Năm 1900, Hải Phòng là Thành phố đầu tiên người châu Âu được tiếp cận khi đến Tonkin. Nơi đây du khách và hàng hóa từ Châu Âu, từ Trung Hoa cặp bến và lan tỏa đi khắp nơi. Sự phát triển của Hải Phòng nhanh chưa từng thấy, chỉ trong vài năm một thành phố cảng đã mọc lên từ vùng đầm lầy với những công trình nhà ở sang trọng và tiện nghi, những đại lộ đẹp, những con đường rợp bóng cây, đèn điện thắp sáng khắp khu người Pháp.
Hải Phòng là một đô thị có qui hoạch nghiêm chỉnh, được thiết kế như một thị trấn ở Châu Âu với nhà hát, tòa án, phòng thương mại, chi nhánh ngân hàng Indochine, tòa thị chính, cung điện, khách sạn, ngân khố, bệnh viên, trường học. Bờ phải sông Tam Bạc là khu thương mại sầm uất của người Hoa. Sự hài hòa giữa khu công sở và khu nhà ở, giữa quảng trường và vườn hoa, đã khiến du khách phải sững sờ khi tiếp cận lần đầu.
Chính tôi cũng rất ngạc nhiên và xúc động khi từ Paris quay lại Hải Phòng năm 1989, sau 35 năm xa cách. Tôi cảm thấy như mình đi ngược dòng thời gian, về đúng nơi mình sinh ra, cạnh nhà hát lớn, khi cha tôi một kiến trúc sư làm việc tại Hải Phòng. Tất cả như vẫn còn đấy, vẫn như thế, yên bình và thanh lịch.
Khác hẳn với một Hà Nội phát triển nóng vội đến xô bồ, với những kiosque mọc khắp nơi, che khuất các mặt tiền của những căn biệt thự và những “chuồng chim” vắt vẻo trên mái và balcon, khoác sự nhếch nhác lên kiến trúc Pháp tại Thủ đô.
Hải Phòng còn giữ gần như nguyên bản nét sang trọng của một thành phố kiêu sa kiểu Pháp, và, như một người đẹp ngủ trong rừng, chỉ chờ một hoàng tử đến lay thức với nụ hôn tình yêu, thì sẽ tỏa sáng một sắc đẹp nguyên bản, không chắp vá, chưa bị dị dạng, tân trang.
Hải Phòng thật may mắn khi còn bảo tồn được khu phố chính, kiến trúc Pháp vẫn còn như nguyên vẹn, nay chỉ cần tôn tạo lại vài điêm nhấn như Nhà Hát Lớn với quảng trường và đài phun nước, cải tạo lại Khu Tam Bạc. Thổi hồn văn hóa, nghệ thuật và lịch sử vào những đia danh đã có huyền thoại, để đón hàng triệu du khách Việt Nam và quốc tế đến, dừng chân đi thả bộ hoặc đạp xe đạp dạo chơi quanh phố, ngắm kiến trúc Pháp một thời huy hoàng còn lưu giữ nơi đây, tham quan Nhà hát lớn và quảng trường nghệ Thuật (Place des Arts) , tham quan Galerie các nghệ sỹ gốc Hải Phòng, lượn khu chợ hoa lịch lãm để mua hoa tặng nghệ sỹ biểu diễn trên đường phố hoặc trong nhà hát, ngồi uống cà phê bên bến sông Tam Bạc, hoặc đi tham quan bằng đường nước trên sông.
Thăm Bảo tàng Văn minh sông Hồng, tìm về lịch sử hơn 4000 năm của người Việt, Viếng đền tướng Lê Chân và tìm hiểu câu chuyện lịch sử những vị tướng và địa danh những chiến thắng huy hoàng của cha ông: Ngô Quyền thắng quân Hán năm 938, Lê Đại Hành thắng giặc Tống năm 981, Trần Hưng Đạo thắng quân Mông tại Bạch Đằng Giang.
Là một người rất yêu Hải Phòng vì sinh ra ở đấy, ký ức về cha tôi và ký ức tuổi thơ đã thôi thúc tôi phải về đóng góp điều hay nhất của mình cho Hải Phòng nên tôi đã nghiên cứu, đã phác thảo và đã đề xuất với thành phố Hải Phòng từ 2015 một dự án xây dựng những điểm nhấn đặc thù, vừa để bảo tồn những di sản quí giá và phát triển du lịch một cách đột phá và bền vững.
KTS. Nguyễn Nga