Thời gian: 18/03/2023 09:25

Rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cụm từ “cách mạng công nghiệp” (CMCN) hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế áo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy…

CMCN lần thứ 4 đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, dặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á-Âu…, việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới để tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết. Ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong xu thế chung, thành phố Hải Phòng cũng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để chủ động tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết, Quyết định về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Sớm ban hành Kế hoạch triển khai các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Chủ động xậy dựng và triển khai các kế hoạch về: hỗ trợ xây dựng dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, trọng điểm cho doanh nghiệp; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển nhãn sinh thái thành phố Hải Phòng. Ký kết và triển khai thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ giữa thành phố và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Ký kết và phối hợp với Tập đoàn FPT triển khai các đề án về chính quyền điện tử, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Ký kết Bản hợp tác chiến lược về Viễn thông - Công nghệ thông tin với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT giai đoạn 2013-2020. Nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng Hải Phòng thành thành phố thông minh.

CMCN lần thứ 4 sẽ có tác động lớn, toàn diện đến mọi đối tượng, mọi ngành hay lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Mặt khác có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.

CMCN lần thứ 4 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Trong cuộc CMCN lần thứ 4, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Ví dụ, trong lĩnh vực Dệt may, Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cung cấp số liệu đáng lo ngại khi mà hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bới sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Cụ thể, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động In-đô-nê-xi-a trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.

Do những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ dẫn tói thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. CMCN lần thứ 4 dang đặt ra những phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. CMCN lần thứ 4 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với toàn bộ các ngành, lĩnh vực. Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với Việt Nam, trong thời gian tới, Hải Phòng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4. Hiện nay các quy hoạch, kế hoạch đang xây dựng của thành phố đã bước đầu tiếp cận, dự báo các tác động cũng như tận dụng những ưu việt của CMCN 4.0 để xác định các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội chung của toàn thành phố cũng như của từng ngành, lĩnh vực và từng quận, huyện. Điển hình là trong Đề án Rà soát, điều chỉnh và bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, khi đánh giá về bối cảnh quốc tế và khu vực đã có hẳn một nội dung đánh giá đậm nét về cuộc CMCN lần thứ 4, trên cơ sở đó đã xây dựng các phương án tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, trong quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố được xác định trong đề án đều có đề cập đến các thành tố của cuộc CMCN 4.0 như: xây dựng đô thị thông minh, giao thông thông minh, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử thành phố, định hướng phát triển lĩnh vực thông tin truyền thông, lĩnh vực khoa học công nghệ, về áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại, công nghệ cao trong sản xuất, tiêu dùng…

Trong thời gian tới, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường trực thẩm định về quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện cũng như tổng hợp xậy dựng quy hoạch, kế hoạch của thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục cập nhật những xu hướng của CMCN lần thứ 4 vào nội dung quy hoạch, kế hoạch, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương cập nhật xu hướng này vào quy hoạch của ngành, địa phương mình, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đồng thời tranh thủ được những thời cơ do CMCN lần thứ 4 mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và của từng ngành, địa phương nói riêng.

Hai là, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường kinh doanh năng động để thúc đẩy làn tỏa công nghệ.

- Tập trung tiếp cận, xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN lần thứ 4, trong đó bao gồm các nghiên cứu về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu…

- Khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển. Mở rộng hợp tác phát triển khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Ba là, chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với biến đổi nhanh của công nghệ và sự phát triển của CMCN mới, nâng cao năng suất lao động.

Dưới tác động của CMCN lần thứ 4, nhiều loại lao động sẽ tăng lên, nhiều loại sẽ giảm đi và cùng với đó, có nhiều lao động mới dự báo sẽ xuất hiện. Do đó, để thích ứng, người lao động cần phải sở hữu nhiều kỹ năng như quản lý, ký thuật số và cả những kỹ năng mềm. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Chúng ta cũng phải thay đổi rõ nét về mục tiêu, nội dung và cách thức đào tạo để tương thích với thời đại mới.

Xây dựng cơ chế đổi mới về chính sách đào tạo đặc thù cho ngành CNTT trong giai đoạn mới với mục tiêu tăng quy mô cả về số lượng và chất lượng.

Đối với lao động CNTT, cần đề cao tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Còn những lao động phổ thông khác, cần có kỹ năng làm chủ bản thân thời chuyển đổi số, kỹ năng tin học cũng như làm việc tập thể,…Ngoài ra, cần có những chính sách tốt nhằm thu hút nhân tài, nuôi dưỡng lực lượng khoa học tinh hoa, gắn họ với mục tiêu phát triển của đất nước.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thành công chính quyền điện tử, đổi mới chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố:

- Hoàn thành và triển khai thực hiện tốt Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng hình ảnh thành phố hấp dẫn, năng động.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Duy trì vị trí xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh; cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố.

Năm là, đổi mới mô hình tăng trường và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế:

- Tập trung thực hiện tốt câc nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chương trình hành động của Ban thường vụ Thành ủy và Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp phụ trợ, bắt kịp các xu hướng công nghệ của thế giới trong phát triển các ngành, lĩnh vực.

- Tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tập trung hỗ trợ cho các dự án phát triển sản xuất kinh doanh tiếp cận được xu hướng của CMCN 4.0 và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đô thị thông minh, giao thông thông minh, các dự án khoa học công nghệ, thông tin truyền thông sử dụng công nghệ thế hệ mới…

Trên đây là một số nội dung trao đổi, thảo luận về rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4 trên địa bàn thành phố Hải Phòng./.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264541
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn