựng các tiểu đoàn khinh quân, gấp rút xây dựng khối quân cơ động mạnh làm “con chủ bài” thực hiện âm mưu bình định Đông Dương trong 18 tháng. Tại đây, địch tập trung các cơ quan đầu não, có lực lượng lớn quân đội. Với 17 đại đội Âu - Phi, đóng 17 vị trí lớn nhỏ và nhiều kho tàng, sân bay, địch đã củng cố xây dựng hệ thống đồn bốt, những tuyến phòng thủ từ xa như: Phòng tuyến sông Văn Úc, sông Đa Độ, sông Lạch Tray và hành lang giao thông đường số 5. Quân địch có thể ứng cứu nhanh chóng cho thị xã Kiến An bằng pháo binh, không quân, hải quân và bộ binh từ Hải Phòng sang, từ Ninh Giang đến. Tận dụng các điểm cao, địch xây dựng các vị trí kiên cố, có hệ thống tháp canh và lô cốt với hệ thống đèn chiếu sáng, có pháo binh thường trực, hỏa lực bắn thẳng rất lợi hại với góc rộng, tầm xa, khống chế kiểm soát toàn bộ tỉnh lỵ khu vực Kiến An. Ngoài ra, địch còn sử dụng bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, hệ thống tề điệp, hệ thống phòng nhì, công an, mật vụ, do thám, o ép kiểm soát nhân dân rất chặt chẽ, gắt gao. Cùng với tăng cường lực lượng chủ lực, tích cực xây dựng đồn bốt, hệ thống phòng thủ, tại thời điểm Đông - Xuân 1953 - 1954, trên địa bàn tỉnh Kiến An, quân Pháp tập trung xây dựng các sân bay Kiến An, Đồ Sơn và mở rộng  sân bay Cát Bi, kho xăng dầu ở Sở Dầu, thị xã Kiến An với nhiều kho tàng chứa vũ khí, trang bị quân sự để chi viện cho các chiến trường. Điều đó cho thấy vị trí chiến lược quan trọng của địa bàn tỉnh Kiến An trong toàn cuộc kháng chiến cũng như trong Đông - Xuân 1953 - 1954.

Mở đầu cho việc triển khai kế hoạch Na Va trên địa bàn Hải Phòng - Kiến  An, thực dân Pháp huy động 3 binh đoàn cơ động, 2 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn dù, 5 đại đội Com măng đô, 50 xe lội nước, 43 tầu chiến lớn nhỏ và nhiều máy bay mở trận càn Cờ Lốt (Claude) vào huyện Tiên Lãng từ 28/8/1953 đến 20/9/1953. Âm mưu của chúng là tiêu diệt cơ quan chỉ huy kháng chiến, bộ đội tỉnh Kiến An, xóa khu du kích Tiên Lãng để mở rộng và củng cố "vành đai an toàn" của "khu cố thủ Hải Phòng" của chúng.

Trước những thất bại liên tiếp, nhất là trận càn Cờ Lốt vào Tiên Lãng bị ta đập tan, quân địch giãy giụa phản ứng điên cuồng, tìm cách đối phó với hoạt động của ta. Ở khu du kích Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, địch co cụm lại, đề phòng hoạt động của ta đánh vào "khu cố thủ Hải Phòng" của chúng. Ở thị xã Kiến An, địch thiết quân luật ban đêm, để lại thị xã 9 đại đội hỗn hợp, tăng cường tuần tiễu bằng xe cơ giới suốt ngày đêm. Phòng nhì Hải Phòng và ngụy quyền Kiến An kết hợp tổ chức nhiều cuộc vây quét các khu phố thôn xóm bằng nhiều thủ đoạn và vào các thời điểm khác nhau. Địch còn bày trò kỷ niệm thành lập địa phương quân, thành lập ở mỗi khu phố 1 đại đội tự vệ để sẵn sàng tổ chức vây ráp. Chúng ráo riết dồn làng, đuổi dân, đuổi hết thôn Cựu Viên, 4 xóm thôn Kha Lâm, trại Văn Đẩu, một xóm thôn Phù Lưu, hơn 600 gia đình phố Quy Tức, phố Cháy; 240 gia đình Cổng Rồng và 840 gia đình ở hai khu phố khác.

Ở nội thành Hải Phòng và vùng tạm chiếm, địch ra sức củng cố hệ thống nguỵ quyền, địa phương quân để o ép dân chúng. Gián điệp, biệt kích tăng cường lùng bắt cán bộ, phá cơ sở kháng chiến. Đồng thời, chúng ra sức vơ vét bóc lột đi đôi với tuyên truyền lừa gạt. Do thiếu hụt quân nghiêm trọng và phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp phát triển mạnh mẽ, địch tăng cường bắt lính, không chỉ thanh niên mà cả ông già, nữ thanh niên đưa vào địa phương quân. Chúng mua chuộc thanh niên bằng thủ đoạn tăng lương, lừa gạt thanh niên vào học ở các trường sĩ quan, vào lính thợ và cảnh binh để "không phải ra mặt trận". Chúng gấp rút củng cố lực lượng hương dũng, tổng dũng, quân dũng để thay thế lính địa phương đã bổ sung vào các đơn vị cơ động ứng chiến.

