Thời gian: 27/04/2024 09:16

Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đẩy mạnh kháng chiến, góp phần làm phá sản kế hoạch Na Va của thực dân Pháp và phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ

1. Đẩy mạnh kháng chiến góp phần làm phá sản kế hoạch Na Va của thực dân Pháp

 Trước những thất bại nặng nề trên các mặt trận và mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết được giữa tập trung quân cơ động mạnh với phân tán quân để giữ đất, thực dân Pháp, can thiệp Mỹ xây dựng kế hoạch Nava, với nội dung cơ bản gồm 2 bước:

- Bước một: tập trung quân cơ động mạnh, giữ thế phòng ngự ở miền Bắc và tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương, xóa bỏ vùng tự do Liên khu V.                                                           

 - Bước hai: thực hiện chiến lược tiến công ở miền Bắc, giành thắng lợi quân sự, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

Mục tiêu chính của kế hoạch là nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường và bình định Việt Nam trong vòng 18 tháng.                                              

Tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây dương, làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương cùng với bản kế hoạch mang tên hắn được Chính phủ Pháp và Mỹ chấp thuận. Địa bàn Hải Phòng – Kiến An, khu cố thủ chiến lược (Hà Nội - Đường số 5 - Hải Phòng) có hệ thống hàng hải Cảng-Cầu hành không Cát Bi, là đầu mối tiếp nhận và vận chuyển hàng quân sự viện trợ của Mỹ đối với toàn bộ chiến trường Bắc Đông Dương, có ý nghĩa sống còn với kế hoạch Nava.

Thực hiện kế hoạch, Pháp ra sức bắt lính để mở rộng ngụy quân, rút lực lượng Âu- Phi tinh nhuệ từ một số vị trí về tập trung lại đồng thời tăng viện binh để xây dựng lực lượng cơ động mạnh, nhằm quyết chiến với chủ lực của ta. Bước vào thu-đông năm 1953, Nava cho tập trung lực lượng cơ động khá mạnh, gồm 44 tiểu đoàn cơ động trong tổng số 84 tiểu đoàn quân cơ động trên toàn chiến trường Đông Dương. Ngay từ hè-thu năm 1953, Nava đã liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét ác liệt trong những vùng chúng chiếm đóng ở Bắc Bộ, Bình-Trị-Thiên, Nam Bộ, cho quân nhảy dù xuống hậu phương của ta, tập kích Lạng Sơn (7-1953), rút lực lượng ở Nà Sản (8-1953) về tập trung tại đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 8-1953, tại Việt Bắc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp nhấn mạnh nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là “đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”, nhằm phân tán lực lượng cơ động của địch. Theo kế hoạch, ngày 15-11-1953, một bộ phận chủ lực của ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc và ngày 20-11-1953, một bộ phận khác lên đường tiến sang Trung Lào. Phát hiện quân ta tiến lên Tây Bắc, Nava quyết định điều một lực lượng lên Tây Bắc và sang mặt trận Trung Lào. Ngày 20-11-1953, Nava cho thực hiện cuộc hành binh Hải Ly (Castor) đưa 6 tiểu đoàn quân dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, vừa để yểm trợ cho Lai Châu vừa bảo vệ Thượng Lào. Ngày 3-12-1953, Nava tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo binh để xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm. Đây là một điểm bổ sung ngoài dự kiến ban đầu và là kết quả kế hoạch Nava từng bước phá sản.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Kiến An và Thành ủy Hải Phòng đã lãnh đạo quân và dân Hải Phòng-Kiến An đẩy mạnh kháng chiến, góp phần làm phá sản kế hoạch Nava. Đến thời điểm cuối năm 1953, toàn tỉnh Kiến An có 4.590 thanh niên tòng quân. Lực lượng du kích, công an được bí mật được phát triển ở các địa bàn quan trọng ven đô, thị xã, đường giao thông chiến lược, quanh sân bay. Dân quân, du kích hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo lên tới 23.864 người. Khi sang Đông Dương, Nava được quân dân Hải Phòng- KiếnAn “chào đón” bằng các trận đánh. Tiêu biểu: ngày 11-6-1953, Đội vũ trang tuyên truyền huyện An Dương kết hợp với Đội tác chiến 12 của tỉnh đánh mìn trên đường số 5, phá hủy một đầu tầu, lật đổ 8 toa xe lửa chở đầy vũ khí. Cả tầu bốc cháy. Nền đường sắt bị khoét sâu 1 mét, rộng 5 mét, dài 10, làm ngưng trệ sự vận chuyển trong 16 giờ. Một tuần sau, ngày 18-6-1953, bộ đội tỉnh Kiến An tổ chức tập kích Sở Dầu-Tổng kho lớn nhất miền Bắc và tháng 9-1953, đập tan trận càn Clốt vào huyện Tiên Lãng. Phong trào chống bắt lính, địch vận, phá hoại kinh tế địch… diện ra rộng khắp. Nhân dân các huyện tích cực sản xuất, đóng thuế nông nghiệp. Thanh niên hăng hái tòng quân. Trong nội thành Hải Phòng, tháng 12-1953, công nhân Ximăng lại đốt kho quân nhu đặt trong nhà máy. Toàn bộ quần áo lính, đồ hộp do Mỹ viện trợ cháy từ đêm ngày 8 đến chiều ngày 9-12, gây thiệt hại 20 triệu đồng. Tiểu thương ở chợ sắt bãi thị đòi giảm thuế. Công nhân Cảng, Ga Hải Phòng bãi công đòi tăng lương, chống dãn thợ. Các tầng lớp nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử Hội đồng thành phố… Như vậy, kế hoạch Nava từng bước thất bại thảm hại trên địa bàn Hải Phòng - Kiến An…

2. Một số chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Kiến An, Thành ủy Hải Phòng phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ

 Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng Quân ủy. Đồng chí Võ Nguyên được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Như vậy, địch và ta đều chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ-một trận quyết chiến lịch sử.  

- Tổng Quân ủy, Khu ủy Tả ngạn chỉ thị cho tỉnh Kiến An tổ chức tập kích sân bay Cát Bi, một cầu hàng không quan trọng tiếp viện cho Điện Biên Phủ, nhằm phá hủy phương tiện chiến tranh của Pháp tại nơi đây…

- Tỉnh ủy Kiến An và Thành ủy Hải Phòng đã đề ra chủ trương chống giặc bắt lính, chống áp bức, bóc lột, địch vận, củng cố và phát triển cơ sở, đẩy mạnh du kích chiến tranh phối hợp với chiến trường chính, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ:

+ Hội nghị Tỉnh ủy Kiến An mở rộng, tháng 11-1953, bàn và ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU, ngày 20-11: (1) Tích cực hoạt động phối hợp với chiến trường chính, tiêu diệt quan trọng sinh lực của địch và đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kinh tế, ngụy vận trong vùng tạm chiếm; (2) Giữ vững, mở rộng khu du kích. Tích cự phá các cuộc càn quét của địch; (3) Phục vụ chủ lực vào hoạt động; (4) Tranh thủ nhân dân, bảo vệ và phát triển cơ sở. Đầu năm 1954, Tỉnh ủy phát động 2 tháng đẩy mạnh công tác ngụy vận, chống thủ đoạn động viên thanh niên của địch bằng các biện pháp: vận động thanh niên không đi lính, nếu địch bắt thanh niên thì phối hợp cùng nhân dân đấu tranh, bí mật đưa báo chí, truyền đơn vào tận đồn bốt địch.

Sau chiến thắng Cát Bi, Tỉnh ủy Kiến An chủ trương tranh thủ thời cơ, chủ động đánh địch và kìm chân chúng để phối hợp với Điện Biên Phủ, đồng thời đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, kinh tế, ngụy vận, chống bắt lính.

+ Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng mở rộng đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-TU, tháng 12-1953, đã xác định:”Tranh thủ tất cả các điều kiện thuận lợi, tích cực khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh hoạt động nhằm củng cố phát triển cơ sở, phối hợp hoạt động với các chiến trường”.

- Các cấp ủy chi bộ, quân và dân các địa phương nằm trong vùng địch tạm chiếm và khu du kích triển khai chủ trương của Tỉnh ủy, Thành ủy:

+ Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thủy Nguyên (thời điểm này thuộc tỉnh Quảng Yên) họp tại căn cứ núi đá Nhị Chiểu (Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh hoạt động quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, mở chiến  dịch tuyên truyền chiến thắng Đông-Xuân, phục hồi, phát triển cơ sở, kế hoạch chống địch khủng bố.  

+ Huyện uỷ Kiến Thụy chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích và binh vận, họp bàn kế hoạch triển khai nhiệm vụ hỗ trợ cho việc chuẩn bị tập kích sân bay Cát Bi, phân công các Huyện uỷ viên, tham gia cùng bộ đội quân báo, trực tiếp về xã Hòa Nghĩa, Tân Phong, Hợp Đức điều tra chuẩn bị cơ sở. Chi bộ các xã củng cố và phát triển cơ sở trung kiên, bí mật. Nhân dân 3 xã đào hầm bí mật bảo vệ bộ đội và cung cấp tin tức quan trọng cho trận đánh.

+ Huyện ủy An Lão chỉ đạo đẩy mạnh phong trào chống bắt lính, chống dồn làng đuổi dân mở rộng sân bay (Kiến An), lập vành đai trắng.

+ Huyện ủy An Dương chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh chính trị phối hợp với vận động binh lính địch bỏ ngũ, chống địch phá hoại sản xuất (phá đê, càn phá lúa, hoa màu), chống bắt lính; tổ chức hội nghị cán bộ để kiểm điểm và bàn biện pháp thực hiện phương châm chỉ đạo của Tỉnh ủy Kiến An là đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kinh tế đồng thời phá tan mọi âm mưu của địch trong vùng tạm chiếm…

+ Huyện ủy Hải An (thuộc thành phố Hải Phòng) chỉ đạo chi bộ các làng xã khu vực quanh sân bay như Đằng Lâm, Nam Hải, Tràng Cát, Hàng Kênh… tích cực giúp đỡ và sử dụng nhân mối trinh sát sân bay. Sau chiến chiến thắng Cát Bi, Huyện ủy lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch khủng bố, chống dồn làng đuổi dân, tập trung thanh niên, lập vành đai trắng, phá hoại kinh tế địch và binh vận... 

3. Một số hoạt động chính phối hợp trực tiếp với mặt trận Điện Biên Phủ

3.1. Hoat động vũ trang:

Từ đầu năm 1954, trên địa bàn Hải Phòng-Kiến An, lực lượng vũ trang tỉnh Kiến An (đồng chí Đặng Kinh làm Tỉnh đội trưởng từ năm 1953)[1] đã có những hoạt động tích cực. Tiêu biểu:

- Tập kích sân bay Đồ Sơn, đêm 31-01-1954:

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc vận chuyển của địch cho các mặt trận chính và cũng là để chuẩn bị rút kinh nghiệm cho cuộc tập kích vào sân bay Cát Bi sau này, Tỉnh ủy Kiến An quyết định tập kích vào sân bay Đồ Sơn. Công việc chuẩn bị đánh sân bay được tiến hành rất chu đáo. Các chiến sĩ quân báo và trinh sát của ta đã nhiều lần táo bạo, mưu trí đột nhập nghiên cứu. Nhân dân các xã bí mật đào hầm để chứa bộ đội và lương thực, thực phẩm. Các chi bộ chỉ đạo chuẩn bị các phương án huy động lực lượng đấu tranh chính trị chống địch khủng bố sau khi sân bay bị tập kích.

  Lực lượng đánh sân bay gồm một trung đội bộ đội chủ lực tỉnh Kiến An, hai trung đội du kích của xã Vạn Sơn và Ngọc Hải (nay là phường Hải Sơn). Ngày 24/1/1954, đồng chí Minh Khánh cùng 2 đồng chí Quốc Bình,  Hoàng Liêm bí mật kiểm tra thực địa sân bay, kho xăng và một số vị trí, địa hình quanh sân bay, kiểm tra công việc chuẩn bị cho trận đánh. Đêm 30/1/1954 (tức 27 tháng Chạp năm Quý Tỵ) quân ta từ Tiên Lãng vào tới khu tập kết sau khi đã vượt qua nhiều phòng tuyến dày đặc đồn bốt địch. Cả đêm 30 và ngày 31/1/1954, quân ta "ém" tại các hầm bí mật từ xóm 4 đến xóm 6 Ngọc Xuyên.

Từ 23 giờ ngày 31/1/1954 (27 tháng Chạp năm Quý Tỵ), bộ đội tỉnh Kiến An cùng du kích Đồ Sơn tập kích nhanh và phối hợp chặt chẽ giữa các mũi tấn công khiến địch tê liệt ngay từ đầu không sao ứng cứu được cho nhau. Ta diệt 5 máy bay, đốt cháy 5 triệu lít xăng. Mãi đến gần sáng, quân tiếp viện của địch mới từ Hải Phòng đến. Xe tăng, thiết giáp chạy ầm ầm trên đường, bắn vu vơ vào chỗ không người. Quân ta đã rút về căn cứ an toàn. Trận tập kích sân bay Đồ Sơn là trận đánh thần kỳ, táo bạo của quân dân ta, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ miền duyên hải và binh lính địch hoang mang, lo sợ. Trận đánh sân bay Đồ Sơn là trận đánh rút kinh nghiệm, mở đường cho trận tập kích vào sân bay Cát Bi vào ngày 7/3/1954. Để trả thù, sáng hôm sau, ngày 01/2/1954, quân Pháp kéo vào bao vây từ trên núi xuống làng. Ngày 2/2/1954, chúng cho máy bay ném bom, ca-nô từ biển bắn vào bãi sú (chúng cho có thể là nơi trú quân của ta), xe tăng bao vây khu Đầu Gồ. Nhân dân Đồ Sơn kiên trì đấu tranh chống địch khủng bố suốt 15 ngày liền.

- Tập kích sân bay Cát Bi, ngày 7-3-1954 (có báo cáo riêng)

Một tuần sau trận tập kích vào sân bay Cát Bi, ngày 13-5-1954, quân ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Các chiến trường toàn quốc đều đẩy mạnh hoạt động phối hợp. Khu cố thủ Hải Phòng không còn là nơi an toàn của thực dân Pháp.                                    

- Một số hoạt động vũ trang ở các huyện và nội thành Hải Phòng: chiến tranh du kích phát triển rộng khắp trong vùng địch tạm chiếm sâu và khu du kích, uy hiếp trực tiếp các tuyến giao thông quan trọng như đường số 5 và vùng phụ cận nội thành. Một số hoạt động tiêu biểu:

+ Khu du kích Tiên Lãng, Vĩnh Bảo đẩy mạnh phong trào “Thi đua nhốt địch trong vị trí”. Du kích đào hầm gài chông, bẫy mìn xung quanh bốt giặc, tổ chức bắn tỉa, quấy rối làm chúng luôn mất ổn định, phải dùng máy bay tiếp tế. Quân dân các xã Toàn Thắng, Quang Phục, Cấp Tiến…đập tan nhiều cuộc càn quét của địch, bao vây chặt các vị trí Trung Lăng, Mỹ Lộc, Bến Sứa.

+ Vùng địch chiếm đóng sâu hoạt động vũ trang mạnh hơn. Dân quân, du kích các xã ven sông Văn Úc, Đa Độ, đường 5, đường 10 thường xuyên tập kích, phục kích gây cho địch nhiều thiệt hại. Bộ đội huyện và du kích Thủy Nguyên tập kích các vị trí địch ở Pháp Cổ, Hà Luận và Câu Tử (đêm ngày 2-2-1954). Bộ đội tỉnh cùng du kích huyện An Lão tập kích vị trí Bách Phương (đêm 30-4-1954). Cơ sở Công đoàn Cảng và Ga Hải Phòng cung cấp tin tức về kế hoạch vận chuyển, giờ tầu rời ga…giúp bộ đội, du kích huyện An Dương kịp thời chặn đánh những đoàn tầu quân sự buộc địch phải bỏ nhiều chuyến. Trước đây, mỗi ngày có 10-12 chuyến xe lửa Hải Phòng đi Hà Nội nay chỉ còn 2-3 chuyến. Hàng quân sự Mỹ viện trợ ùn tắc ở Cảng.

