Thời gian: 25/04/2023 10:17

Nhìn nhận thực trạng những công trình hạng mục xếp hạng bảo tồn di sản về bản sắc đô thị trong vùng lõi của đô thị Hải Phòng

Hải Phòng - Đô thị Cảng biển nổi tiếng ở Bắc bộ - nằm trong chuỗi các Đô thị biển của đất nước như Hạ Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nha Trang, Vũng Tàu. Thành phố Hồ Chí Minh - với nhiều nét đặc trưng về tự nhiên. Tuy nhiên Hải Phòng sớm có một diện mạo riêng của một đô thị biển với chiều dày Văn hóa và Lịch sử. Theo các nvăn hóa, các nhà chuyên môn là mang đậm nét Văn hóa Đô thị hay nói cách khác. Có một bản sắc Đô thị.

Vậy bản sắc Đô thị là gì?

“Bản sắc Đô thị là sản phẩm của Văn hóa Đô Thị , ngoài Quỹ Kiến trúc Đô thị , ngoài tài nguyên vật chất Đô thị, Văn hóa đô thị còn sản sinh ra Nếp sống thành thị (theo nghĩa rộng ) và Bản sắc Đô thị . Bản sắc Đô thị bao gồm những cái riêng, những cái gen nổi trội dễ nhận biết và dễ so sánh của mỗi Đô thị. Bản sắc Đô thị có những biểu hiện thị sở ở hình thái Đô thị, phố xá, ở cảnh sắc thiên nhiên đã được đô thị hóa, ở những dấu vết lịch sử và Kiến trúc các thời, biểu hiện ở lối sống, cách ứng xử, tiếng nói, cách mặc, cách ăn ...” [2] 

I. Vài nét về lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Hải Phòng

Trong bài đăng báo Thanh niên điện tử với tiêu đề.  Kiến trúc Pháp ở TP Hải Phòng - Di sản Đô thị cần bảo tồn - tác giả Lê Tân đã nêu… TP Hải Phòng vốn là vùng đất ven sông thuộc trấn Hải Dương và ít được các triều đại phong kiến đầu tư xây dựng . 

Chỉ khi người Pháp chiếm đóng, vùng đất Hải Phòng mới bứt ra và phát triển mạnh mẽ thành 1 trong 3 Đô thị loại 1 đầu tiên của Việt Nam.

Dấu ấn Qui hoạch, Kiến trúc của người Pháp với Đô thị Hải Phòng.
Cũng theo bài viết trên - Tác giả Ngô Đăng Lợi - Nhà nghiên cứu lịch sử Hải Phòng cũng nêu.

“ ..Trong khi Hà Nội, Huế, Hội An hay TP Hồ Chí Minh là những Đô thị phong kiến có lịch sử lâu đời thì Hải Phòng vẫn chỉ là một phần thuộc Hải Dương. Tuy nhiên đó lại là một thuận lợi để người Pháp dễ dàng Qui hoạch Đô thị Hải Phòng theo dấu ấn của họ. Qua đó chỉ mội thời gian ngắn HP đã trở thành đô thị loại 1 - ngang với Đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 1888. (Sắc lệnh do Tổng thống Pháp khi đó kí. PV) [3]

Trong cuốn Lịch sử Hải Phòng có ghi:

Sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874) quá trình đô thị hóa Hải Phòng được người Pháp tiến hành nhanh chóng và bài bản. Họ xây dựng khu nhượng địa theo kiểu ô bàn cờ, dần dần hình thành những “khu phố Tây “ gồm các đường Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Lê Đại Hành và Điện Biên Phủ… như ngày nay. Cũng theo đánh giá của Ông Phạm Tuệ - Nhà Hải Phòng học uy tín thì trong các dãy phố mà người Pháp xây dựng ở Hải phòng, Phố Điện Biên Phủ - thời Pháp gọi là Đại lộ Paul Bert có nhiều công trình to lớn và đẹp nhất (!)

Ngược dòng lịch sử, đô thị Hải Phòng được hình thành mang ý chí cực đoan của người Pháp, nét cực đoan này chính là bản sắc riêng cho Đô thị Hải Phòng, Người Pháp đã khéo tạo dựng cho Đô thị HP một con kênh vắt ngang Thành phố vốn đã đầy ắp hơi thở của Biển cả và sông nước này. Giữa ý chí lấn biển của Bà Lê Chân thuở trước với việc đào kênh vắt ngang TP của người Pháp, xét về mặt tạo dựng một Đô thị hầu như không mâu thuẫn gì (!) Nó đã như tạo cho Đô thị HP nét rất riêng về Phong thủy vậy!

Trong bài đăng trên Báo An ninh Hải Phòng điện tử ngày 04/07/2022 - Quận Hồng Bàng phấn đấu giữ vai trò đầu đàn của một khu Đô thị lõi, là Trung tâm Thương mại, Dịch vụ của Thành phố Cảng. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND Quận Hồng Bàng nêu rõ “…Trong nhiệm kì 2021 - 2025 Quận Hồng Bàng có nhiều công trình hạ Tầng kĩ thuật như công trình chỉnh trang Sông Tam Bạc, cầu Hoàng Văn Thụ, Nút giao Nam Cầu Bính , Công viên Tam Bạc …

Sắp tới sẽ xây dựng Tổ hợp TT thương mại, vui chơi giải trí, Khách sạn 5 sao và Văn Phòng cho thuê tại khu vực Chợ Sắt hiện nay.”

Ông cũng định hướng: “Cùng với phát triển mới, Quận Hồng Bàng cũng sẽ tập trung chỉnh trang lại Đô Thị, đồng thời có giải pháp Bảo tồn các Khu Đô thị, các Biệt thự mang phong cách Kiến trúc Pháp tạo nên Bản sắc Đô Thị riêng biệt, độc đáo của Đô thị Hồng Bàng. Phát triển Đô thị Hồng Bàng theo hướng Đô thị Xanh - Thông Minh - Hiện đại”

Cũng theo Ông Võ Quốc Thái - Chủ Tịch Hội Kiến Trúc Sư Hải Phòng - Nguyên Phó Giám Đốc Sở Xây dựng thì việc Bảo tồn Kiến Trúc Pháp ở Hải Phòng không nên đi vào từng công trình cụ thể mà nên xây dựng Đề án Tổng thể cho các Tuyến phố nội đô (Phố Tây trước đây) [4]

Thứ nhất, TP. Hải Phòng cần tuân thủ việc hạn chế phát triển các công trình qui mô lớn tại vùng lõi Đô thị. Cải tạo chỉnh trang kết hợp xây mới nhưng không thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất, tránh quá tải về hạ tầng Đô thị. Tầng cao trung bình từ 3 đến 5 tầng trong nội thành cũ như trong QĐ số 1448 ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Qui Hoạch chung Xây dựng TP.Hải Phòng đến 2025 tầm nhìn 2050.

Thứ hai, cần có sự Đánh giá tổng thể các công trình của Pháp xây dựng về hiện trạng và lên phương án sử dụng. Tránh tình trạng các công trình Pháp bị cô lập rồi dần bị đập bỏ [3].

Như vậy chúng ta thấy Đô thị Hải Phòng, đặc biệt là vùng lõi (quận Hồng Bàng hiện nay) đã được người Pháp đầu tư xây dựng từ cuối thế kỉ 19 với Qui hoạch và Kiến trúc rất bài bản. Dấu ấn để lại là những Công trình Kiến trúc với phong cách châu Âu - Phong cách châu Âu đã nghiên cứu phù hợp với khí hậu nhiệt đới châu Á  như Nhà Hát Lớn HP, Bảo Tàng HP, Ga HP, Tháp Đồng hồ 3 chuông. Khách sạn Thương Mại và hàng trăm các Trụ sở, Biệt thư tại Trung tâm TP và các vùng phụ cận như Đồ Sơn, Cát Bà…

Ngoài ra còn một số công trình mang dấu ấn Pháp - Hoa như Tòa nhà Ngân hàng Đông Dương (nhà Ngân hàng Ngoại Thương ngày nay) tại phố Nguyễn Tri Phương là những công trình có dấu ấn mạnh mẽ trong vùng lõi Đô thị Hải Phòng.

II. Nhìn nhận thực trạng những công trình có dấu ấn di sản trong vùng lõi đô thị Hải Phòng hiện nay

Khi người Pháp xâm chiếm Hải Phòng, họ xây dựng các công trình, qui hoạch Đô thị phục vụ cho bộ máy công quyền, xây dựng các nhà máy, dinh thự, các công trình văn hóa, phục vụ nhu cầu của giai cấp đô hộ. Khi Pháp rút đi, những công trình này vẫn rất giá trị và mang đậm dấu ấn lịch sử về Kiến trúc. Trải qua những biến thiên, thăng trầm của thời gian, của lịch sử và chiến tranh nhiều công trình kiến trúc đã bị xuống cấp, bị hư hại. Bên cạnh đó, do những nhận thức về bảo tồn di sản và giá trị kiến trúc đã không sâu sắc và nhất quán nên trong quá trình xây dựng mới của phất triển Đô thị, một số công trình có dấu ấn và giá trị di sản đã bị mai một, biến dạng thậm chí bị dỡ bỏ.

Nhận thức được vấn đề này nên TP Hải Phòng đã tỗ chức khảo sát, đánh giá, phân loại và xếp hạng các Công trình thuộc diện di sản cần bảo vệ và tôn tạo.
Kết quả sơ bộ đã có 13 công trình di sản xếp hạng 1 và gần 50 công trình di sản dự kiến xếp hạng 2 ngoài ra còn nhiều công trình dự kiến xếp hạng 3,4 theo các tiêu chí phù hợp
Nhìn vào bảng xếp hạng trên ta thấy tại trung tâm đô thị Hải Phòng - Quận Hồng Bàng có mật độ công trình dày đặc - chưa kể các công trình biệt thự chưa nêu hết. Với nhận thức và nỗ lực TP. Hải Phòng đã gìn giữ được phần lớn các công trình mang dấu ấn Pháp và có giá trị di sản - Hiện HP là địa danh còn nhiều công trình di sản trong quy hoạch và kiến trúc của cả nước.

Tuy nhiên đi sâu vào vấn đề này chúng ta thấy một thực trạng, các công trình di sản của HP đã bị xâm hại và xuống cấp đáng kể. Ngoài những công trình tiêu biểu thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng như Quần thể Nhà hát Lớn, Bảo tàng thành phố. Tòa Nhà B - UBND thành phố, Ngân hàng Công thương… nhiều công trình khác đã chưa được chú ý đầu tư đúng với giá trị mà nó mang lại.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố một số công trình di sản được cải tạo nhưng do chưa nhận thức đúng về giá trị di sản và tùy tiện trong việc cải tạo nên có những công trình rất đẹp, là niềm tự hào của kiến trúc Hải Phòng như Nhà tháp Đồng hồ Ba chuông đã bị cắt gọt và hoàn toàn mất đi vẻ kiều diễm của nó. Bên cạnh đó người ta cho “xây chen” công trình khách sạn cao tầng hoàn toàn mang phong cách xa lạ đè nén và chèn ép không gian của công trình này.

Khách sạn Thương mại cũng chung số phận vậy nhưng đáng tiếc hơn. người ta đã đập bỏ nó để xây công trình khác làm mất đi phong cách Kiến trúc rất hài hòa của cả tuyến phố Điện Biên Phủ này.

Một số công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc và có giá trị lịch sử bỗng nhiên trở lên lạc lõng vì bị chèn ép trong chính không gian của nó. Điển hình là Tòa nhà Bưu điện thành phố, công trình rất đẹp về phong cách kiến trúc Pháp, rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã phải tìm đến công trình này. Tuy nhiên, khi cầu Hoàng Văn Thụ được xây dựng, trục giao thông chính người ta đặt ngay trước công trình. Hàng ngày lưu lượng xe ô tô, xe tải tấp nập đã bức tử công trình kiều diễm này. Bên cạnh đó phía đối diện tòa Bưu điện người ta xây quần thể công trình lớn của Quân Khu 3 với phong cách hoàn toàn xa lạ (người ta gọi là phong cách Địa Trung Hải). Tòa nhà Bưu điện. công trình đầy tự hào và kiều diễm về Kiến trúc của Hải Phòng giờ trở nên lạc lõng và mất đi vẻ duyên dáng vốn có (!)

Khi cải tạo công trình này người ta đã xây dựng khối phụ trợ bên ngoài công trình cao hơn hản khối nhà chính quy mô cải tạo lớn đã làm lu mờ khối nhà chính. Công trình mất đi tính chủ đạo độc tôn của hình thái kiến trúc.

Trên là một số nhìn nhận chính về thực trang một số công trình được phân hạng bảo tồn di sản trong vùng lõi Đô thị Hải Phòng - tại Quận Hồng Bàng.

Là những người làm công tác chuyên môn về Qui hoạch và Kiến trúc, tâm huyết với thành phố, chúng tôi đề xuất với thành Phố, quận Hồng Bàng và các Ban ngành chuyên môn một số kiến nghị sau.

III. Những đề xuất, kiến nghị về việc bảo tồn các di sản kiến trúc vùng lõi đô thị Hải Phòng

- Vùng lõi Đô thị HP là vùng đặc biệt có giá trị về bảo tồn di sản kiến trúc vì vậy việc nhìn nhận, đánh giá gìn giữ, bảo tồn phải được làm rất bài bản, trách nhiệm, cẩn trọng và nghiên cứu thấu đáo.

- Các công trình có giá trị di sản phải được bảo vệ trong không gian kiến trúc của qui hoạch trục đường, tuyến phố hoặc khu phố có giá trị di sản. Không thể để tình trạng một công trình có giá trị di sản đứng độc lập, xung quanh nó là các công trình mang phong cách khác lạ hoặc quá lớn, xa lạ bao vây, chèn ép làm mất đi giá trị của di sản.

- Những công trình trong các Dự án mới sẽ xây dựng trong vùng lõi Đô thị HP cần được qui định khống chế về độ cao tổng thể và mật độ, qui mô tránh gây chèn ép, cô lập các công trình có giá trị di sản và gây sức ép lên hạ tầng Đô thị như vấn đề cấp thoát nước… và làm tăng mật độ giao thông, gây quá tải không gian kiến trúc khu vực và cô lập các Công trình di sản  Khu nhà Văn phòng và Khách sạn Harbour View tại 12 Trần Phú dù ở ngoại vi khu vực lõi Đô thị vẫn đáp ứng các tiêu chí về độ cao tầng, quy mô và phong cách kiến trúc hài hòa trong khu vực lõi di sản đô thị Hải Phòng.

- Những công trình có giá trị Văn hóa và Lịch sử dù có qui mô nhỏ như các Biệt thự hoặc nhà Công sở mang phong cách Pháp tại các tuyến phố nhỏ  như Lê Đại Hành, Minh Khai, Lý Tự Trọng… do những thăng trầm trong lịch sử và quản lí đã bị biến dạng do cơi nới, cải tạo, nhà nước nên có cơ chế để chủ sở hữu cải tạo, khôi phục lại đúng phong cách của các công trình này bởi chúng đóng góp rất nhiều trong việc tuyến hóa hoặc khu phố hóa các công trình có giá trị di sản. Việc này mang lại lợi ích rất lớn nếu HP xây dựng được hình thái du lịch như Phố cổ Hội An đã làm là Đô thị Di sản.

- Vùng lõi của Đô thị HP với mật độ khá dày đặc các công trình có giá trị di sản cần được thể chế hóa và có những qui định cụ thể, nghiêm ngặt trong việc xây dựng các Dự án mới có qui mô lớn. Xu thế hiện nay là các doanh nghiệp đang tìm mọi cách đầu tư các dự án Qui mô lớn, cao tầng trong vùng lõi đô thị vì giá trị lợi nhuận lớn mang lại cho họ. Việc này tạo một hệ lụy rất lớn và lâu dài cho việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản của TP Hải Phòng. Việc gìn giữ những giá trị di sản trong Qui hoạch, kiến trúc cũng mang lại nguồn lợi lớn cho quảng bá và khai thác Du lịch như các Quốc gia khác đã từng làm, điển hình là các khu phố mang thương hiệu China Town của người Hoa, các khu phố Việt ở California ở Mỹ hoặc phố người Việt tại Nga và CH Sec hay Hội An của Việt Nam.

IV. Thay lời kết

Hải Phòng là đô thị biển, đa dạng về địa hình, được qui hoạch và xây dựng khá bài bản từ thời thuộc Pháp với nhiều công trình kiến trúc rất có giá trị. Đặc biệt tại vùng lõi đô thị Hải Phòng - quận Hồng Bàng hiện nay. Việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản quý này cần được nhìn nhận, đánh giá một cách bài bản, có quy trình và các quyết sách đúng, kịp thời nhằm tạo cho đô thị Hải Phòng một bản sắc đô thị độc đáo, một đô thị hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được những nét rất riêng của mình. Vùng lõi đô thị Hải Phòng với mật độ rất nhiều di sản kiến trúc phong phú, trường tồn là cơ hội cho thành phố phát triển, là thành phố công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại, du lịch... với nhiều lợi thế.

Tạo dựng một bản sắc đô thị là ý chí và tâm huyết của nhiều thế hệ. Nhiều khi những tiêu chí phát triển kinh tế, phát triển đô thị luôn mâu thuẫn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị.

Bảo tồn, tạo dựng và phát huy những bản sắc đô thị phải nằm ngay trong những tiêu chí phát triển của đô thị là một quan niệm và hướng đi đúng mà nhiều quốc gia đang làm. Hải Phòng cũng không ngoại lệ. Vấn đề còn lại là ý chí của mỗi chúng ta.

 Tài liệu tham khảo:

[1] Dương Thụ - Nhớ về Hải Phòng . TC QH & XD số 3. 2004 (trang 25).

[2] Nguyễn Văn Chương - Hình ảnh Đô thị và phương pháp Nhận diện Đô Thị  của KEVIN LYNH _ TC Kiến Trúc Việt Nam số 1. 99 (trang 50

[3] Báo Thanh Niên Điện tử - Kiến Trúc Pháp ở Thành Phố Hải Phòng  - Di sản      Đô thị cần thiết được bảo tồn

[4] Báo An Ninh  điện tử Hải Phòng ngày 04/07/2022 -Phát huy truyền thống vẻ vang 61 năm xây dựng và phát triển , quận Hồng Bàng phấn đấu giữ vững vai trò đầu tầu của một khu Đô thị lõi, là Trung tâm Thương mại, Dịch vụ của  Thành phố Cảng.

5. Nguyễn Luận. Cân bằng sinh thái và cấu trúc Đô thị  .TC  KT VN  2 . 1986

  1. JFFFREY .D SACH . - Cách nhìn mới về Qui Hoạch Đô Thị . TC QH & XD số 3 . 2004 (trang 100).
  2. Nguyễn Quốc Thông  - Tìm nét riêng cho Kiến Trúc Đô thị  TC Kiến Trúc VN . 2. 1986 (trang 19).
  3. Trịnh Quang Sử - Hải Phòng trên đà phát triển với tầm vóc Đô thị loại 1 Quốc Gia . TC QH & XD số 3 .2004 (trang 12). 
Lượt truy cập: 264704
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn