Thời gian: 14/06/2024 10:51

Chuyển đổi số gắn với xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng

Giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được Thành ủy Hải Phòng xác định: có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là lực lượng then chốt, quan trọng để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình công nghiệp hoá của thành phố và đô thị hoá nông thôn.

Chuyển đổi số là một trong các giải pháp công nghệ khi xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả và bền vững các tiêu chí nông thôn mới; trong đó, Nông thôn thông minh phải bao gồm chính quyền thông minh, người dân thông minh, hành vi và cách ứng xử thông minh.

Với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, hướng tới thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, Hải Phòng đã có 7/8 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện NTM; 100% số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn NTM, 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 20 xã đã tổ chức xét và chờ Ủy ban nhân dân thành phố quyết định công nhận. Các địa phương đã tích cực vận động trên 4,7 nghìn hộ dân hiến tặng trên 125,7 nghìn m2 đất đầu tư các công trình Nông thôn mới kiểu mẫu, giải tỏa vật kiến trúc của trên 4,3 nghìn hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc là gần 162 nghìn tỷ đồng; đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Năm 2022 – 2023, Thành phố đã phê duyệt tổng số 1.349 công trình trên địa bàn 70 xã. Đến nay, đã có 415 công trình đã hoàn thành, 131 công trình đang thi công đạt khối lượng thi 95%, các công trình còn lại thi công ước đạt 15%.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định. Riêng đối với Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới theo quy định của Trung ương, có nhiều tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hải Phòng không quy định hoặc có tính chất tương đồng dẫn đến tình trạng khi các xã hoàn thành Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu nhưng có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới không có căn cứ để rà soát, đánh giá; vấn đề thu hẹp khoảng cách về thu nhập và hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị; khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa phát huy hết các tiềm năng và dư địa của nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh chuyển dịch số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM. Nhưng nhìn chung, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và xây dựng NTM còn hết sức hạn chế, manh mún và mang nặng tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình ở nông thôn còn thấp; chưa xây dựng được hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trọng như dân cư, đất đai; còn thiếu nguồn lực tài chính cho triển khai chuyển đổi số ở nông thôn… Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa nội dung về công nghệ số trong NTM thành một nội dung trọng tâm, để tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2021-2025. Hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Mục tiêu hướng tới mỗi người dân đều được trang bị thiết bị thông minh, tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý.

Do vậy, trong chương trình NTM giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 để có được cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, đặt chuyển đổi số và xây dựng NTM thông minh là một số xu hướng tất yếu, đề xuất các hoạt động cần thiết và tổ chức triển khai hiệu quả, hợp lý.

Với Hải Phòng thực hiện chương trình NTM đã tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất. Sự gắn kết giữa một đô thị hiện đại, một cảng biển lớn ở trung tâm với khu vực nông thôn xung quanh đã định hình tương đối rõ nét.

Bên cạnh đó, những vấn đề được đặt ra đối với việc xây dựng nông thôn mới gắn liền với chuyển đổi số bao gồm:

Thứ nhất, cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, tận dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng về công nghệ, về dịch vụ và chuỗi giá trị gia tăng, về chế biến, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa, thanh toán điện tử, thương mại nội địa, xuất khẩu.

Thứ hai, xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo là bảo tồn và phát triển cần phải song hành, không được thiên lệch, xây dựng NTM gắn với tôn tạo, giữ gìn di tích. Hải Phòng phải hiện đại, nhưng Hải Phòng cũng cần giữ gìn nét đẹp và tinh hoa truyền thống, trước hết là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ở các địa phương cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng, tạo nên một không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển.

Thứ ba, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người nông dân, cải cách hành chính mạnh mẽ, không còn tham nhũng vặt đối với nhân dân ở nông thôn.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số, quản lý sản xuất và thực hiện chuyển đổi số cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Thứ năm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện: Thực hiện linh hoạt các chính sách hiện hành của Trung ương và thành phố đối với các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua sắm máy móc, thiết bị, đầu tư các phương án sản xuất tập trung có ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc nông sản./.

Lượt truy cập: 263962
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn