Thành phố Hải Phòng vốn là vùng đất ven sông thuộc trấn Hải Dương và ít được các triều đại phong kiến đầu tư, xây dựng. Sau Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874, người Pháp chiếm đóng và bắt đầu đô thị hóa Hải Phòng. Từ năm 1888, Hải Phòng phát triển mạnh thành một trong ba đô thị loại I đầu tiên của Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, hiện thành phố Hải Phòng có hơn 300 biệt thự kiểu Pháp, trong đó có hơn 100 công trình có kiến trúc độc đáo và ý nghĩa lịch sử cần bảo tồn và phát huy. Nhiều công trình có giá trị tiêu biểu như Nhà hát Lớn, Nhà thương tư Fesquet, Ga Hải Phòng, Thư viện quận Hồng Bàng, Bưu điện Trung tâm, Tòa Đốc lý, Bảo tàng và các biệt thự cổ… Nhìn chung, các công trình được Pháp xây dựng thống nhất về thiết kế, thẩm mỹ đậm phong cách châu Âu, công năng cao, an toàn, chắc chắn, không bị ẩm thấp, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Ngoài ra, một số công trình có thêm họa tiết hơi hướng phương Đông, mang lại nét riêng, độc đáo. Thực tế cho thấy, giá trị của kiến trúc Pháp tại Hải Phòng gắn kết với hệ sinh thái sông hồ, công viên và đường phố đã được khẳng định là một tài sản xã hội quan trọng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một. Cũng như nhiều thành phố lớn khác ở Việt Nam, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… khu vực trung tâm Hải Phòng đã và đang trải qua quá trình tái phát triển nhanh chóng qua việc tăng cường các hoạt động kinh doanh, thương mại và sản xuất. Một số lượng lớn các khách sạn, văn phòng, khách sạn nhỏ và các tòa nhà thương mại đã phát triển rầm rộ ở khu vực trung tâm cũ. Tại các khu vực này, trước nhu cầu thương mại và nhà ở dân sinh, một lượng lớn các công trình công cộng và dân cư cũ đã được sửa chữa hoặc thay thế bằng các công trình cao hơn và mật độ xây dựng lớn hơn. Sự chuyển đổi không gian ở khu vực trung tâm một mặt đã đóng góp tích cực vào nền kinh tế vì nó cho phép sử dụng đất hiệu quả hơn về mặt kinh tế. Nhưng mặt khác, quá trình tái cấu trúc không gian này đã diễn ra mà chưa có sự cân nhắc phù hợp đến ý nghĩa văn hóa của di sản lịch sử. Số lượng lớn các nhà cao tầng mới xây cũng như các công trình tự xây dựng đã làm xói mòn giá trị lịch sử của khu nhà thấp tầng di sản của Pháp. Hơn nữa, quá trình phát triển không được kiểm soát đã dẫn đến nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, tắc đường, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng và vệ sinh… Dạo quanh nội đô thành phố Hải Phòng, chúng ta có thể dễ dàng thấy những công trình Pháp bị “xâm hại” bởi nhiều yếu tố. Thậm chí đã có những công trình rất đẹp đã biến mất trong sự tiếc nuối như Khách sạn Thương mại (được xây dựng năm 1886, trên đường Điện Biên Phủ, cạnh khách sạn Hữu Nghị hiện nay).
Rõ ràng, thành phố Hải Phòng cần có một khung kiểm soát phát triển, nhằm hạn chế sự phát triển ở khu trung tâm, kết hợp hài hòa việc cải tạo, chỉnh trang với các công trình xây mới không xâm phạm làm thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất. Song hành, cần có chiến lược bảo tồn với các hồ sơ chi tiết phân loại ưu tiên bảo tồn và cải tạo các di sản công trình kiến trúc, tránh tình trạng phá dỡ tùy tiện.
Hiện nay, Hải Phòng đang quy hoạch khu trung tâm hành chính - chính trị mới cho thành phố nằm ở huyện Thủy Nguyên, bắc Sông Cấm. Vậy giải pháp nào cho sự tái phát triển khu trung tâm cũ theo xu hướng phát triển đô thị bền vững? Liệu tăng trưởng kinh tế có thể song hành với bảo tồn di sản văn hóa vốn có? Cộng đồng xã hội có vai trò gì trong việc xây dựng và phát triển đô thị? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra ý kiến của người viết và những ví dụ về bảo tồn di sản văn hóa kết hợp phát triển kinh tế trên toàn thế giới cũng như những điều có thể rút ra cho Hải Phòng.
I. Vấn đề đô thị hóa trên thế giới
Toàn cầu hóa đã có những tác động lớn và đa dạng đển các thành phố. Tự do hóa thương mại và dòng vốn dịch chuyển đã đưa các thành phố cũng như các quốc gia lên vị trí hàng đầu của sự cạnh tranh trong kinh tế. Một số thành phố có lợi thế với lực lượng lao động có trình độ học vấn cao, vị trí chiến lược, sân bay, cơ sở hạ tầng hỗ trợ mở rộng thương mại toàn cầu. Một số khác thì đã tận dụng được lợi thế về tài sản văn hóa vật thể và phi vật thể để đẩy mạnh du lịch. Tuy nhiên, đa phần các thành phố và quốc gia đang phải vật lộn với những thách thức của toàn cầu hóa kinh tế và tài chính. Đó cũng là những thách thức về đổi mới và tạo ra được những lợi thế cạnh tranh.
Trong vài thập kỷ qua, các khu nội đô thành phố và di tích lịch sử bị xuống cấp trầm trọng. Tại nhiều thành phố, nhà ở cũ tồi tàn, tình trạng tắc ngẵn giao thông, cơ sở hạ tầng lạc hậu và dịch vụ kém dẫn đến sự di cư của người dân đến các khu định cư xa hơn, để lại những tòa nhà bị bỏ hoang và tầng lớp dân số già cỗi. Một mặt khác, tại một số thành phố, cư dân đã tiến hành hiện đại hóa nhà cửa và nơi làm việc, tạo được sự phát triển đô thị. Tuy nhiên quá trình đó lại làm phương hại đến các di tích kiến trúc văn hóa vật thể cũng như không gian văn hóa phi vật thể. Quá trình phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng mới, tạo thêm công ăn việc làm đã có sự xung đột với việc bảo tồn những giá trị văn hóa vốn có. Do đó, câu hỏi được đặt ra cho các thành phố là, làm thế nào để có thể tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, xây dựng được một đô thị phát triển, có tính cạnh tranh trong khi vẫn tiếp tục gìn giữ những khu vực di tích lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống.
II. Các ví dụ từ thế giới
Trên thế giới, đã có rất nhiều nước đã thực hiện và có được những thành công ban đầu trong việc bảo tồn di sản văn hóa song song với phát triển đô thị. Dưới đây tác giả xin liệt kê vài trường hợp tiêu biểu từ nhiều góc độ, từ nước đang phát triển đến nước phát triển cũng như từ châu Á đến châu Âu.
1. Trường hợp 1: Thành phố Dương Châu, Trung Quốc
Dương Châu là một thành phố nằm ở khu vực hợp lưu của sông Dương Tử và kênh đào Bắc Kinh. Với 2500 năm lịch sử và thuộc top 24 thành phố nổi tiếng ở Trung Quốc, Dương Châu có hơn 500 cụm công trình lịch sử và 148 di sản văn hóa, trong đó có 10 cụm di sản đang được nhà nước bảo vệ. Vào thập niên 80, hàng trăm nghìn người đã di cư đến thành phố tìm việc làm với mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở, khiến nhiều người phải sống trong các khu ổ chuột và thậm chí trong các tòa nhà lịch sử. Các thị trấn tồi tàn xuất hiện trong và ngoài thành phố. Những khu vực này có hệ thống cơ sở hạ tầng tồi tàn, thiếu nước uống, đèn đường, hệ thống thoát nước và vệ sinh cơ bản kém. Theo một khảo sát thực hiện vào cuối năm 2000, khoảng 98% cư dân không hài lòng với điều kiện sống và mong muốn được cải thiện.
Năm 2011, chính quyền Dương Châu đã đưa ra chính sách cung cấp “nơi ở thích hợp cho mọi người”, gắn với việc bảo tồn thành phố cổ và thu hút cư dân cùng chia sẻ thành tựu phát triển của thành phố. Thành phố thành lập nhóm chuyên trách về cải thiện nhà ở, đứng đầu là thị trưởng thành phố. Với sự tham gia của các ban ngành liên quan của chính phủ cũng như cộng đồng, nhóm có trách nhiệm thiết lập các mục tiêu và hướng dẫn việc thực hiện các dự án để đạt được mục tiêu. Thành phố đã kêu gọi người dân và các chuyên gia đóng góp ý kiến, từ đó ban hành 15 chính sách liên quan đến việc cải tạo những ngôi nhà cũ và nguy hiểm trong khu vực thành phố cổ, song hành với việc xây dựng nhà cho người nghèo. Gần 770 triệu đô la đã được đầu tư vào xây dựng tám cộng đồng nhà ở giá rẻ do chính quyền trung ương trợ cấp. Và 350 triệu đô la đầu tư thông qua hợp tác với các nhà thầu bất động sản, được thực hiện bằng cách giao đất hoặc cung cấp đất giá rẻ, giảm hoặc miễn trừ thuế. Hơn 2 tỷ đô la được chính quyền thành phố bỏ ra để nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm sạch các dòng sông bị ô nhiễm, xử lý thoát nước và rác thải, trồng rừng và xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch. Thành phố đã tái thiết những khu vực “làng đô thị”, cải tạo những ngôi nhà cũ kỹ và nguy hiểm thành những điểm đến du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó, ý thức của cộng đồng được nâng cao thông qua tuyên truyền và giáo dục.
Với nỗ lực của chính quyền thành phố, người dân cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân, tổ chức xã hội, Dương Châu đã cải tạo thành công 3050 ngôi nhà cổ, xây dựng 33.000 ngôi nhà mới giá rẻ để bán và cho thuê. Điều này đã giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho khoảng 148.000 cư dân với mức thu nhập thấp. Theo đánh giá của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Dương Châu lần đầu tiên lọt vào 50 thành phố hàng đầu Trung Quốc. Với những khu phố cổ rộng lớn được bảo tồn hoàn hảo và chất lượng khu dân cư được cải thiện, thành phố thu hút ngày càng nhiều khách du lịch và người di cư từ khắp Trung Quốc và thế giới. Thu nhập từ du lịch tăng lên đáng kể cùng những dịch vụ đi kèm.
2. Trường hợp 2: Chương trình bảo tồn di sản thành phố Vigan, Philippines
Là trung tâm chính trị, xã hội và văn hóa của miền Bắc Philippines, Vigan từng có một thời kỳ thịnh vượng nhờ chủ yếu từ thương mại với Mexico. Tuy nhiên, việc bãi bỏ hoạt động buôn bán này đã kéo theo sự khởi đầu của sự suy tàn của Vigan. Bạo lực chính trị dẫn đến sự di cư của người dân, để lại những ngôi nhà cổ ở tình trạng hoang hóa, mục nát. Đến năm 1995, nhận thức được tiềm năng di sản văn hóa Vigan, thị trưởng mới đắc cử Eva Marie Singson-Medina đã quyết tâm mang đến sự đổi mới, đảo ngược tình trạng trì trệ của Vigan. Bà đã kêu gọi đại diện từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức của cộng đồng chung tay xây dựng một tầm nhìn mới cho thành phố. Tầm nhìn này đã đặt nền móng cho chương trình Bảo vệ di sản văn hóa Vigan. Đó là một nỗ lực chung nhằm lấy lại bản sắc riêng của thành phố và tạo dựng niềm tự hào về di sản đó. Bốn mục tiêu được đưa ra trong việc xây dựng các chương trình bảo vệ di sản Vigan bao gồm:
- Nâng cao ý thức và tự hào của người bản địa (Biguenos) với di sản văn hóa phong phú của họ
- Thể chế hóa các biện pháp bảo vệ địa phương và các chương trình phát triển, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn các di sản văn hóa.
- Tạo mối liên kết trong nước và quốc tế
- Phát triển và quảng bá Vigan như một điểm đến du lịch văn hóa thú vị
Mục tiêu cốt lõi của tầm nhìn này là để đăng ký Vigan thành di sản văn hóa được công nhận bởi UNESCO (đã đạt được vào năm 1999) và mở đường cho việt thiết lập các mối liên kết và tiếp cận các nguồn lực khác nhau cho chương trình bảo tồn.
Với mục tiêu đầu tiên, chính quyền thành phố Vigan đã xây dựng những chiến lược bao gồm nghiên cứu, giáo dục, quảng bá Vigan đến từng người dân, giúp họ dần có được nhận thức tự hào về con người cũng như di sản của vùng đất, những ngành nghề cổ truyền. Chiến lược được xây dựng với định hướng từ chính phủ và đóng góp của cộng đồng như hội đồng du lịch Vigan, các nghệ sĩ địa phương, các công ty, sinh viên, những người lớn tuổi có kinh nghiệm về văn hóa truyền thống Vigan. Để đạt được mục tiêu thứ hai, thể chế hóa việc bảo vệ di sản, chính quyền thành phố đã đưa ra những điều luật nhằm xác minh và hợp thức hóa các hành động bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, cũng như hướng dẫn các biện pháp thực thi nó. Chính quyền Vigan đã thực hiện các buổi hội tháo, ký kết các thỏa thuận với các thành phố khác trong nước và quốc tế, các tổ chức Liên Hiệp Quốc như UNESCO, UNACOM để trao đổi kiến thức văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, học hỏi về phương pháp phát triển du lịch, kêu gọi sự hỗ trợ về tài khóa, tài chính. Và cuối cùng, với mục tiêu phát triển Vigan như một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, chính quyền đã xây dựng những nhận thức rõ ràng về bản sắc riêng biệt của văn hóa Vigan. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và đào tạo nâng cao năng lực và các biện pháp khác để bảo đảm sự sẵn sàng của người dân Vigan cho môi trường thành phố du lịch. Ví dụ như xây dựng trung tâm văn hóa Vigan, hội thảo hướng dẫn hành trình du lịch, xây dựng các sự kiện văn hóa, tận dụng các cảnh quan thiên nhiên độc đáo...
Với những nỗ lực của chính quyền thành phố và người dân địa phương, VIgan đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo ra sự đột phá về kinh tế, xã hội. Nguồn lực tài chính của thành phố được tăng cao, tạo điều kiện cho các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng, cung cấp công ăn việc làm, cơ sở hạ tầng cho người dân. Thành phố tiến hành bảo tồn hệ thống sinh thái, nâng cấp việc cung cấp nước sạch, phòng chống lũ lụt thiên tai. Các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng phát triển mạnh, các ngành công nhiệp tiền thuộc địa được dần hồi sinh. Chương trình bảo vệ di sản của Vigan đề cao việc sử dụng hợp lý các nguồn lực của chính phủ, nỗ lực phối hợp giữa các chính quyền thành phố, tỉnh, và quốc gia. Chương trình thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác quốc tế thông qua các mối liên kết song phương, và nhằm giải quyết các sự xung đột giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế. Chương trình bảo tồn này đã khơi dậy niềm tự hào và thúc đẩy bản sắc văn hóa đổi mới trong người dân Vigan. Thu nhập kinh tế của thành phố tăng lên hơn ba lần, từ 23 triệu peso lên 97 triệu peso. Về mặt văn hóa, chương trình bảo tồn đã bảo đảm được giá trị truyền thống của Vigan sẽ được truyền đến thế hệ tương lai.
3. Trường hợp 3: Bảo tồn di sản văn hóa ở Halmstad, Thụy Điển
Những năm 1990 ở Thụy Điển là thời kỳ khủng hoảng tài chính với tỉ lệ thất nghiệp cao. Do đó, ưu tiên hàng đầu là chống đói nghèo thông qua việc phát triển bền vững trong các dự án có tác động cộng đồng tối ưu. Thụy Điển đã đạt được điều này thông qua một chương trình hành động chung rộng rãi nơi nhiều loại vấn đề được giải quyết cùng một lúc. Mô hình Halland ra đời với mục tiêu đầu tiên là tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là một lượng lớn công nhân xây dựng đang bị thất nghiệp.
Với tầm nhìn là bảo tồn những tòa nhà cổ giá trị, mô hình Halland được đưa ra với khẩu hiệu “bảo vệ công việc, cứu nghề thủ công, cứu các tòa nhà”. Một mạng lưới liên ngành ở các cấp khu vực được tổ chức với cơ quan quản lý là các bảo tàng khu vực của Halland. Một hội liên hợp các thành phố của các nước quanh eo biển Baltic được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ các nước thuộc hội liên hợp như Thụy Điển, Ba Lan. Công việc bắt đầu bằng việc lên kế hoạch bảo tồn các tòa nhà cổ của các thành phố liên hợp. Nhân công xây dựng đựa lựa chọn từ những người thất nghiệp và được đào tạo các kỹ thuật xây dựng truyền thống, sau đó được thực hành tại các địa điểm trùng tu. Khi một tòa nhà sắp được trùng tu, các ngành khác nhau trình bày đóng góp của họ vào nỗ lực trùng tu. Sau đó, một ngân sách sơ bộ được đưa ra. Sau khi khảo sát chất lượng và xác định các khoản chi phí, vật liệu và nhân công lao động, ngân sách được ấn định cùng với các khoản đóng góp từ các nhà tài trợ. Sau khi hoạt động trùng tu được hoàn thành, các tòa nhà lịch sử đó sẽ được sử dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch kết hợp làm nơi tổ chức các hoạt động khác như bảo tàng, triển lãm, làng nghệ sĩ, nhà hát thành phố, trung tâm văn hóa và giáo dục. Mô hình Halland đã giúp bảo tồn hàng trăm các tòa nhà, lâu đài cổ với giá trị lịch sử; cùng với đó là sự hình thành nhiều trung tâm văn hóa, sáng tạo cho người dân. Hơn 1000 nhân công xây dựng có việc làm trong việc trùng tu các tòa nhà cổ. Cùng với sự sự gia tăng của các địa điểm tham quan lịch sử, thu nhập của các ngành nghề liên quan cũng gia tăng đáng kể. Hội liên hợp các thành phố trong mô hình Halland đã phát triển các công cụ cho hợp tác liên ngành trong khu vực. Một số khu vực công được tham gia ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế kết hợp với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với những minh chứng thành công, mô hình Halland đã được đánh giá là một trong 10 dự án mang tính thực tiễn cao nhất của Thụy Điển. Nó không những góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân Thụy Điển mà còn hỗ trợ việc xây dựng mạng lưới liên minh đa ngành trong Thụy Điển cũng như với các nước lân cận. Sáng kiến chứng minh rằng sự gắn kết khu vực, mạng lưới liên ngành và đa hướng có thể là công cụ quan trọng để chống đói nghèo thông qua phát triển bền vững khu vực. Mô hình Halland cho thấy việc tiếp cận bảo tồn di sản theo hướng tích hợp tự nhiên có thể giải quyết các vấn đề về kinh tế, văn hóa và môi trường
Những ví dụ được đưa ra từ các thành phố trên thế giới đã minh chứng rằng việc phát triển kinh tế đô thị có thể được tiến hành song song với quá trình bảo tồn di sản văn hóa. Sự phát triển đó cần có một tầm nhìn xa từ người lãnh đạo, sự chung tay của cộng đồng, một kế hoạch rõ ràng và sự kết nối với thế giới.
III. Đề xuất của UN Habitat
Để hỗ trợ định hướng bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, UN Habitat đã tổng hợp và đề xuất một danh sách các hoạt động cần thực hiện như sau:
1. Để thục đẩy sự bảo tồn văn hóa và lịch sư cũng như khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người dân vào các hoạt động bảo tồn văn hóa, chính phủ các cấp bao gồm cả chính quyền địa phương cần:
- Xác định và lập mục tiêu bảo tồn, bất cứ khi nào có thể, nêu rõ ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các khu vực, địa điểm, cảnh quan, hệ sinh thái, công trình kiến trúc, các đối tượng và biểu tượng khác; thiết lập các mục tiêu bảo tồn phù hợp với sự phát triển văn hóa và tinh thần của xã hội
- Thúc đẩy nhận thức về di sản đó để làm nổi bật giá trị của nó, cũng như nhu cầu bảo tồn. Từ đó nhận định khả năng tài chính của việc phục hồi.
- Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức văn hóa và di sản địa phương; các hiệp hội và cộng đồng trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi. Khắc sâu ý thức đầy đủ về di sản đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
- Thúc đẩy hỗ trợ về tài chính và pháp lý để bảo vệ di sản văn hóa
- Đẩy mạnh giáo dục và đào tạo các kỹ năng truyền thống trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
- Phát huy vai trò tích cực của người cao tuổi với tư cách là người trông coi di sản văn hóa, kiến thức, kỹ năng nghề truyền thống
2. Để lồng ghép phát triển với các mục tiêu bảo tồn và phục hồi, chính phủ ở các cấp bao gồm chính quyền địa phương cần:
- Thừa nhận rằng di sản văn hóa là một tài sản quan trọng và cố gắng duy trì khả năng hiện hữu về xã hội, văn hóa và kinh tế của địa phương
- Bảo tồn các khu định cư lịch sử mang tính kế thừa cũng như các dạng cảnh quan; đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của cấu trúc đô thị lịch sử. Có sự cẩn trọng và hướng dẫn trong việc xây dựng mới tại các khu vực lịch sử.
- Hỗ trợ đầy đủ về mặt pháp lý và tài chính cho việc thực hiện các hoạt động bảo tồn tôn tạo, đặc biệt là việc thông qua các đào tạo đầy đủ nguồn nhân lực chuyên môn.
- Thúc đẩy các biện pháp khuyến khích khu vực công, nhà đầu tư và các tổ chức phi lợi nhuận cho việc bảo tồn tôn tạo di sản văn hóa.
- Thúc đẩy hành động cộng đồng để bảo tồn, phục hồi và tái tạo, duy trì các khu dân cư.
- Hỗ trợ hợp tác công tư và các đối tác cộng đồng để phục hồi các khu vực nội thành và vùng lân cận
- Đảm bảo lồng ghép các mối quan tâm về môi trường vào các dự án bảo tồn và phục hồi.
- Thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm mưa axit cũng như các loại ô nhiễm môi trường khác có khả năng làm hỏng các công trình kiến trúc và các hạng mục có giá trị văn hóa, lịch sử.
- Thông qua các chính sách quy hoạch khu định cư, bao gồm các chính sách về giao thông và cơ sở hạ tầng khác, nhằm tránh sự suy thoái môi trường của các khu vực lịch sử và văn hóa.
- Đảm bảo rằng các mối quan tâm về khả năng tiếp cận cuả người khuyết tật được đưa vào dự án bảo tồn và phục hồi.
Đề xuất của UN Habitat đưa ra cho các cấp lãnh đạo chính quyền là một thành tố quan trong việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Với bộ công cụ này, việc bảo tồn sẽ có một định hướng rõ ràng và dễ dàng thực hiện hơn.
IV. Kết luận
Hải Phòng là thành phố cảng công nghiệp quan trọng đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ của Việt Nam. Đây là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam. Song hành với sự phát triển công nghiệp, với hệ sinh thái sông hồ và biển, cùng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thành phố Hải Phòng luôn là một địa điểm du lịch tuyệt vời cho người dân trong nước và du khách nước ngoài. Cùng với sự phát triển năng động về công nghiệp và xây dựng, kinh tế du lịch thành phố Hoa Phượng Đỏ đóng vai trò quan trọng và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa này đã và đang dẫn đến quá trình bê tông hóa, và dần phá hủy đi cảnh quan, môi trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới các di tích văn hóa và kiến trúc, trong đó có công trình di sản Pháp.
Hải Phòng cần tiếp tục phát triển để cạnh tranh với các thành phố khác trong nước và quốc tế, song cũng rất cần sự chú tâm đến việc bảo tồn các di sản văn hóa và cảnh quan địa phương để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Trong công cuộc xây dựng một đô thị Hải Phòng bền vững, tầm nhìn xa của người lãnh đạo là rất cần thiết. Tầm nhìn lãnh đạo đóng vai trò định hướng và tác động toàn cảnh đến tổng thế quá trình xây dựng và bảo tồn. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng đóng một vai trò chủ đạo trong việc xây dựng đô thị Hải Phòng. Là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ quá trình phát triển đô thị bền vững nên những đóng góp của cộng đồng xã hội sẽ mang tính thiết thực nhất. Đó không chỉ là những đóng góp về ý tưởng, công việc triển khai, tài chính mà còn là sự hỗ trợ giám sát thực thi, đảm bảo công cuộc xây dựng Hải Phòng đi theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, của dân, do dân và vì dân.
Với những minh chứng của các ví dụ điển hình trên thế giới về phát triển đô thị song hành với bảo tồn di sản, cũng như những đề xuất khuyến nghị từ UN-Habitat, mong muốn phần nào đóng góp cho định hướng phát triển và xây dựng Hải Phòng nói chung, cũng như khu trung tâm cũ nói riêng một cách bền vững hơn. Làm sao thành phố Hoa Phượng Đỏ có thể vừa phát triển kinh tế địa phương, vừa tiếp tục bảo tồn được những di sản riêng biệt của mình.
Tài Liệu Tham Khảo
1. Habitat, U. (n.d.). UN Habitat Agenda and Heritage Conservation.
2. Unesco, U. H. (2008). Best Practices on Social Sustainability in Historic Districts.