Thời gian: 15/06/2024 10:52

Vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới thông minh ở thành phố Hải Phòng

Xây dựng nông thôn mới (NTM) thông minh là một mục tiêu quan trọng, là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển ở mỗi quốc gia, mỗi tỉnh thành trong cả nước và Hải Phòng cũng không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, vai trò của Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ và định hình nên hình ảnh một nông thôn mới mẻ, hiện đại và thông minh trong thời đại số. Việc ứng dụng KHCN&ĐMST không còn là “lự chọn” mà trở thành xu thế “tất yếu” để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng một nông thôn mới thông minh, thân thiện với môi trường.

1. Tái cấu trúc ngành nông nghiệp, cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng nông sản giúp gia tăng sức cạnh tranh của hàng hoá

Nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống nền kinh tế, không chỉ là trụ đỡ đảm bảo an ninh lương thực mà còn là động lực cho sự phát triển và hiện đại hóa nông thôn. Tầm quan trọng của nông nghiệp nằm ở khả năng duy trì sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Với phương châm KH&CN luôn đi trước, khám phá và đổi mới để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả, các giải pháp tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường mà không gây tổn thương đến môi trường và xã hội từ đó hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân. Sở KH&CN thành phố Hải Phòng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như: Vận dụng các cơ chế, chính sách của nhà nước để tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố triển khai có hiệu quả hoạt động ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM như: Tích hợp các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần nâng cao  hiệu quả đầu tư, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực; Định hướng cho các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ KH&CN, các đề tài nghiên cứu khoa học có triển vọng cho địa phương để mở rộng ứng dụng vào sản xuất. Do đó, thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung vào tổ chức thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và phục vụ xây dựng nông thôn mới như: Sử dụng công nghệ mới; Sử dụng các loại giống, các sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới có tính năng vượt trội vào sản xuất tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, phát triển kinh tế của địa phương. Đối với chính sách xây dựng NTM, hiện tại Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai nghiên cứu giải pháp phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm củng cố vững chắc các tiêu chí NTM tại các địa phương. Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản được hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Trên cơ sở đó, nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới mang tính đột phá trong việc giải quyết những khó khăn mà các địa phương gặp phải trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất được triển khai ở tất cả các địa phương trong thành phố. Trong đó, phải kể đến việc triển khai 07 nhiệm vụ cấp nhà nước, cấp bộ; 40 nhiệm vụ cấp thành phố; 48 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; 56 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở; 63 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới; 12 loại giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng phân bón phức thay cho phân đơn; Đổi mới thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, trồng trọt; Phát triển giống gà lông màu 2-3 máu thay cho gà trắng công nghiệp trước đây, cơ bản thay thế giống lợn nội bằng giống lợn ngoại 2-3 máu năng suất cao; Chăn nuôi theo phương pháp trang trại phát triển nhanh. Khai thác thuỷ sản phát triển theo hướng xa bờ… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2018-2022 liên tục tăng trưởng. Cơ cấu cây trồng vật nuôi thay đổi phù hợp với thị trường, thích ứng với biển đổi khí hậu; Năng suất cây trồng và vật nuôi tăng cao. Việc áp dụng KH&CN vào quy trình sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng, đổi mới mẫu mã của sản phẩm, từ đó giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, gia tăng được lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung hỗ trợ từ cơ chế chính sách của thành phố hướng đến bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho cơ sở sản xuất như: Các chương trình Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể; Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu giúp nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hoá, dịch vụ, nâng cao nhận thức về sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất kinh doanh trên địa bàn  thành phố.  Đến nay, Sở đã tổ chức xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể sản phẩm OCOP cho 167 sản phẩm; Chứng nhận VietGAP cho 47 sản phẩm; Chứng nhận 15 ha lúa hữu cơ; Bảo hộ nhãn hiệu 67 sản phẩm; Chỉ dẫn địa lý cho 02 sản phẩm…

2. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông thôn

Trong những năm qua, Sở KH&CN luôn chú trọng đến việc nghiên cứu, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng theo hướng phù hợp với thực tế địa phương, phát huy tối đa lợi thế vùng miền; Tích hợp các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cùng với đó việc ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến và hệ thống thông tin địa lý (GIS), tự động hóa, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo,…để theo dõi và đánh giá tình trạng của tài nguyên thiên nhiên. Cùng với việc nghiên cứu và phát triển giống cây chịu bệnh, có khả năng chống chịu và thích nghi tốt với môi trường; Ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, bền vững (canh tác hỗn hợp, canh tác sinh học) giúp sản xuất nông nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân và các hộ kinh doanh chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

3. Đào tạo và nâng cao nhận thức của người nông dân, giúp người dân kết nối thông tin và thị trường

Việc xây dựng NTM thông minh đòi hỏi sự đổi mới không chỉ từ công nghệ mà còn từ con người. Chính vì vậy, giáo dục và đào tạo là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng dân cư để tạo ra lực lượng lao động có chất lượng và đủ năng lực để thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nông thôn. Những năm qua Sở KH&CN phối hợp với các sở ngành liên quan, các địa phương lồng ghép các chương trình đào tạo nghề, lớp tập huấn chuyển giao KH&CN qua nhiều hình thức như: Xây dựng các mô hình khuyến nông; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn với mục đích cung cấp các thông tin, định hướng chính sách về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Trao đổi các giải pháp khoa học công nghệ nhằm khai thác và phát triển lĩnh vực phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế vùng miền, địa phương; Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST. Sở KH&CN hỗ trợ trong việc xây dựng nông thôn thông minh không chỉ bằng cách cải thiện sản xuất mà còn qua việc kết nối cộng đồng. Hàng năm Sở KH&CN tổ chức các phiên kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường quốc tế, đồng thời quảng bá các sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài; Ký kết kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng tái tạo giữa Sở KH&CN thành phố Hải Phòng và Sở Công nghiệp năng lượng tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc. Sở cũng triển khai khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; Phối hợp với Văn phòng Kinh tế và Thương mại Israel tại Việt Nam tổ chức Lễ Khai trương Khu trưng bày công nghệ Nông nghiệp Công nghệ cao Israel tại trụ sở Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Mới đất nhất  (25/11/2023), đồng chí Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN dẫn đầu đoàn công tác của Hải Phòng gồm các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thăm và làm việc tại Carah - Trung tâm Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm tỉnh Hainaut, Vương quốc Bỉ. Đây là 1 trong 3 đơn vị hàng đầu Châu Âu có thế mạnh về nghiên cứu, đào tạo cũng như triển khai các dịch vụ về xác định và kiểm soát các bệnh trên khoai tây, ngũ cốc; phân tích đất và tư vấn bón phân thích hợp; Sản xuất sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa… Các chương trình như Hội chợ trực tuyến; Truy xuất nguồn gốc giúp nâng tầm thương hiệu, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, rút ngắn khoảng cách để nông sản tới khách hàng. Cùng với sự phổ cập internet và các ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nông dân dễ dàng truy cập thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra mạng lưới hợp tác. Điều này tạo ra sự kết nối giữa nông dân và thị trường, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp.

4. Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp sáng tạo cho nông thôn mới thông minh. Trong đó khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp giúp cải thiện năng suất và hiệu quả trong quá trình sản xuất nông sản; Phát triển các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững; Giúp kết nối nông dân với thị trường; Thúc đẩy việc ứng dụng và sử dụng công nghệ trong cộng đồng dân cư; Phát triển sự sáng tạo trong quá trình chế biến nông sản và các sản phẩm nông nghiệp; Phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Sở KH&CN đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh khởi nghiệp có thể phát triển và triển khai các sản phẩm của mình. Giai đoạn từ 2018- 2022 Sở đã trình UBND thành phố ban hành quyết định hỗ trợ cho 17 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công nghệ mới, trong đó có thể kể đến những dự án khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp như: Dự án Vang Phượng cháy (là sản phẩm rượu lên men từ hoa Phượng); Ứng dụng men vi sinh sinh vật hữu hiệu để xử lý rác tại hộ gia đình; Tinh bột củ sen Vũ Đoàn; Nhượng quyền mô hình xe rán chả cá Dưa; Sản phẩm sinh thái Lúa Rươi: Cốm gạo lứt và rươi kho Kiến Quốc. Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng về nông nghiệp và khởi nghiệp trong nông nghiệp không chỉ là phương thức thúc đẩy tinh thần sáng tạo mà còn tạo ra những ứng dụng thực tế hỗ trợ cộng đồng, giúp nông nghiệp phát triển. Các dự án  này đã và đang đóng trò quan trọng trong việc định hình tương lai của nông thôn, bằng cách xây dựng những mô hình mới mẻ, chuyển từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp thành phố từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp với những gam màu mới tươi sáng hơn.

5. Phát triển nông thôn mới thông minh

Bộ mặt nông thôn ngày càng trở nên hiện hại và thông minh hơn nhờ vào sự đóng góp to lớn của KHCN và chuyển đổi số, công nghệ số. Đây không chỉ là động lực mà còn là giải pháp quyết định để xây dựng một nông thôn thông minh, sáng tạo và bền vững. Chuyển đổi số đang là lực đẩy quan trọng, tạo ra các mô hình và giải pháp hỗ trợ cộng đồng dân cư và tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào thực tế. Sở KH&CN đã đồng đồng hành với xu hướng này bằng những việc làm thiết thực như: Tổ chức các lớp kỹ năng chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng số cho cộng đồng  dân cư. Trong năm 2022, Sở đã tổ chức 06 lớp kỹ năng CĐS, thu hút sự tham gia tích cực của hơn 150 doanh nghiệp, 115 cán bộ Hội nông dân và 120 cán bộ công chức của thành phố. Những buổi đào tạo này không chỉ chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức về công nghệ số mà còn tập trung vào việc ứng dụng nó vào các lĩnh vực nông nghiệp và quản lý nông thôn. Năm 2023, Sở tiếp tục đồng hành, góp phần xây dựng NTM thông minh bằng việc tổ chức 02 lớp đào tạo về kỹ năng số và an toàn thông tin trong lĩnh vực chuyển đổi số và quản lý nông thôn nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu và kỹ năng cần thiết cho cộng đồng để đáp ứng với thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, Sở còn chủ động trong việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ số vào thực tế thông qua việc tiến hành nghiên cứu số hóa việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 giúp chính quyền địa phương cung cấp sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao, đồng thời giúp lãnh đạo địa phương nắm bắt mức độ hoạt động và nhận biết các khu vực cần cải tiến nhằm xây dựng chính quyền tin cậy, minh bạch, có trách nhiệm với cộng đồng dân cư. Việc tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở cùng với việc triển khai xây dựng nội dung, phát hành Bản tin Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tới tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn với tần suất 1 tuần/số đã góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng cường hiệu suất làm việc của cộng đồng nông dân và doanh nghiệp.

Bằng những đóng góp và việc làm của mình, Sở KH&CN đã góp phần không nhỏ đưa NTM Hải Phòng tiến những vững chắc vào tương lai số hóa , thông minh và bền vững.

Lượt truy cập: 263926
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn