I. Đặt vấn đề
Trung tâm lịch sử (historic district) là khu vực vẫn còn lưu giữ được sự tập trung, liên kết và tiếp nối trong quá trình hình thành và phát triển của đô thị. Có ý nghĩa của các hình thái, cơ cấu và có giá trị về mặt nghệ thuật, kiến trúc hoặc được hợp nhất các biến cố trong quá khứ có giá trị về mặt lịch sử, và thường được cho rằng công trình đó phải có “câu chuyện” để kể liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của đô thị. Từ giữa cuối thế kỷ XIX, do tốc độ đô thị hóa trên thế giới diễn ra nhanh chóng, các di sản trong lõi trung tâm đô thị dần bị xóa hết. Đô thị mất đi ký ức về nơi chốn khiến cho lịch sử hình thành của đô thị cũng bị mất dần.
Phát triển nóng với các phương tiện cơ giới hóa, cơ sở hạ tầng quá tải cộng với những chủ thuyết ngặt nghèo về phân vùng công năng trong quy hoạch của chủ nghĩa hiện đại đã làm cho lõi trung tâm lịch sử của đô thị bị mờ phá vỡ dần, xuất hiện ngập lụt, tắc đường, ô nhiễm không khí,… làm mất dần sức sống của đô thị. Thấy được các mặt trái của việc ồ ạt xây cao tầng, phá bỏ các công trình di sản, các thành phố lớn bắt đầu tái cấu trúc hình thái đô thị, chuyển dịch xây dựng các dự án ven đô. Bên cạnh đó là các hoạt động cải tạo, chỉnh trang khu vực lõi trung tâm lịch sử đô thị để tạo dựng lại bản sắc đô thị, nhằm nâng cao sức cạnh tranh vốn có của đô thị đó. Ở Pháp có đô thị Paris, ở Tây Ban Nha có Becelona, ở Đức có Berlin,… dần dà các trung tâm đô thị trở lại ngăn nắp quy cũ như xưa, thu hút du khách tham quan phát triển du lịch.
Năm 1931 hiến chương Athens ra đời là cuộc cách mạng trong việc Bảo tồn trùng tu di sản. Hội nghị khuyến nghị “phải tôn trọng công trình lịch sử và nghệ thuật thời xưa, không được loại bỏ phong cách của một thời đại nào đó vốn có”; “nên duy trì việc cho sử dụng có thời hạn các công trình để đảm bảo được đời sống liên tục của những công trình đó; song chúng phải được sử dụng vào những mục đích tôn trọng tính cách lịch sử và nghệ thuật của công trình” - Trích Hiến chương Athens 1931 “Carta del Restauro”.
Ở những quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan cũng có những hoạt động bảo tồn những khu vực trung tâm đô thị lịch sử như: Bảo tồn khu cảng, khu phố người Hoa và khu Tiểu Ấn ở Singapore; bảo tồn khu Malacca, một thị trấn cổ phía Nam thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia….
Ở Việt Nam, thời gian qua việc phát triển đô thị diễn ra một cách nhanh chóng và quá mức kiểm soát. Vì vậy, các công trình di sản kiến trúc đô thị lõi trung tâm bị mai một, số lượng và khu vực bảo tồn trong đô thị ngày càng bị thu hẹp. Thực trạng đó hiện nay được báo động. Vừa qua Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và một số đô thị lớn như Hà Nội, Đà Lạt đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để nghiên cứu tìm ra giải pháp. Nhưng hiện nay vẫn còn dừng lại ở hội thảo mà chưa tiến tới luật hóa và vì khâu nghiên cứu, khảo sát hiện trạng, tìm hiểu lý lịch di tích làm chưa chuẩn xác, đánh giá chưa đúng mức.
Bảo tồn không chỉ là bảo lưu những tòa nhà, những yếu tố vật lý mà phải nhìn cả khía cạnh văn hóa. Làm sống động không gian di sản là tác động cả đến những yếu tố mang tâm hồn của người dân, để bản sắc đô thị không bị mất đi. Mục đích của công việc bảo tồn chính là gìn giữ những giá trị của các di sản văn hóa, di sản đô thị, các công trình kiến trúc, phong tục tập quán… Để có một kết quả tốt, bền vững, cần đi từ những bước đầu tiên thực sự chắc chắn, chúng ta rất cần góc nhìn đa chiều và toàn diện. Thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo với chuyên đề cụ thể “Bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm Thành Phố Hải Phòng” rất kịp thời và thể hiện tầm tư duy chiến lược của một đô thị nổi tiếng với sự năng động kể từ khi hình thành.
II. Bảo tồn lõi trung tâm đô thị lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
1. Thực trạng công tác bảo tồn lõi trung tâm lịch sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
Di sản kiến trúc trung tâm lịch sử đô thị là một quần thể mà thiếu đi một công trình có thể sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực. Hiện nay các di sản kiến trúc ở TPHCM chỉ được bảo tồn một cách đơn lẻ, rời rạc. Do sức ép của đô thị hóa, một số công trình hoặc nguy cơ bị xóa bỏ (Dinh Thượng Thơ) thậm chí bị đập phá (Thương xá Tax) để nhường chỗ cho công trình mới.
Thực trạng xây chen nhà cao tầng trong trung tâm lịch sử khiến cho cấu trúc của lõi đô thị bị biến dạng trong những năm gần đây. Việc bảo tồn di sản kiến trúc trung tâm lịch sử đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đang được thành phố quan tâm hơn bao giờ hết.
Hiện nay thành phố đã nhận ra được ý nghĩa, giá trị của việc bảo tồn trung tâm đô thị lịch sử, nhiều hội thảo được tổ chức để tìm kiếm sáng kiến bảo tồn trong điều kiện mới, bảo tồn bền vững. Tuy chưa hoàn chỉnh một bài học về bảo tồn cả khu vực trung tâm đô thị lịch sử, nhưng một vài dự án hoặc một vài nghiên cứu đề xuất cũng có thể được xem như một trường hợp để đưa ra xem xét và rút kinh nghiệm cho Hải Phòng.
Trung tâm lịch sử đô thị TPHCM có cấu trúc theo quy hoạch kiểu châu Âu và có tính chất cảng thị, đô thị sông nước (giống Hải Phòng) với những di sản kiến trúc cận đại và hiện đại mang giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc. Cấu trúc một lõi đô thị lịch sử theo quy hoạch của Người Pháp thường bắt đầu từ 4 tiện ích: Chợ, trung tâm hành chính, Nhà hát, bưu điện. Sau đó là hệ thống giáo dục, y tế, tôn giáo, Sài Gòn - TPHCM cũng không ngoại lệ. Các công trình trụ sở UBND TPHCM, Chợ Bến Thành, Nhà hát Lớn, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, Trường La San Taberd (nay là trường Chuyên Trần Đại Nghĩa).
Hiến chương Athens ra đời đề ra 4 công năng cơ bản của thành phố cần được bảo tồn bao gồm: khu ở, nơi làm việc, giao thông và khu vực công cộng. Trong đó, không gian công cộng vốn là nơi sinh hoạt và giao lưu cộng đồng được quan tâm.
2. Các mức độ bảo tồn
Mức độ 1: Bảo tồn công trình riêng lẻ: Mức đơn giản nhất trong bảo tồn là bảo tồn công trình riêng lẻ, trùng tu, tôn tạo hoặc phục dựng di sản. Điều kiện bảo tồn này là cần xác định thời điểm lịch sử đầu tiên hình thành di sản, không lấy các phiên bản của các lần trùng tu, để lựa chọn phương án trùng tu không mất đi giá trị gốc, đảm bảo tính chân xác
Mức độ 2: Bảo tồn quần thể kiến trúc. Bảo tồn bối cảnh gồm kiến trúc và cảnh quan không gian chứa di sản. Điều kiện là hiểu về bối cảnh thời kỳ sinh ra di sản để đưa di sản về đúng không gian văn hóa của nó.
Mức độ 3: Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, có thể chuyển đổi công năng, tái sử dụng công trình di sản khi có chức năng mới. Đây là mục tiêu đưa di sản đến với cộng đồng, cho cộng động được tiếp cận di sản (Một số hội quán và nhà cổ trong khu Phố cổ Hà Nội làm được điều này). Đưa di sản đến với cộng đồng, công chúng bằng nhiều hình thức, tổ chức tham quan, các hoạt động xã hội … không nhất thiết phải tổ chức các hoạt động ngày xưa của di sản, cần tìm cho di sản có cuộc sống mới phù hợp với hơi thở của thời đại.
Mức độ 4: Kết nối các công trình di sản để tạo thành vùng di sản. Xây dựng lại ký ức đô thị. Các công trình trong vùng có những vai trò khác nhau, chức năng khác nhau nhưng sẽ đóng góp vào các vị trí khác nhau trong vùng di sản. Quy hoạch kết nối các công trình di sản trong vùng lõi trung tâm lịch sử để tạo thành phố đi bộ, liên kết các công trình di sản thành tuyến, trục di sản để tiện việc tham quan, quản bá và tổ chức các hoạt động trong cộng đồng. Từ đó khoanh vùng di sản tích hợp vào quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của đô thị góp phần phát triển đô thị bền vững, có tính kết nối, kế thừa.
3. Xác định khu vực bảo tồn trung tâm đô thị lịch sử TPHCM
Để bảo tồn, cần xác định phạm vi, giới hạn từng khu vực để có ứng xử phù hợp. Xác định khu vực bảo tồn Trung tâm lịch sử để xác định rõ xác định khu vực nào bảo tồn, khu vực nào khoanh vừng bảo vệ, khu nào hạn chế xây dựng, và khu nào cho phát triển.
Bảo tồn Cụm công trình: Trong quy hoạch, khu vực trung tâm đô thị sẽ có một số dạng không gian di sản cần có những cách ứng xửa khác nhau. Khu Lõi thường có nhiều di sản với khoảng cách gần nhau. Nên tạo sự gắn kết, các khoảng cây xanh cảnh quan để kết nối thành cụm công trình di sản. Có một số công trình khi không thể bảo tồn vì xuống cấp, nếu xây mới trong vùng di sản thì cần cân nhắc đến yếu tố hài hòa cảnh quan, ưu tiên và tôn trọng công trình chủ thể của cụm di sản
- Bảo tồn trục di sản: Trong đô thị, các trục giao thông quan trọng được định hình từ ban đầu thường là trục di sản, trên đó bao gồm các công trình công cộng quan trọng. Một số công trình trên trục này nếu bị phá đi sẽ làm đứt gãy và làm mất đi cảm nhận của “con đường di sản”. Vì vậy thành phố cần lựa chọn trục di sản nào quan trọng, kho bảo tồn là phải giữa được sự liên kết các công trình di sản quan trọng.
- Bảo tồn công trình riêng lẻ: Có thể có những công trình nằm xa lõi trung tâm, nhưng nó là một công trình hoàn chỉnh, có giá trị lịch sử, văn hóa hay giá trị kiến trúc cần được giữ gìn và phát huy giá trị của nó. (xem ví dụ 1: kinh nghiệm bảo tồn di sản từ công trình Tòa án Nhân dân TPHCM).
4. Xây dựng cách ứng xử với từng dạng công trình trong lõi trung tâm lịch sử TP HCM:
Bảo tồn lõi trung tâm lịch sử đô thị TPHCM cần phải xem xét từng dạng công trình:
- Đối với khu ở, dãy phố: Trùng tu, phục dựng các chi tiết điển hình trong từng công trình còn lưu dấu kể cả các chi tiết, lối sống sinh hoạt thường nhật của người dân. Lấy con người sinh hoạt trong khu phố cổ làm tiêu chí quan trọng. Kết hợp chính sách “nhà nước và nhân dân cùng tôn tạo di sản”. Tạo ra đời sống mới cho di sản vừa được tôn tạo để thích ứng với cuộc sống hiện tại.
- Với công trình hành chính, trụ sở làm việc, công trình riêng lẻ: Hội đồng di sản thành phố cần đánh giá chất lượng công trình, đề ra phương hướng trùng tu, tôn tạo hoặc phục dựng di sản. Điều kiện bảo tồn này là cần xác định thời điểm lịch sử đầu tiên hình thành di sản, không lấy các phiên bản của các lần trùng tu, để lựa chọn phương án trùng tu, không làm mất đi giá trị gốc, đảm bảo tính chân xác. Đánh giá kết cấu, vật liệu xây dựng, yếu tố đặt biệt về sử dụng vật liệu góp phần vào việc quyết định trùng tu di sản.
- Đối với không gian công cộng, quảng trường văn hóa, nơi giao lưu cộng đồng: Phải hiểu về bối cảnh thời kỳ sinh ra di sản để đưa di sản về đúng không gian văn hóa của nó. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng cho người dân và du khách.
- Đối với công trình mang dấu ấn lịch sử văn hóa: Cần phải nghiên cứu rằng công trình đã đóng góp vào quá trình phát triển văn hóa của địa phương thế nào. Xem xét sự ảnh hưởng của công trình đến mặt xã hội như là một yếu tố tích cực góp phần vào việc hình thành đô thị. Đánh giá giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ, giá trị kiến trúc, cảnh quan. Cần bảo tồn không gian mà di sản hình thành, tôn tạo các không gian đã bị phá hủy bởi quá trình đô thị hóa. Khảo sát tính bền vững của công trình để đảm bảo công trình sau khi bảo tồn, phục dựng có còn khả năng sử dụng không. Đánh giá vị trí công trình: có là điểm nhấn đô thị hay mối liên hệ công trình với các di sản khác trong khu vực? công trình có được tiếp cận dễ dàng với mọi đối tượng khách tham quan, công đồng trong khu vực hay không?.
Để bảo tồn di sản kiến trúc đô thị ở khu trung tâm lịch sử cần phải được sự đồng thuận của Nhà nước và các cấp quản lý, nhất là sự đồng thuận của nhân dân, người chủ sử dụng, quản lý. Việc quan trọng nhất là phải xác định tính chất pháp lý, sự công nhận “khu vực trung tâm lịch sử của đô thị” ở một số công trình, cảnh quan, không gian công cộng, giao thông là di sản đô thị là hết sức cần thiết và cấp bách. Muốn như vậy phải có tầm nhìn chiến lược, sâu rộng dựa trên quy hoạch di sản, đánh giá sự cần thiết phải bảo tồn di sản đến từng công trình, cụm công trình. Đó là cơ sở pháp lý cần thiết để tiến hành thực hiện các bước tiếp theo. Từ đó làm cho mọi người hiểu ra tầm quan trọng của di sản đô thị trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong sự phát triển bền vững của thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.
III. Đề xuất các giải pháp bảo tồn cho trung tâm lịch sử đô thị thành phố Hải Phòng
Ở mỗi đô thị có một đặc thù riêng, để phát triển du lịch xem xét lại một cách tổng thể cần phải tiến tới vẽ bản đồ di sản Cần phải tập trung cho truyền thông di sản đây là yếu tố liên ngành.
Bước 1: Nhận diện và lập bản đồ di sản: Rà soát lại các công trình có giá trị di sản. Lập bản đồ di sản để làm cơ sở xây dựng quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Bước đầu tiên là nhận diện di sản cần phải có công cụ, chứ không thể chỉ theo cảm tính. Ví dụ chúng ta có thể sử dụng"công cụ đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị" của nhà nghiên cứu đô thị Nahoum Cohen. Lưu ý: Có một số công trình chưa được là di sản do chưa đủ số năm, nhưng có tiềm năng thì cũng cần giữ gì để trở thành di sản tương lai (như các công trình thời kỳ kiến trúc hiện đại 1954 - 1975 tại TP.HCM)
Bước 2: Khoanh vùng bảo vệ di sản: Lập bản đồ quy hoạch phân vùng những khu vực cần được bảo tồn di sản kể cả bản đồ số hóa. Xác định các vùng trong trung tâm đô thị lịch sử, vùng bảo tồn nguyên trạng, vùng nào bảo vệ, vùng nào cho phát triển. Vận dụng tối đa pháp luật hiện có (luật quy hoạch đô thị, luật xây dựng, luật kiến trúc, luật Di sản và các văn bản hướng dẫn …) để thực hiện công tác phân vùng, bảo tồn và trùng tu di sản. Xác định Cụm công trình di sản, trục di sản và các công trình riêng lẻ có giá trị cần bảo tồn. Sự công nhận về di sản không chỉ đơn giản là vấn đề bảo vệ những công trình lịch sử của đô thị mà quan trọng hơn, phải bảo tồn toàn bộ môi trường lịch sử của di sản với vai trò quan trọng trong sự đa dạng của văn hóa, trong đó có cảnh quan thiên nhiên, không gian công cộng. Cần đặc biệt chú trọng việc thẩm định, xây dựng tiêu chí, đánh giá xếp hạng di sản thuộc về kiến trúc nghệ thuật hay trí tuệ con người và thừa nhận tầm quan trọng của nó.
Bước 3: Xây dựng quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho cả đô thị trong đó xây dựng bản quy hoạch di sản và quy chế bảo tồn di sản riêng của đô thị là quan trọng nhất. Yếu tố “luật hóa” mới đủ sức mạnh để bảo vệ những khu đất vàng ở trung tâm đô thị lịch sử. Tạo điều kiện để di sản có thể liên kế với nhau và di sản mở ra tiếp cận cộng đồng, giúp di sản có thể tiếp tục đóng góp giá trị trong hoạt động đương đại của thành phố.
Bước 4: Xây dựng kịch bản bảo tồn khu vực trung tâm đô thị lịch sử, trao đổi hoạt động liên ngành. Kịch bản bảo tồn di sản sẽ cần sự tham gia đa ngành không chỉ du lịch, kinh tế hay văn hóa mà các ngành đều hưởng lợi từ di sản. Tìm kiếm cơ hội mới cho các đối tác trong lĩnh vực tư nhân trong việc bảo vệ di sản kiến trúc đô thị khu vực lõi trung tâm lịch sử thành phố.
Những ưu tiên trung hạn:
Đánh giá hiệu quả công tác bảo tồn di sản đô thị trong lõi trung tâm thành phố. Trong phạm vi của những quyết định về chính sách và sử dụng nguồn vốn hiệu quả cho việc bảo vệ những di sản đang cần được bảo vệ một cách tốt hơn.
Phối hợp các sở ban ngành có liên quan xây dựng cơ chế chung cho công tác bảo tồn di sản vùng trung tâm lịch sử đô thị.
Phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, các ngành để đảm bảo rằng nguồn vốn được áp dụng một cách chiến lược, đáp ứng tốt nhất cho những yêu cầu của đô thị. Kêu gọi đóng góp từ xã hội để xây dựng và tu bổ bảo tồn các công trình di sản hiện có, nguồn này rất quan trọng. Việc tạo ra ngồn vốn cho bảo tồn di sản cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Tạo qua nguồn vốn để bảo tồn di sản bằng hiều hình thức. Thành lập cơ cấu tổ chức quản lý di sản trong khu trung tâm lịch sử giúp kiểm soát chặt chẽ quá trình trùng tu phục dựng, quản lý bảo tồn và khai thác các hoạt động của di sản…Hỗ trợ trực tiếp: Thành phố cấp vốn hỗ trợ cho những công trình di sản kiến trúc được xếp hạng đặt biệt, có tầm ảnh hưởng lớn đến di sản đô thị và có kế hoạch khôi phục di sản.
IV. Kết luận
Giữ gìn được di sản và đưa di sản vào trong giai đoạn mới là thể hiện được cái tầm của nhà đầu tư và tầm của thành phố. Muốn bảo vệ thì phải cụ thể hóa các công cụ và con người. Chúng ta đã có luật Di sản rất lâu nhưng không thực hiện được vì rất chung chung. Trong khi di sản có quá nhiều vấn đề. Chưa bao giờ, chưa có đô thị nào có bản quy hoạch di sản nằm trong quy hoạch đô thị chung. Chúng ta phải có ứng xử riêng cho từng di sản ở mỗi thành phố khác mà Hải Phòng là một đô thị rất đặc thù ở phía Bắc, đang có sức phát triển rất mạnh. Đây đồng thời vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn trong công tác bảo tồn di sản.Vì vậy Hải Phòng phải có những yếu tố riêng, câu chuyện riêng, hương đi riêng. Bản thân di sản là câu chuyện của người dân và chính sách phải dành cho người dân. Làm thế nào để người dân thấy tự hào, mong muốn cùng giữ gìn di sản.
Quan điểm “phải đập đi xây lại để phát triển”, hay quan điểm “khư khư giữ di sản thì sẽ cản trở phát triển” thường xuất phát từ sự chưa nhận thức đúng về Bảo tồn. Việc phá hủy di sản để xây mới sẽ dễ thực hiện hơn, đỡ tốn kém hơn bảo tồn. Tính toán để giữa được di sản, giữ gìn bản sắc đô thị trong hơi thở đương đại mới thực sự khó, nhưng đó là sự hy sinh xứng đáng, hy sinh cho một “đô thị bền vững”, “đô thị nhân văn”. Thực sự, di sản không hề cản trở mà ngược lại, di sản tạo điều kiện, là động lực cho sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyên Hạnh Nguyên (2019), “Bảo tồn tối đa tính nguyên gốc: Cách ứng xử đúng nhất với di sản”, Tạp chí Kiến trúc số 06
- Cao Thành Nghiệp, “Nghĩ về một tổng thể di sản tuyệt đẹp”, Báo Tuổi trẻ ngày 26/05/2018
- Cao Thành Nghiệp, “Vì Sao cần bảo tồn Dinh Thượng Thơ”, Tạp chí Kiến trúc ngày 03/10/2018
- Cao Anh Tuấn (2009), Bảo tồn và phát triển giá trị di sản kiến trúc tại TPHCM trong tiến trình phát triển, Luận án tiến sĩ.
- Tuoi Tre (2020) “Colorized photos show Saigon’s green coverage 100 years ago”
- Trang dữ liệu hình ảnh di sản Sài Gòn. https://virtual-saigon.net/
- Vietnam News (2019) “3,000 old buildings in HCM City should be renovated: architectural centre”
- https://saigoneer.com/vietnam-heritage/24165-maps-a-brief-cartographic-history-of-hai-phong-in-1898%E2%80%931968