Hải Phòng xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai Chương trình và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, hình thành một số vùng chuyên canh tập tập trung, nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách phát triển nông thôn của thành phố tiếp tục hướng tới mục tiêu “Chất lượng và bền vững”, trong đó phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay, tổng thu nhập của người dân nông thôn từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%. Do đó, để nâng cao thu nhập hơn nữa cho người dân nông thôn, bên cạnh phát triển dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp, thành phố cần tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp bằng nhiều hình thức. Mô hình vườn mẫu được hình thành là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Thế Phiệt, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Chiến Thắng (An Lão – TP. Hải Phòng) bên vườn nhãn của gia đình.

Trong giai đoạn 2022-2024, thành phố Hải Phòng phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có mô hình vườn mẫu, khu vườn mẫu đạt yêu cầu. Mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu có 1-3 khu vườn mẫu.

Với mục tiêu đề ra, thành phố đã đưa ra tiêu chí về xây dựng đánh giá vườn mẫu và những giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đó.

1. Tiêu chí xây dựng, đánh giá vườn mẫu tại Hải Phòng, giai đoạn 2022 – 2025

Xây dựng vườn mẫu Hải Phòng dựa trên các tiêu chí cụ thể:

(1) Có quy hoạch, thiết kế một (từ quy hoạch đã có của Chương trình xây dựng NTM thành phố) cách khoa học, hợp lý nhằm khai thác, bảo vệ hiệu quả hơn về tài nguyên đất, nước, tài nguyên thực vật, phát triển vườn theo hướng hiệu quả bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan.

(2) Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: có áp dụng ít nhất một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến khác vào các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và xử lý môi trường.

(3) Sản phẩm của vườn mẫu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố, địa phương chiếm tỷ lệ tối thiểu 70% tổng giá trị sản phẩm từ vườn.

(4) Thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đối với cây trồng, vật nuôi trong vườn mẫu cao hơn tối thiểu từ 1,3 lần so với thu nhập các vườn đại trà trong xã phường.

(5) Về môi trường – cảnh quan của vườn mẫu: Tỷ lệ hàng rào xanh đạt 70% tường rào; Tỷ lệ cây xanh, cây cảnh, cây ăn quả trong diện tích đất ở của hộ gia đình 20%; Chuồng trại chăn nuôi, ao hồ nuôi trồng thủy sản phải theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, hướng sản xuất hữu cơ hoặc hữu cơ; Đảm bảo đúng quy cách kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường (có sử dụng bể biogas hoặc chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường…; có ao chưa nước thải, nước cấp, nước lắng…). 

(6) Có hệ thống mương thoát nước thải đảm bảo vệ sinh, không ô nhiễm môi trường, chất thải rắn hộ gia đình trước khi tập kết tại điểm thu gom phải được phân loại. Các chất thải hữu cơ được ứng dụng công nghệ sinh học xử lý làm phân bón.

2. Một số giải pháp xây dựng vườn mẫu ở Hải Phòng, giai đoạn 2022 – 2025

Để thực hiện mục tiêu đề ra về xây dựng vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ trong xây dựng nông thôn mới, thành phố cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

2.1. Rà soát, khảo sát, lựa chọn điểm xây dựng mô hình vườn mẫu, khu vườn mẫu tại các huyện, quận

– Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân thành phố về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới …, Hội VAC cấp huyện quận lập, tổ chức thực hiện kế hoạch, đào tạo tập huấn, chuyển giao TBKT xây dựng vườn mẫu, khu vườn mẫu tại địa phương.

– Khảo sát, lựa chọn xây dựng mô hình toàn bộ các xã đạt chuẩn nông thôn mới (139 xã thị trấn), ưu tiên lựa chọn những xã đang xây dựng hoặc đã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu để xây dựng mô hình vườn mẫu, khu vườn mẫu.

– Chỉnh trang, liên kết các vườn mẫu đã được xây dựng thành khu vườn mẫu tập trung sản xuất hàng hóa ATTP, VietGAP, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với tiêu thụ, có truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

2.2. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến tại vườn mẫu, khu vườn mẫu giai đoạn 2022- 2024

2.2.1. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong hợp phần trồng trọt của mô hình vườn mẫu

– Đẩy mạnh triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trú trọng ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ tiên tiến: canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất cây trồng trong nhà lưới, sử dụng màng che phủ, hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động quy trình chăm sóc và bảo vệ thực vật, vòm che thấp, màng phủ nông nghiệp…

– Vườn mẫu sản xuất rau màu, cây quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chứng nhận và gắn nhãn mác sản phẩm; canh tác nông nghiệp hữu cơ… gắn tiêu thụ sản phẩm. Vườn mẫu có hợp phần sản xuất cây ăn quả tập trung tại các huyện An Lão, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, huyện Cát Hải, quận Đồ Sơn; Cây rau màu tập trung tại huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thụy, các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn.

– Vườn mẫu, khu vườn mẫu sản xuất cây hoa, cây cảnh tập trung phát triển tại huyện An Dương, Thủy Nguyên, An Lão, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Cát Hải, các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh. 

– Tuyên truyền mở rộng quy mô áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng cường chế biến gạo, rau màu, cây ăn quả; xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng gắn tiêu thụ tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy.

– Hợp phần vườn mẫu sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tập trung tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy

2.2.2. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong hợp phần chăn nuôi của mô hình vườn mẫu

– Tập trung tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển vật nuôi chủ lực: lợn, gia cầm. Những vật nuôi khác như: trâu, bò, dê, thỏ, thủy cầm, ong… phát triển phù hợp với từng vùng sinh thái và nhu cầu của thị trường; tăng cường áp dụng quy trình kỹ thuật hướng dẫn sản xuất chăn nuôi an toàn theo VietGAP.

– Về chăn nuôi lợn, gia cầm: Mở rộng mô hình đàn lợn ngoại cao sản, lợn địa phương (lợn Mán, lợn rừng); chăn nuôi theo hướng hữu cơ và hữu cơ; áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, chuồng trại theo hướng chăn nuôi công nghiệp và công nghệ cao gắn với công nghệ biogas, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường. Về chăn nuôi gia cầm: Áp dụng quy trình VietGAP, áp dụng chăn nuôi theo hướng hữu cơ, hữu cơ; đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học, acid hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, xử lý môi trường triệt để; ứng dụng tiến bộ về giống chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông màu (gà Liên Minh, Đông Tảo, Đông Tảo lai, gà Ri lai, gà siêu trứng…); phát triển giống vịt có năng suất chất lượng cao. Chú trọng chăn nuôi gia cầm sử dụng thức ăn vi sinh.

2.2.3. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong hợp phần nuôi trồng thủy sản của mô hình vườn mẫu

– Trong hợp phần thủy sản cần tăng cường áp dụng quy trình nuôi trồng và bảo quản chế biến sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm theo Quyết định số 457/QĐ-SNN ngày 10/8/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT; xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ.

– Phát triển mở rộng mô hình nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương; liên kết sản xuất theo chuỗi từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật, nuôi đến chế biến thủy sản. Phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong nuôi các sản phẩm thủy sản chủ lực như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao, cá rô phi,…Với nhóm đối tượng sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá rô phi áp dụng công nghệ biofloc, theo quy trình VietGAP… hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ở các quận, huyện: Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên. Với nhóm nuôi thương phẩm một số giống mới theo quy phạm VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm (Cua bùn Scylla serata, tôm càng xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng SPR, tôm thẻ chân trắng kháng bệnh SPF, rô phi chịu lạnh G1 và BFT).

2.2.4. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý chất thải trong sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản thành phân hữu cơ trong vườn mẫu

– Vận động nông dân không đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, ven đường đi, mương máng, công trình thủy lợi gây ô nhiễm không khí; Mở rộng ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, cải tạo độ phì đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tại các huyện quận.

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, ủ nóng hoặc ủ lạnh các phế phụ phẩm, chất thải của quá trình sản xuất nông nghiệp, thủy sản thành phân bón hữu cơ hoặc phân hữu cơ vi sinh.

– Vận động nhân dân phân loại rác ngay từ đầu nguồn (phân loại chất hữu cơ riêng, vô cơ, thành phần khác riêng) ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý mùi, phân hủy thành phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng, môi trường sống.

Ông Phạm Văn Dĩnh hiện trồng 6 sào cây ăn quả, mong muốn được Hội Làm vườn hướng dẫn làm mô hình vườn mẫu.

2.3. Mở rộng mô hình vườn sản xuất nông sản chủ lực, an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại vườn mẫu, khu vườn mẫu

– Tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thực hiện, áp dụng các chính sách có liên quan đến phát triển sản xuất hàng hóa gắn truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ vào vườn mẫu, khu vườn mẫu theo Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017, Nghị quyết 19/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND thành phố, Quyết định 3376/QĐ- UBND ngày 31/12/2019, Quyết định 150/QĐ-UBND ngày 25/06/2021 của UBND thành phố.

– Sản phẩm chủ lực tại vườn mẫu, khu vườn mẫu: Nhóm cây trồng, vật nuôi, chủ lực cấp thành phố gồm: rau củ quả an toàn, thuốc lào, hoa (lay ơn, đồng tiền, phong lan,…), cây cảnh (đào, quất); gà lông màu, lợn thịt chất lượng cao; tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, cá vược, trắm đen.

– Sản phẩm có lợi thế so sánh của các địa phương tại các vườn mẫu, khu vườn mẫu: Trên cơ sở lựa chọn một số sản phẩm địa phương để tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp,  gắn truy xuất nguồn gốc liên kết tiêu thụ sản phẩm.

– Các vườn mẫu, khu vườn mẫu cần được liên kết lại trong sản xuất, thu hoạch bảo quản, chế biến được gắn tem nhãn hàng hóa. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, trực tuyến (thương mại điện tử, Sàn TMĐT) đảm bảo tính bền vững trong khu vườn mẫu.

*

*       *

Xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn sẽ góp phần mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, nâng cao đời sống cho người dân và cộng đồng dân cư. Đồng thời mô hình có ý nghĩa nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động tổ chức, hướng dẫn thực hiện của các cấp chính quyền đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại thành phố Hải Phòng.

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *