Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2045 Hải Phòng “trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới”. Bài viết này cung cấp một số nét tổng quan về sự phát triển của các thành phố hiện nay trong đó có các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới, đồng thời gợi mở một số giải pháp xây dựng và phát triển Hải Phòng, thực hiện tầm nhìn đến năm 2045.
I. Một số nét tổng quan về sự phát triển của các đô thị trên thế giới và châu Á
Ngày nay, do tác động của quá trình công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, dân số ở khu vực đô thị đang tăng lên đáng kể, năm 2022 đã đạt 4,3 tỷ người[1], chiếm trên 50% dân số toàn cầu. Đáng chú ý là do trọng tâm tăng trưởng kinh tế thế giới đã dịch chuyển từ Tây sang Đông, Châu Á trở thành khu vực có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong đó, Trung Quốc đã và đang tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới, sau đó là Nhật Bản; Ấn Độ ở vị trí thứ tám và Hàn Quốc, xếp thứ 12 trên thế giới tính theo GDP danh nghĩa.
Chính vì vậy, quá trình đô thị hóa ở các quốc gia khu vực Châu Á cũng diễn ra với tốc độ nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Thế kỷ XXI còn được gọi là thế kỷ của các thành phố[2] với các đô thị được mở rộng với tốc độ chưa từng có trong tiền lệ. Sự thay đổi diện mạo các đô thị châu Á đem lại những cơ hội mới cho phát triển đồng thời cũng kèm với những thách thức lớn trên các bình diện: kinh tế, văn hóa, dân số, năng lượng, giao thông, môi trường, đặc biệt là dịch bệnh, thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với sự bùng nổ của làn sóng đô thị hóa đã hình thành những thành phố cực lớn, gọi là những siêu đô thị (megacity) hay vùng đô thị có dân số đến trên 30 triệu người. Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu hóa, một số loại hình phát triển đô thị mới đang trở thành xu thế tất yếu, chủ đạo, đó là: thành phố toàn cầu (global city), thành phố xanh (green city), thành phố thông minh (smart city), thành phố sáng tạo (creative city),... Những thành phố này vừa có chức năng là một đô thị theo tính chất truyền thống, vừa là những trung tâm chính trị, kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối mạng lưới xuyên quốc gia, kết nối những dòng chảy về vốn, công nghệ, hàng hóa, dân số và các lĩnh vực văn hóa - xã hội trong nước, khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh các quốc gia đang hội nhập mạnh mẽ vào sân chơi chung toàn cầu thì mô hình thành phố toàn cầu (global city), đôi khi còn gọi là thành phố quốc tế (international city) rất được coi trọng vì vai trò và vị trí địa chính trị - kinh tế của chúng với thế giới. Các thành phố này có những vai trò như sau:
i) Là trung tâm tài chính quốc tế: Đây là nơi tập trung các tổ chức tiền tệ, nhất là các ngân hàng lớn xuyên quốc gia, tích tụ khối lượng rất lớn tài sản và tiền vốn; có vai trò chi phối thị trường tiền tệ toàn cầu.
(ii) Là trung tâm chi phối và trung tâm quyết sách về hoạt động chính trị và kinh tế quốc tế, trong đó là sự có mặt của các tổ chức chính trị quốc tế chi phối ảnh hưởng các vấn đề chính trị quốc tế; các tập đoàn xuyên quốc gia và các ngân hàng chi phối các hoạt động sản xuất, thương mại, đổi mới sáng tạo và đầu tư.
(iii) Là đầu mối giao thông vận tải và trung chuyển hàng hóa quốc tế lớn.
(iv) Là trung tâm thông tin và văn hóa quốc tế: Đây là nơi tập trung nhiều cơ quan phát thanh, truyền hình, xuất bản hiện đại; nơi có các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học; nơi diễn ra nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế quy mô lớn,...
Qua xếp hạng của Tổ chức toàn cầu hóa và các thành phố thế giới GaWC (Globalization and World Cities Research Network) trong hơn hai mươi năm qua (1998-2020) cho thấy sự gia tăng nhanh chóng các thành phố toàn cầu. Các thành phố loại α (thành phố kết nối lớn với kinh tế thế giới) tăng từ 10 lên 50 thành phố, gấp 5 lần. Các thành phố loại β (thành phố có kết nối trung bình với kinh tế thế giới) tăng từ 10 lên 91 thành phố, gấp 9 lần. Các thành phố loại γ (thành phố kết nối nhỏ với kinh tế thế giới) tăng từ 35 lên 83 thành phố, tăng 2,3 lần. Đặc biệt, trong tốp 10 thành phố hàng đầu thế giới là: New York, London, Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông, Paris, Tokyo, Dubai và Sydney[3] thì đã có 6 thành phố ở Châu Á. Còn ở Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được xếp trong nhóm β. Tuy nhiên, không thể không nhắc một thảm họa đối với các đô thị trong 2 năm qua, đó là đại dịch Covid-19. Xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, một thành phố có dân số 12 triệu người, trung tâm công nghiệp quan trọng của Trung Quốc (Vũ Hán được GaWC xếp hạng β- năm 2020). Virus SARS-CoV-2 từ đây đã nhanh chóng “phủ sóng” hầu khắp các thành phố trên thế giới, gây ra cái chết cho hàng triệu người và những thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế và nhiều vấn đề khác cho con người nhất là ở các đô thị lớn. Mới đây, Tổ chức Định cư Con người của Liên hiệp quốc (UN-Habitat) đã công bố Báo cáo về các thành phố trên thế giới năm 2022 trong đó đã nêu ra 5 bài học[4] cho các đô thị trong đại dịch Covid-19, đó là:
(i) Đại dịch dễ dàng vượt qua biên giới lãnh thổ bất chấp việc đóng cửa biên giới. Đại dịch có khả năng lây lan cao cho thấy rằng mối đe dọa ở bất cứ đâu cũng là mối đe dọa ở khắp mọi nơi.
(ii) Đại dịch nhắc nhở chúng ta rằng, các thành phố được quy hoạch tốt có thể quản lý lây lan tốt hơn với mật độ dân cư không quá đông. Quy hoạch đô thị tổng hợp mang đến sự bình đẳng về không gian xã hội và các khu dân cư xanh, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe và hạnh phúc của con người là rất quan trọng để thích ứng với đại dịch và khả năng phục hồi trong tương lai.
(iii) Không một cấp chính quyền nào và không một bộ, ban hoặc cơ quan nào có thể tự mình giải quyết đại dịch. Quản lý đô thị hiệu quả đã cho thấy vai trò của quản trị đa cấp với sự hợp tác của nhiều bên liên quan từ cấp vi mô (vùng lân cận) đến cấp trung bình (ngành) đến vĩ mô cấp độ (từ khu vực đến toàn cầu).
(iv) Đại dịch cho thấy ngoài lĩnh vực y tế, các vấn đề về kinh tế, môi trường chính trị và môi trường sống có thể làm trầm trọng thêm rủi ro và tính dễ bị tổn thương của đô thị. Sự bất bình đẳng trong cung cấp dịch vụ cho thấy những điểm yếu trong việc kiềm chế sự lây lan của vi rút. Việc thu hẹp khoảng cách trong giải quyết vấn đề nghèo ở đô thị và những vấn đề về nguồn nước, chăm sóc sức khỏe cơ bản, nhà ở và ứng dụng chuyển đổi số là rất quan trọng để xây dựng một tương lai đô thị bền vững.
(v) Quá trình phản ứng khẩn cấp đối phó với đại dịch đã cho chúng ta thấy cần có sự thay đổi căn bản trong cuộc sống đô thị hàng ngày. Môi trường xanh, phát triển toàn diện, bền vững cho tương lai đô thị sẽ cần sự quan tâm trong thời gian dài, phù hợp với nhu cầu của địa phương và được hỗ trợ bởi các nguồn lực thích hợp.
Năm bài học mà UN-Habitat đã nêu cho thấy những rủi ro, thách thức mà các đô thị đang phải đối mặt không chỉ là vấn đề của riêng đô thị nào mà còn là những thách thức chung của tất cả các đô thị trên thế giới.
II. Một số thành quả trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hải Phòng
Trong những thập niên qua, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hải Phòng đã giành được những thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình của Hải Phòng trong cả thời kỳ 1996-2021 tăng bình quân gần 11%/năm, cao hơn 1,6 lần mức tăng bình quân chung cả nước (6,03%). Đặc biệt là trong 5 năm gần đây (1996-2020), tăng với tốc độ cao, bình quân trên 14%/năm. Đáng chú ý là trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của cả nước và thế giới, nhưng GRDP của thành phố vẫn tăng cao: Năm 2020 tăng 11,22%, năm 2021 tăng 12,38%/năm, cao nhất cả nước.
Quy mô nền kinh tế thành phố năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 315.700 tỷ đồng (tương đương 13,5 tỷ USD), tăng trên 50 lần so với khi thành phố bắt đầu thực hiện chủ trương CNH, HĐH. Đáng chú ý là mặc dù quy mô nền kinh tế tăng gấp trên 50 lần nhưng dân số Hải Phòng chỉ tăng gần 1,3 lần (chỉ tăng gần 500 ngàn người). Điều này khẳng định rằng tăng trưởng của Hải Phòng không phụ thuộc vào tăng dân số cơ học.
Bảng so sánh tăng trưởng GRDP và tăng dân số của Hải Phòng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1995 - 2021
Thành phố
|
Năm
|
Dân số
(ngàn người)
|
GDP
(giá thực tế, tỷ đồng)
|
Ghi chú
|
Hà Nội
|
2021
|
8.246,5
|
1.020.000
|
Dân số tăng 3,5 lần
GRDP tăng 70 lần
|
1995
|
2.335,4
|
14.499
|
TP. Hồ Chí Minh
|
2021
|
9.077.158
|
924.367 (giá ss)
|
Dân số tăng 1,95 lần
GRDP tăng 30,4 lần
|
1995
|
4.640,4
|
32.596 (giá ss)
|
Hải Phòng
|
2021
|
2.072,4
|
315.700
|
Dân số tăng 1,29 lần
GRDP 51,4 lần
|
1995
|
1.608,2
|
6.138
|
(Nguồn: Niên giám Thống kê các địa phương trên)
Đây là điều khá khác biệt của Hải Phòng so với 2 đô thị lớn nhất cả nước nếu so sánh trong cùng thời kỳ 1995-2021: GRDP của Hà Nội tăng 70 lần trong khi dân số tăng 3,5 lần (tăng gần 6 triệu người); GRDP của TP. Hồ Chí Minh tăng 30 lần trong khi dân số tăng gần 2 lần (tăng gần 4,5 triệu người). Thực tế cho thấy khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Hải Phòng đã kiểm soát tốt đại dịch trong khi vẫn tăng trưởng kinh tế ở 2 con số. Với sự gia tăng dân số chóng mặt của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã gây ra nhiều vấn đề về phát triển đô thị của hai trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước (xem bảng so sánh trên).
Nhờ có tốc độ tăng trưởng liên tục trong thời gian dài, GRDP bình quân đầu người của Hải Phòng đã tăng từ trên 400 USD năm 1995 lên 6.546 USD năm 2021, đạt mức thu nhập trung bình khá cao theo tiêu chí phân loại của Ngân hàng Thế giới. Chỉ số phát triển con người HDI của Hải Phòng ở mức cao, tăng từ 0.745 điểm năm 2016 lên 0.782 điểm năm 2020, xếp thứ 4 sau Hà Nội (0.799), Tp. Hồ Chí Minh (0.795), Bà Rịa - Vũng Tàu (0.793)[5].
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều công trình lớn đi vào hoạt động, kết nối trong nước và quốc tế. Sân bay Cát Bi được nâng cấp trở thành sân bay quốc tế. Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có thể cho tàu trọng tải tới trên 130 ngàn tấn ra vào, góp phần nâng sản lượng hàng hóa qua cảng tăng từ 4,6 triệu tấn năm 1995 lên 143 triệu tấn vào năm 2020, tăng 31 lần so với năm 1995, giữ vững vai trò, vị trí là “cửa ngõ” của phía Bắc.
Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, quy mô đô thị được mở rộng. Tỷ lệ dân số khu vực đô thị tăng từ 32% năm 1995 lên 45,4% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, gần 80% lực lượng lao động toàn thành phố. 100% số xã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Tuổi thọ bình quân đạt 74,7 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân chung cả nước (73,7 tuổi). Số hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,22% theo chuẩn nghèo mới. Các tiêu chí về môi trường như tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các khu công nghiệp, bệnh viện có khu xử lý nước thải cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.
III. Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng hướng tớ đô thị đẳng cấp quốc tế
Những thành quả quan trọng đạt được nêu trên đã mang đến những nhận thức mới về mục tiêu xây dựng và phát triển của thành phố Cảng. Năm 2008, lần đầu tiên mục tiêu về xây dựng Hải Phòng theo hướng thành phố quốc tế đã được UBND thành phố Hải Phòng đề ra trong Quyết định số 66/QĐ-UBND ngày 11/1/2008 phê duyệt “Đề án về phát triển công tác đối ngoại thành phố Hải Phòng đến năm 2020”. Sau đó, Nghị quyết XIV Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định Hải Phòng từng bước phấn đấu trở thành thành phố quốc tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục khẳng định “xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh hiện đại”, “mang tính quốc tế cao”. Như vậy có thể thấy rằng, Đảng bộ thành phố đã đổi mới tư duy và có cách tiếp cận mới, thích ứng với xu thế phát triển chung của các đô thị trên thế giới. Đặc biệt, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị lần này đặt ra cho Hải Phòng những mục tiêu phấn đấu với yêu cầu rất cao và rất cụ thể: Đến 2025, hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; và đến năm 2045 trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới”. Ở đây, cần thấy rằng các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới là những thành phố trong tốp 10 như đã nêu ở phần trên.
Đặc biệt, Nghị quyết 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đã yêu cầu: “…lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá,…. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”. Nghị quyết cũng đã đề ra tầm nhìn đến năm 2025 phải xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đã đề ra cho Hải Phòng trong khoảng thời gian hơn 20 năm tới, theo tôi cần quan tâm, chú ý những vấn đề sau:
Một là, thành phố cần giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, quyết tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức cao, bình quân từ 12-14%/năm trong một thời gian dài. Mặt khác cũng cần thấy rõ Hải Phòng đang nằm ở vị trí nào trên bản đồ các thành phố của thế giới để từ đó có những cơ chế, chính sách đột phá, bảo đảm tính khả thi cho những mục tiêu đã đề ra. Báo cáo Năng lực cạnh tranh đô thị toàn cầu của UN-HABITAT năm 2020-2021 đã đánh giá, xếp loại Hải Phòng là thành phố có năng lực cạnh tranh kinh tế đạt 0.559 điểm, xếp thứ 669; năng lực cạnh tranh bền vững đạt 0.248 điểm, xếp thứ 693 trong tổng số 1.006 thành phố được UN-HABITAT xếp hạng[6]. Như vậy, vị trí xếp hạng của Hải Phòng còn có khoảng cách xa so với các thành phố trong khu vực và thế giới.
Hai là, tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” dựa trên cơ sở phát triển các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao sản xuất các sản phẩm điện tử, điện tử viễn thông, ô tô điện, năng lượng tái tạo.... Hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ nhất là dịch vụ cảng biển để Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ cảng, vận tải biển, logistics lớn của cả nước và quốc tế. Hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ hàng không, tài chính, ngân hàng; nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các dịch vụ thương mại, du lịch, xây dựng Hải Phòng sớm trở thành Trung tâm hội chợ, triển lãm mang tầm quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới như nghiên cứu xây dựng khu thương mại tự do hoặc trong lĩnh vực dịch vụ tiên tiến, chất lượng cao.
Ba là, đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng “3 trong 1”: vừa là đô thị toàn cầu (quốc tế), vừa là đô thị thông minh và đô thị xanh. Đô thị toàn cầu nhằm phát huy vai trò lợi thế của thành phố cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối nhằm thu hút các “đại bàng” - tập đoàn lớn đến đầu tư, làm ăn lâu dài. Đô thị thông minh giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản trị và phát triển đô thị; đô thị xanh hướng tới mục tiêu phát triển xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh việc hình thành khu đô thị Bắc sông Cấm cùng Trung tâm hành chính - chính trị mới, hiện đại, cần thành lập thêm một số quận mới để nâng cao tỷ lệ và mức độ đô thị hóa. Cần rất chú trọng việc nghiên cứu kinh nghiệm thành công cũng như không thành công của những thành phố trên để quy hoạch, thiết kế đô thị, đảm bảo tính tương thích mềm dẻo với mọi thay đổi của đô thị theo thời gian, đảm bảo chất lượng sống và làm việc tốt, bảo vệ môi trường sống trước các tác động thiên nhiên hoặc nhân tạo, chia sẻ các lợi ích công cộng cho người dân một cách công bằng. Một quy hoạch tốt với mật độ dân cư phù hợp sẽ không gây những tác hại và đối phó có hiệu quả với nguy cơ đại dịch mới sẽ xuất hiện. Cần sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông ngầm hoặc trên cao để giảm thiểu tác hại của tắc nghẽn giao thông, kết nối thuận lợi với trung tâm mới của thành phố.
Đặc biệt là coi trọng việc bảo tồn, giữ gìn khu đô thị trung tâm cũ, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển vì đây là hồn cốt và bản sắc mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hóa Hải Phòng. Cần hình thành ở đây một không gian văn hóa đa sắc màu, sống động, dấu ấn lịch sử hào hùng, tạo thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Bốn là, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhất là các lễ hội, sản phẩm văn hóa giàu bản sắc, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Minh Thề, Lễ hội Xa Mã - Hoàng Châu...), lễ hội Hoa Phượng đỏ, lễ hội Nữ tướng Lê Chân, hình thành không gian văn hóa đặc sắc ở khu vực dải trung tâm để Hải Phòng không chỉ là một thành phố công nghiệp mà còn là một thành phố văn hóa. Nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) Hải Phòng, xây dựng con người Hải Phòng phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực với các đặc trưng năng động, sáng tạo thân thiện, có tầm nhìn xa; thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kiến tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi, có tính cạnh tranh cao để thu hút các công dân toàn cầu đến sinh sống và làm việc, tận dụng kinh nghiệm và chất xám của họ làm cầu nối, xúc tiến quá trình kết nối, đầu tư của các doanh nghiệp, chọn thành phố là điểm đến lý tưởng để làm ăn lâu dài và sinh sống.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
2. Bộ Chính trị, Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Ban Chỉ đạo Trung ương (2018), Báo cáo đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Thành ủy Hải Phòng (2010), Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ thành phố Hải Phòng, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
5. Thành ủy Hải Phòng (2015), Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2015 - 2020.
6. Thành ủy Hải Phòng (2020), Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2020 - 2025.
7. Tổng cục Thống kê: Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
8. GaWC: The World According To GaWC 2000, 2004, 2008, 2010, 2012, 2016, 2018, 2020 ((http://www.lboro.ac.uk/gawc).
9. UN-Habitat, World Cities Report 2022: Envisaging the future of cities.
10. Phạm Quang Minh, Nguyễn Văn Sửu, Ien Ang, Gay Hawkins (Chủ biên) (2016), Toàn cầu hóa và biến đổi đô thị, NXB Tri thức, Hà Nội.[7]
[1] https://www.worldometers.info/world-population
[2] Phạm Quang Minh, Nguyễn Văn Sửu, Ien Ang, Gay Hawkins (Chủ biên) (2016), Toàn cầu hóa và biến đổi đô thị, NXB Tri thức, Hà Nội, tr.26.
[3] GaWC: The World according to GaWC 2020 (https://www.lboro.ac.uk/microsites/geography/gawc/world2020.html)
[4] UN-Habitat, World Cities Report 2022: Envisaging the future of cities, Page 6
[5] Tổng cục Thống kê: Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020
[6] UN-Habitat, Global Urban Competitiveness Report 2020 - 2021