Thời gian: 22/10/2024 16:00

Bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố Hải Phòng - Thực trạng, thách thức và giải pháp

Sáng 22/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố Hải Phòng - Thực trạng, thách thức và giải pháp”.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo khoa học đã thu hút gần 100 đại biểu đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); lãnh đạo sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố; các nhà khoa học, chuyên gia môi trường thuộc hệ thống Liên hiệp Hội quan tâm tham dự, với mong muốn có những đóng góp hữu ích, phù hợp trước nhu cầu về nước ngọt cho thành phố Hải Phòng. TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội và TS. Phạm Hữu Thư, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội đồng chủ trì Hội thảo.

Tại Hải Phòng, với vị trí nằm ở vùng duyên hải hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình thuộc đồng bằng sông Hồng, nguồn nước thô tại Hải Phòng chủ yếu được lấy từ hệ thống Sông Rế; sông Đa Độ; sông Giá; Kênh Tân Hưng Hồng; Kênh Chanh Dương Ba Đồng, Bạch Đà; Nguồn nước khu vực Cát Bà, Bạch Long Vĩ. Đây là các nguồn nước chính phục vụ cho cấp nước sinh hoạt của thành phố.  Hiện tại, tổng lượng nước có thể khai thác trên địa bàn toàn Thành phố là 716 triệu m3/năm. Trong đó, lượng nước mặt ứng với tần suất 85% là 546 triệu m3/năm; lượng nước dưới đất là 170 triệu m3/năm. Các công trình thủy lợi đang phục vụ tưới, tiêu cho gần 100.000 ha diện tích nông nghiệp và thủy sản, cung cấp trên 90 triệu m3 nước thô mỗi năm cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết: “Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm về lượng, hiện tượng xâm nhập mặn đối với nguồn nước ngọt và tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các hệ thống sông, rạch, ao, hồ đang có xu hướng gia tăng và có nguy cơ báo động. Chất lượng nước nguồn thay đổi và suy giảm theo từng năm. Một số nguồn nước có số lượng mẫu đạt quy chuẩn thấp, các chỉ số ô nhiễm tăng cao”.

 

TS. Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo

Bên cạnh đó, TS. Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo nhằm tiếp thu, tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, làm cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố theo tinh thần Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế- xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên nước tại thành phố; nhận diện các nguy cơ, thách thức trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Theo đó, do tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm về lượng, hiện tượng xâm nhập mặn đối với nguồn nước ngọt và tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các hệ thống sông, rạch, ao, hồ đang có xu hướng gia tăng và có nguy cơ báo động. Chất lượng nước nguồn thay đổi và suy giảm theo từng năm. Tình trạng suy thoái chất lượng nguồn nước diễn ra ở nhiều khu vực và đe dọa an ninh nguồn nước quốc gia, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và việc cung cấp đủ, bảo đảm chất lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sạch sinh hoạt và các nhu cầu cấp nước phục vụ sản xuất, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Từ những đánh giá trên, các đại biểu đề xuất, khuyến nghị các giải pháp định hướng ổn định bền vững chất lượng nguồn nước tại Hải Phòng như: Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới; triển khai các giải pháp phi công trình gồm nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước và kiểm soát xả thải; hoàn thiện chính sách, tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn nước; cải thiện chất lượng nước cấp đô thị và nông thôn, triển khai kế hoạch cấp nước an toàn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xử lý ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt…

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ông Cao Văn Quý - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Cấp nước Hải Phòng tham luận

TS. Nguyễn Đức Việt - Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tham luận

ThS. Nguyễn Minh Hải, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tham luận

TS. Lê Xuân Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ biển và Bảo tàng hải dương học Đồ Sơn tham luận

Ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu 

Ông Đàm Xuân Lũy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Liên hiệp Hội) phát biểu

Ông Vũ Hồng Dương - Nguyên Giám đốc Công ty CP cấp nước Hải Phòng phát biểu

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 256460
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn