Vùng đất cổ do nữ tướng anh hùng Lê Chân về đây gây dựng, khai phá tạo dựng nên mảnh đất có tên là Hải Tần Phòng Thủ. Là thành phố ven biển nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình, thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, đô thị thành phố Hải Phòng có lịch sử phát triển hơn 100 năm, trong đó đô thị lõi trung tâm thành phố bao gồm các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền với diện tích 37,7 km.
Hải Phòng - thành phố Hoa Phượng Đỏ, vẫn được bạn bè phương xa biết đến như một “miền sóng, miền gió” đầy chất thợ của phố Cảng với những con tàu lớn nhỏ khơi xa... mà ít ai hiểu được một Hải Phòng vốn sâu đậm văn hóa từ xưa, là cái nôi nuôi dưỡng tinh hoa, sản sinh ra biết bao nhân tài cho đất nước. Đặc biệt, khu vực trung tâm thành phố hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá cùng hàng trăm đình, đền, chùa với kiến trúc độc đáo: Đền Nghè, Đình Hàng Kênh, Chùa Dư Hàng, Nhà hát thành phố, Bảo tàng, Quán hoa, Nhà Kèn... và nhiều lễ hội dân gian đặc sắc. Đó chính là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nên nét riêng có của mảnh đất và con người Hải Phòng.
Kiến trúc của thành phố Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa 2 nền văn hóa Á - Âu. Sự pha trộn tạo cho thành phố một nét đẹp đô thị riêng biệt, vừa thanh lịch, vừa mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện tại, thành phố Hải Phòng còn giữ được nhiều khu phố với kiến trúc khá nguyên vẹn từ thời Pháp thuộc. Nét chấm phá của đô thị Hải Phòng là những mô hình kiến trúc giao thoa giữa Á và Âu như phố Tây (khu vực các phố Điện Biên Phủ, Trần Phú, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, Đà Nẵng... bây giờ) và phố Tàu (khu vực các phố Lý Thường Kiệt, Tam Bạc, Kỳ Đồng, Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng...) có những nét giống như khu vực Chợ Lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phố Tam Bạc được quy hoạch là phố đi bộ, nằm ngay bên con sông Tam Bạc thơ mộng từng trên bến dưới thuyền, là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều họa sĩ. Nhà hát thành phố, công trình kiến trúc Pháp điển hình tọa lạc ở trung tâm. Cùng với Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát thành phố Hải Phòng là một trong số ít những nhà hát được Pháp xây dựng tại Đông Dương. Bảo tàng thành phố là nơi trưng bày các hiện vật và thông tin về lịch sử thành phố từ thời tiền sử tới nay. Tòa nhà Bảo tàng thành phố Hải Phòng vốn là trụ sở của Ngân hàng Pháp - Hoa thời Pháp thuộc, được xây dựng theo kiến trúc gô-tích từ cuối thập niên 1910. Ngoài ra còn có các công trình như Bưu điện thành phố Hải Phòng, Trụ sở Ngân hàng nhà nước, Tượng dài Nữ tướng Lê Chân,...Những con phố, những tuyến đường và những công trình nối tiếp mọc lên bên cạnh những nét kiến trúc cũ còn lại từ hàng trăm năm tạo cho Hải Phòng thành một đô thị giao hòa giữa cổ kính và hiện đại.
Ẩm thực Hải Phòng có phong cách chế biến độc đáo, đậm bản sắc vùng miền, đa dạng và tinh tế thu hút các giác quan khác nhau của thực khách. Người Hải Phòng cũng có tiếng là những người kén ăn uống. Có thể nêu ra một vài ví dụ nổi bật như món nem cua bể, bánh đa cua, bún tôm, bánh bèo, bánh mì cay, pa tê gan, cháo khoái. Dù những nguyên liệu dùng để chế biến các món ăn này ngày nay đều tương đối dễ mua, phổ biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do cách chọn lựa nguyên liệu, kết hợp, chế biến đặc trưng của người Hải Phòng mà chúng trở thành những món ăn không chỉ lôi cuốn về vị giác, khứu giác mà còn cả về thị giác.
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch thành phố chủ yếu tập trung tại nội thành thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 11 khách sạn từ 4-5 sao và 08 dự án đang triển khai xây dựng khách sạn từ 4-5 sao, trong đó khu vực trung tâm thành phố (thuộc quận Hồng Bàng) có 07 khách sạn (gồm 02 khách sạn đang hoạt động và 05 dự án đang triển khai xây dựng) chiếm phần lớn so với các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành của thành phố với số lượng 15 doanh nghiệp trên tổng số 80 doanh nghiệp.
Để thúc đẩy du lịch đô thị thành phố phát triển, đa dạng loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch, thành phố đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư, xây dựng các trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như: AEON MALL Hải Phòng, Vincom, Coop Mart, Parkson, Big C, tập trung chỉnh trang, nâng cấp các tuyến phố cũ, công viên, vườn hoa, hình thành các điểm tham quan mới, từng bước hình thành các khu phố đêm, phố đi bộ, cụm mua sắm - ẩm thực - giải trí quy mô lớn như khu phố đi bộ Thế Lữ, Công viên hồ Tam Bạc, Công viên hồ An Biên,...Ngoài ra, thành phố cũng khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống, thu hút nhiều khách du lịch; khôi phục hình ảnh Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du) thông qua các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật vào thứ 7 hàng tuần; phục dựng chương trình nghệ thuật sân đình tại Đình Hàng Kênh vào tối ngày mồng 1 (âm lịch) hàng tháng...
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế khu vực đô thị trung tâm thành phố để phát triển sản phẩm du lịch MICE (Du lịch hội nghị, hội thảo...), du lịch ẩm thực, du lịch tham quan... của du lịch thành phố. Thời gian qua ngành du lịch thành phố không ngừng đổi mới, nghiên cứu quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó ngoài việc tiếp tục phát huy sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc tại khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố, Foodtour Hải Phòng đang nổi lên là sản phẩm ẩm thực độc đáo, thu hút đối với khách du lịch. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là sự phát triển bền vững của Foodtour Hải Phòng gắn với hình thành sản phẩm Hải Phòng City tour, Sở Du lịch đã xây dựng và cho ra mắt bản đồ số Hải Phòng City tour, sàn giao dịch du lịch trực tuyến và phát động chiến dịch quảng bá #HelloHaiPhong trên nền tàng Tiktok.
Theo định hướng phát triển không gian cảnh quan đô thị của thành phố (tại hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-230, tầm nhìn 2050 đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), xác định ba hành lang cảnh quan đô thị (Không gian cảnh quan đô thị dọc sông Cấm, không gian cảnh quan đô thị dọc sông Lạch Tray, Không gian cảnh quan đô thị dọc sông Văn Úc) sẽ là điều kiện thuận lợi, mở rộng không gian phát triển du lịch khu vực lõi trung tâm thành phố với sản phẩm du lịch ven sông.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã quyết nghị 03 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó xác định: “Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành Du lịch đề xuất một số giải pháp cần triển khai thực hiện, phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch đô thị trung tâm thành phố dựa trên bề dày về lịch sử, văn hóa và kiến trúc đô thị:
Thứ nhất, Xây dựng và phát triển các tour du lịch đô thị. Tăng cường kết nối vùng để tận dụng lợi thế của mỗi điểm đến nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm phong phú, chất lượng.
Thứ hai, Tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh loại hình du lịch MICE, du lịch văn hóa, di tích lịch sử và tập trung xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh đưa vào phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Nâng cấp, phát triển hệ thống xe bus, xe điện để đưa đón du khách di chuyển trong khu vực nội thành dễ dàng, tiện lợi hơn. Chuyển đổi chức năng từ đô thị cảng công nghiệp thành đô thị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật bên sông. Lựa chọn địa điểm phù hợp phát triển trung tâm văn hoá nghệ thuật, dịch vụ, du lịch mới bên bờ Nam sông Cấm.
Thứ ba, Ưu tiên bảo tồn giá trị di sản, di tích cho các đô thị cổ và chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên môi trường cho các đô thị mới.
Thứ tư, Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phải hài hòa về quy mô, số lượng, kiến trúc, mỹ thuật đối với các đô thị và phố cổ.
Việc khai thác phát triển du lịch trung tâm thành phố có ý nghĩa quan trọng nhằm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đô thị bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố.