Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn Hải Phòng
Du lịch nông thôn được hiểu là một chuỗi hoạt động, dịch vụ, tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm mục đích khai thác thế mạnh của vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng nông thôn (bản, làng) với các cơ sở văn hóa làng (đình, đền, chùa, miếu), cơ sở sản xuất truyền thống, kết hợp đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông… gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp của cộng đồng dân cư. Du lịch nông thôn còn được hiểu là việc khai thác các giá trị tài nguyên đặc trưng của khu vực nông thôn để hình thành điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khác du lịch. Sản phẩm du lịch nông thôn được khai thác dựa trên các giá trị của khu vực nông thôn như môi trường sinh thái, cảnh quan, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề…
Trong giai đoạn hiện nay, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với xu hướng du lịch xanh, bền vững của thế giới. Đây cũng là một trong ba sản phẩm du lịch mới mà Việt Nam đang chú trọng phát triển, theo đó, những chính sách dành cho du lịch nông thôn cũng dần được khai thông…
Ngày 02/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình), đã mở ra nhiều hướng phát triển du lịch nông thôn. Đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Hải Phòng là thành phố công nghiệp, thành phố Cảng, tuy nhiên, Hải Phòng vẫn còn 8/15 đơn vị hành chính là huyện, 55% dân số nông thôn. Diện tích đất sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế nông thôn chiếm khoảng 34% (không kể đất lâm nghiệp) tổng diện tích đất thành phố. Vùng nông thôn Hải Phòng có nhiều lợi thế: không gian, cảnh quan đẹp; sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, riêng có, phong tục tập quán truyền thống của người dân miền biển; các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như rối nước, hát đúm…, ẩm thực và đặc trưng làng nghề truyền thống…. Điều đó cho thấy, Hải Phòng hội tụ các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch nông thôn.
1. Thực trạng du lịch nông thôn Hải Phòng
Trong thời gian qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn ở thành phố Hải Phòng đã được đầu tư khai thác. Theo số liệu thống kê, khu vực nông thôn thành phố Hải Phòng hiện có 27 cơ sở lưu trú du lịch với 966 phòng, tập trung chủ yếu tại các huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương, Kiến Thụy, trong đó có 07 cơ sở được xếp hạng từ 1 đến 5 sao (gồm 01 khách sạn 5 sao – Tổ hợp nghỉ dưỡng Sông Giá, huyện Thủy Nguyên với 138 phòng; 06 khách sạn từ 1 – 2 sao với 187 phòng).
Lượng khách đến du lịch ở vùng nông thôn ngày càng nhiều. Khách đi theo gia đình, nhóm bạn bè vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần, kỳ nghỉ hè. Nguồn khách du lịch nông thôn chủ yếu đến từ Hà Nội, các địa phương lân cận như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và người dân Hải Phòng. Lượng khách quốc tế đến khu vực nông thôn còn hạn chế, chủ yếu là khách tàu biển đến từ các nước Châu Âu (chủ yếu là Pháp), Châu Mỹ, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Khách quốc tế thường tham quan trong ngày.
Để phát huy tiềm năng du lịch, đồng thời mang lại lợi tích cộng đồng địa phương, một số địa phương đã được lựa chọn để xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông thôn để cải thiện sinh kế người dân và góp phần bảo vệ môi trường. Bước đầu, thành phố đã thực hiện khôi phục và khai thác các giá trị văn hoá nghệ thuật vùng nông thôn. Du khách tham quan được hoà mình vào nếp sống, sinh hoạt truyền thống của người nông dân vùng Đồng bằng Châu thổ sông Hồng; tìm hiểu về thưởng thức không gian văn hoá qua các làn điệu dân ca, làng nghề truyền thống, đời sống sinh hoạt của người dân bản địa, khám phá những món ăn dân dã. Một số mô hình du lịch cộng đồng đang phát triển tại xã Phù Long, Việt Hải, Xuân Đám, Trân Châu của huyện Cát Hải. Bên cạnh đó, nhiều người dân đã đầu tư mở rộng và phát triển các loại hình du lịch nông thôn, một số cơ sở đã có thương hiệu như: Nhà hàng Ngọc Linh (xã Phù Long – Cát Hải ), nhà nghỉ Long Phương (xã Việt Hải – Cát Hải), khu Đảo Bầu và Trường Thành Farm (huyện An Lão). Nhiều chủ trang trại, nông trại ở ngoại thành Hải Phòng đã chuyển hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó Trang trại Trường Thành Farm là một trong những địa điểm tiêu biểu, trang trại hoa phong lan của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Hồng Thái (huyện An Dương), mô hình trồng hoa tại xã Chính Mỹ và làng gốm tại xã Minh Tân (huyện Thuỷ Nguyên)… Sự phát triển của các mô hình du lịch sinh thái đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê và đời sống của người dân nơi đây. Người nông dân có thêm thu nhập và được tham gia vào hoạt động quản lý du lịch.
Đặc biệt, tháng 5/2022, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã ra mắt Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch” tại huyện Thủy Nguyên, gồm 33 thành viên, trong đó Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 7 người và 26 thành viên là những hội viên có mô hình du lịch. Mô hình Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch” sẽ góp phần huy động được lực lượng cán bộ Hội, hội viên nông dân có tâm huyết, yêu quê hương, mong muốn được tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, lan tỏa về những tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn của nông dân Thủy Nguyên nói riêng và Hải Phòng nói chung, cùng chung tay đưa ra một hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân trên địa bàn các kiến thức về kỹ năng làm du lịch, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, phát triển kinh tế dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân tham gia hoạt động du lịch, lựa chọn các hội viên nông dân có mô hình nông nghiệp quy mô, hiệu quả mong muốn được chuyển đổi gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, cán bộ, hội viên nông dân có trình độ, kinh nghiệm và am hiểu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân Thủy Nguyên… Đến nay, có 45 cá nhân cán bộ Hội viên nông dân, chủ mô hình nông nghiệp có đơn đăng ký tham gia Câu lạc bộ gửi về Huyện hội.
Các mô hình tham quan đều được kết nối thành một cung đường thuận tiện cho du khách di chuyển. Một số điểm hành trình đã triển khai như thăm mô hình nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã quý hiếm chim công, gà lôi tại xã Phục Lễ – trải nghiệm hái táo, vặt ngô tại cánh đồng táo và trải nghiệm câu cá, thưởng thức các hải sản đặc trưng tại xã Lập Lễ, thăm quan xưởng sản xuất bánh mứt của Công ty TNHH Hoàn Tiến tại xã Đông Sơn (sản phẩm được công nhận đạt OCOP Hải Phòng năm 2021), thăm quan cơ sở sản xuất giò chả của hộ sản xuất kinh doanh Nguyễn Tất Lương tại xã Lưu Kiếm (sản phẩm OCOP huyện năm 2021), … Du khách còn được tìm hiểu, khám phá về nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa, con người quê hương Thủy Nguyên thông qua việc thăm quan các làng nghề, các điểm du lịch tâm linh như làng nghề đúc đồng, Đền thờ Trạng Nguyên Lê Ích Mộc, Đền Tràng Kênh, di tích Bãi cọc Cao Quỳ…
Có thể nói, du lịch nông thôn góp phần mở rộng không gian tuyến điểm du lịch, bước đầu hình thành điểm đến mới, giảm bớt sự quá tải tại các trung tâm du lịch truyền thống của thành phố là Đồ Sơn và Cát Bà, góp phần gia tăng các hoạt động trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Du lịch Hải Phòng góp phần tạo nguồn sinh kế, tạo ra việc làm, đem lại thu nhập cao hơn so với hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần tuý, góp phần cải thiện đời sống của bà con nông dân. Đồng thời, du lịch nông thôn góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị truyền thống, phong tục tập quán đặc sắc địa phương và gìn giữ môi trường sinh thái; góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hoá, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc…
Tuy nhiên, du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố; việc phát triển du lịch nông thôn còn manh mún, tự phát, nhỏ lẻ. Đa số các hoạt động mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, kết nối. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình này chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, địa phương.
Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách, chưa chú trọng về thương hiệu. Sản phẩm du lịch nông thôn chủ yếu khai thác dựa trên cảnh quan nông thôn, sản phẩm nông nghiệp theo mùa. Hầu hết sản phẩm du lịch nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống trải nghiệm cho du khách ở mức đơn giản. Giá trị cốt lõi của nông nghiệp bản địa, văn hoá truyền thống, dấu ấn đặc trưng của thành phố chưa được khai thác chuyên nghiệp. Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không đủ kỹ năng để phục vụ khách một cách chuyên nghiệp.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhìn chung, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại khu vực này còn ít, quy mô nhỏ (chỉ có 04 khách sạn quy mô từ 50 phòng trở lên), chưa có loại hình lưu trú farmstay, homestay (trừ một số homestay đưa vào khai thác phục vụ du lịch tại xã Việt Hải, huyện Cát Hải). Nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các địa phương còn thiếu và hạn chế. Một số địa phương có thế mạnh và sự đa dạng và ẩm thực những quy mô nhỏ, không đủ khả năng phục vụ lượng lớn khách du lịch.

2. Một số giải pháp phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2023 – 2025
Du lịch nông thôn là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của không gian sinh hoạt, sản xuất tại khu vực nông thôn. Để hoạt động du lịch nông thôn phát triển hiệu quả trong giai đoạn 2023 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 hình thành và phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đạt chuẩn (làng văn hoá du lịch/làng du lịch cộng đồng) ít nhất 10 mô hình trang trại, khu trải nghiệm, trong đó có 05 mô hình tiêu biểu, đặc sắc. Hình thành và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, bao gồm các sản phẩm trải nghiệm.
Nhằm phát triển du lịch nông thôn theo mục tiêu đề ra, thành phố cần triển khai tốt một số giải pháp, cụ thể:
(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển du lịch khu việc nông thôn
Sở Du lịch cần có hướng dẫn rà soát, đánh giá tài nguyên, thực hiện phát triển dịch vụ du lịch của các xã nông thôn mới để quy hoạch mạng lưới điểm đến du lịch nông thôn đáp ứng các tiêu chí về khai thác giá trị cốt lõi nổi bật của địa phương, đảm bảo về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch nông thôn hấp dẫn khách du lịch.
Cần ban hành một số chính sách thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông thôn như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, xúc tiến quảng bá, hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân nông làm du lịch.
Thành phố cần hỗ trợ một số dự án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân, phục dựng mô hình sản xuất truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về khu vực nông thôn.
(2) Phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch nông thôn
Thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng kết nối tới các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển du lịch; đa dạng hoá những tuyến, điểm xe buýt nối liền từ trung tâm thành phố đến các điểm du lịch nông thôn để thuận tiện cho việc đi lại của du khách.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú, tiêu chuẩn hoá trang thiết bị tiện nghi, bảo đảm tính thẩm mỹ để không chỉ phục vụ tốt du khách trong nước và cả khách nước ngoài. Hệ thống cơ sở lưu trú này phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch khoa học, kiểu dáng, kiến trúc hài hòa, phù hợp với cảnh quan địa phương, giữ gìn và phát huy giá trị độc đáo của khu vục nông thôn.
Ngoài ra, thành phố cũng cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các địa phương đáp ứng các tiêu chí về quy hoạch nông thôn mới và điều kiện phát triển du lịch. Việc xây dựng cơ sở vật chất cần chú trọng tận dụng, khai thác những nét đặc sắc, độc đáo của vùng nông thôn, giữ gìn kiến trúc đặc trưng, thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá của vùng nông thôn.
(3) Tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn
Thành phố cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng nghề nghề về du lịch cần thiết cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình để phục vụ nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn như nấu ăn, phục vụ phòng, pha chế đồ uống, lễ tân,… Đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển du lịch nông thôn; đưa nội dung phát triển du lịch nông thôn vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo về du lịch trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của du lịch nông thôn. Vận động người dân nông thôn nâng cao ý thức trách nhiệm, có thái độ ứng xử văn minh. Phát triển du lịch nông thôn không chỉ đơn thuần là làm kinh tế mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân đối với quê hương. Việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ tạo ra bức tranh đặc trưng nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa cốt lõi.
(4) Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn
Thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới; Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề…; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới; Tổ chức các lễ hội (đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian,…), hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông thôn (tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm truyền thông, thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch…).
Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho du lịch nông thôn cần được coi trọng và thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như thông qua báo chí, truyền thông, kênh truyền hình, trang website, các trang mạng xã hội, hội chợ du lịch, … Thiết kế xuất bản các ấn phẩm quảng bá mang dấu ấn đặc trưng, nhận diện du lịch nông thôn; ưu tiên sử dụng các nông sản (rau, củ, quả, sản phẩm chăn nuôi sạch…). Đồng thời, thành phố cần tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã nông thôn mới phát triển du lịch với các doanh nghiệp lữ hành đề chào bán sản phẩm du lịch nông thôn cho du khách trong nước và nước ngoài.
(5) Phát triển hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới
Thành phố cần xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn hóa các dịch vụ phục vụ trong mô hình du lịch nông thôn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Triển khai các mô hình du lịch nông thôn với các tour du lịch nông thôn kiểu mẫu chuẩn mang tính lan tỏa; khuyến khích, hướng dẫn người dân tại các vùng nông thôn tham gia phát triển nông nghiêp sạch gắn với du lịch.
Sản phẩm du lịch nông thôn phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương, xây dựng những sản phẩm mới phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cầu du khách; bảo tồn các hình thức biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian như hát đúm, múa rối nước… ; phục dựng, phát triển một số hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống tiêu biểu của từng địa phương như tát nước, gặt lúa, thu hoạch… Chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử… qua đó góp phần tạo nên những nét riêng biệt cho sản phẩm du lịch nông thôn.
(6) Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn
Thành phố cấn xây dựng kế hoạch về lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn; Xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn; Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.
Có thể nói, du lịch nông thôn là một lĩnh vực mới, phát triển du lịch nông thôn trở thành một trong những giải pháp căn cơ, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời góp phần phát triển ngành du lịch và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố.
Tài liệu tham khảo
- “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022)
- Nghị quyết số 136/2016/NQ-HĐND ngày 22/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
- Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 17/8/2018 của Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018 – 2020;
- Báo cáo kết quả hoạt động năm 2019; Phương hướng nhiệm vụ năm 2020 ngành du lịch Hải Phòng;
- Báo cáo kết quả hoạt động năm 2020; Phương hướng nhiệm vụ năm 2021 ngành du lịch Hải Phòng;