Thời gian: 27/04/2023 10:26

Một vài suy nghĩ về việc bảo tồn, duy tu sửa chữa và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng từ những năm thuộc Pháp đã làm thành phố lớn thứ 2, là hải cảng duy nhất và trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Việt Nam. Từ những năm 1835 - năm 1888 của thế kỷ XIX – XX, để phục vụ cho việc điều hành mọi hoạt động của một thành phố lớn, Chính quyền Pháp đã cho quy hoạch phân định tương đối rõ ràng các khu hành chính (Bout de la Republique), Khu khách sạn cao cấp, Nhà băng lớn trên đường Điện Biên Phủ (B. Paul Bert), đường Nguyễn Tri Phương (B. Felle Fauro), Khu công nghiệp: Nhà máy Xi măng đen (ILE Haly), Khu thương mại buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền dọc sông Tam Bạc là các đường Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Lãn Ông, Quang Trung (Rue Tonkinoise, Chavassieux, Boulevard).

Nếu lấy kênh đào Bonnal - nay là dải đất vườn hoa Trung tâm nối từ hồ Tam Bạc đến Cảng Cửa Cấm - làm ranh giới thì từ phía bắc Kênh ra đến sông Tam Bạc, Cảng Cửa Cấm là khu vực đặt các công sở làm việc của bộ máy hành chính của chính quyền, các phòng ban thương vụ, các ngân hàng và khách sạn lớn mà người dân Hải Phòng lúc bấy giờ gọi là “Khu phố Tây”. Ở đây có Tòa thị chính, Nhà thờ lớn, Nhà bưu điện, rạp chiếu phim, Công ty Điện chiếu sáng, Nhà máy nước, v.v.... đường xá thì rộng rãi, sạch sẽ, thoáng đẹp, nhiều cây cối. Ngày nay Khu phố Tây này là quận Hồng Bàng của Hải Phòng.

Các công trình kiến trúc của Pháp xây dựng đều rất vững chắc, bề thế nhưng không kém phần thanh thoát tao nhã, công năng sử dụng hợp lý, phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Có nhiều biệt thự sang trọng, có sân vườn rộng xung quanh vừa làm nhà ở vừa là nơi đặt văn phòng điều hành của các Công ty lớn như: Nhà máy Xi măng - Biệt thự góc đường số 14 đường Minh Khai (Rue Francis Guenine) và Hồ Xuân Hương (Rue Dominic), Hãng chủ tàu thủy lớn tại Số 2 Bến Bính (R.Courbet) cùng rất nhiều biệt thự nhỏ hơn của tầng lớp người giàu có (Pháp, Việt, Hoa) là dược sĩ, bác sĩ, luật sư, tư bản thương gia xây dọc các con đường Minh Khai (Rue Francis Guenine), đường Lê Đại Hành (Rue Harmond), đường Đinh Tiên Hoàng (B. Anide Beaument), đường Lý Tự Trọng (Rue de Negrier), đường Trần Hưng Đạo (Boulavard).

Đã có nhiều công trình, nhiều thể loại khác nhau được xây dựng cách đây hơn 100 năm nay vẫn còn tồn tại và đang được sử dụng nhờ có sự nâng cấp bảo tồn duy tu tốt của thành phố.

Sau này - “Khu phố Tây” còn phát triển rộng xuống phía Nam Kênh đào Bonnal (đã lấp) đến tận cửa nhà ga xe lửa Hải Phòng (Rue de Paris) thuộc địa bàn các quận Lê Chân, Ngô Quyền.

Một số đề nghị giúp cho việc bảo tồn vững bền trong khu đô thị như sau:

1. Thành phố nên nhanh chóng xây dựng phát triển sang khu đô thị mới ở bờ Bắc Sông Cấm huyện Thủy Nguyên giống như các thành phố lớn của thế giới như Thượng Hải, Manhattan – New York ... không cố gắng dồn ép, nhồi nhét các công trình lớn, mới, cao tầng vào khu trung tâm của Hải Phòng hiện đang quá tải về mật độ dân số, phương tiện giao thông, kỹ thuật, cấp thoát nước đô thị ...

2. Lập danh mục, phân loại các công trình cần bảo tồn trên toàn thành phố: (Năm xây dựng, tầng cao, loại công trình, kế hoạch bảo tồn hàng năm để dễ dàng quản lý các công trình kiến trúc cổ của Pháp đã xây dựng tại Hải Phòng).

3. Khi cấp giấy phép xây dựng mới cho các công trình liền kề với công trình thuộc loại bảo tồn phải có đánh giá tác động về cảnh quan môi trường xung quanh, về vật lý kiến trúc nắng gió ...

4. Công việc bảo tồn sửa chữa trùng tu nhiều lúc còn sơ sài, chỉ sơn quét vôi ve, không cẩn thận tỉ mỉ chi tiết, nhất là các chi tiết mang tính chất mỹ thuật biểu trưng cao như gờ chỉ, phù điêu ... có lúc bị đơn giản hóa hoặc biến dạng, làm mất tính thẩm mỹ, trang trí lịch sử của công trình.

5. Mâu thuẫn giữa việc xây chen các công trình mới cao tầng cạnh các công trình cần bảo tồn thấp tầng đưa đến việc tầm nhìn bị hạn chế hoặc che khuất, không còn không gian thông thoáng xung quanh. Nói một cách ngắn gọn là “bức tử” công trình cũ. Ví dụ: Hiện trạng nhà biệt thự 3 tầng số 51, Điện Biên Phủ, trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc                      Hải Phòng.

(Xem ảnh minh họa)

A picture containing outdoor, tree, road, street

Description automatically generated

6. Khi lập hồ sơ thiết kế trùng tu bảo tồn công trình phải có đầy đủ bộ ảnh lưu lại hiện trạng cũ và ảnh mới.

7. Giám sát thi công cần chặt chẽ, chi tiết, không chấp nhận hoặc nghiệm thu những sai sót dù là nhỏ nhất không đúng với hồ sơ thiết kế bảo tồn đã trình duyệt. Sử dụng những vật liệu giống hoặc tương tự công trình cũ kể cả màu sắc khi hoàn thiện công trình.

Mặc dù đã có quy định văn bản của Nhà nước về không xâm phạm di tích được bảo tồn tại nhiều khu vực các quận nội thành nhưng thực tế vẫn tồn tại trong dân việc trao đổi mua bán ngầm (không giấy tờ) những căn biệt thự hoặc một phần nhà biệt thự xây dựng từ thời Pháp. Sau đó tự ý cơi nới, che chắn, tăng thêm diện tích sinh hoạt bằng các vật liệu tận dụng làm xấu đi hình ảnh thật, đẹp, nguyên có của công trình, ví dụ: tại nhà biệt thự số 6 Đinh Tiên Hoàng.

Cần thường xuyên kiểm tra, xử phạt, buộc phá dỡ... những vi phạm kể trên.

Một số công trình đã thực hiện nâng cấp, bảo tồn thành công ở Hải Phòng đảm bảo tính kỹ mỹ thuật cao, công năng sử dụng hợp lý, hài hòa với các công trình cũ đã có:

1. Trụ sở UBND thành phố - KTS Đỗ Quốc Tùng

2. Cải tạo nâng tầng mở rộng hai nhà lớp học trường THPT Ngô Quyền - Bonnal số 2 đường Mê Linh - KTS Hoàng Thị Thịnh, KTS Hoàng Tiến Toàn.

3. Cải tạo mở rộng biệt thự - Trụ sở Ngân hàng quân đội số 7 Trần Hưng Đạo - KTS Hoàng Thị Thịnh.

Phát huy giá trị khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng

a. Cần liên kết với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố khai thác các tour cho khách tham quan các công trình nổi tiếng như Nhà Hát Lớn, Nhà Bảo tàng, Nhà Bưu điện, Nhà Ga xe lửa, Ngân hàng Nhà nước v.v... làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, thúc đẩy ngành du lịch “công nghiệp không khói của thành phố Hải Phòng.

b. Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, kiến thức về kiến trúc xây dựng cho thế hệ trẻ.

Lượt truy cập: 264712
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn