I. Đánh giá giá trị Kiến trúc - Qui hoạch Trung tâm Thành phố Hải Phòng
1. Giá trị Quy hoạch
Trong thời gian khoảng từ 1874 - 1888 ngã ba vùng sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm hình thành một đô thị hải cảng. Thời gian đó đô thị Hải Phòng do kiến trúc sư người Pháp He Brad thiết kế được cấu thành hai bộ phận chính: Phía Tây là khu người Việt và người Hoa (nay là các phường Phạm Hồng Thái, Quang Trung, Phan Bội Châu) bao gồm một số cơ quan quân sự, kinh tế của triều Nguyễn với phố xá buôn bán và nhà dân. Phía đông là khu tô giới hay còn gọi là khu nhượng địa của người Pháp (nay là phường Minh Khai, Hoàng Văn Thụ). Ở đây người Pháp cho xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc bằng gạch kiên cố theo kiểu châu Âu, chính là quỹ công trình kiến trúc cổ điển tồn tại đến hôm nay.
Năm 1885, công sứ Pháp cho đào kênh Bonnan nối sông Tam Bạc với sông Cấm rộng 74m dài hơn 3km để lấy đất san lấp mặt bằng xây dựng. Đô thị khởi thuỷ Hải Phòng chỉ diễn ra trong khu vực được giới hạn bởi sông Tam Bạc, sông Cấm và kênh Bonnal. Sau năm 1925 cùng với việc lấp kênh Bonnan là sự ra đời của hàng loạt các công trình công công như bệnh viện, bến tàu, bãi xe, bãi bóng, v.v…
Về Qui hoạch đô thị ban đầu được thiết kế lấy bến cảng trên sông Cấm làm hạt nhân phát triển theo sông Cấm, sông Tam Bạc và kênh đào Bonnal với thiết kế đường phố theo kiểu ô cờ. Trong quá trình phát triển được kết nối với các khu vực thuộc quận Ngô Quyền và Lê Chân qua hai tuyến đường chạy dọc từ đập Tam Kỳ đến cổng cảng 4 cửa sông Cấm. Đặc biệt với việc lấp sông Bonnan đã hình thành lên một dải đất chạy suốt dọc chiều dài tuyến Trung tâm làm dải vườn hoa cậy xanh là lá phổi mang sinh thái cho Thành Phố. Hai tuyến phố Trần Hưng Đạo - Quang Trung và tuyến Trần Phú - Nguyễn Đức Cảnh (hiện nay) đóng vai trò tuyến tính kết nối các tuyến phố ngang giúp cho giao thông trung tâm đô thị luôn được giải toả thông suốt.
Dù đã trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, đến hôm nay quy hoạch ban đầu cơ bản vẫn được giữ nguyên với nhiều ưu việt về giao thông, sinh hoạt và cảnh quan đô thị. Trong quá trình phát triển từ hoà bình lập lại năm 1955 đến nay hầu như chưa có sự thay đổi đáng kể nào về quy hoạch và cấu trúc khu Trung tâm đô thị so với ban đầu.
2. Giá trị Kiến trúc
2.1. Giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Cùng với việc “khai hoá” thuộc địa, người Pháp đã cho xây dựng rất nhiều công trình. Bao gồm các công trình nhà ở, công trình công cộng gồm các công trình hành chính, trường học, bệnh viện, thương mại và tôn giáo tín ngưỡng. Trung tâm Tam Bạc trở thành trung tâm đa chức năng. Về kiến trúc để lại một số phong cách rất đậm nét:
Kiến trúc cổ điển Pháp
Kiến trúc cổ điển Tàu - Việt
Kiến trúc cổ điển truyền thống Việt.
Các công trình kiến trúc cổ được lưu giữ đến nay rất nhiều với hàng trăm công trình còn đang được sử dụng. Trong đó tiêu biểu là:
- Nhà Hát Lớn Thành Phố
- 5 Quán hoa
- Thành đoàn Hải Phòng
- Trường THPT Ngô Quyền (Bonnal)
- Toà án quận Ngô Quyền
- Đại lý Tàu biển
- Nhà băng Năm Sao
- Bảo tàng Thành Phố
- Bưu điện Thành Phố
- Nhà B - UBND Thành Phố HP
- Sở KHĐT Thành Phố
- Sở LĐTBXH Thành Phố
- Đền Nghè
Nhiều biệt thự, nhà ở
2.2. Giai đoạn sau giải phóng từ 1955 đến nay
Từ hoà bình lập lại 1955 đến nay: Thành phố trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn vừa xây dựng vừa chống Mỹ xâm lược, Giai đoạn mới thống nhất đất nước và Giai đoạn đổi mới đến nay.Trong các giai đoạn này Trung tâm đô thị Tam Bạc Hải Phòng vẫn giữ được chức năng của nó và không ngừng phát triển về kinh tế, chính trị, văn hoá và các hoạt động xà hội. Song song với việc tu tạo sử dụng các công trình đã có thì một loạt các công trình mới được xây dựng cho các hoạt động ngày càng phong phú. Tiêu biểu các công trình sau:
- Toà nhà siêu thị Ánh Dương
- Toà nhà DG TOWER
- Trụ sở Cảng Hải Phòng
- Khách sạn Harbour View
- Trung tâm Thương mại điện tử
- Toà nhà Công ty vận tải biển Vipco
- Tượng đài nữ tướng Lê Chân
- Trung tâm Hội nghị Thành Phố
- Loạt nhà hàng, nhà dân trên các tuyến phố
Đặc biệt trong mấy năm gần đây những công trình lớn cao trên 20 tầng đã và đang được xây dựng và các công viên như:
- Bệnh viện đa khoa quốc tế phố Nguyễn Đức Cảnh
- Khách sạn Pullman phố Trần Phú
- Toà nhà BRG phố Trần Quang Khải
- Toà B trụ sở Vipco phố Quang Trung - Phan Bội Châu
- Vườn hoa Tam Kỳ.
- Vườn hoa Kim Đồng
- Vườn hoa Rồng Biển
- Bãi đỗ xe tự quản phố Trần Phú
3. Đánh giá giá trị Quy hoạch - Kiến trúc
Sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, trung tâm Tam Bạc đô thị Hải Phòng luôn giữ được tính chất Trung tâm Thành Phố của nó cả về các hoạt động Chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển nó đã để lại một kho tàng công trình Kiến trúc khá quy mô và phong phú về thể loại và phong cách Kiến trúc. Trong đó dấu ấn Kiến trúc cổ với các phong cách như đã trình bày ở trên rất đậm nét, là một trong những thành tố chính hình thành lên hình ảnh Trung tâm đô thị Hải Phòng. Tuy vậy, với quy hoạch định hướng ban đầu là hải cảng chạy suốt chiều dài sông Cấm đã đáp ứng được một công năng quan trọng của Thành Phố Cảng trong quá khứ nhưng cũng đã là vật cản án ngữ Thành phố tiếp cận mặt nước sông Cấm, làm giảm đi đáng kể những ưu việt sinh thái của một Thành Phố Biển.
Các công trình kiến trúc giai đoạn đổi mới phần lớn có qui mô khoảng 10 tầng và hình thức kiến trúc khá hài hoà với cảnh quan hiện có. Các công viên được xây dựng nhiều cây xanh tiểu cảnh hài hoà, tạo sinh thái tốt cho Trung tâm Thành phố.
Các công trình kiến trúc mấy năm gần đây có chiều cao trên 20 tầng theo phong cách Quốc tế chưa đạt được sự hài hoà với cảnh quan chung và có dấu hiệu áp lực lên không gian Trung tâm thành phố, với các công trình kiến trúc cổ và thấp tầng. Các công viên mới được xây dựng có công viên tỷ lệ diện tích sân lát đá quá lớn, diện tích cây xanh quá ít không đóng góp nhiều cho cảnh quan, tạo bức xạ nhiệt rất lớn trong mùa hè, rét về mùa đông và chi phí xây dựng lớn. Việc xây dựng được một bãi đỗ xe ô tô tự quản mang lại hiệu quả mới.
Để thành phố tiếp tục phát triển lên tầm cao mới cần phải có ứng xử đúng, đề ra được phương hướng và giải pháp đúng đắn Bảo tồn và Phát triển
II. Đề xuất Bảo tồn và Phát triển Trung tâm đô thị Hải Phòng theo hướng Đô thị Xanh - Sinh thái - Bền vững
1. Bảo tồn và phát triển Quy hoạch Trung tâm đô thị
1.1. Bảo tồn
Bảo tồn các không gian giao thông, không gian công cộng, không gian cây xanh, mặt nước, tượng đài, điểm phun nước, các công trình kiến trúc nhỏ chấm phá hiện có. Các công trình này đã được xây dựng phù hợp về qui mô và hình thức và đã tồn tại với thời gian, thấm sâu vào tình cảm người dân thành phố.
Hết sức hạn chế đưa các công trình mới, nếu thiếu cân nhắc có thể làm hỏng cảnh quan khu vực. Trong quá khứ chúng ta đã có bài học đắt tiền như:
- Xây quán Phong Lan rồi dự án xây dở khách sạn 5 sao tại ngay quán Phong Lan (Vị trí vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi hiện nay);
- Xây nhà hàng Vạn Tuế tại công viên Rồng Biển và ý định xây tổ hợp dịch vụ 30 tầng tại công viên Rồng Biển;
- Mới đây nhất là việc xây dựng xong công trình khổng lồ Nhạc Nước trên hồ Tam Bạc đưa vào sử dụng thời gian ngắn phải phá bỏ.
Rất may là các công trình như vậy đã không thực hiện được hoặc đã được thực hiện nhưng bị phá bỏ với nhiều lý do, trong đó có sự không đồng tình của người dân và sự đấu tranh phản biện dũng cảm quyết liệt của nhiều cán bộ và nhân dân Thành Phố. Và chúng ta giữ được dải Trung Tâm thanh bình đẹp đẽ như hôm nay.
1.2. Phát triển
Về quy hoạch Trung tâm Thành phố: Để khắc phục quy hoạch cũ cần điều chỉnh quy hoạch khu Trung tâm theo hướng phát triển mở rộng một cách hữu cơ về phía bờ Nam sông Cấm khi di dời toàn bộ hệ thống cảng trên sông Cấm đoạn từ cầu Bính đến cầu Nguyễn Trãi (sẽ xây dựng) với diện tích khoảng gần 100 ha đô thị mới giáp sông Cấm bổ sung cho khu Trung Tâm. Lúc đó trung tâm thành phố sẽ là mơ ước, tiếp giáp trực tiếp mặt nước sông Cấm, đích thực là thành phố biển, như Pari bên sông Sen, Đô thị bên sông Hàn hay TP. Hồ Chí Minh bên sông Sài Gòn. Nơi đây sẽ có quỹ đất lớn cho các công trình cao tầng.
2. Bảo tồn và phát triển Kiến trúc
Trong quá trình phát triển theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá với tốc độ chóng mặt hiện nay của đô thị Hải Phòng đang gây áp lực rất lớn cho khu Trung tâm thành phố. Cần phải nhanh chóng đưa ra giải pháp Bảo tồn - Phát triển một cách đúng đắn phù hợp mới giữ được bản sắc khu Trung tâm đô thị Hải Phòng là:
2.1. Bảo tồn
- Bảo tồn các công trình Kiến trúc cổ có giá trị (các công trình đã nêu ở trên) theo hai cách: Bảo tồn nguyên trạng và Bảo tồn bổ sung
Bảo tồn nguyên trạng là Bảo tồn toàn bộ công trình Kiến trúc hiện có. Nếu có sửa chữa phải giữ được nguyên trạng hình thức, vật liệu, màu sắc và các không gian kiến trúc.
Bảo tồn bổ sung là giữ được nguyên trạng công trình chính như hiện có và bổ sung một số công trình phụ trợ đáp ứng công năng mới mà không làm ảnh hưởng đến công trình chính.
Ở Hải Phòng giai đoạn 2009 - 2011 đã tiến hành trùng tu Nhà hát Lớn rất thành công với việc trùng tu Bảo tồn toàn bộ nội ngoại thất Nhà hát Lớn và xây dựng bổ sung thêm khối phụ trợ hai tầng phía sau (do kiến trúc sư HCDC thiết kế) theo đúng phong cách kiến trúc công trình chính (để đáp ứng một số nội dung mới của công trình) đảm bảo được sự hài hoà toàn bộ kiến trúc công trình. Có thể lấy hình mẫu này áp dụng cho các công trình kiến trúc cổ điển khác
- Bảo tồn các công trình có giá trị
Các công trình được xây dựng từ sau ngày hoà bình lập lại 1955 đến nay gồm công trình kiến trúc, kiến trúc cảnh quan, công viên, cây xanh, mặt nước, v.v… đạt được các tiêu chí về công năng, hình thức kiến trúc tốt góp phần vào hoạt động và cảnh quan chung cho trung tâm thành phố cần được xem xét đánh giá bảo tồn, tránh việc phá bỏ tuỳ tiện khi xây dựng các công trình mới
2.2. Phát triển
Với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, khu Trung tâm thành phố trong những năm gần đây cũng được đầu tư đổi mới và phát triển rất nhanh. Một số công trình, dự án đã được xây dựng mang lại những tín hiệu đáng khích lệ như: Cải tạo chỉnh trang đôi bờ sông Tam Bạc, Vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi và tượng đài nữ tướng Lê Chân, Vườn hoa Tam kỳ, Vườn hoa Công viên Rồng Biển, v.v… đã mang lại diện mạo mới cho trung tâm thành phố.
- Một loạt công trình cao trên 20 - 30 tầng đã và đang được xây dựng gần đây dọc hai tuyến đường hai bên dải Vườn hoa trung tâm và lân cận như: Bệnh viện đa khoa Quốc Tế, Khách sạn Pullman, Toà nhà Công ty Vipco, Toà nhà BRG một mặt đã tạo ra một hình ảnh kiến trúc mới khu Trung Tâm, nhưng mặt khác các công trình cao tầng này có thể tạo sức ép lên không gian đô thị sẵn có vốn khá hẹp về chiều rộng và thấp về chiều cao.
Vì vậy cần đánh giá lại hai tiêu chí của các công trình này: Có phù hợp với Quy hoạch chung khu Trung Tâm đã được duyệt và có phù hợp với cảnh quan Trung Tâm đô thị hiện hữu vốn phần lớn là các công trình thấp ít tầng và đường phố hẹp. Từ đó có chính sách rõ ràng về việc Bảo tồn và Phát triển lõi Trung Tâm đô thị Hải Phòng theo hướng giảm hoặc không xây dựng thêm các công trình cao tầng.
- Cần cải tạo các công viên mới xây dựng theo tiêu chí giảm sân trống lát đá và trồng thêm nhiều cây xanh.
- Cần xây dựng thêm hai đến ba bãi đỗ xe tự quản gắn với hai tuyến phố dọc Trung Tâm để giải phóng các đường phố vốn hẹp đang bị xe ô tô đậu chiếm chỗ.
- Đề xuất mở rộng không gian trung tâm thành phố ra dọc theo phía Nam sông Cấm từ cầu Bính đến cầu Nguyễn Trãi trên cơ sở giải toà hệ thống kho, cảng cũ. Việc này giải quyết được áp lực về đất xây dựng các công cao tầng với các cấu trúc đô thị mới hiện đại, từ đó có điều kiện lưu giữ, bảo tồn khu trung tâm đô thị hiện hữu.