Tính tất yếu phải tiến hành nông nghiệp thông minh 4.0?
Dựa vào các dự báo hiện nay, cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ tạo ra các công nghệ hoàn toàn mới là động lực thúc đẩy cho sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm hẳn tiêu hao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; mặt khác do biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, đồng thời do yêu cầu tăng dân số trong những thập niên tới làm biến đổi sâu sắc ngành nông nghiệp trên toàn cầu.
Trong những thập niên qua, tuy mức độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tương đối cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Dân số thế giới hiện nay khoảng 7,6 tỷ người, nhưng tỷ lệ người dân thiếu đói chiếm 12% (khoảng 876 triệu người); dự kiến sẽ tăng lên 9,8 tỷ vào năm 2050; sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó. Như vậy, yêu cầu cấp bách cho ngành nông nghiệp toàn cầu là phải gia tăng năng suất nhằm vừa bảo đảm lương thực thực phẩm trong tương lai.
Như vậy, giải pháp làm như thế nào để bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng nông sản phục vụ toàn cầu quả là bài toán vô cùng hóc búa của nhân loại, là bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp trên thế giới nói chung, nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Nông nghiệp thông minh trên thế giới làm biến đổi nền nông nghiệp thế giới sâu sắc
Theo Hiệp hội Máy Nông nghiệp châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017), đã phân tích quá trình phát triển nông nghiệp trên thế giới đến nay cũng như quá trình phát triển các cuộc cách mạng công nghiệp.
Nông nghiệp 1.0 xuất hiện mạnh vào khoảng năm 1910, ở giai đoạn này chủ yếu dựa vào sức lao động và phụ thuộc thiên nhiên do đó năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quá trình trao đổi thương mại chưa sôi động, chủ yếu tự cung, tự cấp nông sản giữa các quốc gia.
Nông nghiệp 2.0, đó là Cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, mà điển hình là Ấn Độ sử dụng các giống lúa mì lùn cải tiến; giai đoạn mà canh tác kết hợp sử dụng hóa học hóa trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; cơ khí phục vụ nông nghiệp phát triển, máy cày làm đất và máy móc phục vụ công nghệ sau thu hoạch, quá trình trao đổi nông sản toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, từng bước hình thành rõ phân vùng nông nghiệp thế giới.
Nông nghiệp 3.0 diễn ra vào khoảng năm 1990 đã tạo bước đột phá về công nghệ nhờ áp dụng các thành tựu khoa học về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, thiết bị định vị toàn cầu (GPS), các công nghệ làm đất, công nghệ sau thu hoạch sử dụng rộng rãi trên toàn cầu và từng bước áp dụng các công nghệ điều khiển tự động và cảm biến, giao dịch nông sản thương mại điện tử, từ đó đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; căn cứ vào lợi thế so sánh các quốc gia đã chủ động tham gia chuỗi nông sản toàn cầu; đây là giai đoạn xuất hiện nhanh và nhiều công ty đa quốc gia kinh doanh về nông nghiệp.
Nông nghiệp 4.0, sự phát triển diễn ra đồng thời với phát triển của thế giới về công nghiệp 4.0 là giai đoạn ứng dụng mạnh mẽ các thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh... Thuật ngữ nông nghiệp 4.0 được phân tích và sử dụng đầu tiên tại Đức vào năm 2011.
Theo tổng kết của các tổ chức quốc tế, đến nay, các thành phần chủ yếu của nông nghiệp 4.0 được tập trung các nội hàm sau:
1). ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật hầu hết các trang trại nông nghiệp (IoT Sensors); các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện vi khí hậu trong nhà kính;
2). Công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, ứng dụng ở các quốc gia có quỹ đất nông nghiệp ít hoặc nông nghiệp đô thị;
3). Canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên, chủ động ứng dụng đồng bộ công nghệ;
4). Tế bào quang điện (Solar cells) nhằm sử dụng hiệu quả không gian, giảm chi phí năng lượng, hầu hết các thiết bị trong trang trại/ doanh nghiệp được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời;
5). Sử dụng người máy (Robot) thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi ngày càng trở nên phổ biến, được ứng dụng tại các quốc gia già hóa dân số và quy mô sản xuất lớn;
6). Sử dụng các thiết bị bay không người lái (Drones) và các vệ tinh (satellites) để khảo sát thực trạng thu thập dữ liệu của các trang trại, từ đó phân tích khuyến nghị trên sơ sở dữ liệu cập nhật được để quản lý trang trại chính xác;
7). Công nghệ tài chính phục vụ trang trại trong tất cả các hoạt động từ trang trại được kết nối bên ngoài, nhằm đưa ra công thức quản trị trang trại có hiệu quả cáo nhất.
Việt Nam tiếp cận nông nghiệp thông minh như thế nào?
Mặc dù các thành phần cấu thành nông nghiệp thông minh 4.0 được phân tích nêu trên, song thực tế sản xuất ở Việt Nam tùy thuộc vào vùng sinh thái; loại cây trồng, vật nuôi; quy mô sản xuất, do đó chủ trang trại không nhất thiết phải ứng dụng tất cả các thành phần công nghệ nêu trên mà có thể sử dụng bốn đến năm thành phần công nghệ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu sản xuất của trang trại; phải hướng đến mục tiêu hiệu quả kinh doanh là chính, song việc ứng dụng IoT là công nghệ cốt lõi cần và đủ phải sử dụng ở tất cả các trang trạng nông nghiệp thông minh 4.0.
Về khái niệm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh từ đó có cách tiếp cận phù hợp hiệu quả phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp Việt Nam trong quá trình biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà phải tiếp cận nhanh song không nóng vội chạy theo phong trào; theo phương châm: “Đi ngay, đi nhanh và đi chính xác (lựa chọn cây trồng vật nuôi có lợi thế so sánh, công nghệ ứng dụng phù hơp và mục tiêu sản xuất kinh doanh là chính)”.
Cũng tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông - Nam Á, đến nay Việt Nam chưa có các mô hình Nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh. Song thực tế hiện nay, cũng có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh, đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai.
Đối với nhà cung cấp, qua nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay có khoảng 9 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức như: Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ IoT – IoT Group, Công ty công nghệ DTT, tập đoàn FPT, Công ty Konexy, Công ty Hachi, Công ty Rynan Smart Fetilizer, Công ty TNHH Mimosa Technology, Công ty Microsoft Việt Nam, Agricheck.. Việc ứng dụng IoT cho nông nghiệp giúp người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí và tránh rủi ro vụ mùa và chủ động thị trường; thông qua đó giúp phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp IoT khá cao, bởi chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các thiết bị phần cứng, các thiết bị phù hợp với sản xuất nông nghiệp Việt Nam nên chủ yếu phải nhập ngoại từ Israel, Nhật Bản, Đức, Thái-lan và Đài Loan (Trung Quốc).
Đối với nhà ứng dụng công nghệ IoT đã xuất hiện mạnh mẽ trong vòng năm năm trở lại đây; xuất hiện cả các mô hình nghiên cứu và sản xuất kinh doanh ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trang trại ở nhiều vùng sinh thái và trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi như: Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Khu NNUDCNC thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn TH True Milk, Trung tâm Giống vật nuôi thành phố Hồ Chí Minh, các dự án rau sạch của Tập đoàn Vingroup triển khai tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Lâm Đồng, Tập đoàn Thành Thành Công, Công ty Dalat Hasfarm, Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệp nông nghiệp Đà Lạt thuộc Tập đoàn Lộc Trời, Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Công ty cổ phần nông nghiệp U&I, Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc, Công ty cổ phần Ba Huân… Đến nay, cả nước có khoảng 30 trang trại/ doanh nghiệp ứng dụng IoT.
Tiếp cận từ thực tiễn Lâm Đồng
Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp tạo đột phá, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp điển hình như: Công ty cổ phần chè Cầu Đất - Đà Lạt, Công ty TNHH Long Đỉnh, Công ty TNHH Trường Hoàng, Công ty TNHH trang trại Langbiang, Công ty cổ phần sinh học Rừng hoa Đà Lạt, công ty TNHH Đà Lạt GAP, Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt, trang trại Định farm, trang trại Vương Đình Phi…
Đặc biệt Cầu Đất Farm bắt đầu sản xuất nông sản sạch từ hai năm trước bằng phương pháp thủy canh trên một hệ thống nhà vườn rộng 7 ha. Toàn bộ hệ thống nhà vườn do nhân viên của Cầu Đất Farm lắp ráp, đầu tư hệ thống thông minh quản lý mỗi ha nhà vườn vào khoảng 2,7 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Cầu Đất Farm sở hữu nông trại ở Đà Lạt có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ lớn nhất Việt Nam. Toàn bộ hệ thống được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cho trang trại như quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và PH; hệ thống camera giám sát 24/24, để ghi lại hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây.
Đối với hệ thống giám sát, điều khiển qua internet có chức năng: Cung cấp hệ thống giám sát nhà kính qua website, mobile application; Giám sát realtime các thông tin nhà kính, quan sát camera. Hệ thống này cũng tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo, lệnh điều khiển bảo đảm môi trường cây phát triển, đưa ra quy trình cho cây trồng phát triển, nâng cao năng suất. Hệ thống này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, cà chua và các loại nông sản trên một quy mô lớn, ứng dụng toàn diện từ khâu sản xuất đến thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản và phát triển mô hình du lịch canh nông.
Mô hình ứng dụng IoT toàn diện chuỗi sản xuất tiêu thụ tại Cầu Đất Farm.
Qua phân tích nêu trên cho thấy, hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT bước đầu đã tiếp cận, là cơ sở quan trọng tiếp tục phát triển để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới. Nhằm để nông nghiệp thông minh 4.0 phát triển hiệu quả phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung cơ bản như sau:
(1) Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; (2) các cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân cần bám vào Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để làm cơ sở tiếp cận và triển khai sát điều kiện cụ thể của ngành, của địa phương, của doanh nghiệp và trạng trại của mình; (3) tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệc là nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0; (4) mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, song hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ; (5) tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất; (6) tiếp tục xây dựng và quảng bá các thương hiệu nông sản trở thành thương hiệu quốc gia có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước; (7) tiếp tục ban hành những chính sách sát thực tiễn sản xuất, có “tính sống cao” nhằm huy động các nguồn lực để tiến quân vào cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới Việt Nam có những mô hình nông nghiệp 4.0 có quy mô lớn, tạo ra nông sản độc đáo, an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh cao vào năm 2020.
Đối với thành phố Hải Phòng:
|
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TẠI HẢI PHÒNG TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ IV
Hiện nay, với xu hướng phát triển, nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được chú trọng và quan tâm của các cấp, các ngành. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và doanh nghiệp có liên quan tập trung tổ chức triển khai thực hiện, theo hướng ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái hiện đại, sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, an toàn, gắn với du lịch cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đứng trước xu thế sự phát triển “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, các nước trên thế giới đang ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, coi đây là giải pháp góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu: Israel, Nhật Bản, Ấn Độ. Ở Việt Nam, chính phủ, các tỉnh, thành phố đã và đang có những kế hoạch hành động phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao.
Ở Hải Phòng, biến động đất nông nghiệp từ 62.127 ha (năm 2000) xuống còn 51.139 ha (năm 2015), tương đương giảm 17,6% trong 15 năm, dự kiến năm 2030, diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn khoảng 45.000 ha, năm 2050 còn 37.600 ha. Trong khi đó dân số năm 2015 là 1,96 triệu người, dự kiến năm 2030 tăng lên 2,3 triệu người, năm 2050 là 2,7 triệu người. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong tương lai, đòi hỏi mức tăng năng suất so với hiện tại là 32,3 % ở năm 2030 và khoảng 87,5% ở năm 2050.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng vẫn là quy mô hộ, đất đai phân tán, nhỏ lẻ, tích tụ ruộng đất khó khăn là trở ngại để xây dựng các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản với quy mô lớn, tập trung. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ sao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu còn hạn chế; sản xuât nông nghiệp lại có độ rủi ro cao về thời tiết, thị trường nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn nhân lực trình độ cao về kỹ năng quản lý, sản xuất, thị trường trong khi hiện nay nguồn nhân lực vẫn chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống. Việc ban hành các cơ chế, chính sách đóng vai trò quan trọng để phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh và đồng bộ, mới chỉ đáp ứng ở một số công đoạn trong chuỗi với quy mô nhỏ. Sự liên kết “4 nhà” Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Người dân chưa thực hiện chặt chẽ và sâu, rộng. Hoạt động phối hợp khoa học công nghệ giữa Hải Phòng với các tỉnh thành trong nước và khu vực lân cận còn ít và đôi khi chỉ là hình thức. Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển sản xuất chưa có nhiều đổi mới, tính hiện thực chưa cao, chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những khó khăn, thách thức hiện nay, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đang là xu hướng tất yếu và ngày càng quan trọng, cấp thiết.
1. Sự chuẩn bị các nguồn lực ban đầu của Hải Phòng tiến tới nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là 1 trong 3 trục quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ, các Bộ, ngành và thành phố được thông qua: Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nhân dân thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố và Quyết định số 2288/QĐ-UBND ngày 01/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thông qua Quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Các cơ chế chính sách: cơ chế, chính sách phát triển nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025 theo hướng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ nông hộ tái cơ cấu, phát triển vùng sản xuất tập trung an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm:
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: hỗ trợ giải phóng mặt bằng; hỗ trợ lãi suất vốn vay thuê đất thực hiện dự án; hỗ trợ hộ nông dân vệ tinh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
- Hỗ trợ sản xuất nông sản tập trung an toàn vệ sinh thực phẩm: hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển; công trình xử lý chất thải; thủy lợi phí nội đồng; giống gốc; phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ kinh phí chứng nhận sản phẩm; xây dựng, phát triển thương hiệu…
Công tác quy hoạch: Quy hoạch các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng sản xuất tập trung và tiếp tục hoàn thiện, rà soát, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: phối hợp với các địa phương sẵn sàng bố trí quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang hình thức sản xuất nông nghiệp, thủy sản có giá trị cao; đổi mới hoạt động khuyến nông tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, gắn với vùng sản xuất tập trung an toàn thực phẩm, tạo chuỗi kết tiêu thụ nông sản; đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất; xây dựng đề án hiện đại hóa tàu cá…
Thiết lập mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao: 200 ha khu ứng dụng công nghệ cao (Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ) để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xác định tổ chức sản xuất 10 sản phẩm chủ lực cấp thành phố, 30 sản phẩm chủ lực cấp huyện, phát triển thương hiệu gắn tem mác để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực;
Chủ động bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch hại trong nông nghiệp, thủy sản và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Hợp tác quốc tế và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm: tham gia các hội chợ xúc tiến, các chương trình hợp tác quốc tế, phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị nông sản, hỗ trợ phát triển thị trường đầu ra cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu…
2. Kết quả đạt được
2.1. Lĩnh vực trồng trọt
Áp dụng công nghệ cao từ khâu cơ giới hóa hiệu quả cao hơn 15-20% so với truyền thống. Hiện nay, trong sản xuất lúa: khâu làm đất đã đạt 100% diện tích, giảm 20-30% lượng giống. Khâu cấy giảm 55% chi phí so với cấy thủ công. Khâu gặt đập liên hợp đạt 46,3% diện tích, giảm thất thoát sau thu hoạch 15-20% so với gặt thủ công; giảm trên 10% giá dịch vụ.
