Thời gian: 23/04/2023 09:26

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị tại dải trung tâm thành phố

I. Giá trị di sản kiến trúc đô thị Pháp tại Dải trung tâm thành phố

Hải Phòng, thành phố cảng biển, một trung tâm công nghiệp, thương mại và du lịch lớn của đất nước. Hải Phòng được ra đời từ những năm 70 của thế kỷ 19. Sau Hòa ước Giáp Tuất 1874, triều đình nhà Nguyễn nhượng cho Pháp lập tô giới ở bến Ninh Hải. Cũng trong năm này, ngày 31/8/1874, nhà Nguyễn ký Thương ước với Pháp mở cửa biển Hải Phòng. Đó là sự kiện mở đầu cho sự ra đời của thành phố Hải Phòng.

Vào năm 1874, Hải Phòng đã tồn tại như  một tụ điểm quần cư ôm lấy ngã 3 sông Tam Bạc đổ ra sông Cấm, thuộc địa bàn một số xã thuộc huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, mà trong đó trung tâm là 2 xã An Biên và Gia Viên. Đô thị Hải Phòng những năm 70 của thế kỷ 19 được cấu tạo bởi 2 bộ phận chính: phía Tây Nam là khu vực của người Việt và người Hoa (bao gồm một số cơ quan quân sự, kinh tế của nhà nước phong kiến cùng một số phố xá và nhà dân). Phía Đông Bắc là khu tô giới (khu nhượng địa) đặt dưới sự cai quản của thực dân Pháp mà hạt nhân là Sở Thuế đoan, Tòa Lãnh sự, đồn binh. Ngoài công sở, thành phố cũng dần mọc lên số nhà cửa của các công ty tư bản trong đó có các nhà thầu khoán, hãng xuất nhập khẩu, các cửa hàng buôn bán sắt thép vật liệu xây dựng, một số công ty giao thông đường biển. Nhà hàng của Pháp đầu tiên ở Hải Phòng là nhà hàng Conxtantin (côngxtăngtanh) ở quảng ngã 3 sông Cấm sông Tam Bạc, nhà hàng Dupuis (xây dựng vào năm 1875).

Năm 1885, thực dân Pháp cử Bonal (Bonnan) sang làm Công sứ Hải Phòng. Bonal đã cho đào một con kênh vành đai (trên cơ sở của lạch Liêm Khê cổ chảy qua làng An Biên và Gia Viên) nối sông Tam Bạc với sông Cấm dài 3 km, rộng 74m để lấy đất lấp ao hồ, lập phố xã. Các đường phố cũng được mở rộng theo hướng Bắc-Nam và hướng Đông - Tây, được quy hoạch theo ô bàn cờ, nhà cửa được xây dựng theo kiểu kiến trúc châu Âu, với những ngôi nhà bằng gạch, lợp ngói tây, cao từ 2 đến 3 tầng.

  Dọc hai bên bờ kênh Bonnal hình thành các dãy phố  Boulevard Bonnal, nay là phố Trần Phú và Nguyễn Đức Cảnh; phố Bonlevard Chavassieux, nay là phố Quang Trung và Trần Hưng Đạo.

Trên phố Chavassieux, công trình kiến trúc đầu tiên được xây dựng là Nhà hát Lớn thành phố. Một số tài liệu cho rằng Nhà hát được xây dựng vào năm 1904, hoàn thành vào năm 1911, cùng năm với Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng theo Claude Bourrin (Công chức ngành thuế tại Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20), trong tác phẩm Đông Dương ngày ấy cho biết: “Tôi nhớ Nhà hát Lớn Hải Phòng được khánh thành vào tháng 9 năm 1900 bằng một tối hòa nhạc, sau đó có khiêu vũ”.

Nhà hát Lớn Hải Phòng là một công trình kiến trúc bề thế, mang phong cách kiến trúc cổ điển kết hợp với phong cách Baroque chắc khỏe. Không gian nội thất được trang trí như một bảo tàng tranh sống động, đa màu sắc, giàu truyền thuyết Hy-La; hoa văn trang trí tỉ mỉ, trau truốt, lãng mạn, đặc trưng phong cách Pháp lãng mạn, pha chút Hy-La cổ đại huy hoàng, tạo nên một tuyệt tác trong nghệ thuật kiến trúc nhà hát đương thời ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Trên phố Chavassieux còn mọc lên nhiều công trình kiến trúc đẹp, mang phong cách kiến trúc Tân cổ điển như Nhà thương tư Fasquet, nay là trụ sở Thành đoàn Hải Phòng; Chi nhánh khách sạn Paris (nay là nhà khách số 7). Đối diện quán hoa có hiệu buôn Phúc Vinh Xương, gần chợ Sắt có trụ sở nước mắm Vạn Vân (nay là nước mắm Cát Hải), đều là những hãng buôn nức tiếng một thời.

Còn ở phố Bonnal, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xuất hiện nhiều công sở, khách sạn như Sở Trước bạ, Công ty than Bắc Kỳ, Khách sạn Conmuxication (nay là khách sạn Cát Bi), Tòa án hỗn hợp (nay là Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, một thời gian dài là Tòa án nhân dân thành phố), Hãng tàu biển Năm Sao (nay thuộc Đại lý Hàng Hải Việt Nam tại Hải Phòng), Địa ốc ngân hàng, còn gọi là Nhà băng Năm Sao vì đối diện với hãng tàu biển Năm Sao (nay là Ngân hàng Công Thương)...

Trong các công trình kiến trúc trên, Ngân hàng Công Thương điển hình cho phong cách kiến trúc Đông Dương, là sự kết hợp tinh tế giữa cái đẹp của kiến trúc Pháp với kiến trúc cổ truyền Việt Nam, với các đầu đao cong mềm mại, mái chồng diêm hai tầng, tạo nên một phong cách kiến trúc chỉ có ở Việt Nam.

Để giao thông đi lại được thuận tiện giữa các phố trên kênh vành đai, người Pháp cho bắc cầu qua kênh Bonnal. Cầu đầu tiên được bắc là cầu Paul Doumer. Khi chưa đào kênh, để qua lại đoạn lạch thoát triều chảy qua khu vực quán hoa ngày nay, người làng An Biên cho bắc một cây cầu tre, trên đắp đất, nên quen gọi là cầu Đất. Kênh Bonnal ra đời, cầu Paul Doumer được xây nối phố Paul Doumer (Cầu Đất) với phố Chavassieux (phố Quang Trung). Đây là cây cầu bằng sắt, dài khoảng gần 80m, hai bên thành cầu dựng lan can hoa sắt để thoáng và bố trí hai hàng cột điện chiếu sáng. Thủa ban đầu, cầu có thể quay được cho thuyền bè qua lại, đến năm 1913 thì dừng hẳn vì trục quay bị hỏng không khắc phục được.

Cũng trên kênh đào này, vào năm 1913, người Pháp cho xây cầu Lanien, nối phố Mare chal Joffre với phố Paul Pert (nay đều thuộc đường Điện Biên Phủ, đoạn nằm giữa vườn hoa Kim Đồng với sân vận động Cảng).

Kênh đào Bonnal sau 40 năm khai thác và sử dụng, bị phù sa của sông Cấm và sông Tam Bạc bồi lấp, gây cản trở giao thông đường thủy, Hội đồng thành phố có chủ trương lấp con kênh này. Chủ hãng tàu Caron khiếu nại, vì nếu lấp kênh thì xưởng tàu Caron sẽ không hoạt động được nữa. Một số thành viên Hội đồng và công luận ủng hộ việc lấp một phần kênh đào (đoạn từ cảng đến đầu hồ Tam Bạc hiện nay), với điều kiện hãng Caron phải cho xây cầu qua đoạn kênh còn lại. Chủ hãng đã cho xây cầu Caron (ở vị trí nối với phố Phạm Hồng Thái hiện nay), có thể cất lên được để tàu thuyền qua lại, sau giải phóng (1955), cầu bị hỏng nên dỡ bỏ.

Trên đoạn kênh bị lấp, trở thành bãi hoang, mãi đến những năm 40 của thế kỷ 20, người Pháp cho xây các vườn hoa: Ấu Trĩ viên, còn gọi là vườn hoa Con Cóc (nay là vườn hoa Kim Đồng), vì ở đây có một đài nước, được phun bởi 4 con cóc. Trong vườn hoa còn có ngôi nhà nhiều mái mang đậm phong cách Đông Dương của chủ nhì Công ty Portland Hải Phòng; vườn hoa Cây Cọ, vì đây trồng nhiều cọ, một giống cây được mang từ Djibouti, một thuộc địa của Pháp ở châu Phi sang trồng (nay là vườn hoa Nguyễn Du); Vườn hoa Djibuti còn gọi là vườn hoa đưa người, nơi tuyển mộ phu đi các đồn điền, công xưởng làm việc (nay là vườn hoa Lê Chân và khu vực tượng đài, nhà triển lãm). Phía Đông vườn hoa có quán hoa, được xây dựng từ năm 1944, do Đốc lý Luciani chủ trì, và Chánh lục Gautier phụ trách thiết kế xây dựng. Người Pháp đã cho xây dựng ở đây 5 quán hoa, được lấy ý tưởng và cách điệu từ kiến trúc đình làng Việt Nam, với những mái đao cong nhẹ nhàng, thanh thoát. 

Trải qua trên dưới một trăm năm, các công trình kiến trúc tại dải trung tâm thành phố như Nhà hát lớn, Thành đoàn Hải Phòng, Khách sạn Cát Bi, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hải Phòng, Tòa án quận Ngô Quyền, Nhà nhiều mái tại vườn hoa Kim Đồng, Quán hoa và nhiều công trình mang phong cách kiến trúc châu Âu hiện còn được lưu giữ tại các tuyến phố Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh là những di sản có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu, cùng với Quảng trường Thành phố, Dải vườn hoa trung tâm, hồ Tam Bạc tạo cảnh quan, điểm nhấn cho Dải trung tâm thành phố.

II. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản kiến trúc nghệ thuật tại dải trung tâm thành phố

  Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công,     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 65/SL, ngày 23/11/1945 về việc bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Và liên tục những năm sau này, dù ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, Đảng và Nhà nước đều đã ban hành nhiều văn bản về công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của   Luật Di sản văn hóa năm 2009, là những căn cứ pháp lý không thể thiếu trong việc đề ra các giải pháp bảo tồn giá trị di sản văn hóa, nói chúng, di sản kiến trúc đô thị nói riêng.

 1. Về việc bảo tồn các di sản kiến trúc nghệ thuật tại Dải trung tâm  thành phố

Hải Phòng là đô thị có lịch sử hình thành hơn 100 năm, còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc phương Tây có giá trị, cần được kiểm kê, đánh giá để bảo tồn,                       phát huy giá trị.

Để triển khai công tác này, ngày 13/7/2021, UBND thành phố đã thành lập "Hội đồng xác định danh mục nhà ở, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử cần giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ tại thành phố Hải Phòng" tại Quyết định số 1981. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để triển khai việc khảo sát, đánh giá, xếp loại các công trình kiến trúc pháp tại Hải Phòng, làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Đối với các công trình kiến trúc và cảnh quan tại Dải trung tâm thành phố, để bảo tồn cần thực hiện các giải pháp sau:      

 Thứ nhất: tiến hành kiểm kê (đo vẽ, số hóa, quét 3Đ) các công trình kiến trúc Pháp tại dải trung tâm thành phố. Qua đó đánh giá thực trạng, giá trị của di sản kiến trúc, nghệ thuật, kiến nghị với các cấp chính quyền các giải pháp bảo vệ và phát huy di sản. 

Thứ hai: Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học đánh giá các công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử tiêu biểu như Ngân hàng Công thương, Nhà nhiều mái tại vườn hoa Kim Đồng, Tòa án quận Ngô Quyền, Quán hoa Trung tâm, Trường PTTH Ngô Quyền, tiến tới lập hồ sơ đề nghị các cấp xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa (riêng Nhà hát Lớn đã được xếp hạng cấp quốc gia)

Thứ ba: Xây dựng quy hoạch bảo tồn các công trình kiến trúc, cảnh quan tại Dải trung tâm thành phố.

Các công trình kiến trúc nằm tại Dải trung tâm thành phố là những di sản đô thị tiêu biểu của thành phố. Các công trình này kết hợp hài hòa với dải công viên, Quảng trường Thành phố, hồ Tam Bạc, đài phun nước đã tạo nên cảnh quan đẹp mà ít đô thị ở Việt Nam có được.

Vì vậy việc quy hoạch, bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tại đây là việc làm cấp thiết. Thiết nghĩ, tại khu vực này, ngoài các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, cần được bảo tồn, phát huy, thì các công trình còn lại, các công trình xây mới, cần được các cấp có thẩm quyền phê duyệt về độ cao công trình,  phong cách kiến trúc phải phù hợp, hài hòa với các công trình hiện có, để không phá vỡ một di sản kiến trúc tuyệt vời tại trung tâm thành phố.

2. Đề xuất các giải pháp phát huy giá trị

Để phát huy giá trị di sản kiến trúc cần triển khai một số nội dung sau:

 - Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản kiến trúc

 Thứ nhất, xuất bản những tài liệu, ấn phẩm, sách báo giới thiệu về lịch sử hình thành, giá trị các công trình kiến trúc tiêu biểu như Nhà hát lớn, Quán hoa, Nhà nhiều mái, Ngân hàng Công thương, Tòa án quận Ngô Quyền, Trường PTTH Ngô Quyền và các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp tại đây để người dân Thành phố và du khách biết được giá trị của di sản này, chung tay cùng các cấp chính quyền bảo tồn và phát huy. 

 Thứ hai, UBND thành phố, các sở, ban ngành cần phối hợp với các cơ quan báo chí ở địa phương và Trung ương xây dựng những chương trình quảng bá cho di sản di sản kiến trúc tại Dải trung tâm thành phố.

- Phát huy giá trị kiến trúc đô thị gắn với phát triển du lịch

 Dải trung tâm thành phố với các vườn hoa, hồ nước, quảng trường, đài phun nước, tượng đài Nữ tướng Lê Chân, đền Nghè, cùng các công trình kiến trúc tiêu biểu như Nhà hát Lớn, Quán hoa được xác định nằm trong tua du lịch nội đô. Tuy nhiên khách du lịch khi tham quan Dải trung tâm thành phố, mới chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của các công trình kiến trúc và cảnh quan nơi đây mà chưa hiểu được lịch sử hình thành và giá trị kiến trúc nghệ thuật của các công trình này. Vì vậy cần tổ chức các tua du lịch khám phá di sản kiến trúc đô thị tại dải trung tâm, tổ chức thuyết minh, giới thiệu, quảng bá loại hình di sản này, có vậy mới lưu giữ được khách ở lại với thành phố lâu hơn, làm phong phú các sản phẩm, chương trình du lịch tại Hải Phòng, góp phần thúc đầy du lịch Hải Phòng phát triển.

Lượt truy cập: 264749
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn