Là một khu vực đã có cư dân Việt cổ cư ngụ làm ăn từ thủa Văn Lang, đến những năm bắc thuộc trở thành nơi nữ tướng Lê Chân gây dựng căn cứ để chống nhà Đông Hán. Mảnh đất nội thành Hải Phòng hiện nay đã được người Việt lập kế sinh nhai hơn nửa thiên niên kỷ. Hơn nữa, do là nơi chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng, địa thế địa đầu hiểm trở, là cửa ngõ biển vào kinh đô Đại La - Thăng Long, các vương triều Việt Nam đã từng có nhiều chiến tích lừng lẫy trong lịch sử chống xâm lược ở vùng đất này. Thời nhà Mạc, Hải Phòng (Dương Kinh) trở thành kinh đô thứ 2 với quy mô xây dựng khá đồ sộ, đặc biệt thời đó, một số thương cảng đã được xây dựng để đóng vai trò giao thương quốc tế cho quốc gia. Với chuỗi phát triển hệ thống, liên tục, có thể khẳng định rằng Hải Phòng đã trở thành một bộ phận cấu thành chiến lược, thuộc nhóm quan trọng nhất với phát triển đất nước trong lịch sử. Tuy nhiên, về phát triển đô thị, Hải Phòng lại chỉ mới được hình thành thời Pháp thuộc 1888, từ một số tiểu khu duyên hải phồn thịnh, từ đó đã nhanh chóng trở thành một trong bốn đô thị trụ cột của đất nước suốt chặng. Đến nay, đô thị “mới” Hải Phòng sau gần 150 năm phát triển, đặc biệt là trong vòng gần 80 năm từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công (1945), đã trở thành Thành phố loại I, là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị Biển vào loại lớn nhất cả nước, có một tầm quan trọng không thể thay thế với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Việt Nam hùng cường, hội nhập và sánh bước năm châu bền vững.
Trong sự phát triển đó của thành phố, về mặt Quy hoạch và Văn hóa - Kiến trúc, lõi đô thị được hình thành từ những ngày đầu tiên, vẫn vẹn nguyên vai trò vị trí cho đến hôm nay, chính là “Khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng”. Nói đến khu đô thị trung tâm thành phố Cảng đã phát triển trong giai đoạn gần 150 năm, đặc biệt là các di sản đô thị thời Pháp thuộc, gần như đến nay từ tổng thể đến chi tiết, vẫn hiện diện khá ổn dịnh về cấu trúc, không gian và hình thái so với các đô thị khác trong nước hình thành đồng thời. Chúng ta nhìn nhận, đây là một tài sản vô giá ở tầm quốc gia, chứ không riêng chỉ với thành phố Hải Phòng. Việc đặt ra yêu cầu “Bảo tồn và phát huy giá trị” khu vực này của thành phố, trong giai đoạn vừa qua đã là những bước đi tương đối được coi trọng. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, khi cấu trúc đô thị có nhiều điều chỉnh, đổi thay theo yêu cầu phát triển, cũng như thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa theo đường lối của Đảng, chủ trương của Quốc hội và quyết sách của Chính phủ, thì việc đặt ra yêu cầu càng phù hợp hơn bao giờ hết. Đồng thời, với hệ chủ trương - quan điểm hiện nay, chúng ta cũng cần đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy trong tiến trình khai thác để phục vụ phát triển, chứ không dừng lại như cách thường làm trước đây, sau bảo tồn tôn tạo thì để yên, gìn giữ.
Vậy thì, việc bảo tồn và phát huy cần dựa trên những cơ sở nào, bắt đầu từ đâu, triển khai như thế nào, làm sao cho có hiệu quả? Đây là những nội dung vừa có tính phổ quát như thế giới vẫn làm, vừa cần những cách thức riêng phù hợp với loại hình đô thị. Về khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng, chúng tôi cho rằng cần chú ý một số nội dung cơ bản:
I. Về các cơ sở nền tảng
Cần căn cứ đầy đủ các cơ sở pháp lý về chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước và các nghị quyết sách lược của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố; Các cơ sở khả thi về kỹ thuật trên thực tế hiện trạng; Đặc thù văn hóa vùng miền với các dự báo nhu cầu khai thác tương lai, có tính toán khoa học và xã hội đầy đủ; Phải đặt ra bài toán có lời giải về hướng nhập cuộc của khu vực trong phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố. Từ đó xác lập tiềm năng bảo tồn dựa trên các tiêu chí cơ bản (như thông lệ quốc tế): Đặc tính nhận diện, cảm nhận địa phương, các mối quan hệ nội tại, kiểu dáng phong cách, kỹ thuật và vật liệu. Trên tinh thần chung “Các di sản kiến trúc đô thị cần được bảo tồn, cải tạo phù hợp, trở thành những thành phần bình đẳng trong các đô thị hiện đại. Chúng cần được duy trì, cải tạo trong sự phát triển tiếp nối ở mỗi đô thị. Sự phát triển sẽ trở thành vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho công việc bảo tồn, phát huy hữu ích di sản quá khứ trong đô thị đi vào tương lai”. Một số điểm cụ thể có thể xem xét:
1. Xác lập đặc điểm khu đô thị trung tâm truyền thống
- Qua nghiên cứu khảo sát, ta có thể thấy khu này của thành phố có các đặc điểm rõ rệt: Ranh giới khá rõ ràng; cấu trúc đường phố có đặc trưng riêng, sáng tạo từ hình thái vùng đất có kết giao nhiều dòng sông; có gắn đa chức năng dân dụng, công nghiệp và cảng biển (điều này là khá đặc biệt riêng có); cấu trúc đô thị trong quá trình phát triển được nới dần một cách tuần tự và tổng thể còn giữ lại được khá nguyên bản, kể cả từng công trình; sở hữu truyền thống và hiện tại cơ bản không phải tư nhân mà là sở hữu công; đặc trưng hoạt động đô thị từ ngày hình thành đến nay khá ổn định chức năng; đô thị phát triến đến ngày nay, vùng này vẫn giữ vai trò là vùng lõi như quá khứ.
- Về tiêu chí xây dựng: Đây là nội dung có tiềm năng tốt để bảo tồn cấu trúc tổng thể; có tiềm năng đầy đủ để bảo tồn cấu trúc thành phần; cảnh quan khu vực đô thị có đầy đủ yếu tố bảo tồn dạng đặc thù; các công trình quan trọng tại chỗ đều có khả năng bảo tồn riêng trong đồng hướng, đồng cấp độ.
- Có thể đi đến nhận định về phương pháp bảo tồn, phát huy cho đô thị trung tâm: Xác lập quỹ di sản kiến trúc từ hệ thống di tích, công trình có giá trị tốt, tính toàn vẹn của di sản đảm bảo, kỹ thuật vật liệu có chất riêng của vùng miền. Hình thái đô thị được ổn định dài hạn bởi ranh giới khu vực, cấu trúc đường phố, kiểu dáng kiến trúc, tương quan tạo lập không gian, mối liên hệ kết nối. Cảnh quan đô thị khá đặc sắc về: kiến trúc mặt phố, diện mạo đô thị, khung cảnh tự nhiên, khuôn hình văn hóa, kiển cách thể loại đồng ngữ và di biến. Tinh thần văn hóa đô thị biểu đạt ở: Hoạt động đường phố, tinh thần địa điểm, cảm nhận lịch sử, môi trường thẩm mỹ, ứng xử tự nhiên khá đặc thù.
2. Cần xác định rõ đặc trưng riêng khác trong hình thành đô thị trung tâm Hải Phòng với các đô thị Việt Nam
- Chung rõ rệt: Hình thành từ yếu tố tiền đồn kết hợp giao thương phía biển. Không gắn liền với thành lũy phòng ngự, không bắt đầu từ một điểm tụ cư truyền thống để phát triển kiểu “làng” lên “phố” như phần lớn đô thị ở Việt Nam, không nằm trên tuyến giao thông huyết mạch xuyên quốc gia lâu đời. Hải Phòng là đô thị hoàn toàn mới được hình thành từ khu đất trống, quy hoạch và xây dựng chủ động ngay từ đầu theo tầm nhìn của nhà chuyên môn, từ hình thái và địa hình địa mạo vùng đất, cho những chức năng được ấn định. Điểm khởi phát là đồn trú của quân binh thực dân xâm lược.
- Từ ngày hình thành cho đến nay ít thay đổi: Có cấu trúc quy hoạch dạng ô cờ linh hoạt dựa trên 2 trục chính vuông góc Paul Bert (hiện là Điện Biên phủ) và Amiral Courleet (hiện là Hoàng Văn Thụ). Tuyến cảnh quan trung tâm được hình thành dọc kênh Bon-Nan tạo thành vệt cong bao trọn khu phố, ngăn cách với khu phố bản xứ (được phát triển theo hệ xương cá). Đây cũng là một sự phân cách tài tình vừa tạo được sự cách biệt, vừa có tính kết nối liên thông uyển chuyển. Nhà hát thành phố gắn với quảng trường công cộng được đặt ở ranh giới hai vùng quyền quý - bình dân tạo nên như một dấu nối thành công về dung hòa hoạt động giữa hai miền khác biệt này.
- Bến Bính làm nên một thành tố đặc thù, gợi sâu về ý nghĩa nơi chốn riêng Hải Phòng đậm nét, đồng thời tạo thành tuyến giao thương thủy quan trọng nhất. Hệ thống sông hồ nội thị đan kết, làm cho sự đặc sắc của đô thị thể hiện rõ rệt. Việc kết nối tới bến cảng liên biển đã tạo nên một sức sống công nghiệp từ rất sớm, tạo tiền đề tốt cho hội nhập quốc tế của phố thị trong quá trình phát triển.
3. Đặc điểm hoạt động, phong cách kiến trúc, hệ phổ cập di sản
- Trong một vùng đô thị có diện tích hạn chế, nhưng lại có sự kết hợp không tranh chấp giữa các yếu tố Á-Âu, Việt-Hoa... mà mỗi loại hình đều để lại thần thái khá đậm nét về văn hóa. Tất cả góp phần hình thành, thể hiên và giữ vững tính cách đặc trưng của vùng đất, và cả con người nơi đây: Cởi mở, phóng khoáng, mạnh mẽ, bộc trực và nhạy bén trong nhập cuộc thời đại, dễ dàng chấp nhận cái mới, kể cả đôi khi đột ngột và dị biệt.
- Phong cách kiến trúc khu trung tâm truyền thống: Tuy đa dạng về chủng loại không thua kém mấy so với Sài Gòn, Hà Nội, nhưng lai được giản lược và vâm váp hơn kể cả tạo lập và hoàn thiện. Chúng ta vẫn gặp ở đây các phong cách thực dân tiền kỳ, cổ điển - tân cổ điển, châu Âu - địa phương, Pháp - Đông dương... với các thức Neogothic, Ardecor, Cận hiện đại... nhưng lại kề nhau với một mật độ dày, mà hầu như không có đô thị nào ở Việt Nam tìm thấy. Còn nữa, như đã nói ở trên, tuy ít tinh xảo, trau chuốt, nhưng có hơi hướng thể hiện được tinh thần gai góc của người bản địa và rất chú ý cải tiến mới.
- Hệ thống di sản ở đây thể hiên rõ được các tích hợp: Về giá trị lịch sử văn hóa; giá trị về hình thái và cấu trúc thị; giá trị về cảnh quan đô thị; giá trị về sử dụng lâu dài gắn kết với vận hành xã hội và hoạt động đô thị; giá trị về kiến trúc kết nối thế giới và bản địa; giá trị biểu hiện sự phát triển đô thị qua các thời kỳ.
II. Giải pháp cho quá trình thực hiện sắp tới
1. Nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy khai thác
Tuyệt đối không được vì lợi nhuận mà làm tổn hại đến di tích, nhất là biến dạng, thay đổi; lựa chọn hoạt động đô thị thích ứng ở những khu vực đặc trưng và quan trọng; có lồng ghép hài hòa khía cạnh phi vật thể song hành với khía cạnh vật thể trong khai thác đồng bộ; Chú ý tính đa dạng hóa truyền thống kết hợp bản sắc riêng có để quảng bá, giới thiệu và thu hút; Khơi dậy niềm tự hào thông qua tổ chức lễ hội có bề dày vùng miền, kết hợp lễ hội “du nhập”thích hợp; bản thân cộng đồng cư dân tại chỗ phải là lực lương tham gia khởi tạo và đóng vai trò nòng cốt; việc khai thác phải nghiên cứu theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa, nghĩa là phải khả thi tạo ra hiệu quả kinh tế thặng dư.
2. Quan điểm bảo tồn và phát triển
Đảm bảo sự song hành giữa bảo tồn và phát triển, coi phát triển là động lực để thực thi các chương trình bảo tồn; huy động khởi phát từ nhiều nguồn lực một cách linh hoạt. nguồn nhân lực phải cả hệ thống chính quyền, cộng đồng và giới chuyên môn. Nguồn vật lực đa dạng gắn với tính khả thi hoàn vốn và tự nuôi sống; phát huy khai thác tối đa tiềm năng di sản phục vụ cho phát triển, nhưng phải là phát triển bền vững.
3. Nội dung bảo tồn
Bảo tồn cả vùng đô thị với cấu trúc tổng thể và thành phần, bảo tồn không gian cảnh quan chung và các cảnh quan đặc thù, bảo tồn các hoạt động “quen thuộc” kết hợp chức năng mới phù hợp nhu cầu phát triển; Bảo tồn kiến trúc: công năng các công trình theo chức năng hoạt động, phong cách và nghệ thuật kiến trúc, bảo tồn theo các loại hình kiến trúc đã hình thành và đang tồn tại - kết hợp xem xét sự hợp lý về chuyển dịch chức năng; xác định rõ ranh giới cần bảo tồn cho cấu trúc tổng thể và cấu trúc thành phần.
4. Xác định quy mô thực hiện
Cần phân định rõ các vùng không gian đô thị, các khu vực cảnh quan, các công trình kiến trúc thuộc diện giữ nguyên và tôn tạo, tức là giữ nguyên công năng sử dụng trong gắn kết tổng phổ. Đối với các công trình đã, đang và sẽ chuyển đổi chức năng, nhất là hệ thống trụ sở làm việc của các cấp chính quyền hiện tại (khoảng trên 20 công trình lớn nhỏ), các công trình này thực tế hiện đang đóng vai trò chủ đạo trong hình thành không gian khu lõi. Các công trình này, khi chuyển đổi công năng cần chú trọng: triệt để chống lãng phí về khai thác sử dụng; giữ được nguyên vẹn hình thái và tinh thần hồn cốt nơi chốn; chức năng mới cần lựa chọn là chức năng công cộng, có khả năng kết nối cộng đồng cao, đó có thể là: Các loại bảo tàng chuyên đề đặc sắc giới thiệu quốc gia và quốc tế lĩnh vực, loại hình, dịch vụ đa dạng, không gian nghệ thuật và văn hóa sáng tạo có khả năng tương tác cao, nhất là đối tượng trẻ. Các không gian này cũng nên dành một tỷ lệ lớn nhất có thể cho các chức năng linh hoạt, có thể chuyển đổi đơn giản theo chủ đề và thời gian. Có thể nói, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy để phát triển có tạo được đột phá và hiệu quả không phần lớn phụ thuộc vào lại di sản sẽ chuyển đổi chức năng này.
5. Nhiệm vụ và giải pháp
- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức: Cần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vai trò và tiềm năng phát triển. Có thể thông qua nhiều hình thức linh hoạt như hội thảo, giao lưu, trưng bày giới thiệu... Tổ chức sự kiện hoạt động gắn với nội dung bảo tồn, tôn tạo, khai thác. Xây dựng trang mạng và các nền tảng truyền thông số để kết nối và chia sẻ việc triển khai các giai đoạn, đồng thời tuyên truyền trên mạng truyền thông chính thống. Nên có chương trình nghiên cứu sâu kỹ, chuyên biệt về khu vực để cung cấp sự hiểu biết chuẩn chỉ và hướng định bảo tồn phát triển cho toàn hệ thống. Phải xây dựng để hình thành được thương hiệu riêng cho “Phố cũ trung tâm Hải Phòng”.
- Hoàn thiện các quy định về chính sách bảo tồn phát triển chung và riêng căn cứ vào hệ thống văn bản quốc gia quy định. Khả thi về hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào bảo tồn tôn tạo với đề xuất phát huy khai thác, quản lý hiệu quả. Chú ý chính sách hợp tác công tư. Nên hướng tới cơ chế giao quyền tự chủ trong khuôn khổ tuân thủ luật pháp. Hướng triển khai phải với mục tiêu bảo tồn đi đôi với phát triển và khai thác hiệu quả, trong đó chú trọng hiệu quả văn hóa và hiệu quả kinh tế.
- Nguồn nhân lực triển khai ở đây cũng phải hướng tới tính chuyên nghiệp. Trên cơ sở kết nối ba thành phần phục vụ: Nhà quản lý theo pháp luật, cộng đồng là đối tượng tương tác, các nhà chuyên môn là lực lượng tạo dựng. Hướng tới thành phần trung tâm quan trọng nhất là các đối tượng sử dụng khai thác trên tinh thần tương tác. Tổ chức đào tạo kỹ năng vận hành khai thác, khuyến khích các mô hình khai thác phát triển có hiệu quả, thu hút các tài năng sáng tạo tham gia.
- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới: Kể cả trong bảo tồn, tôn tạo và vận hành. Lấy mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa làm trọng tâm để theo đuổi, tạo lập kết quả. Chú ý các sáng tạo tương thích trên nền tảng truyền thống nhằm tao được sức hút tương tác của các đối tương đa dạng, kể cả trong nước và đến từ quốc tế.
- Thu hút và hỗ trợ đầu tư: Dựa trên 2 mục tiêu chính, phải giữ được không bị mai một truyền thống và ký ức, di sản đô thị, có khả năng phát huy khai thác hiệu quả tốt về kinh tế để phụ vụ bảo tồn, tôn tạo và phát triển một cách cân bằng. Đặc biệt chú trọng khía cạnh thu hút doanh nghiệp về đầu tư và khai thác hiệu quả, tức là lấy huy động nguồn xã hội hóa làm động lực chính, kể cả việc gây quỹ bảo tồn tôn tạo. Trọng tâm nhất là, chú trọng khai thác hiệu quả các thể loại công trình chuyển đổi công năng.
- Tham gia phát triển thị trường: đặc biệt là thị trường khai thác du lịch của thành phố. Tìm hướng tạo sản phẩm hưởng thụ đặc trưng cho khu vực. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho khu vực. Hướng tới trở thành trung tâm dẫn hướng phát triển về công nghiệp văn hóa các lĩnh vực thích ứng chung cho thành phố.
- Chú trọng việc xây dựng thương hiệu trong mạng chung quốc gia, vượt giới hạn ảnh hưởng trong nước, trở thành điểm sáng văn hóa trong thu hút giao lưu hội nhập quốc tế.
Lời kết, Khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng đã, đang là một tài sản vô cùng quý giá của Việt Nam, cũng như miền đất “Hoa phượng đỏ”. Việc bảo tồn tôn tạo và phát huy là cần thiết và đúng lúc hơn bao giờ hết. Chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về quy hoạch xây dưng đô thị bền vững càng cho thấy sự cần thiết đó. Hải Phòng, thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương đang được điều chỉnh về quy hoạch nhằm để phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn, giữ vững và phát huy vai trò là đầu tàu trong các thành phố có cảng biển của Việt nam - Đô thị Biển, một loại hình đô thị đang phát triển nhất trong các loại hình đô thị trên thế giới. Với những lý do đó, với mục tiêu tất cả vì sự phát triển Chính trị - Kinh tế - Xã hội - Văn hóa của thành phố nói riêng và đất nước nói chung hướng tới phải thực sự có nhiều đột phá, sáng tạo, thành công. Hi vọng rằng: Kết quả của Hội thảo lần này góp một phần nền tảng cho việc hoạch định chính sách, chương trình, và thực thi triển khai có hiêu quả trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy vốn quý sẵn có vì sự phát triển tới tương lai rộng dài, rực sáng.