Thành phố hiện có 10 mô hình đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm... như Dự án của VinEco ở Tân Liên Vĩnh Bảo (43ha), Công ty TNHH Kỳ Duyên đầu tư dự án trồng trọt ứng dụng CNC 12,8 ha (thuê đất của dân tại xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo). Dự án trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa lê trong nhà lưới, 1 năm trồng được 4 vụ, kết quả chi phí đầu tư nhà lưới 45.000.000đ/sào, mật độ trồng như ngoài ruộng (600 cây/sào), cao gấp 20 lần so với sản xuất lúa. Dự án trồng hoa của Công ty Cổ phần Châu Giang ở Đông Sơn Thủy Nguyên... sản xuất hoa cao cấp như hoa lan, hoa lily, hoa đồng tiền...có giá trị cao gấp 30 - 40 lần so với trồng lúa.
2.2. Lĩnh vực chăn nuôi
Thành phố đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi. Tính đến hết năm 2016, có 156/576 trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm ứng dụng công nghệ cao, chiếm 27,08% tổng số trang trại; quy mô sản xuất; số vật vật nuôi được sản xuất theo công nghệ cao chiếm 7,48% tổng đàn vật nuôi toàn thành phố. Có một số doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như Công ty CP đã đầu tư vào các huyện như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Công ty Jappha ComFeed, công ty cổ phần tập đoàn DaBaCo, công ty cổ phần giống gia cầm Lượng - Huệ... đã áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến trên thế giới đem lại thu nhập lớn cho người chăn nuôi. Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi an toàn theo VietGap cho 5 cơ sở chăn nuôi; 3 mô hình áp dụng VietGAHP trong trang trại chăn nuôi được hỗ trợ chứng nhận. Dự án Lifsap Hải Phòng đã thiết lập và đưa vào hoạt động 78 nhóm GAHP với 1.600 hộ tham gia trên địa bàn 40 xã tại 4 huyện (Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Dương); trong đó 1.241 hộ chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAHP, 35 cơ sở giết mổ đạt điều kiện vệ sinh thú y, 29 chợ với 854 quầy đạt điều kiện vệ sinh thú y trong kinh doanh thịt.
2.3. Lĩnh vực thủy sản
- Khai thác thủy sản: Hiện nay, theo số liệu điều tra, nguồn lợi thủy sản: trữ lượng hải sản ở vùng biển Hải Phòng khoảng 157.500 tấn, chiếm 20% trữ lượng Vịnh Bắc Bộ; với 135 loài thực vật nổi, 138 loại rong, 23 loại cây nước mặn, 500 loài động vật đáy vùng triều, 160 loài san hô, 189 loài cá biển bao gồm các giống loài cá sống ngoài khơi và cư trú ở thời kỳ sinh trưởng. Nhiều loài cá có giá trị kinh tế đang được nuôi trồng, bảo vệ: tôm he, tôm sú, tu hài, bào ngư, ngọc trai, rong câu… Ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, nằm trong vùng đánh cá chung theo Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ.
Hải Phòng hiện có đội tàu khai thác, dịch vụ thủy sản với gần 3.200 chiếc, trong đó có khoảng 676 tàu cá công suất trên 90CV, có gần 20 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản ở vùng nước theo Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc. Hệ thống dịch vụ hậu cần thủy sản của Hải Phòng hiện có 06 cảng cá và 08 bến cá…, nhiều khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; quản lý hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu do đơn vị sự nghiệp của thành phố, huyện, quận, xã, phường và doanh nghiệp quản lý, khai thác, sử dụng.
Việc ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong khai thác thủy sản đã có các mô hình tiêu biểu như: Mô hình hầm bảo quản bằng vật liệu PU (Polyurethane) trên tàu khai thác xa bờ, cải tiến nghề lưới rê ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt xa bờ ở Hải Phòng... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong khai thác thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho ngư dân, bám biển dài ngày, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, chủ quyền vùng biên giới, biển đảo của Tổ Quốc.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Hải Phòng được phân bổ, đóng mới 44 tàu khai thác, dịch vụ hải sản xa bờ, hiện nay đã, đang đóng và đưa vào hoạt động 34 tàu khai thác, dịch vụ, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, có chủ tàu đã trả một phần vốn vay cho ngân hàng.
- Nuôi trồng thủy sản: Tiềm năng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Hải Phòng là 45.000 ha. Trong đó, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt là 13.000 ha chiếm 30%, nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, mặn là 32.000 ha chiếm 70% (trong đó diện tích vùng vịnh là 17.000 ha).
Trong những năm qua, thủy sản Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng cao trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản. Đến nay, đã có khoảng 250 ha nuôi tôm công nghiệp, trong đó có 80 ha nhà bạt, tại các quận, huyện: Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Cát Hải... Các mô hình nuôi trồng theo VietGAP như: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng; mô hình nuôi cá rô phi. Các mô hình này tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình quản lý sức khỏe động vật thủy sản theo VietGAP, đảm bảo an toàn dịch bệnh giảm thiểu rủi ro, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo sản phẩm sạch an toàn cho người sử dụng và người nuôi, không ngây ô nhiễm môi trường... hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,5 -2 lần so với mô hình không áp dụng VietGAP.
Sản phẩm thủy sản thành phố Hải Phòng đã có mặt ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, EU, ASEAN...). Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định:“xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ”, thành phố Hải Phòng đang tích cực triển khai thực hiện.
3. Đánh giá chung
3.1. Về những kết quả đạt được
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xu thế phát triển “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao, đã ban hành cơ chế chính sách đột phá phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố Hải Phòng đã làm việc, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tiếp thu những thành tựu của thế giới để xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 về Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nhân dân thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 (có 11 chính sách, trong đó có 10 chính sách ưu đãi tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản); Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố và Quyết định số 2288/QĐ-UBND ngày 01/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Việc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ đã có những đóng góp thiết thực nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Đầu tư kinh phí cho khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước liên tục tăng hàng năm; huy động các nguồn đầu tư xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ có bước tiến bộ. Bước đầu xuất hiện những mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghệ thông minh; hạ tầng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của thành phố đang được thiết lập và kiến thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao.
- Xây dựng kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Định kỳ tổ chức các Hội nghị xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
3.2. Về những hạn chế, yếu kém
- Việc ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất còn hạn chế và tính kết nối các thành phần chưa được đẩy mạnh. Các công nghệ được ứng dụng vào sản xuất mới dừng lại ở từng khâu, phân đoạn, chưa có sự liên kết, kết nối đồng bộ giữa các khâu và phân đoạn với nhau. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được tập trung trong khâu sản xuất, chưa mở rộng theo chuỗi giá trị. Trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, tỷ trọng thiết bị hiện đại chưa cao, chi phí nguyên vật liệu và năng lượng trong nông sản còn cao, giá nông sản cao hơn các tỉnh, thành phố lân cận, chưa có tính cạnh tranh. Cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GDP của ngành chưa có.
- Hạ tầng cơ sở kỹ thuật cho công nghệ cao chưa đồng bộ. Các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới hình thành. Hệ thống thu gom, sơ chế và chế biến các sản phẩm nông sản còn rất ít, mới chủ yếu tập trung vào các sản phẩm ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản. Việc kết nối giữa các thành phần trong hệ thống chuỗi ngành hàng các sản phẩm nông nghiệp còn yếu và chưa chặt chẽ.
- Trong quá trình xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp một số khó khăn: thu hồi, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn...
- Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hải Phòng chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển chung của thành phố. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc áp dụng các thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng trong giai đoạn hiện nay và cần có các giải pháp cụ thể để định hướng đến một nền nông nghiệp thông minh trong tương lai.
4. Mục tiêu, định hướng và các giải pháp thực hiện
4.1. Mục tiêu
Từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quy hoạch 5.870 ha khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm có lợi thế trên địa bàn 6 quận, huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên và quận Dương Kinh, trong đó:
- 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 590 ha (01 khu cấp quốc gia 200 ha; 02 khu cấp thành phố với 390 ha)
- 42 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.280 ha.
- Sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chủ lực tại khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm:
+ Rau: các loại rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ (cà chua, khoai tây, dưa chuột, cải bắp, ớt ngọt và các loại rau cao cấp khác).
+ Thủy sản: tôm thẻ chân trắng, tôm sú; cá rô phi, cá vược và các sản phẩm thủy sản khác có giá trị cao.
+ Hoa: Lay ơn, Lily, Hồng, cúc vạn thọ, thược dược, hoa lan…
+ Chăn nuôi: gà lông màu, lợn thịt, bò thịt, lợn giống, bò giống…
- Phân kỳ thực hiện:
+ Giai đoạn 2016- 2020 (Tổng diện tích 2.445ha): Tập trung đầu tư 02 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp thành phố: Khu Tân Liên - Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo; khu nuôi trồng thủy sản tại 02 xã Đông Hưng, Tây Hưng, huyện Tiên Lãng và 17 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng, vật nuôi (rau, thủy sản, hoa, lợn thịt, bò thịt, gia cầm lông màu) có thế mạnh và phù hợp với điều kiện của từng khu vực.
+ Giai đoạn 2021 - 2025 (Tổng diện tích 1.905 ha): Đầu tư thực hiện 16 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng, vật nuôi (rau, thủy sản, hoa, lợn thịt, bò thịt, gia cầm lông màu) có thế mạnh và phù hợp với điều kiện của từng khu vực.
+ Giai đoạn 2026 - 2030: Tổng diện tích 1.520 ha; đầu tư thực hiện 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia tại 02 xã: Chiến Thắng, Mỹ Đức, huyện An Lão và 09 vùng còn lại với các loại cây trồng, vật nuôi (rau, thủy sản, bò thịt, gia cầm lông màu).
Ước tính, giá trị gia tăng của toàn khu, vùng theo quy hoạch đến năm định hình quy hoạch (năm 2025) đạt 3.522 tỷ đồng (giá so sánh 2010); bình quân 1 ha canh tác đạt 2.400-2.500 triệu đồng, gấp 12-15 lần với sản xuất truyền thống; thu nhập của người lao động trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8-10 lần so với sản xuất đại trà (khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng). Giá trị sản lượng (giá cố định năm 2010) năm định hình quy hoạch (năm 2025) đạt khoảng 10,45 nghìn tỷ đồng, giá trị gia tăng đạt 3,52 nghìn tỷ đồng.
4.2. Định hướng
- Xây dựng mô hình nông nghiệp, thủy sản thông minh của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gắn liền với tái cơ cấu kinh tế của thành phố Hải Phòng, phù hợp với quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, tiềm năng địa phương; gắn với liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc bộ và hội nhập quốc tế.chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển công nghệ của thành phố, của Ngành cũng như chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố theo hướng đô thị sinh thái hiện đại, xã hội phát triển hài hòa, sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, gắn với du lịch cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Phát triển mô hình nông nghiệp thông minh phải thu hút nhanh, mạnh doanh nghiệp, đảm bảo cho các doanh nghiệp phát triển vững chắc, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp - nông dân - xã hội, giành thắng lợi trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế; giảm lao động nặng nhọc, độc hại và nâng cao thu nhập, sự tiện nghi cho nông dân góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của thành phố.
4.3. Giải pháp
4.3.1. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai
Các địa phương đã có trong quy hoạch: Bố trí và dành quỹ đất cho xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 33 Luật Công nghệ cao và đưa vào kế hoạch sử dụng đất theo quy định; xây dựng quy hoạch chi tiết khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy lợi thế sản phẩm truyền thống đặc trưng địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất.
Tổ chức dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất; khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất lúa kém hiệu quả để triển khai xây dựng các khu và vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo quy định.
4.3.2. Về huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư
Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Luật Công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích xã hội hóa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, sản xuất, dịch vụ trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư sản xuất, hoạt động dịch vụ trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4.3.3. Về nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo, bồi dưỡng cho người dân tiếp cận và sử dụng các loại máy móc, thiết bị trong sản xuất, bảo quản, sơ chế sản phẩm và chế biến nông sản. Tăng cường phát triển hệ thống công nghệ thông tin, giúp người dân nắm bắt được các chính sách của Đảng và Nhà nước, những tiến bộ khoa học và công nghệ mới có khả năng ứng dụng cao.
Thực hiện chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao theo quy định tại Điều 29 Luật Công nghệ cao. Ưu tiên sử dụng lao động là người dân địa phương hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp vào dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4.3.4. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm
Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước, với các địa phương khác ở quy mô vùng; với doanh nghiệp nắm mạng lưới siêu thị để tiêu thụ nông phẩm; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tiến tới cùng các Bộ, Ngành Trung ương hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chiến lược quốc gia, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thị phần nông sản nội địa, khu vực và quốc tế.
Nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường truyền thống và tiềm năng (trong và ngoài nước) cho nông sản, thủy sản thành phố, đặc biệt là hệ thống siêu thị thương mại, các công ty xuất khẩu nông sản, thủy sản. Xây dựng trang thông tin điện tử về sản phẩm nông nghiệp thành phố, hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố.
Bám sát các nội dung cam kết trong các hiệp định như WTO, TPP, FTA... để có những chính sách, giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu phù hợp.
4.3.5. Về cơ chế, chính sách
Thực hiện ưu đãi về đất đai theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Công nghệ cao và các văn bản quy định của pháp luật về đất đai. Doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất - nhập khẩu và các ưu đãi khác đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Công nghệ cao.
Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ưu đãi theo chính sách tín dụng của Nhà nước theo quy định. Hỗ trợ kinh phí dồn điền đổi thửa tạo quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Quy hoạch: Đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch được duyệt: ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa 70% để đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu (hạ tầng thông tin, giao thông, điện, nước, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải). Đối với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch được duyệt: ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa 70% đầu tư xây dựng hạ tầng trong vùng (hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi tưới tiêu và xử lý chất thải) theo các dự án được duyệt.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ đối với tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ và các văn bản quy định hiện hành. Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ đào tạo và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hỗ trợ các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các quy định hiện hành. Hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4.3.6. Về khoa học và công nghệ
Triển khai các hoạt động tạo và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả và bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong phát triển nông nghiệp hiện đại như: công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học, công nghệ thủy canh, tự động hóa, công nghệ robot và nano; ứng dụng di động trong cung cấp thông tin về thời tiết, nông học, phát triển thị trường, kiểm soát giá cả, thanh toán.
Triển khai áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bền vững môi trường tại khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4.3.7. Về bảo vệ môi trường
Áp dụng đúng quy trình VietGAP, GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất ở các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu.
Ở mỗi khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các khu tập trung xử lý rác thải và các bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, các phế thải trong sản xuất và xử lý theo quy trình. Hướng dẫn người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, tăng cường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc (thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ sâu vi sinh…).
4.3.8. Về hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, nhập công nghệ cao trong nông nghiệp; thu hút vốn đầu tư, đào tạo cán bộ, trao đổi chuyển giao, tổ chức hội thảo, hội chợ giao lưu công nghệ cao sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4.3.9. Về vận động, tuyên truyền thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới, do vậy rất cần có sự phối hợp của các ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện.
4.3.10. Về tổ chức quản lý khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Xây dựng Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và quy chế quản lý quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.