Từ đầu năm 1954, đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ cho Pháp vào cảng Hải Phòng, trong đó có 350 máy bay, 400 kỹ sư, kỹ thuật viên, 200 thợ sửa chữa máy bay. Phi trường Cát Bi trở thành cầu hàng không quan trọng chuyên chở và tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Chính vì vậy, sau trận ta tập kích sân bay Cát Bi (7/3/1954), thực dân Pháp hết sức hoang mang lo sơ. "Khu cố thủ Hải Phòng" không còn là nơi "an toàn". Do đó, thực dân Pháp càng điên cuồng khủng bố, vây quét, mở rộng vành đai trắng. Từ tháng 1 đến tháng 4-1954, chúng đóng thêm nhiều vị trí đồn bốt dọc tuyến sông Văn Úc và đường số 5, tăng thêm quân thành 16 tiểu đoàn cơ động để bảo vệ phía Tây-Nam và phía Bắc thành phố Hải Phòng, tổng số vị trí địch lên tới 200, không kể nội thành Hải Phòng. Trong 3 tháng đầu năm 1954, chúng tiến hành 500 cuộc càn quét ra vùng phụ cận Hải Phòng, tỉnh lỵ Kiến An và dọc đường số 5, tăng cường cho máy bay ném bom và bắn đại bác vào những xã chúng nghi có bộ đội ta.

Trong vùng địch tạm chiếm, địch ra sức càn quét, đuổi dân lập vành đai trắng quanh các cứ điểm quân sự. Từ đầu năm 1954, chúng đã đuổi hơn 600 gia đình quanh tỉnh lỵ Kiến An, 40 gia đình ở An Luận, 30 gia đình ở Đông Xuyên Ngoại và hàng trăm gia đình gần các vị trí đồn bốt ở phía Bắc huyện Thủy Nguyên đi nơi khác. Hàng ngàn dân Đồ Sơn bị chúng dồn đuổi lên Quý Kim…

Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt, trong những ngày tháng 5 và tháng 6 năm 1954, khắp các vùng ngoại vi tỉnh lỵ Kiến An và thành phố Hải Phòng, quân Pháp bại trận kéo về rất đông, chốt giữ những vị trí xung yếu. Ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão, địch co cụm vào một số vị trí ở huyện lỵ, bến sông, đường giao thông. Chúng tăng cường phòng thủ nội thành Hải Phòng, bắt thêm lính, tuyên truyền xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ  và lập trường của phái đoàn Chính phủ ta tại Hội nghị Giơ ne vơ, tung tin Mỹ nhảy vào Đông Dương và chiến tranh sẽ kéo dài. Đồng thười, chúng tiếp tục điên cuồng khủng bố nhân dân ta. Tháng 5 năm 1954, địch oanh tạc dữ dội bằng không quân và bắn đại bác vào các làng xã ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Nhà thờ Tiêm Am (Vĩnh Bảo) bị bom giặc tàn phá, gần 100 giáo dân đang cầu nguyện bị giết hại. Ngày 15/6/1954, địch dùng đại bác mà máy bay ném bom bắn phá vào các làng khu Tây Nam huyện An Dương nằm sát tỉnh lỵ Kiến An và dọc đường số 5. Sau đó, chúng huy động 5 đại đội lính Âu Phi càn quét vào các làng Văn Xá, Kiều Hạ và nhiều lãng khác, gây nhiều tội ác với nhân dân ta…

Từ những điều trình bày trên đây, có thể rút ra một số nhận xét, đánh giá về âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp ở Hải Phòng-Kiến An trong quá trình chúng thực thi kế hoạch Na Va và xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực ta là:

1. Đối với địch, việc bảo vệ "khu cố thủ chiến lược Hải Phòng" - đường 5 - Hà Nội là có ý nghĩa sống còn, quyết định đến sự thành - bại của kế hoạch Na Va, cũng như số phận của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của chúng.

2. Âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp thực hiện ở Hải Phòng-Kiến An từ tháng 8/1953 đến tháng 5/1954 là hết sức tập trung cả về quân sự, chính trị và kinh tế; thể hiện rõ bản chất thâm độc, hiếu chiến, dã man và ngoan cố của chúng.

3. Đương đầu và đập tam âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp từ tháng 8/1953 đến tháng 5/1954 thật sự là những thử thách cam go đầy gian khổ, hy sinh của hai đảng bộ, quân và dân hai tỉnh, thành phố Kiến An và Hải Phòng. Do đó, nó cũng góp phần chứng tỏ thành tích và những chiến công xuất sắc mà hai đảng bộ, quân và dân Kiến An -Hải Phòng lập được trong thời gian nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong góp phần đập tan kế hoạch Na Va và tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân và dân ta/.

Tài liệu tham khảo:

1-Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H, 2004;

2- Lịch sử kháng chiến chống Pháp khu Tả Ngạn sông Hồng, Nxb CTQG, H, 2001;

3- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập 1;

4- Hải Phòng - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb QĐND, H, 1986.

5- Đề tài cấp Nhà nước: “Xây dựng hậu phương kháng chiến trong kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Liên khu 3 (1945-1955), HP, 4/2000.

 

[1]Đỗ Thiện – Đinh Kim Khánh, Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H, 1984, tr61.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264654
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn