Từ văn xã An Lư, nơi tôn thờ đạo học và giáo dục truyền thống lao động và giữ nước của người dân huyện Thủy Đường xưa

 Xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng trước đây là Nghĩa Lư Trang, tên nôm là làng Xưa (tên đặt theo quê gốc của những cư dân đầu tiên đến đây sinh sống, nay thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Đến nay, xã còn một số địa danh như Chợ Xưa, chợ duy nhất ở Hải Phòng có phiên họp vào ngày Mùng một Tết Nguyên đán, để cầu mua may, bán đắt; cầu Xưa, cây cầu bắc qua kênh Đầm Dài, trên tỉnh lộ 359. Ngoài ra còn các tên khác là xã Yên Các và Yên Lư, có nghĩa là yên ổn.

Nói về đền miếu, phong tục của huyện Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên), sách “Đồng Khánh dư địa chí” ghi: “Văn Miếu huyện ở xã Yên Lư. Hằng năm xuân thu hai kỳ toàn huyện hội tế” “Các tổng Song Mai, Thủy Đường, Trịnh Xá tương đối có truyền thống hiếu học”. Theo cuốn Thần phả của địa phương, được Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn, năm Hồng Phúc thứ nhất 1572 và Phả tộc dòng họ Vũ có ghi: Thời Hậu Lê, giai đoạn Lê Trung Hưng, xã An Lư có nhiều người đỗ đại khoa và có học vị cao. Cụ Vũ Trực Hành, hiệu Bắc Hiên tiên sinh, thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khi 27 tuổi, khoa thi năm Quý Sửu 1493, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 đời Lê Thánh Tông, là tiến sĩ khai khoa của Làng, làm quan đến chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Cụ Nguyễn Huân đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Ất Sửu 1505, niên hiệu Đoan Khánh thứ I, đời Lê Uy Mục, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Cụ Nguyễn Đạc (con Tiến sĩ Nguyễn Huân), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Mậu Tuất (1538) niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời Mạc Thái Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Ngoài ra, còn Cụ Vũ Đình Kiên học hành đỗ đạt làm đến chức quan Tri huyện Thủy Đường, cụ Vũ Đình Bá làm quan hàng huyện và nhiều cụ Tú, cụ Đồ khác thành danh từ việc học hành như sinh đồ(1) Hoàng Chung, người làng An Lư là người soạn văn bia “Nhất hưng công tái tạo cổ tích Vĩnh Am tự”, năm Bảo Thái thứ 4 (1723) và sinh đồ Vũ Cơ soạn văn bia tại đình xã An Lư, năm Chính Hòa thứ 16 (1695) và bia “Nhất hưng công Đường Lâm tự”, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679). Xét về số lượng những người đỗ đại khoa của huyện Thủy Đường xưa, xã An Lư là địa phương có nhiều người nhất, 3 tiến sĩ Nho học.

Từ văn Thủy Đường xưa

Cụ đồ Thanh, người làng Xưa viết câu đối ca ngợi như sau:

                           “Thổ vượng nhân tòng vượng

                                Thần linh địa diệc linh”

Dịch nghĩa là:

                            “Đất tốt thì người cũng tốt

                         Thần thiêng thì đất cũng thiêng”

Do có nhiều người học hành đỗ đạt, nên xã An Lư được chọn làm nơi xây dựng Từ Văn của huyện Thủy Đường, vào đầu những năm Hoằng Định (1601-1619). Ngôi Từ Văn nằm trong một quần thể gồm đình Cả, đình Giáp Trung, chùa Vĩnh Am, được kiến trúc theo kiểu chữ Nhị (=), với ba gian Hậu cung và năm gian Tiền đường, tường xây gạch, mái ngói mũi hài chắc chắn, thềm đá xanh bề thế; bên ngoài là khu Song mã, nơi buộc hai hàng ngựa của văn võ bá quan khi đến tế lễ. Bên trong ba gian Hậu cung của Từ Văn dựng kín bia đá ghi tên những người không chỉ học hành đỗ đạt mà còn ghi danh các văn võ bá quan của các làng, xã trong huyện Thủy Đường. Năm gian Tiền đường là nơi quan lại hàng huyện, hàng tổng và dân chúng các làng xã trong huyện định kỳ về tế lễ, tri ân công đức các bậc hiền tài.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địch đóng ở bốt Núi Đèo, bắt dân phu và lính tháo dỡ ngôi Tiền đường năm gian của Từ Văn, lấy gỗ và gạch đá đem về xây đồn bốt. Năm 1959, ngôi Hậu cung ba gian cũng bị dỡ lấy gỗ bắc cầu làm đường cho nhân dân đi ra đồng. Một thời gian dài, với nhiều lý do khác nhau, công tác bảo tồn di tích văn hóa không được coi trọng. Hàng chục cỗ bia đá ở Từ Văn bị hư hỏng và một số người dân đập lấy đá nung vôi làm nhà; sổ sách, văn bản, thư tịch của Từ Văn không còn được lưu truyền cho hậu thế; chỉ còn trơ lại nền đất hoang vu, cỏ mọc um tùm. Đến nay, chỉ còn sót lại hai văn bia khắc năm Hoằng Định thứ 15 (1616), một tấm bia ghi “Tiên hiền bi ký”, với bốn khổ chữ, ghi danh Hưng Đạo Đại vương và 78 danh nhân, công hầu khanh tướng của 37 làng, xã trong huyện Thủy Đường đã có công lao phò Vua, giúp nước chống giặc ngoại xâm qua các Triều đại (chỉ ghi đến họ, không ghi tên) và một tấm bia bị vỡ còn giữ lại được 1/3 ghi “Thứ vị hiền triết khoa hương”, hai khổ đầu bia ghi tên làng xã, tên họ và chức tước của 15 danh nhân, đến khổ thứ ba đã bị vỡ, chỉ đọc được 7 danh nhân, trong đó xã An Lư có 3 vị tiên sinh (họ Vũ có hai vị, họ Hoàng có một vị). Ngoài ra, còn một quả chuông đồng được đúc vào thời Nguyễn, cao 60 cm, ghi dòng chữ “Chung từ bản huyện”.

Danh sách các công hầu khanh tướng được ghi trong “Tiên hiền bi ký” (Cụ Trần Văn Phát, xã Thủy Triều dịch năm 1994, cụ Phạm Văn Te, ghi):

STTHọ, chức danhLàngNay thuộc xã
1Dương Chính Hầu Lê Tiên SinhTả QuanDương Quan
2Cát Tây Hầu Nguyễn Tiên SinhTả QuanDương Quan
3Nghĩa Lựu Hầu Nguyễn Tiên SinhPhục LễPhục Lễ
4Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhPhục LễPhục Lễ
5Thuần Lương Bá Nguyễn Tiên SinhPhục LễPhục Lễ
6Cẩm Lạc Hầu Nguyễn Tiên SinhPhục LễPhục Lễ
7Phương Chi Hầu Bùi Tiên SinhDãng ĐộngMinh Tân
8An Trung Hầu Vũ Tiên SinhDãng ĐộngMinh Tân
9Thái Bảo Nguyễn Tiên SinhDãng ĐộngMinh Tân
10Phò Mã Bá Tiên SinhDãng ĐộngMinh Tân
11Tổng Binh Nguyễn Tiên SinhQuỳ KhêLiên Khê
12Tuyên Quận Công Nguyễn Tiên SinhQuỳ KhêLiên Khê
13Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhQuỳ KhêLiên Khê
14Chỉ Huy Đảm Sứ Đỗ Tiên SinhThụ KhêLiên Khê
15Chữ Vệ Quận Công Lê Tiên SinhMai ĐộngLiên Khê
16Trung Bộ Thuỷ Quân Đào Tiên SinhThụ KhêLiên Khê
17Đô Lễ Bá Hoàng Tiên SinhKiền BáiKiền Bái
18Nhân Thắng Bá Hoàng Tiên SinhKiền BáiKiền Bái
19Thượng Tướng Quân Hoàng Tiên SinhKiền BáiKiền Bái
20Triều Vĩnh Bá Phạm Tiên SinhKiền BáiKiền Bái
21Thọ Dương Hầu Nguyễn Tiên SinhLưu Khê (2)?
22Chỉ Huy Đảm Sứ Đồng Tiên SinhLưu Khê?
23Đinh Lượng Hầu Lê Tiên SinhLưu Khê?
24Phó Tướng Quân Cù Tiên SinhLưu Khê?
25Thái Bảo Nguyễn Tiên SinhLưu Khê?
26Tổng Binh Vũ Tiên SinhPhúc LiệtLưu Kiếm
27Đô Chỉ Huy Sứ Đào Tiên SinhPhúc LiệtLưu Kiếm
28Lãnh Dương Hầu Lê Tiên SinhTrúc ĐộngLưu Kiếm
29Khanh Quận Công Lê Tiên SinhTrúc ĐộngLưu Kiếm
30Dương Quận Công Lê Tiên SinhTrúc ĐộngLưu Kiếm
31Thái Bảo Trần Tiên SinhViên KhêLưu Kiếm
32Cường Lễ Hầu Lê Tiên SinhViên KhêLưu Kiếm
33Hải Lâm Bá Đinh Tiên SinhPhả LễPhả Lễ
34Tiên Sơn Hầu Đinh Tiên SinhPhả LễPhả Lễ
35Tổng Binh Đàm Tiên SinhLâm ĐộngLâm Động
36Thái Bảo Nguyễn Tiên SinhLâm ĐộngLâm Động
37Lâm Thọ Hầu Cao Tiên SinhLâm ĐộngLâm Động
38Hùng Thắng Bá Đặng Tiên SinhLâm ĐộngLâm Động
39Đại Tướng Quân Nguyễn Tiên SinhLâm ĐộngLâm Động
40Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhLâm ĐộngLâm Động
41Tuấn Nghĩa Hầu Nguyễn Tiên SinhPhù LưuPhù Ninh
42Thuỷ Lộc Quận Công Nguyễn Tiên SinhPhù LưuPhù Ninh
43Vệ Xuyên Hầu Nguyễn Tiên SinhPhù LưuPhù Ninh
44Ân Vinh Hầu Nguyễn Tiên SinhPhù LưuPhù Ninh
45Khai Nội Hầu Lại Tiên SinhThường SơnThủy Đường
46Hùng Xuyên Hầu Phạm Tiên SinhThủy ĐườngThủy Đường
47Thống Lĩnh Hầu Phạm Tiên SinhThủy ĐườngThủy Đường
48Cẩm Trung Hầu Phạm Tiên SinhThủy ĐườngThủy Đường
49Dản Khê Hầu Nguyễn Tiên SinhLỗi DươngTân Dương
50Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhLỗi DươngTân Dương
51Cường Nghĩa Hầu Nguyễn Tiên SinhĐoan LễTam Hưng
52Quận Công Dương Tiên SinhĐoan LễTam Hưng
53Đô Chỉ Huy Sứ Lưu Tiên SinhDu LễTam Hưng
54Chỉ Huy Sứ Lưu Tiên SinhDu LễTam Hưng
55Kinh Lược Hầu Lưu Tiên SinhDu LễTam Hưng
56Chữ Vệ Đồng Tiên SinhBính ĐộngHoa Động
57Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhHuê LăngHoa Động
58Mạnh Đông Hầu Trần Tiên SinhMỹ CụChính Mỹ
59Thái Bảo Trần Tiên SinhMỹ CụChính Mỹ
60Phó Đông Hầu Trần Tiên SinhMỹ CụChính Mỹ
61Trương Đông Hầu Trần Tiên SinhMỹ CụChính Mỹ
62Đô Chỉ Huy Sứ Hà Tiên SinhTrịnh XáThiên Hương
63Vĩnh Lộc Hầu Nguyễn Tiên SinhTrịnh XáThiên Hương
64Cao Nham Hầu Nguyễn Tiên SinhPhù LiễnThủy Sơn
65Đô Chỉ Huy Sứ Đồng Tiên SinhPhù LiễnThủy Sơn
66Hùng Tướng Hầu Nguyễn Tiên SinhCao KênhHợp Thành
67Hùng Cường Bá Nguyễn Tiên SinhCao KênhHợp Thành
68Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhThái LaiCao Nhân
69Hám Đường Bá Quý Tiên SinhThái LaiCao Nhân
70Thái Bảo Phạm Tiên SinhThái LaiCao Nhân
71Mai Kiều Hầu Nguyễn Tiên SinhHoa Chương (Phương Mỹ)Mỹ Đồng
72Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhĐồng LýMỹ Đồng
73Hồng Quốc Công Nguyễn Tiên SinhHoàng PhaHoàng Động
74Đô Tuần Kiểm Thứ Lê Tiên SinhLôi ĐộngHoàng Động
75Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Tiên SinhTrung SơnNgũ Lão
76Dũng Quận Công Đỗ Tiên SinhMỹ GiangKênh Giang
77Đồng Giang Hầu Vũ Tiên SinhTràng KênhMinh Đức
78Tổng Binh Dương Tiên SinhChiếm Sơn(3)?

Với trách nhiệm của của thế hệ hiện tại, Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Thủy Nguyên tiếp tục có những chủ trương, việc làm nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa di sản, truyền thống học hành, để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Ghi chú:

(1). Sinh đồ: là người đỗ Tú Tài thời Lê Trung Hưng.

(2). Lưu Khê có thể là Diệm Khê, sau đổi thành Thiểm Khê, nay thuộc xã Liên Khê.

(3). Chiếm Sơn có thể là Chiếm Phương, nay thuộc xã Hòa Bình.

Bài viết liên quan