Thời gian: 17/03/2023 09:20

Phát triển “du lịch thông minh” tại Hải Phòng trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ IV

Hải Phòng, đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Với những tài nguyên rừng - biển - đảo vừa mang nét chung của vùng Duyên hải Bắc bộ vừa mang những nét riêng, đặc thù của miền đất nơi đầu sóng ngọn gió với các di tích văn hóa, lịch sử và lễ hội đặc sắc.

Thành phố Hải Phòng có mật độ di tích lịch sử dày đặc, với 02 di tích quốc gia đặc biệt, 112 di tích lịch sử cấp quốc gia trong tổng số 436 di tích và hàng trăm lễ hội truyền thống đặc sắc của cư dân miền biển, hàng chục làng nghề truyền thống độc đáo, bằng chứng còn được lưu giữ là di chỉ công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá quý ở Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên; quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà triết học, nhà tiên tri và là danh nhân văn hóa ở thế kỷ 16. Ngoài ra, Hải Phòng còn là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước với hai trọng điểm du lịch nổi bật: Khu du lịch Đồ Sơn với Lễ hội chọi trâu truyền thống đặc sắc và Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời cũng là Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn biển của Việt Nam và là Di tích quốc gia đặc biệt. Đó chính là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu đối với mỗi con người, mỗi vùng đất trong quá trình phát triển.

Trong những năm qua, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố, Hải Phòng tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện, đây là cảng cửa ngõ chính của miền Bắc, nơi Hải Phòng hội nhập với khu vực và thế giới; đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu, đường Tân Vũ - Lạch Huyện; nâng cấp mở rộng sân bay Cát Bi;... thu hút được một số dự án du lịch lớn như: Khu vui chơi giải trí và công viên sinh thái cao cấp tại đảo Vũ Yên; Khu du lịch và vui chơi giải trí cao cấp Him Lam tại đảo Hòn Dấu - Đồ Sơn; Khu du lịch và văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (tập đoàn Xuân Trường); Khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch và khu dịch vụ hậu cần du lịch tại Cát Bà (tập đoàn Sungroup); Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp FLC Đồ Sơn,… là nền tảng, động lực tích cực góp phần làm mới sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tạo sức hấp dẫn du khách, thúc đẩy du lịch thành phố tăng trưởng mạnh, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng.

Về cơ sở vật chất phục vụ du lịch, hiện nay trên địa bàn thành phố có 446 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 9.498 phòng ngủ; 69doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 171 hướng dẫn viên quốc tế, 185 hướng dẫn viên nội địa.

Đến hết năm 2016, tổng khách du lịch đến thành phố đạt 5,96 triệu lượt, trong đó khách nội địa đạt 5,2 triệu lượt, chiếm gần 90% tổng lượng khách đến Hải Phòng; tổng thu du lịch ước đạt 2.374,4 tỷ đồng. Ước năm 2017, Hải Phòng đón và phục vụ 6.707.000 lượt khách du lịch, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm 2016, tăng 0,1% so với kế hoạch năm 2017.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành dựa trên công cuộc Cách mạng kỹ thuật số đã diễn ra từ thế kỷ trước, với đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ, đang tác động vào mọi ngành, mọi lĩnh vực ở nước ta. Ngành Du lịch cũng đứng trước yêu cầu nhanh chóng phát triển theo mô hình "du lịch thông minh" nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ, nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách. 

Hiện nay, trên thế giới xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng tăng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó có 35% du khách thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Tra cứu Google Trends cho thấy, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây. Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch,... Những yếu tố này là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng phát triển trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, với cách mạng 4.0 đã phủ khắp toàn cầu, việc sử dụng facebook hay dùng các phần mềm khác như viber, zalo… cho phép tương tác gần như tức thì, không chậm trễ ngay cả khi ở nước ngoài. Nên khi đi du lịch ở nước ngoài vẫn có thể giữ được liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân, cũng như giải quyết công việc.

Đồng thời, với du khách hiện đại ngày nay, di động là thiết bị trung tâm trong mọi kết nối của họ với thế giới số (digital). Báo cáo của Google cho biết 72% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), trung bình mỗi người sẽ dành 2 giờ mỗi ngày để sử dụng internet qua di động. Với số lượng người dùng di động lớn, đây là cơ hội để duy trì và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty ngành du lịch. Báo cáo cũng cho biết 3 nhóm ứng dụng hàng đầu khi đi du lịch, người Việt Nam dùng các ứng dụng tìm chỗ ở là phổ biến nhất với 53%, theo sau là tìm hướng dẫn du lịch 44%.  

Nắm bắt xu hướng trên, những năm gần đây, Sở Du lịch đã xây dựng website du lịch để thiết lập kênh quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch; lắp đặt các kios thông tin du lịch tại Sân bay quốc tế Cát Bi; sử dụng phần mềm số hóa các dữ liệu nhằm lưu trữ, quản lý và tra cứu thông tin về du lịch Hải Phòng; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền về hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của du lịch Hải Phòng trên các bản tin, phóng sự và chương trình chuyên đề về du lịch; liên kết, gắn logo tạo đường link với các website du lịch của các tỉnh, thành phố bạn nhằm hỗ trợ, mở rộng kênh tuyên truyền,...

Thời gian gần đây, bên cạnh hoạt động hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, bản thân các khách sạn, công ty du lịch lữ hành, khu nghỉ dưỡng… cũng chủ động đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh trực tuyến của chính mình. Họ nhận thức được rằng việc tham gia vào nền tảng thương mại điện tử sẽ cho họ thêm cơ hội để tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh bán hàng và tăng doanh thu. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch đã liên kết và sử dụng phần mềm đặt phòng toàn cầu qua website: agoda.com và booking.com; đây đều là những trang web đặt phòng khách sạn uy tín trên thế giới và được nhiều người lựa chọn. Và một số website đặt phòng khách sạn online ở Việt Nam như Vivu, Chudu24, MyTour, Vntrip đã mang lại lựa chọn phong phú và tiện lợi cho khách hàng. Trong số đó, chỉ có Vntrip, MyTour là có ứng dụng trên di động. Một số đơn vị lữ hành như Viettravel, Saigontourist, Hải Phòng Toserco, Thiện Nguyện Travel, Alo Tour,.. đã thể hiện được vai trò tiên phong trong ứng dụng website, mạng xã hội... để làm gia tăng đáng kể các giao dịch thương mại trực tuyến về du lịch. Việc ứng dụng e-marketing và e-commerce giúp phạm vi hoạt động của các công ty du lịch của thành phố được mở rộng, vượt ra khỏi giới hạn địa lý, từ đó tiết kiệm chi phí so với các giao dịch cứng đòi hỏi phải trải qua nhiều thủ tục và sự đầu tư về thời gian, vật chất. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch Hải Phòng cũng đã bắt đầu từ việc cơ bản - số hóa dữ liệu, bao gồm cập nhật thông tin tour, tuyến, chương trình ưu đãi, hoạt động của doanh nghiệp lên website; ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng; nâng cấp phần mềm điều hành tour; triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách...

Tuy nhiên, hiện chỉ có một số doanh nghiệp du lịch lớn mới tỏ ra năng động và ứng dụng tương đối hiệu quả các tiện ích của internet trong việc xúc tiến, kinh doanh du lịch. Còn một số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn lúng túng, thực hiện còn manh mún, thiếu chiến lược cho nên hiệu quả chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đại đa số các doanh nghiệp du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Thực tế này buộc tất cả các bộ phận trong ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cung cấp sản phẩm - dịch vụ du lịch, đều đứng trước yêu cầu phải thực hiện quá trình chuyển đổi số càng sớm càng tốt, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh. Hệ thống dữ liệu thông minh này sẽ thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát hiện nay, được tất cả các thành phần trong ngành du lịch cùng xây dựng và khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa được xu hướng và nhu cầu của các du khách.

Nắm bắt các cơ hội, tiện ích vượt trội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại, thời gian tới ngành Du lịch cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, Sở Du lịch xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Hải Phòng. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là công cụ hữu hiệu phục vụ 3 nhóm đối tượng chính là người quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Thời gian qua, Sở đã áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp, cụ thể: Phần mềm Văn phòng điện tử Portal Office trong công tác chỉ đạo điều hành tại Sở; Phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực Du lịch (như quản lý tài nguyên du lịch; quản lý cơ sở lữ hành; quản lý cơ sở lưu trú;…) phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ; Xây dựng và áp dụng Dịch vụ hành chính Công trực tuyến mức độ 4 tích hợp Phần mềm “Một Cửa” áp dụng cho 17 Thủ tục hành chính của Sở Du lịch (đây là mức độ cao nhất trong việc cung cấp và giải quyết thủ tục hành chính) phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Du lịch nhằm hệ thống hóa quy trình xử lý công việc hợp lý, khoa học, phù hợp với quy định của pháp luật góp phần xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực hiệu quả hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính và phục vụ (theo đúng tinh thần Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 09/5/2017 của UBND thành phố Hải Phòng)...

Thời gian tới, ngành Du lịch  sẽ ứng dụng công nghệ thông tin mạnh hơn nữa với việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, phát triển chính quyền điện tử, đổi mới môi trường phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo,…

Thứ hai, thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch bài bản để thu hút sự tham gia của cộng đồng qua các kênh truyền thông online như chương trình Mega Selfie, đặt các camera lớn ở các điểm du lịch nổi tiếng để khách tự chụp ảnh. Các ảnh này sẽ được chuyển trực tiếp về các website liên quan để bầu chọn, trao giải ảnh đẹp… tham gia sàn giao dịch trực tuyến về du lịch www.tripi.vn của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho phép khách hàng được trực tiếp tiếp cận với hàng nghìn tour du lịch, các dịch vụ đặt phòng khách sạn, vé máy bay của các công ty để so sánh chất lượng, dịch vụ, giá cả và thực hiện giao dịch trực tuyến.

Thứ ba, Sở Du lịch Hải Phòng cũng định hướng cho các doanh nghiệp du lịch cần ưu tiên đầu tư cho công nghệ thông tin bao gồm cả phần cứng và phần mềm, tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả mạng xã hội. Đầu tư xây dựng website thân thiện với điện thoại thông minh, tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động và số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn. Để nâng cao hiệu quả e-marketing và e-commerce trong du lịch, Sở Du lịch và các công ty du lịch sẽ tiến hành đa dạng hóa nền tảng website để thân thiện hơn với thiết bị di động; ứng dụng quảng bá qua các video clip và sử dụng truyền thông facebook hiệu quả. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp du lịch cần có nền tảng vững chắc về công nghệ, đón đầu những ứng dụng của điện thoại thông minh, khai thác tối đa khả năng tương tác với khách hàng qua nhiều giải pháp khác nhau. 

Với những việc làm cụ thể này, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới, du lịch Hải Phòng sẽ từng bước hiện đại, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tăng tính cạnh tranh và từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Hải Phòng trong lòng du khách./.

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264630
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn