Thời gian: 27/04/2023 09:47

Giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị Hải Phòng

Đất nước ngày càng phát triển, sự phát triển đó có một phần đóng góp quan trọng từ các đô thị lớn. Tuy nhiên, rất đáng ngại, khi đô thị dần mất đi bản sắc vốn có. Giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị Hải Phòng đang trở thành vấn đề quan tâm trong giai đoạn hiện nay

Bản sắc đô thị là sản phẩm của văn hóa đô thị, ngoài quỹ kiến trúc đô thị, ngoài tài nguyên vật chất đô thị, văn hóa đó còn sản sinh ra nếp sống thành thị theo nghĩa rộng và bản sắc đô thị. Bản sắc đô thị bao gồm những cái riêng, những cái gen nổi trội dễ nhận biết và dễ so sánh của mỗi đô thị. Bản sắc đô thị có những biểu hiện thị sở ở hình thái và diện mạo đô thị, phố xá, ở cảnh sắc thiên nhiên đã được đô thị hóa, ở những dấu vết lịch sử và kiến trúc các thời, biểu hiện ở lối sống, cách ứng xử, tiếng nói, cách ăn, cách mặc của người dân đô thị. Bản sắc đô thị căn cứ vào các yếu tố: Thiên nhiên, địa hình và các độ cao khác mức trong đô thị; dòng sông trong đô thị; hồ nước trong đô thị; đồi núi và bờ biển tự nhiên trong đô thị; Những đặc trưng cơ bản vùng miền như: khí hậu, thổ nhưỡng, địa điểm góp phần tạo dựng bản sắc đô thị; Những can thiệp vào không gian sinh hoạt của con người qua các giai đoạn lịch sử: Dần hình thành bản sắc trong quá trình phát triển.

Sự biến đổi hay mất đi của một hay một vài yếu tố nêu trên sẽ khiến bản sắc đô thị thay đổi

Ba thành tố góp phần tạo dựng bản sắc là: không gian, xã hội và ý nghĩa. Nếu có sự biến đổi hay mất mát của một trong những yếu tố trên sẽ khiến bản sắc đô thị thay đổi. Hiện nay đô thị có 3 cái “hóa”, Thứ nhất là các làng xóm đang đô thị hóa một cách cứng nhắc; Thứ hai là các đô thị nông thôn đang bị thành thị hóa; Thứ ba là kiến trúc truyền thống đang bị hiện đại hóa. Bản sắc đô thị được tạo nên bởi cả một quá trình cọ xát, vận động từ nhiều phía khách quan và chủ quan trong suốt chặng đường hình thành và phát triển. Bản sắc đô thị không bất biến mà luôn thay đổi theo hướng sâu sắc hơn, nếu được các thế hệ cư dân đô thị giữ gìn bồi đắp. Nhưng bản sắc đô thị sẽ thay đổi, thậm chí nhạt nhòa dần một khi lối sống, chức năng đô thị thay đổi.

Trong khi điều kiện tự nhiên, khí hậu là các yếu tố ít phụ thuộc vào con người, thì văn hoá và kiến trúc đô thị lại hoàn toàn ngược lại. Bản sắc của đô thị được hình thành từ đây. Tuy nhiên, có những tư duy mặc định cái cũ là cái lạc hậu, cái mới là cái văn minh.

Đặc điểm địa lý, điều kiện tự nhiên với địa hình cảnh quan, khí hậu là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến văn hóa, lối sống, tập quán, tập tục và cả thói quen của cư dân đô thị. Một đô thị không bản sắc là đô thị vô danh như một cá thể người sinh ra không tên, không thẻ căn cước vậy. Tuy nhiên, có những tư duy mặc định cái cũ là cái lạc hậu, cái mới là cái văn minh. Đây là một tư duy chưa chuẩn. Ví dụ những đình chùa Việt mang hồn cốt dân tộc đẹp mãi cùng thời gian, những công trình kiến trúc cổ xây dựng thời thuộc Pháp có bao giờ bị coi là lạc hậu. Còn có những cái mới được coi là văn minh, nhưng khi xuất hiện lại không hòa nhập với truyền thống, gây phản cảm với cảnh quan, gây tác động xấu đến môi trường thì cần lên án thậm chí phải dỡ bỏ. Chính vì vậy, mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai cần là một sợi dây xuyên suốt, luôn luôn có tính kế thừa và phát triển. Dù đô thị có phát triển ở cấp độ nào đi chăng nữa thì đô thị đó vẫn phải là đô thị Việt Nam, của người Việt Nam. Và như thế, nó phải có bản sắc văn hóa đô thị Việt Nam, chứ không phải mang bản sắc của một đô thị ngoại lai nào khác.

Bản sắc của đô thị Hải Phòng là gì, điểm đặc biệt khác biệt ra sao

Hải Phòng là đô thị Cảng biển nổi tiếng ở Bắc Bộ, nằm trong chuỗi đô thị biển của đất nước như Hạ Long, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nét đặc trưng. Tuy nhiên Hải Phòng sớm có diện mạo riêng của một đô thị ven biển với chiều dày văn hóa lịch sử. Ngoài một cảng biển lớn nằm sâu trong đất liền, Hải Phòng còn sở hữu những khu du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà những tiềm năng kinh tế đặc trưng. Ngược dòng lịch sử, đô thị Hải Phòng được hình thành khi người Pháp qui hoạch và đã tạo một bản sắc riêng của Hải Phòng với dòng sông, cảng biển, những khu phố nhỏ cùng những ngôi biệt thự được thiết kế kiến trúc khá đẹp. Còn đó khu phố Tam Bạc đặc trưng rất Hải Phòng, còn đó những công trình kiến trúc tiêu biểu như: Nhà Hát lớn, Quán hoa, Nhà kèn, Tháp đồng hồ ba chuông, Bưu điện Hải Phòng, Bảo tàng tổng hợp Hải Phòng,.. những công trình kiến trúc đó đã góp phần tạo lên bản sắc đô thị Hải Phòng. Hải Phòng còn mang đậm bản sắc người Hải Phòng, ăn sóng nói gió với phương ngữ miền biển; có các món ăn ngon đặc trưng Hải Phòng là đặc sản địa phương; Có một màu hoa phượng đã đi vào câu hát và là hình ảnh thân quen mỗi hè về trên đất Cảng. Hiện nay Hải Phòng đã hình thành một đô thị ven biển có hình thái đặc trưng trên sông nước, một đô thị gắn liền với sự phát triển công nghiệp truyền thống, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản và du lịch dịch vụ. Là một thành phố có địa hình không gian phong phú, đa dạng, sự tiếp cận các không gian thiên nhiên như biển, đồi núi và sông hồ cùng với một lịch sử phát triển đô thị và truyền thống lịch sử hào hùng. Tất cả những yếu tố đó làm nên bản sắc đô thị Hải Phòng có nhiều điểm khác biệt so với các đô thị khác trên toàn quốc.

Dường như, quá trình đô thị hóa đều có điểm chung, đó là ngày càng nhiều các kiến trúc hiện đại xuất hiện, nhưng đồng nghĩa với đó là làm lu mờ tính chất địa phương, hay nói cách khác đã xuất hiện mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị?

Cũng như nhiều đô thị lớn trên thế giới, khu vực và toàn quốc, quá trình đô thị hóa đều có điểm chung đó là ngày càng nhiều các kiến trúc hiện đại xuất hiện. Đó là những khu chung cư hiện đại có chung một thiết kế kiến trúc chuẩn mà có thể gặp ở bất cứ đâu cũng một mẫu nhà như vậy. Những cao ốc chọc trời như một biểu tượng mà chủ đầu tư đã kiến tạo nên. Trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình kiến trúc mang bản sắc địa phương đã được các nhà quản lý đánh giá không đúng mức, phải dỡ bỏ để có đất xây dựng những công trình kiến trúc mới hiện đại. Nếu những công trình đó được thiết kế chu đáo mang đậm phong cách đô thị vùng miền thì còn có thể chấp nhận, nhưng nếu thay bằng một công trình được thiết kế điển hình tương tự như đã được xây dựng ở đâu đó, thì coi như bản sắc địa phương của đô thị đó đã bị lu mờ, và đó chính là mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị.

Định hướng phát triển của Hải Phòng trở thành một đô thị Cảng biển phát triển, đẹp, hiện đại và văn minh, ngang tầm với các thành phố hàng đầu của khu vực và Châu Á. Đây liệu có phải là cơ hội hay là thách thức để Hải Phòng khẳng định một bản sắc đô thị?

Định hướng Hải Phòng trở thành một đô thị Cảng biển phát triển, đẹp, hiện đại và văn minh, ngang tầm với các thành phố hàng đầu của khu vực và Châu Á, là một định hướng đúng đắn có tính chiến lược. Không gian đô thị đã được mở rộng, phát triển về 3 hướng đột phá. 1/Hướng phát triển về phía Bắc sông Cấm, đã hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ, hạ tầng giao thông kết nối, các công trình lớn Khu công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên. 2/Hướng phát triển về phía Cát Hải - Cát Bà, đã hoàn thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải - Cát Bà, một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại Cát Bà, bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. 3/Hướng phát triển về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray, đã hình thành một số khu đô thị sinh thái, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, bãi biển nhân tạo Đồ Sơn. Điểm nổi bật nhất là thời gian qua, thành phố đã hoàn thành hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng 46 cây cầu các loại, trong đó có nhiều cây cầu lớn. Các công trình đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, hiện đại, góp phần làm thay đổi căn bản hạ tầng giao thông thành phố. Đây liệu chính là cơ hội và cũng là thách thức để Hải Phòng khẳng định một bản sắc đô thị của riêng mình, không trộn lẫn vào đâu.

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng đô thị có nguy cơ bị biến dạng bởi quá trình phát triển nhanh chóng, yếu tố dễ nhìn thấy nhất là kiến trúc đô thị? Còn tại Hải Phòng quá trình hiện đại hoá đô thị được diễn ra như thế nào?

Quá trình phát triển nhanh chóng chắc chắn làm cho đô thị có nguy cơ bị biến dạng, yếu tố dễ nhìn thấy nhất là kiến trúc đô thị thay đổi. Một số công trình kiến trúc truyền thống nếu không được bảo tồn sẽ bị mất đi, thay vào đó là những công trình mới. Một số làng nghề truyền thống có thể bị di dời, bản đồ đất đai hành chính thay đổi. Và những nhà bảo tồn, những nhà văn hóa sẽ hết sức lo ngại khi diện mạo vùng miền đang chuyển biến. Tại Hải Phòng, quá trình hiện đại hóa đô thị được kế thừa và phát triển mô hình "Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" thành mô hình "Đô thị đa trung tâm", gồm 2 vành đai kinh tế, 3 hành lang cảnh quan, 3 đô thị trọng điểm và các đô thị mới. 2 vành đai kinh tế gồm vành đai kinh tế công nghiệp từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc huyện Thuỷ Nguyên, phía Tây dọc Quốc lộ 10, phía Nam dọc sông Văn Úc nhằm khai thác quỹ đất phát triển công nghiệp, kết nối mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng với cảng Lạch Huyện và vành đai kinh tế ven biển thúc đẩy phát triển đô thị hướng ra “vịnh Hải Phòng” kết hợp bảo vệ môi trường biển. 3 hành lang cảnh quan gồm hành lang đô thị dọc hai bên bờ sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Ở giữa dải đô thị là không gian mở xanh tạo nên môi trường sống tốt nhất và tăng khả năng tiếp cận giữa khu ở với khu sản xuất. 3 cụm đô thị trọng điểm gồm cụm đô thị Trung tâm đô thị lịch thuộc quận Ngô Quyền, Hồng Bảng, Lê Chân và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Cụm đô thị hàng hải tại Dương Kinh và Hải An, là trung tâm thương mại, tài chính; Cụm đô thị sân bay Tiên Lãng. 3 cụm đô thị trọng điểm được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh trên vành đai kinh tế ven biển.

 

Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng (Ảnh: Internet)

Khoảng 4, 5 năm trở lại đây, chúng ta bắt đầu nghe nhiều đến cụm từ đô thị thông minh và thực chất nó đang trở thành xu hướng phát triển đô thị. Nó tác động đến bản sắc của các địa phương ra sao?

Trong quá trình thiết kế đô thị, các nhà chuyên môn đã xây dựng các hình thái đô thị, trong đó đô thị thông minh đang trở thành xu hướng phát triển đô thị. Để xây dựng được một đô thị thông minh cần đáp ứng 6 tiêu chuẩn sau:

(1) Chính quyền điện tử thông minh là yếu tố cốt lõi bao gồm các giải pháp giúp cải thiện, tăng hiệu quả tương tác trong quản lý đô thị nhằm tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính. Chính quyền điện tử gắn với số hóa các hoạt động và trực tuyến hóa các dịch vụ công, người dân cùng người quản lý đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính;

(2) Cư dân thông minh bao gồm các giải pháp phát triển con người về nâng cao trình độ học vấn và chất lượng đào tạo thúc đẩy tư duy sáng tạo đổi mới, tăng cường tương tác, trao đổi;

(3) Môi trường thông minh bảo vệ sức khỏe cho cư dân gồm các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới điện, giám sát ô nhiễm, giám sát chất thải, cấp thoát nước, toà nhà thông minh tiêu thụ ít năng lượng;

(4) Cuộc sống thông minh bao gồm các giải pháp giúp nâng cao chất lượng sống về an toàn vệ sinh thực phẩm, lối sống gắn kết cộng đồng, đời sống văn hoá đa dạng, an ninh giám sát, phát hiện tình huống khẩn cấp và y tế;

(5) Kinh tế thông minh với các dây chuyền sản xuất tự động, các giải pháp hợp tác, đầu tư, sản xuất, thương mại sáng tạo hiệu quả và thị trường lao động linh hoạt gồm cả trong và ngoài nước;

(6) Di chuyển thông minh bao gồm các giải pháp giao thông, vận tải đồng bộ, kết nối an toàn, xanh và sạch giúp tiết kiệm chi phí, giảm tối đa khí thải. Hệ thống chỉ dẫn giao thông với đèn giao thông thông minh, chỗ đỗ xe gắn cảm biến, hệ thống chia sẻ ô tô, xe đạp, phương tiện giao thông công cộng. Đô thị thông minh tác động đến bản sắc của các địa phương, khi các mô hình truyền thống không còn hoặc hạn chế, như chợ truyền thống, cách tiêu tiền mặt, cách di chuyển, cách giao tiếp. Đô thị thông minh là tập hợp các giải pháp thông minh dựa trên các công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống ở đô thị, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Với xu hướng phát triển hiện nay, đô thị Hải Phòng sẽ còn biến đổi như thế nào trong tương lai?

Với xu hướng phát triển hiện nay, đô thị Hải Phòng sẽ biến đổi, trong tương lai phấn đấu trở thành thành phố quốc tế, một đô thị thông minh, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng đô thị Hải Phòng. Hải Phòng cần có một thiết kế đô thị hoàn chỉnh theo định hướng qui hoạch đã được duyệt, trong đó các công trình cơ sở hạ như đường bộ, đường thủy, đường hàng không, cầu, điện nước, cây xanh, sông nước, cảng biển, sẽ góp phần tạo ra tầm vóc và diện mạo mới cho Hải Phòng. Việc phát triển Hải Phòng theo xu thế của các thành phố lớn có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với các nước bằng đường biển và đường hàng không sẽ tạo sức lôi cuốn, thu hút các nguồn lực, các Tập đoàn kinh tế lớn, đa Quốc gia, các tổ chức quốc tế đến với Hải Phòng. Xây dựng đô thị Hải Phòng ngày một phát triển, trở thành đô thị đáng sống, đô thị xanh du lịch biển, đô thị thông minh, có bề dày di sản, đậm đà bản sắc Hải Phòng, mang lại hạnh phúc cho người dân Hải Phòng và quyến rũ du khách, chủ đầu tư khi đến với Hải Phòng.

Lượt truy cập: 264763
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn