1. Vai trò của chuyển đổi số
Hiện nay, định nghĩa về chuyển đổi số chưa có chuẩn hóa, nhiều tổ chức, doanh nghiệp có các định nghĩa riêng của mình, nhưng trên một góc nhìn tổng quát: Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.
Nội dung chuyển đổi số của các nước có khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tuy nhiên, nói chung đều hướng tới 03 trụ cột chính sau:
1) Chuyển đổi số nền kinh tế (kinh tế số);
2) Chuyển đổi số xã hội (xã hội số), trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm khoảng cách xã hội (như giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn an ninh xã hội,…);
3) Chuyển đổi số trong cơ quan Chính phủ (Chính phủ số), hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia người dân trong các hoạt động cơ quan nhà nước; tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các cơ quan nhà nước; phát triển dữ liệu mở của cơ quan nhà nước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện chuyển đổi số theo các lĩnh vực trên, các nước cũng xác định 04 yếu tố nền tảng cần bảo đảm, bao gồm:
1) Hạ tầng số;
2) Nhân lực số (lực lượng lao động có kỹ năng số - digital skills);
3) Công nghệ số;
4) Môi trường pháp lý để bảo đảm môi trường an toàn, tin cậy, thúc đẩy chuyển đổi số.
Việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng cũng như những thuận lợi, khó khăn trong chuyển đổi số tại Hải Phòng được tiến hành thông qua các yếu tố nêu trên.
Mặt khác, do quy mô nhiệm vụ cấp cơ sở, không được bố trí kinh phí điều tra, khảo sát nên chuyên đề này sử dụng phương pháp thu thập, xử lý thông tin là chủ yếu, phần nào sẽ hạn chế tính chân xác của kết quả nghiên cứu đối với một số vấn đề khoa học mới còn chưa có các chỉ tiêu thống kê, báo cáo (kinh tế số, xã hội số,...)
Có nhiều định nghĩa về Kinh tế số (trong tiếng Anh gọi là: Digital economy). Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet”. Kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hoặc kinh tế mạng (web economy).
Ngoài ra còn có nhiều định nghĩa khác nữa về kinh tế số. Với sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế thì việc phân định rạch ròi kinh tế số không đơn giản. Tuy nhiên, có thể khái quát, kinh tế số bao gồm các hiện tượng mới nổi, như công nghệ chuỗi khối (blockchain), nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử (ví dụ như thương mại điện tử, các ngành truyền thống như sản xuất hoặc nông nghiệp có sử dụng công nghệ số hỗ trợ); các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển thiết bị CNTT và truyền thông.
Ở Việt Nam, tại “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
2. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp diễn ra dưới 2 hình thức chủ yếu: Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi số các doanh nghiệp truyền thống.
Theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ số là “các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số”. Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Theo báo cáo số 126-BC/BCS ngày 06/4/2020 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/10/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đề xuất bổ khuyết Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy: Giai đoạn từ năm 2017 trở lại đây, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao ở Hải Phòng có xu hướng phát triển nhanh do các dự án đầu tư ngành công nghiệp điện tử, tin học được đầu tư giai đoạn trước năm 2017 đi vào hoạt động và các dự án đầu tư mới sau năm 2017 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 12 tỷ USD (trong đó doanh nghiệp Hà quốc là 6,737 tỷ, doanh nghiệp Nhật Bản là 5,01 tỷ USD) đã đi vào sản xuất như các dự án của Công ty TNHH LG Electronic Việt Nam Hải Phòng; dự án sản xuất màn hình Oled của Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng; Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng; Công ty TNHH Haesung Electronic Việt Nam;... Tỷ trọng ngành điện tử - tin học trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017, 2018, 2019 tăng nhanh, tướng ứng đạt 21,25%, 35,7% và 41,49%.
Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast được đầu tư toàn bộ công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị công nghệ cao để sản xuất, lắp ráp ô tô du lịch, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Một số doanh nghiệp cơ khí tại Hải Phòng đã sử dụng các dây chuyền công nghệ thiết bị tự động hóa; các máy móc thiết bị điều khiển số, sử dụng công nghệ thiết kế, chế tạo với sự trợ giúp của máy tính, thiết bị điều khiển tự động,... như Công ty TNHH GE VN (sản xuất các chi tiết, linh phụ kiện của máy phát điện gió), Công ty TNHH EBA (sản xuất các chi tiết, cụm chi tiết máy), Công ty RORZE ROBOTECH (sản xuất robot)... đóng góp vào tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo thành phố; năm 2017 đạt 39%, năm 2018 đạt 43%, năm 2019 đạt 45%.
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp chủ yếu lắp ráp, phân phối và cung cấp sản phẩm phần cứng và dịch vụ phần cứng đi kèm. Hình thức lắp ráp phổ biến là thủ công, chưa có nhiều dây chuyền lắp ráp tự động, bán tự động. Các loại hình sản phẩm phần cứng được cung cấp là: Máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi; Thiết bị thông tin - viễn thông, thiết bị đa phương tiện; điện tử nghe nhìn; điện tử gia dụng; điện tử chuyên dùng; phụ tùng, linh kiện điện tử; các sản phẩm phần cứng khác.
Các loại hình dịch vụ phần cứng được cung cấp là tư vấn, trợ giúp khách hàng lắp đặt sản phẩm phần cứng; phân phối, lưu thông các sản phẩm phần cứng; lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm phần cứng; xuất nhập khẩu sản phẩm phần cứng; các dịch vụ phần cứng khác. Sản phẩm hàng điện tử tiêu dùng chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu sản phẩm ngành điện tử tại Hải Phòng; trong khi công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ lại phát triển chậm nên tỷ lệ nội địa hóa cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp. Số doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm còn ít. Số doanh nghiệp có chứng chỉ chất lượng hoạt động (CMM, CMMI, ISO...) không nhiều.
Trên địa bàn thành phố có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, có quy mô nhỏ, doanh thu thấp, chủ yếu sản xuất, gia công và cung cấp các giải pháp phần mềm. Phần lớn các doanh nghiệp này sản xuất, cung cấp các sản phẩm phần mềm ứng dụng như: phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý hàng hoá, website, cổng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu,... Một số đơn vị sản xuất phần mềm nhúng trong các thiết bị điện tử. Đa số các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ: quản trị, bảo trì, bảo hành hoạt động của phần mềm; phân phố, cung ứng sản phẩm mềm cho các hãng lớn trong nước và trên thế giới. Các doanh nghiệp của thành phố phải cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp của Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và của nước ngoài. Không có đơn vị nào có đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đơn vị có chứng chỉ chất lượng hoạt động (CMM, CMMI, ISO...) không nhiều.
Có trên 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nội dung số. Hầu hết các đơn vị làm dịch vụ cung cấp các sản phẩm nội dung số cho các hãng lớn. Các sản phẩm nội dung số chủ yếu được cung cấp là: giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập dưới dạng sách điện tử; sách, báo, tài liệu dưới dạng số; các trò chơi điện tử, trò chơi tương tác qua truyền hình; sản phẩm giải trí trên mạng viễn thông di động; thư viện số, kho dữ liệu số, từ điển điện tử; phim số, nhạc số, ảnh số, quảng cáo số và các sản phẩm thông tin số khác. Các loại hình dịch vụ nội dung số chủ yếu được cung cấp là: Dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số; Dịch vụ nhập, cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ và xử lý dữ liệu số; Dịch vụ quản trị, duy trì, bảo dưỡng, bảo hành các sản phẩm nội dung thông tin số; Dịch vụ chỉnh sửa, bổ sung tính năng, bản địa hóa các sản phẩm nội dung thông tin số; Dịch vụ đào tạo từ xa; dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa; dịch vụ truyền thông được cung cấp trên môi trường mạng; Các dịch vụ nội dung thông tin số khác. Không có đơn vị nào đăng ký thương hiệu sản phẩm nội dung số.
Trên địa bàn thành phố có 09 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại,
internet.Trong đó có những doanh nghiệp thuộc những tập đoàn lớn có vị trí trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam như: Tập đoàn bưu chính, viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông quân đội; Công ty thông tin di động. Các doanh nghiệp viễn thông có tốc độ tăng trưởng cao.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp đã và đang thâm nhập vào các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ, điều hành, quản lý, đặc biệt là các ngành sản xuất, dịch vụ quan trọng của thành phố như: Hàng không, Tài chính, Bảo hiểm, Viễn thông, Điện lực, Cảng, Vận tải biển… Hầu hết các doanh nghiệp có kết nối Internet phục vụ cho công việc. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và lớn đã có website riêng, có bộ phận marketing chuyên nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng, bán sản phẩm và hỗ trợ khách hàng qua mạng phục vụ cho hoạt động kinh doanh và tham gia thương mại điện tử. Việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quan tâm, song quy mô ứng dụng mới hạn chế ở một số lĩnh vực.