3.2. Đấu tranh chống bắt lính và địch vận

Trong tháng 3 và 4-1954, nhiều cuộc đấu tranh chống bắt lính, đòi chồng con trở về. Trong nội thành, nổ ra 12 cuộc đấu tranh đòi hoãn, miễn quân dịch cho con em và đòi cho chồng con được giải ngũ. Hàng trăm thanh niên được giải thoát khi địch vây bắt trên đường phố. Ở Kiến An, ngày 2-2-1954, địch vây thị xã, bắt hơn 200 thanh niên. Ngày 3-2-1954, chúng bắt hơn 200 phụ nữ vào đội Nữ dũng binh, bắt chị em học quân sự. Khi địch tổ chức bắt lính ở khu phố nào thì phụ nữ kêu la giữ lại. Mọi người kéo đến ngày càng đông, hỗ trợ đấu tranh. Nhiều người trèo lên xe lôi thanh niên xuống mặc cho lính đánh đập. Thanh niên nhân cơ hội đó bỏ chạy. Ngày 27-3-1954, tại thị xã, địch tổ chức thành lập địa phương quân. Cán bộ vận động nhân dân tẩy chay không hưởng ứng, thuyết phục anh em địa phương quân không dự lễ duyệt binh, lễ kỷ niệm. Huyện An Dương, ngày 30/4/1954, ta đã vận động vợ chồng tên chỉ huy ở bốt Cam Lộ, cùng 12 binh sĩ, mang vũ khí ra hàng. Trên địa bàn quận Hồng Bàng, các đoàn thể vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống bắt lính, tổ chức thanh niên trốn lính, chống thuế, đòi quyền lợi thiết thực hằng ngày. Trong một thời gian ngắn, nhân dân huyện Hải An vận động được 105 lính bỏ ngũ. Huyện Thủy Nguyên vận động nhân dân kéo lên các vị trí địch đấu tranh, đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và vận động binh lính địch bỏ ngũ. Số người tham gia lên tới 3 vạn lượt người. Nhân dân, suốt từ Phù Ninh, Kỳ Sơn, Hợp Thành, Cao Nhân, Kiền Bái, Trịnh Xá, Đông Sơn, Kênh Giang đến Hoàng Động, Hoa Động, Dương Quan, Ngũ Lão, Thủy Đường... đều kéo lên các vị trí Pháp Cổ, Phi Liệt, Thanh Lãng, Si, cầu Giá và đông nhất là Núi Đèo. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Địch ở các vị trí đều mở cổng đón tiếp đại diện, nhận đơn kiến nghị và hứa chuyển lên cấp trên. 

3.3. Đấu tranh chống địch càn quét, khủng bố, chống thu thuế, đòi quyền lợi

Trong vùng địch tạm chiếm, chúng ra sức càn quét, đuổi dân, lập “vành đai trắng” quanh cứ điểm quân sự. Từ đầu năm 1954, chúng đã đuổi hơn 600 gia đình quanh Tỉnh lỵ Kiến An, 40 gia đình ở xã An Luận (Tiên Lãng), 30 gia đình ở Đông Xuyên (Tiên Lãng). Tại Đồ Sơn, sau khi ta tập kích, địch xây dựng lại sân bay, chúng đuổi dân, lập vành đai trắng: cho xe húc đổ nhà, đẩy người và đồ lên xe, đưa đi sống tập trung tại Qúy Kim… Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể vận động bà con đấu tranh đòi được bồi thường hoa lợi, nấn ná, kéo dài. Khi buộc phải đi, các gia đình không vào khu tập trung mà dựng nhà ở rải rác từ Đồng Nẻo đến Đồn Riêng, kéo dài tới 4 km. Tại đây, dân vẫn đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ.

  Trong nội thành, tháng 4-1954, có hơn 30 cuộc đấu tranh chống thu thuế. Hàng ngàn người dân buôn bán tìm mọi cách khất thuế, không nộp thuế. Hơn 500 tiểu thương ở chợ Sắt nhất loạt bãi thị đòi giảm 50% thuế, địch phải nhượng bộ. Ở khu Hải Tây (địa bàn tương ứng với Quận Lê Chân hiện nay), cơ sở bí mật của ta gài trong hộ phố Hàng Kênh đã khôn khéo lợi dụng cấp giấy cho người của ta hợp pháp đi khắp thành phố để hoạt động. Trên địa bàn quận Hồng Bàng, các đoàn thể vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống thuế, đòi quyền lợi thiết thực hằng ngày. Hơn 1.000 công nhân Sở lục lộ bãi công thuỷ đòi tăng lương. Công nhân Ximăng bãi công đòi trả đủ tiền lương, chống giãn thợ, đòi tiền phụ cấp đắt đỏ. Ở huyện Hải An, nhân dân các thôn Trung Hành, Đằng Lâm, Cát Khê, Đôn Nghĩa, Vĩnh Niệm đấu tranh giữ lại 100 gia đình không để địch dồn đi nơi khác. Nhân dân Tràng Cát, Nam Hải, Đông Hải... đòi địch bồi thường vì chúng phá đê, nước mặn tràn vào làm chết hàng trăm mẫu lúa. Những nơi có cơ sở kháng chiến mạnh (9 thôn), địch không thu được thuế.

3.4. Trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Những tháng đầu năm 1954, nội thành và huyện Hải An ngoại thành Hải Phòng có gần 3.000 thanh niên và huyện Thủy Nguyên, trong 3 tháng đầu năm 1954, có gần 1.000 thanh niên tòng quân, trong đó có nhiều người trực tiếp tham gia chiến đấu và dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân các huyện khu du kích và cả vùng bị địch chiếm đóng đã tích cực đóng thuế nông nghiệp, góp thêm lương thực cho các chiến sĩ Điện Biên.

Hiện tại, theo thống kê chưa đầy đủ, có 2496 người Hải Phòng -Kiến An là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng (7/5/1954-7/5/2019), Hội Truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố đã xuất bản ấn phẩm “Ký ức Điện Biên”, trong đó có những hồi ức của người trong cuộc.

 3.5. Đẩy mạnh tuyên truyền về chiến thắng trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ

Trước và trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, tin thắng lợi của trận tập kích sân bay Cát Bi và ở Điện Biên Phủ dồn dập truyền về đã cổ vũ tinh thần kháng chiến quân dân Hải Phòng-Kiến An. Lực lượng quan Pháp bại trận từ các nơi và bị thương tích ở Điện Biên Phủ kéo về ở các khu vực ven nội thành ngày càng đông. Tỉnh ủy Kiến An chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền về những thắng lợi ở Điện Biên Phủ gắn với địch vận, đấu tranh đòi chồng con, làm tan rã hàng ngũ địch. Những hoạt này có hiệu quả lớn là nhiều binh lính địch bỏ ngũ, giảm hẳn việc càn quét, khủng bố. Nhiều vị trí, đồn bốt đóng cổng cả ngày. Chính quyền tay sai ở các làng xã hoang mang, lo sợ.

 Từ những trình bày trên, có thể rút ra một số nhận xét, đánh giá là: Với thế trận chiến tranh nhân dân được dầy công xây dựng ở cả khu du kích Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và cả ở các huyện và nội thành Hải Phòng là vùng địch tạm chiếm, cả hai đảng bộ, quân và dân tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng đã nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp; nắm vững và triển khai chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy Trung ương bảo đảm rõ tính chủ động, kịp thời, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế và binh vận, góp phần quan trọng làm phá sản kế hoạch Na Va của thực dân Pháp ngay ở thời điểm được triển khai thực hiện. Đồng thời đã tăng cường phối hợp, "chia lửa" với chiến dịch bao vây, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân và dân ta bằng những chiến công xuất sắc và đầy hiệu quả, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương và tặng thưởng các phần thưởng cao quý./.

Tài liệu tham khảo

- GS.Trương Hữu Quýnh, GS.Đinh Xuân Lâm, PGS.Lê Mậu Hãn: Đại cương Lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.2009

- Thành ủy Hải Phòng: Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng (tập I), Nxb Hải Phòng, 1991  và các huyện, quận, xã, phường

- Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng: Lịch sử Hải Phòng, tập III, Nxb CTQG, HM. 2021

 - Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố: Hải Phòng- Lịch sử Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1955), Nxb QĐND, 1986 và một số huyện, quận

 

[1] Sau này, Trung tướng Đặng Kinh có trao đổi rằng các trận tập kích vào thị xã tỉnh lỵ Kiến An (4-1953), Sở Dầu (6-1953), sân bay Đồ Sơn (1-1954) và Cát Bi (3-1954) là những kinh nghiệm quý giúp ông chỉ huy đánh vào thành phố Huế trong cuộc tiến công chiến lược Tết Mâịu Thân năm 1968

Lượt truy cập: 264007
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn