Mọi người đều nhận thức được rằng chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng đó buộc chúng ta phải thay đổi cách tư duy, cách hành động trong mọi hoạt động của đời sống chính trị và xã hội. Viêc xây dựng nông nghiệp thông minh của Việt Nam nói chung và của thành phố Hải Phòng nói riêng cũng là điều tất yếu đối với các hoạt động kinh tế trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0.
Như chúng ta đã biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng chỉ rõ định hướng: “Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới”[1]; đồng thời, “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”[2]. Đây chính là cơ sở nền tảng để Hải Phòng triển khai kế hoạch xây dựng nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao đời sống người lao động cũng như phát triển kinh tế Hải Phòng góp phần nâng cao sản phẩm xuất khẩu, khai thác được tiềm lực và thế mạnh của thành phố cửa ngõ khu vực Bắc Bộ với cảng biển nhiều năm lịch sử. Dễ nhận thấy việc xây dựng nông nghiệp thông minh có tính đặc thù cho mỗi vùng miền, nó phụ thuộc điều kiện tự nhiên, nguồn lực của vùng miền đó cùng với những tác động của các yếu tố khách quan. Chính vì vậy để triển khai kế hoạch xây dưng nông nghiệp thông minh của Hải Phòng cần nhận biết được đầy đủ thực trạng nông nghiệp của Hải Phòng hiện nay, dự báo được xu thế và diễn biến của thời đại từ đó có cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp nhằm từng bước xây dựng nông nghiệp Hải Phòng trở thành nông nghiêp thông minh bền vững.
1. Đôi nét về thời đại cách mạng công nghệ 4.0 (cách mạng công nghiệp lần thứ tư ).
Cách mạng khoa học- công nghệ đã trải qua 4 giai đoạn của lịch sử. Xuất phát điểm là Cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ I hay gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ I cho tới nay là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thường được gọi là cách mạng công nghệ 4.0. Bởi lẽ cuôc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung vào công nghệ số nên được gọi là Cách mạng Công nghệ 4.0. Trong cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò rất quan trọng. CĐS là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh đem lại nhiều lợi ích đáng kể để đưa con người đến những điều “chưa bao giờ xuất hiện”.
Như Alibaba, nhà bán lẻ có giá trị nhất, không có hàng tồn kho; Uber, công ty taxi lớn nhất thế giới, không sở hữu một ô tô nào; Facebook, chủ sở hữu phương tiện truyền thông phổ biến nhất thế giới, không tạo ra một nội dung nào;...
2. Hiểu thế nào về nông nghiệp thông minh.
Nông nghiệp thông minh là một thuật ngữ đang được những người nông dân và nhà vườn quan tâm, chú trọng. Có nhiều cách hiểu khác nhau, theo công ty Agridrone thì “ Nông nghiệp thông minh có thể được hiểu là việc sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện quản lý thường xuyên và định lượng sản xuất nông nghiệp, phân bổ nguồn lực hợp lý theo quy luật tăng trưởng của sản phẩm nông nghiệp nhằm đạt được nền nông nghiệp hiệu quả cao, chi phí ít, chất lượng cao và thân thiện với môi trường.” [3].
Một cách tổng quát có thể hiểu: Nông nghiệp thông mình chính là nông nghiệp mà trong đó từ quá trình tổ chức sản xuất tới sản xuất, chế biến cho tới tay người tiêu dùng được ứng dụng công nghệ cao (tự động hóa, cơ giới hóa, …), trong đó có ứng dụng các công nghệ của chuyển đổi số ( IoT; AI; big data..) nhằm đảm bảo sản phẩm được nhận diện, an toàn, có chất lượng, hiệu quả.
Như vậy có thể thấy rằng, Nông nghiệp thông minh giúp chúng ta nâng cao tính hiệu quả và bền vững cho sản xuất nông nghiệp, từ việc chăm sóc cây trồng và vật nuôi đến quản lý tài nguyên như nước, phân bón và thuốc trừ sâu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững .
3. Việt Nam đã triển khai xây dựng nông nghiệp thông minh thế nào.
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 480.000 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (trong đó, rau trồng theo tiêu chuẩn này chiếm khoảng trên 10%), còn số đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP là 8.304 cơ sở. Ngoài ra, có gần 90.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 905 trang trại và 2.543 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP “[4]. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 tăng 3,33% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,88%; chăn nuôi tăng 5,93%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Giá trị gia tăng của toàn ngành năm 2022 ước tăng trên 3%. Nhiều lĩnh vực của nông nghiệp đang được áp dụng công nghệ số như quản lý đồng ruộng, sử dụng mobile app (phần mềm trên điện thoại di động), drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến thức ăn, tự động hóa vệ sinh chuồng trại.
Tại Đà Lạt đã xây dựng được hệ thống nhà lưới trồng rau với ánh sáng đèn LED, bước đầu đã mang lai hiệu quả cao. Đà Lạt cũng là đia phương áp dụng phương pháp trồng rau thủy canh hoàn toàn tự động để cung cấp rau sạch. Đà Lạt đã triển khai mô hình kết hợp tham quan du lịch với sản xuất; tại đây đã có những vườn hoa được tưới nước bằng hệ thống hoàn toàn tự động bằng thiết bi lắp đặt sẵn, sử dụng thiết bị cảm biến để cung cấp thông tin về độ ẩm, lượng nước tưới và thời gian tưới cho hoa.
Đối với trồng lúa, ở nhiều đia phương thuộc đồng bằng Nam Bộ đã đưa công nghệ vào các công đoạn gieo hạt, cấy lúa, phun thuốc trừ sâu và thu hoach ở những vùng trồng lúa cánh đồng mẫu lớn. Đã tiến hành phun thuốc trừ sâu bằng máy bay, tăng độ chính xác, giảm sức người, tiết kiệm chi phí và thời gian tiến tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Hình ảnh về Nền Nông nghiêp thông minh.
Tại tỉnh Đồng Nai, HTX Rau an toàn Lộc Tiến ở xã Xuân Hiệp; HTX Rau sạch Trường An... là đơn vị trồng rau sạch có tiếng ở H.Xuân Lộc. Xuân Lộc là một trong 4 huyện được chọn thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Riêng Xuân Lộc là địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Địa phương đã ứng dụng công nghệ nhà kính (nhà màng ) trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích, từ việc tăng cường sản xuất đến quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. Nhà vườn dễ dàng kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng theo nhu cầu của cây trồng, giúp tăng cường sản xuất [6].
Thực tế chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và đem lại giá trị - cơ hội mở rộng cao hơn. Mặc dù chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định, song sự tăng trưởng trong nông nghiêp Việt Nam, đất nước có nền nông nghiệp lâu đời với tiềm năng, thế mạnh của chúng ta rất to lớn song năng suất lao động của ta còn khá thấp trong khu vực cũng như trên thế giới, chất lượng lao động và hàng hóa chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm còn yếu.
Theo đánh giá của các chuyên gia và của chính phủ thì nông nghiêp Việt Nam tăng trưởng chưa bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao, một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn.
Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng cho ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị hiên đại với công nghệ cao rất hạn chế,.…
4. Một số nét về thực trạng xây dựng nông nghiệp thông minh ở Hải Phòng.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của TP Hải Phòng trong năm 2022 đạt hơn 15,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,12% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu được giao. năm 2022, đã triển khai xây dựng 7 mô hình đạt chứng nhận VietGAP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn.
Chuỗi văn phòng trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP thành phố và Văn phòng tại Trung tâm Khuyến nông đã triển khai liên kết, giới thiệu trên 350 sản phẩm, trong đó có trên 90 sản phẩm OCOP Hải Phòng của 35 chủ thể, 80 sản phẩm đặc trưng, an toàn.
Hiện nay, ngoài hơn 1.000 ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có hơn 200 ha sản phẩm trồng trọt được chứng nhận GAP, tập trung ở các quận, huyện như Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Đồ Sơn, An Lão…
Mô hình trồng rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao tại Hải Phòng
Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP có gắn tem truy xuất đều được siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các trường học và các bếp ăn tập thể ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như mô hình sản xuất rau củ quả theo GAP gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo) với quy mô 5 ha của Công ty TNHH Thực phẩm xanh Kỳ Duyên Việt Nam. Mô hình này sử dụng hệ thống tưới nước tự động với nhóm sản phẩm như bắp cải, súp lơ, cải thảo, dưa chuột, khoai tây, măng tây, cà tím..., rau sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tăng 15 - 20% so với sản xuất đại trà [3].
Về chăn nuôi gia súc và gia cầm, hiện nay Hải Phòng có 1084 trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm. Trong đó mới có 10% ứng dụng công nghệ cao [8].
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp ở TP Hải Phòng đang đứng trước những thách thức lớn đó là sự gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường, đất canh tác bị nhiễm độc và mất dần độ màu mỡ do việc sử dụng ngày càng nhiều phân hoá học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ở Hải Phòng còn lớn, một lượng tài nguyên đang bị lãng phí. VD: Theo Phòng NN&PTNT huyện An Dương- Hải Phòng, trong vụ mùa năm 2020, trên địa bàn huyện có tới 740,8ha đất ruộng bị bỏ không canh tác, trong đó có 716,99 ha bị bỏ nhiều năm [5].
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với công nghệ số vào sản xuất có chuyển biến song chưa mạnh, chưa có nhiều điểm sáng để nhân rộng đại trà; việc ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ số còn hạn chế do vậy chuỗi liên kết sản phẩm ổn định, bền vững giữa người sản xuất và người tiêu thụ chưa nhiều; tình trạng sản xuất chưa gắn kết thực sự với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Do vậy, việc chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghê số là xu hướng tất yếu. Hải Phòng rất cần vào cuộc mạnh mẽ và thực sự để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển tiến tới nông nghiệp thông minh.
5. Một số vấn đề đặt ra cho nông nghiệp thông minh ở Hải Phòng.
Để nông nghiệp Hải Phòng thực sự trở thành nông nghiệp thông minh cùng với việc xây dựng Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và nông thôn trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số thì Hải Phòng cần quan tâm tới các vấn đề sau:
- Cần làm cho người dân (nông dân) nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị hiệu quả mà nông nghiệp thông minh mang lại.
- Cần tuyên truyền phổ biến kiến thức để người dân nhận thức được những quy trình, các bước đi cần phải làm để nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 với công nghệ số của chuyển đổi sô.
- Cần phổ biến để người dân nhận thức được các loại hình công nghệ, phạm vi và cách thức ứng dụng cũng như lợi ích khi ứng dụng các công nghê số.
- Cần có quy hoạch chi tiết vùng trồng và vật nuôi.
- Cần có nguồn lực. Bao gồm cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như con người.
Về cơ sở vât chất và kỹ thuật: Cần có những cánh đồng mẫu lớn. Không có những cánh đồng mẫu lớn sẽ dẫn tới cản trở việc cơ giới hóa cũng như tự động hóa trong quá trình thực hiện.
Hải Phòng hiện nay diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang còn lớn, do đó cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất trồng trọt thông minh, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Hải Phòng cần quan tâm đầu tư có chọn lọc các thiết bị, máy móc với kỹ thuật tiên tiến, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Điều này sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm cho nông nghiệp. Tuy nhiên cần chọn lọc các thiết bị với công nghệ sao cho thiết thực và hiệu quả. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ số. Mặt khác rất cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đến nhu cầu của thị trường để mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0.
Về nhân lực: Hải Phòng cần có đội ngũ cán bộ có tâm huyết với sản xuất nông nghiệp, có năng lực, hiểu biết về kỹ thuật nuôi trồng trong nông nghiệp thông minh, có kiến thức về quản trị và có trình độ nhất định về công nghệ. Đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật cần được đào tạo bài bản để vận hành và quản lý. Chính vì vậy vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp nông nghiệp tại Hải Phòng vô cùng quan trọng.
- Cần có nguồn tài chính nhất định để đầu tư ban đầu vào cảm biến, máy bay không người lái, robot và các phần mềm cài đặt chúng; đây là khoản đầu tư không nhỏ cần đươc cân nhắc và tính toán hợp lý; cũng như kinh phí phục vụ cho chi phí bảo trì các thiết bị phần cứng.
- Cần có kết nối Internet ổn định.
- Rất cần sự liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa nhà nông; nhà khoa học; doanh nghiệp về CNTT, doanh nghiệp thương mai và nhà nước.
Những công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp để xây dựng nông nghiệp thông minh:
Để có thể đáp ứng các điều kiện cho ứng dụng công nghê số nhằm giám sát, theo dõi, quản lý và vận hành nông nghiệp, chúng ta cần nhận biết các yêu cầu về cơ sở hạ tầng để áp dụng Công nghệ số trong nông nghiệp thông minh, những yếu tố cần có là:
Công nghê vạn vật kết nối ( IoT).
Bản chất của công nghệ này là việc sử dụng cảm biến kết nối vạn vật. Các thiết bị cảm biến được kết nối với các thiết bị thông minh, được điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp, đáp ứng những biến đổi của tự nhiên của khí hậu đối với cây trồng và vật nuôi.
Công nghệ tự động hóa và công nghệ robot.
Công nghệ này được sử dụng ở nhiều khâu trong sản xuất, thu hoạch và chế biến. Đó là sử dụng các thiết bị bay không người lái và các vệ tinh thu thập dữ liệu của các trang trại nhà vườn để phân tích và đưa ra khuyến nghị nhằm quản lí trang trại tốt hơn. Sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo hạt giống, phun thuốc trừ sâu, phun phân bón, vẽ bản đồ các thửa ruộng. Việc sử dụng hệ thống thiết bị tưới tiêu tự động hóa cho cây trồng sẽ giảm bớt chi phí, bảo đảm độ đồng đều cũng như độ ẩm cho cây trồng.
Việc sử dụng Robot (người máy) thay cho người chăm sóc cây trồng vật nuôi đưa tới giảm chi phí nhân lực như sử dụng Robot làm cỏ, Robot thu hoạch ...
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp trên các thiết bị máy bay không người lái, trong Robot (người máy); sử dụng công nghệ AI vào Hệ thống cập nhật phát hiện và kiểm soát tình hình bệnh tật cho cây trồng và vât nuôi, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa và tình trạng đất trồng... giúp nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, củ quả, cây trồng cũng như gia súc.
Ứng dụng AI trong dự báo thời tiết hỗ trợ người dân biết được thời tiết nào thích hợp để trồng cây, bón phân, phun thuốc. Nhờ có AI mà người dân có thể nắm được chính xác tình trạng thời tiết trong thời gian dài trong thời gian vài tháng, từ đó người dân có thể kịp thời chuẩn bị các phương án dự phòng, giảm được tình huống đột ngột ảnh hưởng đến cây trồng...
Ứng dụng AI vào trong hệ thống quản lý điều khiển nông trại giúp tối ưu được môi trường, giúp cây trồng không còn bị hạn chế về thời gian trồng trọt. Người dân có thể hoàn toàn tăng vụ nhờ trồng cây nông nghiệp trái vụ, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong năm, đem lại tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Công nghệ chuỗi khối ( Block Chain): công nghệ Block Chain đã mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, giúp họ truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm bầy bán trên các kệ hàng từ khâu đầu tới khâu cuối. Từ đó tạo nên thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn cả khối lượng và phạm vi.
Từ những phân tích và đánh giá nêu trên chúng ta có thể thấy: Điều kiện cần và đủ để có nông nghiệp thông minh trong thời đại công nghệ 4.0 là ứng dụng công nghệ số thành công.
Điều đó có nghĩa: Muốn có nông nghiêp thông minh thì phải ứng dụng công nghê số thành công và ngược lại nếu ứng dụng công nghê số thành công trong nông nghiệp thì nông nghiệp là nông nghiệp thông minh.
Thành công cho nông nghiệp ở đây được hiểu là khi ứng dụng công nghệ số cho đối tượng hay phạm vi nào đó của nông nghiệp thì phải đem lại giá trị gia tăng cho đối tượng hay phạm vi đó của nông nghiệp.
Chúng ta hy vọng rằng với nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của người dân, với nhận thức đúng và đầy đủ cũng như sự đầu tư nguồn lực hợp lý cho ứng dụng công nghệ số đối với nông nghiệp Hải Phòng trong thời đại công nghê 4.0, Hải Phòng sẽ có nông nghiệp thông minh một ngày không xa./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cẩm nang chuyển đổi số (tác giả: Bộ TT&TT- https://dx.mic.gov.vn.)
2. Chuyển đổi số thế nào- Hồ Tú Bảo & Nguyễn Nhật Quang - Nhà xuất bản thông tin và truyền thông- 2022.
3. IoT (Internet vạn vật) - Kiến trúc IoT, IoT Công nghiệp và Công nghiệp 4.0, IoT Tổ ong - TS. Nguyễn Phạm Anh Dũng - Nhà xuất bản thông tin và truyền thông.
4. Sản xuất nông nghiệp Hải Phòng vượt ngưỡng 15 nghìn tỷ đồng- Đinh Mười- https://nongnghiep.vn/san-xuat-nong-nghiep-hai-phong-vuot-nguong-15-nghin-ty-dong-d342570.html
5 Hải Phòng: Hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bị hoang hóa- Báo Tuổi Trẻ- https://tuoitrethudo.com.vn/hai-phong-hang-tram-hec-ta-dat-nong-nghiep-bi-hoang-hoa-146687.html
6. Xuân Lộc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt- Huyền Trang- https://newsletter.ictvietnam.vn/xuan-loc-day-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-trong-trot-183550.html
7. Hải Phòng tìm hướng đi để có 1.000ha sản xuất hữu cơ- Đinh Mười- https://nongsanviet.nongnghiep.vn/hai-phong-tim-huong-di-de-co-1000ha-san-xuat-huu-co-d367178.html
8. Hỗ trợ tiếp cận cơ chế ưu đãi, thủ tục- Hương An- Báo Hải Phòng ngày 24/11/2023 số 20148.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng. NXB Sự thật, 2016, tr. 23, 24.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng. NXB Sự thật, 2016, tr. 92, 23, 24.
[3] Nông nghiệp thông minh là gì ? - https://agridrone.vn/nong-nghiep-thong-minh-la-gi/
[4] Nông nghiệp Việt Nam năm 2023: Nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua - https://doanhnghieptiepthi.vn/nong-nghiep-viet-nam-nam-2023-nhieu-kho-khan-thach-thuc-can-vuot-qua-161230116151714748.htm.