Thời gian: 26/09/2024 09:21

Nghiên cứu xây dựng quy trình tạo hợp chất mới có hoạt tính kháng sinh từ xạ khuẩn biển thành phố Hải Phòng

Sáng 26/9, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình tạo hợp chất mới có hoạt tính kháng sinh từ xạ khuẩn biển thành phố Hải Phòng”. Đề tài do Trường Đại học Y Dược Hải Phòng chủ trì, TS Cao Đức Tuấn cùng các cộng sự thực hiện. TS Phan Huy Thục - Phó Giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng.

Quang cảnh Hội nghị tư vấn đánh giá kết quả nhiệm vụ.

Trên cơ sở thu thập thông tin, các nguồn tài liệu có liên quan về tài nguyên sinh vật biển và xạ khuẩn biển tại vùng biển quần đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ. Đề tài đã tiến hành các nội dung chính như sau: Phân lập và sàng lọc các chủng xạ khuẩn biển Hải Phòng có hoạt tính kháng sinh; Xây dựng quy trình nuôi cấy chủng xạ khuẩn biển Hải Phòng G595, quy trình tạo căn chiết, quy trình tách và tinh chế hợp chất mới có hoạt tính kháng sinh từ xạ khuẩn biển; Đề xuất một số giải pháp sử dụng sản phẩm khoa học của đề tài.

Kết quả phân lập và sàng lọc, nhóm nghiên cứu đã định danh được 6/8 chủng xạ khuẩn biển dựa vào hình thái, 6/8 chủng dựa vào trình tự gene 16S ARN. Trong đó chủng G595 (Salinispora arenicola G595) đạt tiêu chuẩn được lựa chọn để tiến hành xây dựng quy trình nuôi cấy xạ khuẩn biển. Kết quả đạt tối ưu khi nuôi cấy 250ml chủng xạ khuẩn biển G595 ở điều kiện nuôi cấy ban đầu với PH 7,2; nhiệt độ 280C; thời gian là 14 ngày. Với quy mô 5L đạt kết quả tối ưu ở điều kiện tỷ lệ giống 5%, tỷ lệ N/C 1 và tỷ lệ muối là 3%. Dựa theo kết quả của quy trình nuôi cấy 250ml và 5l nhóm đã nghiên cứu quá trình nuôi cấy 50l gồm các bước: (1) kiểm tra độ thuần chủng; (2) hoạt hoá; (3) nhân giống cấp 1; (4) nhân giống cấp 2; (5) nuôi cấy.

Quy trình tạo cặn chiết 250ml chủng G595 đạt kết quả tối ưu ở điều kiện nhiệt độ siêu âm 40oC, tỷ lệ dịch nuôi/XAD 3 mL/g, thời gian siêu âm 30phút. Kết quả tối ưu quy trình tạo cặn chiết 5ml ở điều kiện nồng độ MeOH 80%, thể tích MeOH 50l, số lần rửa giải bằng MeOH là 3 lần. Căn cứ vào những điều kiện tối ưu trên nhóm nghiên cứu đã xây dựng Quy trình công nghệ tạo cặn chiết từ dịch nuôi cấy chủng xạ khuẩn biển G595 quy mô 50l với các bước chính như sau: Bước 1: Siêu âm phá vỡ tế bào xạ khuẩn; Bước 2: Lọc thô; Bước 3: Hấp phụ; Bước 4: Rửa giải; Bước 5: Cất loại dung môi. Quy trình tách chiết và tinh sạch các hợp chất kháng sinh từ cặn MeOH-G595 được đề xuất gồm 5 bước: (1) hoà tan; (2) chiết phân bố; (3) cặn chiết; (4) phân loại; (5) tinh chế. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra 12 hợp chất tách từ G595, trong đó có 1 hợp chất mới là G595-8. Bên cạnh đó, đề tài đã đề xuất được các giải pháp sử dụng hợp chất mới có hoạt tính kháng sinh từ G595 và các giải pháp sử dụng cặn chiết chủng xạ khuẩn biển Salinispora arenicola G595.

Ban chủ nhiệm đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng với các thành viên Hội đồng.

Hội đồng đánh giá cao kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu, đề tài có tính mới, tính thực tiễn. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cần bổ sung thêm định lượng sản phẩm xạ khuẩn biển tại Hải Phòng, bám sát mục tiêu nghiên cứu để làm rõ thêm kết luận của báo cáo, rà soát và chỉnh sửa lỗi chế bản để hoàn thiện báo cáo.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài xếp loại “Xuất sắc”. Báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ trình Ủy ban nhân dân thành phố nghiệm thu./.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 263590
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn