Thời gian: 17/04/2023 03:20

Khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng: Quá trình hình thành và những giá trị tiêu biểu

Hải Phòng - một vùng đất nơi cửa sông ven biển, nơi được coi là phên dậu phía Đông của Tổ quốc (nhìn từ kinh đô Thăng Long - Hà Nội) đã sớm được hình thành trong lịch sử, gắn liền với những truyền thuyết về công cuộc khai hoang mở đất của những con người ven biển, với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm. Song, phần nhân lõi của vùng đất ấy, phần năng động và phát triển mạnh mẽ, ghi dấu ấn trong tâm thức người Việt là phần đô thị/ nội đô/ khu đô thị trung tâm thành phố lại hình thành khá muộn vào những năm 70 của thế kỷ XIX.

I. Quá trình hình thành đô thị Hải Phòng từ 1874 đến 1888

Trong chiến lược mở rộng vùng chiếm đóng, bình định ra Bắc Kỳ, ngày 15/3/1874, chính quyền thực dân Pháp đã buộc triều đình Huế ký hiệp ước Giáp Tuất (còn gọi là hiệp ước Philastre), trong đó điều khoản quan trọng nhất là mở một số cửa biển của Việt Nam phục vụ cho công cuộc giao thương của người Pháp, trong đó có cửa Ninh Hải của Hải Phòng, bắt đầu cho công cuộc khai thác xứ sở Vân Nam giàu có.                Hiệp ước năm 1874 không chỉ biến cửa Cấm trở thành điểm đầu của tuyến giao thương cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam, mà còn là cơ sở cho sự xuất hiện của những người Pháp đầu tiên ở vùng đất duyên hải ven biển sau khi họ rút khỏi Hà Nội và các tỉnh thành xung quanh, biến Hải Phòng từ một lũy trị sở phong kiến với chức năng “phòng thủ bờ biển” trở thành một vùng có sĩ quan, quân lính Pháp đồn trú.

Sau hiệp ước Giáp Tuất, ngày 31/8/1874, thực dân Pháp đã buộc triều đình nhà Nguyễn ký một bản hiệp ước thương mại chính thức hóa việc mở cửa biển ở Ninh Hải, bước đầu trao quyền quản lý Sở Thuế đoan cho người Pháp. Chỉ một năm sau, đến tháng 5/1875, Pháp đặt cơ quan lãnh sự tại Ninh Hải, chính thức ban hành “đạo luật quan thuế”, đảm bảo độc quyền cảng Hải Phòng cho chính quyền thực dân. Như vậy, với hiệp ước Giáp Tuất 1874, thực dân Pháp đã được đặt “lãnh sự” với 100 quân thường trú ở Hải Phòng. Từ hiệp ước thương mại, thực dân Pháp tiến thêm được một bước nữa khi nắm quyền kiểm soát các hoạt động thương mại, xác lập đặc quyền kinh tế khi quản lý các hoạt động thuế quan, quyết định cho phép hay không cho phép tàu thuyền nước ngoài ra vào, trong khi đó tàu thuyền của Pháp (trong đó có cả tàu chiến) được tự do ra vào và chiếm đóng ở cửa cảng. Nói cách khác, các hiệp ước này đã từng bước tập trung quyền quản lý và khai thác cảng thị Hải Phòng vào tay chính quyền thực dân, điều này cũng đồng nghĩa với việc thành phố cảng trẻ tuổi này từng bước được dựng xây dưới bàn tay của người Pháp.

Hoạt động xây dựng ở vùng đất Hải Phòng giai đoạn 1874 - 1888 có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu 1874 - 1883 là giai đoạn xây dựng cơ bản “cầm chừng”, giai đoạn 1883 - 1888 là giai đoạn xây dựng tập trung “hình thành” diện mạo đô thị.

Giai đoạn 1874 - 1883: Đây là giai đoạn đặc trưng bởi hoạt động xây dựng cầm chừng của chính quyền thực dân do những tranh cãi về vị trí xây dựng cảng lớn ở xứ Bắc Kỳ còn nhiều mâu thuẫn, chưa thống nhất. Hải Phòng - với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và quân sự - dù đã được chính quyền thực dân để mắt tới khi chọn đóng quân đồn trú ở đây song Hải Phòng lại chưa nhận được sự ủng hộ của các nhà cầm quyền, nhà khoa học và giới tư bản tài chính Pháp. Chuẩn Đô đốc Duprre trong báo cáo gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa đã viết: sẽ là đáng tiếc nếu như ngay từ bây giờ chọn lựa một địa phương bẩn như Hải Phòng làm trung tâm thương mại và nơi ở cho các viên chức của chúng ta[1]. Kỹ sư thuỷ nông Joseph Renaud và các thuyền trưởng Maire (tàu Bourayne), Besnard (tàu Ducouedic), Blot (tàu Surprise) sau khi khảo sát vùng đông bắc Hải Phòng đã nhận xét: nghiên cứu các điều kiện cho thấy Hải Phòng không tỏ ra thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố[2]. Bởi vậy, giai đoạn đầu tiên này, chính quyền thực dân chủ yếu chỉ xây dựng những công trình căn bản phục vụ cho bộ máy cai trị và hoạt động của sĩ quan, binh lính Pháp ở nơi đây.

Trước tiên, người Pháp cho tu sửa, xây dựng và mở rộng các trang thiết bị cảng như đặt các cầu tàu, lập kho chứa hàng (Sáu Kho), dựng đèn biển ở Hòn Dáu và Long Châu để hướng dẫn tàu bè ra vào cảng. Vì xây dựng cầm chừng nên đến đầu những năm 80 của thế kỷ XIX, tức là sau gần một thập kỷ xây dựng, trang thiết bị của cảng chỉ có một bến nổi bằng gỗ thông được xây dựng vội vã, một hải đăng ở đảo Hòn Dáu và một số phao nổi thả trên sông phục vụ cho tàu vào ban đêm[3].

Trong giai đoạn đầu tiên này, chính quyền thực dân do còn chưa thống nhất phương án xây dựng cảng nên hoạt động quy hoạch tập trung vào không gian của các khu dân cư, theo đó, ở thành phố Hải Phòng nhanh chóng hình thành ba khu dân cư riêng biệt, có ranh giới phân tách rõ ràng. Thứ nhất là cộng đồng người Âu (mà chủ yếu là người Pháp) sống tập trung ở khu nhượng địa (chủ yếu là đất cũ của làng Gia Viên) nằm ở hữu ngạn sông Cấm với những cơ quan hành chính trọng yếu và 2 phố Tây đầu tiên của thành phố. Thứ hai là cộng đồng người Hoa ở hữu ngạn sông Tam Bạc (vốn là đất cũ của làng An Biên) có hoạt động buôn bán khá tấp nập và những ngôi nhà lợp ngói âm dương nằm san sát bờ sông. Thứ ba là cộng đồng người Việt ở các làng xã xung quanh sống bằng kinh tế nông nghiệp kết hợp ngư nghiệp và hoạt động buôn bán nơi các bến sông.

Công cuộc xây dựng được xem là quan trọng nhất trong giai đoạn đầu tiên này đó chính là quá trình người Pháp lấn đất và xây dựng các cơ quan hành chính. Theo hiệp ước năm 1874, người Pháp được cấp 5 mẫu đất (khoảng 1,8ha) để xây dựng đồn binh và khu lãnh sự. Phần đất này thuộc địa phận làng Gia Viên, ở ngã ba của sông Cấm và sông Tam Bạc, mà như người Pháp mô tả là “nằm trên một cánh đồng”, rất khó cho việc xây dựng, bởi vậy trong giai đoạn đầu, người ta xây những ngôi nhà tạm bợ bằng bùn sét trộn rơm. Khi lãnh sự Turc đến Hải Phòng, ông ta nhận thấy những căn nhà tạm bợ này rất bẩn và khu nhượng địa thì quá nhỏ, lại ở vị trí không thuận tiện cho cả việc quản lý hải quan cũng như hưởng những cơn gió mát mùa hè. Vị lãnh sự tạm thời này đã thương thuyết với tổng đốc Hải Dương và diện tích khu nhượng địa tăng lên thành 20 mẫu. Họ đã đắp một con đê bao quanh khu nhượng địa, ở phía trong là khu nhượng địa vuông vắn, và để có đất làm nền móng họ đã dùng kỹ thuật đào ao vượt thổ của người Việt, theo đó một hào rộng khoảng 40m được tạo ra. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1876, việc san lấp mặt bằng đã hoàn thành, và người ta nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại các khu nhà, trước hết là các trại lính, kho hàng, trạm y tế và nơi trú ngụ cho các sĩ quan. Do các công trình xây trên nền đất bùn yếu nên hiện tượng sụt lún khá thường xuyên, tiêu biểu như tòa lãnh sự đã bị nghiêng 0,4-1m chỉ trong hai năm 1877 - 1878. Cho đến cuối năm 1877, khu nhượng địa đã được xây dựng xong với tổng diện tích là 12ha, có tòa lãnh sự, nhà dành cho quân nhu và nhà ở cho các đội lính, được bao quanh bằng hào sâu có các cửa van thông nước. Riêng Sở Thuế quan của Pháp thì đặt bên ngoài con đê, vừa để an toàn vừa tiện cho công việc và cộng tác với cơ quan thuế quan của nhà Nguyễn.

Nhưng yêu cầu về một thương cảng kiêm quân cảng ở xứ Bắc Kỳ của chính quyền thực dân là cấp thiết, bởi vậy, sau nhiều tranh cãi trong suốt thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, từ những địa điểm được đưa ra để chọn lựa là Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hạ Long và Tiên Yên - Vạn Hoa, cuối cùng Hải Phòng đã được lựa chọn[4]. Sau đó, thực dân Pháp tiếp tục tìm phương án khắc phục những khó khăn về mức độ lầy bùn của cảng Hải Phòng bởi lượng phù sa của sông Cấm quá lớn. Bởi vậy, cho đến tận những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, những tranh luận về cảng Hải Phòng mới thực sự chấm dứt.

Trong giai đoạn từ 1884 đến 1888, thực dân Pháp ngoài việc xây dựng cảng còn cũng đẩy mạnh xây dựng ở đô thị Hải Phòng những cở sở công nghiệp như công ty Dầu và Xà phòng (năm 1887), công ty Than (năm 1888), công ty Đường sông Bắc Kỳ (năm 1888). Tuy là những cơ sở đầu tiên nhưng những công ty này có tầm hoạt động không nhỏ, như công ty Đường sông Bắc Kỳ có những tuyến đường biển, đường sông xuất phát từ Hải Phòng đi Bến Thủy (Nghệ An), Hồng Kông, Hải Nam…, còn có cả xưởng đóng tàu, vét sông, làm thủy lợi…

Cuộc xây dựng lớn thứ hai làm thay đổi diện mạo của thành phố Hải Phòng giai đoạn này là chương trình đào kênh vành đai (còn gọi là kênh đào Bonnal) vào năm 1886. Con kênh kéo dài từ khúc sông lớn nhất của sông Tam Bạc cho đến tận Cửa Cấm, cho phép thiết lập một cảng sông dành cho các ghe và tàu nhỏ trong nội đô, đồng thời lấy thêm đất để san lấp nền để xây dựng các công trình trong thành phố. Kênh vành đai cũng chính thức phân tách không gian của đô thị Hải Phòng với các khu làng xã cổ truyền của người Việt.

Có thể thấy, chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, từ năm 1874 đến năm 1888,                   Hải Phòng đã có những thay đổi đáng kể trong đời sống xã hội. Có ý kiến cho rằng việc người Pháp mô tả Hải Phòng là một nơi hoàn toàn hoang vắng “một vùng cửa sông ven biển lơ thơ vài túp lều tranh” như trong khảo sát của Senez hay “khi tôi đến, có cửa Cấm và sông Tam Bạc như hiện giờ, và trên hợp lưu của hai con sông đó có hai lô cốt nổi trên mặt nước dùng để ngăn chặn việc xâm nhập châu thổ từ phía xuôi, còn lại là nước đến tận chân đê lúc thủy triều lên và bùn lầy lúc thủy triều xuống… và chỉ có thế[5] trong ký sự của J Dupuis… để nhằm ngợi ca công lao của người Pháp trong công cuộc xây dựng đô thị này. Hoặc ghi chép của sử thần nhà Nguyễn về vùng đất cửa sông ven biển này cũng khá đơn sơ “chỉ là một cái chợ bản xứ được đắp thành cao vì bùn đất không vững chắc, cốt sao cho một toán quân nhỏ có thể đồn trú[6] hay “Cửa Cấm chỉ là một điểm bị bỏ hoang, nơi mà người ta gặp nhiều lô cốt trống không[7]. Nhưng sự hoang vắng ấy chỉ xuất hiện sau khi có lệnh cấm giao thương của nhà Nguyễn vào năm 1865, còn trước đó, Hải Phòng đã là một nơi mà “thuyền buôn, thuyền đánh cá và thuyền giúp việc dẹp giặc của nước Thanh có thể dừng đậu[8] hay “Hải Phòng đã có hoạt động thương mại phát triển, đã thành một khu vực và một trung tâm ngư nghiệp của người An Nam[9]. Và những khảo sát về địa chất, thủy văn đã cho thấy “Ninh Hải có lẽ đã thật sự được sử dụng từ 3 - 4 thế kỷ trước[10]. Dù là một điểm thực sự hoàn toàn hoang vắng hay một trung tâm đã bị bỏ lại sau những chính sách của triều Nguyễn thì đời sống xã hội ở Hải Phòng trước năm 1874 chắc hẳn chỉ mang dấu vết của đời sống cư dân bản địa sống trong các làng cổ bằng kinh tế nông nghiệp kết hợp ngư nghiệp và hoạt động buôn bán ở bến Ninh Hải. Sau hiệp ước 1874, sự xuất hiện những nhóm cư dân ngoại quốc, những người dân di cư từ các vùng xung quanh đã làm cho đời sống xã hội ở Hải Phòng có thêm màu sắc mới, phong phú hơn và cũng nhiều biến động hơn.

Về quy hoạch không gian đô thị, trong vòng 14 năm từ khi người Pháp bắt đầu đặt chân đến Hải Phòng (1874) đến năm thành lập thành phố (1888), cùng với quá trình đô thị hóa, ở Hải Phòng đã hình thành 2 khu vực chính: phía tây nam là khu vực của người Việt và người Hoa thường được gọi là khu bản xứ với một số cơ quan kinh tế, quân sự của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, những làng xã của người Việt như An Biên, Gia Viên, Hàng Kênh… và những dãy phố ven bờ sông Tam Bạc của người Hoa; phía đông bắc là khu tô giới hay thường được gọi là khu nhượng địa của người Pháp với các cơ quan hành chính, Sở thuế đoan, Tòa lãnh sự, đồn binh…

Giai đoạn 1874 - 1888 là giai đoạn mở đầu nhưng có ý nghĩa quyết định, then chốt trong quá trình hình thành đô thị Hải Phòng. Những chuyển biến trong đời sống kinh tế cũng như những thay đổi trong đời sống văn hóa, xã hội đã đưa Hải Phòng từ một thị tứ trung đại thành một thành phố cận đại theo mẫu hình phương Tây. Như nhà báo Paul Bourde đã viết: Vào lúc mà ông Dupuis lần đầu tới Bắc Kỳ thì Hải Phòng bao gồm hai căn lều trát bằng vữa và lợp bằng lá cọ, mà người ta gọi là nhà tranh vách đất. Hiệp ước 1874 đem lại cho chúng ta (người Pháp-TG) quyền được đóng chốt ở đây, thì các vị quan lại người Nam đã chọn cho chúng ta một nơi - trên bán đảo được hình thành bởi hai con kênh Cửa Cấm và Tam Bạc - thích hợp cho sự vận động của một hạm đội hơn là cho việc xây dựng một thành phố, vì nước ở đây nhiều gấp bội so với đất cát… Dầu sao, Hải Phòng vẫn mọc lên từ cái nơi u tịch và sốt rét này[11].

Thành phố Hải Phòng năm 1888 chính là kết quả của những biến đổi mạnh mẽ trong suốt hơn một thập kỷ, đã khiến Toàn quyền Richaud phải thốt lên: Những gì người ta đã làm để tạo ra thành phố thật đáng kinh ngạc. Từ chỗ chỉ là một đầm lầy, nơi đây đã trở thành một thành phố có những phố rộng lát đá, dọc theo phố mọc lên những kiến trúc thanh lịch.

II. Quy hoạch, mở rộng đô thị Hải Phòng thời cận đại

Trong thời cận đại, thành phố Hải Phòng tiếp tục được xây dựng, mở rộng theo một quy hoạch tổng thể mang phong cách Tây phương, thể hiện rõ hình ảnh một thành phố công - thương nghiệp với những khu hành chính, khu dân cư, khu bến cảng,                         nhà máy, xí nghiệp được bố trí hài hòa, hợp lý.

1. Khu vực các cơ quan hành chính

Cơ quan hành chính ở thành phố Hải Phòng thời cận đại có sự hiện diện của chính quyền thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, vai trò và ảnh hưởng của chính quyền nhà Nguyễn đã bị người Pháp lấn lướt, nên ở Hải Phòng, nhà Nguyễn chỉ có một vài đồn binh, trạm quan thuế ở bên bờ sông Cấm. Khu vực các cơ quan hành chính chủ yếu do chính quyền thực dân làm chủ, thuộc khu nhượng địa, được xây dựng và mở rộng cùng với quá trình người Pháp tăng dần ảnh hưởng và chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố.

Về mặt quy hoạch kiến trúc, cả nội đô Hải Phòng được quy hoạch theo phong cách phương Tây, khu trung tâm Hải Phòng mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, tuy tương đối giống với Hà Nội về tổng thể, nhưng khiêm tốn hơn về quy mô và số lượng các công trình. Nhìn chung, các tòa nhà được người Pháp thiết kế và xây dựng khá kỹ lưỡng, tuy nhỏ nhưng gọn gàng, đẹp đẽ. Những khu phố ô cờ với đường phố có vỉa hè trồng cây, được trang bị hạ tầng kĩ thuật và dọc theo các tuyến phố là những ngôi nhà có phong cách kiến trúc Pháp được du nhập từ chính quốc. Quy luật bố cục đối xứng được tuân thủ trong quá trình xây dựng các công trình hành chính quan trọng ở những vị trí có khả năng tạo điểm nhấn đô thị, các điểm mốc về mặt địa lý của thành phố.

Một trong những cơ quan hành chính quan trọng nhất trong bộ máy chính quyền thuộc địa ở Hải Phòng là tòa Thị chính, sau đổi tên là Tòa Đốc lí (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố). Tòa Thị chính được xây dựng từ những ngày đầu người Pháp đặt chân đến Hải Phòng, ban đầu bằng tranh tre, sau mới được xây dựng kiên cố, hoàn thành vào năm 1905. Tòa thị chính được xem là một chỉ giới quan trọng, đánh dấu điểm trung tâm của khu nhượng địa nói chung, khu vực các cơ quan hành chính ở Hải Phòng thời thuộc Pháp nói riêng. Tất cả các cơ quan hành chính, quân sự khác ở Hải Phòng đều xoay quanh, cận kề với Tòa nhà trung tâm này.

Có thể thấy, toàn bộ khu hành chính của thành phố được quy hoạch rất biệt lập, ¾ ranh giới của khu vực này đều được bao bọc bởi các con sông hoặc kênh đào, vừa giúp phân tách biệt với khu dân cư vừa thuận tiện cho giao thông đường thủy.

2. Các khu dân cư

* Khu người Âu ở Hải Phòng chủ yếu là cộng đồng người Pháp, ở khu nhượng địa, chính là phần không gian được quy hoạch chủ yếu gồm các cơ quan hành chính và xen lẫn nhà ở. Tuy nhiên, cùng với thời gian ổn định và xâm lấn thuộc địa, phần không gian của khu nhượng địa với ¾ là sông và kênh bao bọc ngày càng trở nên chật chội. Do đó, chính quyền thực dân tiến hành mở rộng không gian đô thị.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân thực hiện mở rộng không gian thành phố Hải Phòng về phía Nam kênh vành đai, bằng việc kéo dài trục đường Paul Bert (nay là đường Điện Biên Phủ) và đường Amira Courbert (nay là đường Hoàng Văn Thụ), hình thành đường Paul Doumer (nay là đường Cầu Đất). Theo đó, lớp không gian thứ hai của thành phố được xác định về phía Nam là đường O’Dendhal (nay là đường Hai Bà Trưng) và đường Clémenceau (nay là đường Lương Khánh Thiện). Ngay sau đó, năm 1905, chính quyền thực dân xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam. Ga Hải Phòng được bố trí ở phía Nam kênh vành đai, tức là ở ngoại vi của khu phố Pháp lúc đó. Điều này thể hiện sự khoa học trong việc bố trí giao thông đường sắt không cắt ngang đô thị, và sau đó còn được kéo dài tới cảng (bến Sáu kho). Cũng từ giới hạn này, các trục đường xương cá được mở ra vuông góc với kênh vành đai ở bờ Nam. Hình thái các tuyến phố nhỏ này có thể cho phép đưa ra kết luận rằng kênh vành đai là một tác nhân hình thành hình dạng các ô phố và hướng tuyến phố ở lớp ô phố thứ hai được phát triển sau này ở bờ Nam kênh vành đai.

Sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, việc mở rộng không gian đô thị vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 1925, người Pháp đã cho lấp phần lớn kênh vành đai và cải tạo thành dải vườn hoa mềm mại chạy giữa lòng đô thị. Do không gian hẹp, lớp ô phố thứ ba được quy hoạch tiếp tục phát triển vượt qua đường sắt xuống phía Nam và Đông Nam, đưa đường sắt (lúc này đã được kéo dài tới cảng) lọt vào trong lòng đô thị. Có thể thấy từ hình dạng bẻ chéo của các ô phố tạo góc vuông tương ứng với tuyến cong của kênh vành đai và tuyến đường sắt. Phía Tây Bắc, trục Paul Bert đó được phát triển sang phía Tây qua Hạ Lý đến nhà máy Xi măng và sau đó nối vào đường đi Hà Nội; phía Đông Nam được giới hạn bởi đường Sadi Carnot (nay là đường Tô Hiệu) và đường Belgique (nay là đường Lê Lợi), về cơ bản ấn định giới hạn của không gian đô thị của thành phố Hải Phòng thời cận đại. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế nên trong đợt quy hoạch lớp phố thứ 3 đã không thực hiện được. So sánh với bản đồ ngày nay thấy rõ nếu chính quyền thực dân hiện thực hoá được quy hoạch lớp ô phố thứ ba thì hình thái tuyến phố và ô phố các quận nội thành như Lê Chân, Ngô Quyền ngày nay có thể đã vuông vắn hơn, các ô đất đô thị sẽ được phân chia đều đặn hơn.

 

Mô hình các đợt mở rộng không gian đô thị Hải Phòng

* Khu người Hoa: Từ khi đến Hải Phòng sinh sống, cộng đồng người Hoa đã sớm tập trung ở ven sông Tam Bạc, hình thành một khu vực khá đặc trưng và ít bị thay đổi bởi các chính sách quy hoạch thành phố. Trong giai đoạn đầu đô thị, khu vực của người Pháp được quy hoạch ở chỗ hợp lưu của sông Cấm và sông Tam Bạc, còn khu vực người Hoa ở hạ lưu sông Tam Bạc, chưa hình thành phố xá. Đến khi người Pháp đào kênh Bonnal năm 1885, khu vực của người Hoa đã được giới hạn rõ ràng, tự nhiên bằng chính sông Tam Bạc và kênh vành đai. Ở những giai đoạn tiếp sau, dù thành phố có mở rộng về phía Nam thì khu vực của người Hoa hầu như được giữ nguyên, chỉ khác là các phố xá dần hình thành. Theo đó, đường bao bọc phía ngoài được xác định là đường Commerce (nay là đường Lý Thường Kiệt) và đường Chavassieux (nay là đường Trần Hưng Đạo). Ở phía trong hình thành trục chính là đường Đông Kinh - Tonkinoise (nay là đường Phan Bội Châu) và các nhánh xương cá cắt ngang nối ra bờ sông/kênh như phố Bắc Ninh (nay là phố Lãn Ông), phố Formose (nay là phố Trạng Trình), phố Sài Gòn (nay là phố Hoàng Ngân), phố Pagode (nay là phố Tôn Thất Thuyết), phố Fou Tchéou (nay là phố Kí Con)… Tuy không gian của khu vực người Hoa hạn chế, không thể mở rộng (do bị sông/kênh bao bọc), lại kéo dài, hẹp về chiều ngang, song cộng đồng người Hoa đã xây dựng được ở đây những công trình căn bản như đền Nhà Bà - Hoa thương hội quán, khách sạn, trường học, các cửa hàng cửa hiệu san sát nhau, thậm chí trong quy hoạch thành phố còn có một bệnh viện riêng của người Hoa ở đoạn giao cắt giữa sông Tam Bạc và sông Lạch Tray song không thực hiện được.

* Khu người Việt: Nếu như cộng đồng người Âu ở phía Đông Bắc, cộng đồng người Hoa ở phía Tây Nam khu nhượng địa, về cơ bản địa bàn sinh sống được quy hoạch, cải tạo theo thời gian thì khu vực làng xã của người Việt hầu như không được quy hoạch gì, thậm chí từng bước bị thu hẹp, xâm lấn bởi hai cộng đồng ngoại lai.

Hải Phòng vốn là một vùng cửa sông, ven biển, trong thời phong kiến đáng kể nhất chỉ có làng Gia Viên (với bến Ninh Hải bên sông Cấm) và làng An Biên. Khi người Pháp đến Hải Phòng xây dựng cơ quan lãnh sự, đã lấy phần lớn đất của làng Gia Viên, đẩy người dân ra phía ngoài khu đô thị. Bản đồ Hải Phòng các năm 1890, 1905, 1915 chỉ rõ địa phận làng Gia Viên nằm tiếp giáp với khu nhượng địa ở phía Đông, còn làng An Biên giáp với khu người Hoa ở phía Nam. Trong quá trình mở rộng lớp không gian thứ 2 của đô thị, khi không gian đô thị được xác định bởi tuyến đường O’ Dendhal   (nay là đường Hai Bà Trưng) và đường Clémenceau (nay là đường Lương Khánh Thiện) thì đất đai của làng Gia Viên tiếp tục bị thu hẹp, cùng với đó là đất của làng An Biên cũng bị xâm lấn bởi các công trình, phố xá, trường học… của chính quyền thực dân. Bản đồ thành phố Hải Phòng các năm 1924, 1926 chỉ rõ không gian đô thị của Hải Phòng mở rộng, không gian của làng Gia Viên, An Biên nằm sâu trong lớp không gian này, còn các làng Hàng Kênh, Lạc Viên dần tiệm cận vào khu đô thị. Sang đến những năm 1930, toàn bộ các làng xã của người Việt tiếp tục bị đẩy ra bên ngoài lớp không gian thứ 3 của thành phố, tập trung chủ yếu ở phía Đông Nam như các làng Lạc Viên, Gia Viên, Đông Khê, Hàng Kênh, Dư Hàng, An Biên; ở phía Tây có các làng Thượng Lý, Hạ Lý. Xu hướng lấn dần đất để mở rộng không gian đô thị đã được chính quyền thực dân thực thi liên tục trong suốt những thập kỷ đầu của thế kỷ XX.

3. Khu vực cảng, ga và các nhà máy, xí nghiệp

Bên cạnh việc quy hoạch khu vực các cơ quan hành chính và các khu dân cư, ngay từ buổi đầu xây dựng, chính quyền thực dân đã chủ trương xây dựng Hải Phòng thành một thành phố công-thương nghiệp phát triển, trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng cảng, nhà ga xe lửa và các nhà máy, xí nghiệp.

Lợi dụng bến Ninh Hải tấp nập trên bến dưới thuyền, chính quyền thực dân đã chủ động đầu tư, sử dụng các chính sách kinh tế để thu hút thương nhân (cả người Pháp và người Hoa) tập trung về Hải Phòng, xây dựng cảng, mở mang kinh tế. Cảng được bố trí dựa vào sông Cấm, nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (nhà kho, cầu tàu, xe goòng chuyên chở…) với mục tiêu biến nơi đây thành một trong những cảng lớn xứ Bắc Kỳ.

Bên cạnh đó, chính quyền thực dân cũng nhanh chóng biến Hải Phòng thành điểm mút của tuyến đường sắt Hải Phòng-Hà Nội-Vân Nam, cùng với cảng Hải Phòng phục vụ đắc lực cho công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp.

Các nhà máy, xí nghiệp ở Hải Phòng thời thuộc địa được chính quyền thực dân bố trí, quy hoạch ở vị trí phù hợp. Trước hết là dựa vào hệ thống giao thông đường sông, nên các khu công nghiệp (quartier industriel) đều được bố trí dọc hai bên bờ sông Cấm. Bản đồ quy hoạch thành phố Hải Phòng thời thuộc địa chỉ rõ ở chủ trương của chính quyền thành phố khi xây dựng ba khu công nghiệp tập trung, khá cân xứng, trong đó hai khu công nghiệp với quy mô nhỏ nằm ở hữu ngạn (cùng phía với khu nhượng địa) và một khu công nghiệp với quy mô rộng lớn nằm ở tả ngạn (phía huyện Thủy Nguyên). Việc bố trí các khu công nghiệp vừa tận dụng tuyến sông Cấm cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, vừa tạo khoảng cách với khu dân cư (đặc biệt các cơ sở như xăng dầu, hóa chất được đưa ra xa khu dân cư để đảm bảo an toàn). Việc xây dựng một khu công nghiệp ở phía tả ngạn cũng cho thấy chiến lược mở rộng đô thị về phía Bắc là hoàn toàn hợp lý khi tốc độc khẩn hoang, lấn biến không theo kịp nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo.

Như vậy, từ sau đợt mở rộng không gian đô thị lần ba, diện mạo khu đô thị trung tâm của thành phố Hải Phòng về cơ bản đã ổn định, sau này người Pháp có ý định quy hoạch mở rộng thành phố nhưng không thành do tình hình chiến tranh những năm 1940 nhiều biến động[12]. Hơn nữa, do quỹ không gian đô thị bị giới hạn nên việc mở rộng thành phố nói chung, mở rộng khu vực nội đô nói riêng chủ yếu diễn ra ở khu bản xứ.Vì vậy, không gian của khu đô thị trung tâm thành phố cơ bản được duy trì trong suốt thế kỷ XX. Đến năm 1954 - 1955, sau cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Pháp đã rút khỏi Việt Nam, rút khỏi Hải Phòng, khu nhượng địa gồm những công trình cơ quan hành chính và nhà ở của người Pháp được người Việt tiếp quản sử dụng. Đến những năm 1980s, do tác động của tình hình chính trị, phần lớn cộng đồng người Hoa ở Hải Phòng đã hồi hương, người Việt tiếp tục tiếp quản các công trình kiến trúc này. Như vậy, không gian kiến trúc của khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng đến những thập niên cuối thế kỷ XX được xác định chủ yếu là khối các công trình kiến trúc Pháp và một phần nhỏ các công trình kiến trúc của người Hoa đã được người Việt tiếp quản, sử dụng.

III. Những giá trị tiêu biểu của khu đô thị trung tâm thành phố

1. Giá trị Lịch sử - Văn hóa

Cho đến nay, quỹ di sản kiến trúc của khu đô thị trung tâm thành phố vẫn cơ bản được gìn giữ, trong đó quỹ di sản kiến trúc Pháp đóng vai trò trung tâm của Hải Phòng, đây là một quỹ đô thị rất đặc trưng và quý giá không chỉ của Hải Phòng mà còn là của cả nước, ghi dấu một giai đoạn trong lịch sử của Việt Nam. Với các công trình kiến trúc Pháp, sự xuất hiện các loại hình phong cách kiến trúc phương Tây với từng công năng riêng của mỗi công trình trong khu phố Pháp những năm cuối thế kỷ XIX đã tạo ra diện mạo đặc trưng của đô thị Hải Phòng - đô thị thời cận đại gắn liền với những chủ trương, chính sách của chính quyền thuộc địa. Bên cạnh đó là mảng kiến trúc của cộng đồng người Hoa (nhà cửa, đền đài, trường học, chợ…) đã tạo nên nét phong phú, nổi bật của một đô thị hội tụ cư dân đa thành phần, đa quốc tịch.

Các công trình kiến trúc mang phong cách phương Tây tại Hải Phòng đã trải qua nhiều biến động của lịch sử, thích ứng với đời sống xã hội đã làm nên bản sắc riêng của các công trình kiến trúc này. Từ các công trình mang dáng vẻ cổ điển Châu Âu hay những phong cách đặc trưng của nước Pháp lúc đầu còn xa lạ, áp đặt, chưa thích nghi dần đã hòa nhập và bị ảnh hưởng trở lại bởi văn hóa bản địa. Các công trình này đã ít nhiều đã bị biến dạng song vẫn còn lưu giữ được các không gian sinh hoạt văn hóa và các nếp sống thị dân, tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể vô giá.

Trong quá trình hình thành đô thị, cùng với việc xây dựng các công trình kiến trúc và hệ thống hạ tầng đô thị cho thành phố, người Pháp còn mang theo nền văn hóa thị dân kiểu mới ban đầu khá xa lạ với người bản địa. Các câu lạc bộ âm nhạc và thể thao, sân khấu kịch nói, rạp chiếu phim, sàn nhảy… đã dần hình thành và tác động đến đời sống văn hoá của cộng đồng cư dân bản địa. Bên cạnh đó là các giá trị văn hoá của cộng đồng người Hoa (như ẩm thực, khám chữa bệnh đông y, ngôn ngữ, phong tục tập quán…) đã để lại những dấu ấn văn hoá cho đến tận ngày nay.

 Trong định hướng quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050, quỹ kiến trúc tại khu đô thị trung tâm (mà chủ yếu là khu phố Pháp) vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đô thị. Đây là một quỹ di sản kiến trúc quý giá của thành phố với những trụ sở trang nghiêm, những căn biệt thự cổ kính, bề thế, những con đường xanh mát cùng với hệ thống công nghiệp cảng biển. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp rất riêng cho đô thị Hải Phòng.

2. Giá trị kiến trúc đô thị

Những công trình tại khu đô thị trung tâm mang những nét đặc trưng phong cách phương Tây, phong cách Pháp, song cũng được cải biến, mang dáng vẻ mộc mạc của vùng cảng biển. Bàn tay của những người thợ Hải Phòng có thể không tỉ mẩn, điêu luyện mà mang đầy hơi thở thô ráp, trong sáng của người dân miền biển. Đặc điểm thú vị này góp phần nhận diện quỹ kiến trúc thời Pháp thuộc của Hải Phòng có những nét riêng, khác biệt so với các khu phố Pháp khác ở Việt Nam. Kiến trúc trong khu phố Pháp Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa hai nền văn hóa Á - Âu, tạo một nét đẹp riêng, vừa thanh nhã, vừa sang trọng nhưng đậm chất thành phố đô thị cảng biển lớn nhất miền Bắc và đầy hấp dẫn.

Xét một cách toàn diện thì người Pháp đã đưa đến Hải Phòng những phong cách kiến trúc mới lạ, độc đáo, bề thế lúc bấy giờ. Đó là các loại hình kiến trúc Tiền thực dân, Cổ điển, Tân cổ điển, Đông Dương, Art Deco, địa phương Pháp. Các loại hình này tuy có những hình dáng khác nhau, cách trang trí khác nhau nhưng chúng lại có những mối liên kết, tổng hòa với nhau, không triệt tiêu hay hạ thấp nhau. Đáng nói là việc tỷ lệ hóa mặt bằng đảm bảo sự thống nhất và tiếp nối liên tục trong cấu trúc chung, song vẫn cho phép đa dạng hóa không gian kiến trúc cảnh quan của cùng với yếu tố đô thị khác.

Người Pháp đã cho tiến hành xây dựng các khu phố ở khu đô thị trung tâm theo dạng tuyến, chính vì vậy tại đây là sự tổng hòa giữa nhiều loại hình kiến trúc, với các không gian công cộng, không gian kết nối của một đô thị. Đó cũng nói lên quá trình phát triển đô thị, phát triển cảnh quan dựa trên những cụm công trình kiến trúc có cùng phong cách với nhau. Các công trình này ban đầu có sự áp đặt của chế độ thực dân, nhưng sau này cùng với các phương án quy hoạch đô thị của các kiến trúc sư, các công trình đã được đặt trong sự thích nghi với môi trường tự nhiên và không gian xã hội tại Hải Phòng.

Trong khi đó, khu vực sinh sống của người Hoa tuy không có những kiến trúc nguy nga, đồ sộ nhưng lại nổi lên là một khu dân cư đông đúc, sôi động, hoạt động buôn bán tấp nập thuyền bè trên sông Tam Bạc. Những dãy nhà trải dài với mái ngói âm dương rất đặc trưng tạo ra sự khác biệt trong kiến trúc đô thị; trong đó nổi bật nhất, quy mô nhất là ngôi đền Nhà Bà. Đến nay, những khu nhà ở của người Hoa đã ít nhiều biến đổi, ngôi đền cũng không còn là ngôi đền thờ Thiên Hậu như mục đích ban đầu xây dựng, nhưng việc người Việt cải tạo không gian của đền để thay đổi công năng sử dụng (chợ Tam Bạc) và giữ lại phần hậu cung của đền để xây dựng điện thờ Mẫu của người Việt là một giải pháp hợp lý, ít nhiều bảo tồn được cảnh quan kiến trúc trong bối cảnh biến đổi kinh tế xã hội.

3. Giá trị quy hoạch cảnh quan đô thị

Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các khu phố Pháp thường có tính thống nhất và hài hòa trở thành nét riêng về phương diện hình thái học, là kết quả của quá trình chuyển hóa mềm mại của các mô hình đô thị khác nhau thông qua việc vận dụng tài tình thành phần liên kết không gian thường là các yếu tố tự nhiên: mặt nước, xây xanh,…([13]). Có thể thấy, ở thành phố Hải Phòng một quá trình chuyển hóa mềm mại và liên kết giữa các cấu trúc đô thị được thể hiện ở yếu tố sông nước, ở sự đan cài giao thoa giữa khu phố của người Pháp và khu phố bản xứ, ở sự dung nạp và kết nối giữa kiến trúc đô thị với các dòng sông tạo nên một cấu trúc đô thị cảng biển đặc trưng của miền Bắc Việt Nam.

Giá trị cảnh quan đô thị tại khu đô thị trung tâm gắn liền với những con sông (sông Cấm, sông Tam Bạc, kênh vành đai/ hồ Tam Bạc…) và cảng biển. Trong sự tương đồng về lịch sử phát triển đô thị thời cận đại với Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng có quy mô gọn gàng hơn. Ở Hà Nội, Huế hay Sài Gòn, các khu phố Pháp, khu phố cổ, khu phố bản địa, thành lũy được giãn cách bởi sông, hồ… nhưng ở Hải Phòng thì các khu phố này lại hướng vào nhau - tưởng như sẽ tạo ra xung đột nhưng thực tế lại giao thoa phát triển khá êm ả. Ranh giới nước của các khu phố Pháp vốn được tạo bởi sông Cấm, sông Tam Bạc và kênh vành đai dường như đã trở thành chất xúc tác để các khu phố tự thân hướng về nhau một cách hài hòa.

Có thể thấy, tuyến đường Điện Biên Phủ chạy vuông góc với các tuyến phố Tam Bạc, Lý Thường Kiệt, đó là những con phố bản địa, khu phố Việt - Hoa trước kia; điều đó càng cho thấy rằng, sự giao lưu tổng hòa giữa các nền văn hóa cũng nhờ vào việc quy hoạch cảnh quan đô thị của người Pháp. Giữa hai tuyến phố cũng như không gian đô thị của Hải Phòng được tạo thành mạng như ô bàn cờ, nhưng được điều chỉnh theo hình thái tự nhiên của các con sông bao quanh. Đây là điểm đặc sắc so với các khu phố Pháp tại các tỉnh thành khác.

Sự kết hợp các phần cảnh quan và các ô phố với những công trình được tổ hợp một cách hài hòa là cơ sở để đô thị phát triển ổn định. Trải qua nhiều thập kỷ, đến nay các tuyến phố vẫn giữ được sự toàn vẹn của cấu trúc quy hoạch và sự phân chia đất đai như ngày đầu. Mỗi khu vực lại đảm nhiệm những chức năng riêng việc, tạo nên tính thông suốt trong quy hoạch đô thị. Đây là những giá trị cần được xem xét và tìm hiểu để rút kinh nghiệm trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị và khu vực lân cận.

Về yếu tổ cảng biển, do đặc trưng lợi ích về kinh tế, thương mại, dịch vụ, là đầu mối giao thương buôn bán, vận tải, chính vì vậy mà người Pháp cũng đặt nên hàng đầu phát triển không gian kiến trúc đô thị phục vụ cho cảng biển. Những công trình kiến trúc được xây dựng dù ít dù nhiều cũng có những yếu tố liên quan tới sự hoạt động của cảng biển. Đường xá cũng được quy hoạch một cách thông thoáng, thuận lợi, giúp cho sự phát triển cảng biển một cách thông suốt và ổn định. 

Ngoài ra, Hải Phòng cũng được người Pháp quy hoạch theo đô thị đặc trưng của việc quy hoạch đô thị kiểu Pháp. Đó là việc sử dụng những kết cấu đô thị như quảng trường, vườn cây, hệ thống cây xanh, hồ nước… tạo sự liên hoàn với hệ thống không gian lưu thông tại các đại lộ.

Cây xanh trồng hai bên vỉa hè với chiều rộng đường không quá lớn nên đường phố yên bình mà vẫn nhộn nhịp. Các công trình kiến trúc được giới hạn từ 2 - 3 tầng bám sát chỉ giới tọa thành mặt phố tương đối liên tục và thống nhất, bố trí nhiều loại hình công trình như nhà ở, khách sạn, các công trình công cộng, các công ty…Đó là những đặc trưng giá trị quy hoạch cảnh quan kiến trúc mà chỉ riêng Hải Phòng có được.

4. Giá trị về vật liệu và kỹ thuật xây dựng

Trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị Hải Phòng, người Pháp đã đưa vào những kỹ thuật xây dựng mới, cầu kỳ về chi tiết, to lớn về quy mô và lạ lẫm về vật liệu. Với kỹ thuật và vật liệu xây dựng công trình như vậy đã đánh dấu một bước nhảy vọt trong kỹ thuật xây dựng thời bấy giờ với những công trình bản địa vốn được xây dựng bằng vật liệu thực vật, thô sơ và sơ sài.

Các công trình đầu tiên được xây dựng mang phong cách kiến trúc tiền thực dân được xây bằng gạch, mái thường được lợp bằng ngói Tây hoặc ngói đá đen. Các hệ thống cửa được cuốn bằng vòm gạch. Nhà xây kết cấu gạch lịch lực nên phần thường tầng một hay tầng hầm có chiều dày rất lớn một phần để chịu lực, phần khác có tác dụng chống nóng rất tốt. Một số công trình phần sàn sử dụng thép hình, đó là loại công chình sử dụng thép hình chèn vào giữa các thanh dầm, các hàng gạch rỗng cạnh nhau; hàng lang thiết kế dạng đặc với những con tiện trang trí. Các công trình thường có chiều cao chỉ 2 tầng và ít chi tiết trang trí.

Thời gian sau, các công trình mang phong cách khác nhau và thường có bố cục 3 phần: mái, thân (tường) và đế. Sau này, vật liệu bê tông cốt thép được sử dụng rộng rãi, thay thế cách xử lý thép hình kếp hợp gạch cuốn. Các công trình đã sử dụng kết cấu bê tông cốt thép cho các phần chịu lực (dầm, sàn, hệ thống cột). Phần đế thường sử dụng vật liệu là đá, vừa tránh tình trạng dẫn ngược nước, vừa là trụ đỡ cho công trình. Phần mái khá đa dạng tùy theo thời điểm xây dựng hay thể loại hoặc phong cách kiến trúc của công trình. Để hòa nhập với kiến trúc bản địa và một phần vào thời điểm đó khả năng xây dựng cũng đã có những bước tiến vượt bậc nên các công trình có cách kết hợp khá linh hoạt về vật liệu truyền thống và hiện đại.

Các công trình trong khu vực nghiên cứu mang nhiều dáng vẻ khác nhau, biến động qua các thời kỳ khác nhau, thích ứng với đời sống xã hội ở Hải Phòng. Mặc dù đến nay diện mạo tuyến đường cũng đã thay đổi ít nhiều, nhưng hình dáng kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc vẫn in đậm trên từng công trình.

5. Giá trị khai thác, sử dụng

Các công trình trong khu đô thị trung tâm (đặc biệt là khu phố Pháp) mang giá trị đặc biệt, với hệ thống chức năng và các thể loại công trình rất phong phú, đa dạng. Trải qua nhiều biến cố và thời gian, nhiều công trình đã thay đổi chức năng sử dụng của mình. Các công trình chủ yếu là: nhà ở, trụ sở cơ quan, khách sạn, các công trình văn hóa... Trong sự chuyển đổi chức năng của mình, nhiều công trình vẫn giữ nguyên được giá trị kiến trúc của công trình vừa có những cải biến nhằm đáp ứng những công năng hiện đại. Trong số đó rất nhiều công trình vừa là di tích kiến trúc, vừa có vai trò được sử dụng vào các mục đích khác nhau.

 Ví dụ, các công trình nhà biệt thự thời Pháp xây dựng để đáp ứng chủ yếu nhu cầu về ở của người Pháp, tầng lớp tư sản, tri thức, quan lại và các nhà buôn. Sau giải phóng, dân cư nội thành có sự gia tăng cơ học, số người nhập cư về thành phố ngày càng đông đúc. Một bộ phận cư dân được thành phố phân chia vào các khu nhà biệt thự Pháp để ở, một số cơ quan được phân chia vào các nhà biệt thự để làm việc. Các công trình này đã giải quyết được nhiều nhu cầu về chỗ ở cũng như đáp ứng tốt cho phòng ban, tổ chức, các cơ quan làm việc. Một số công trình có thể được thay đổi kết cấu bên trong để phục vụ nhu cầu đó.

Sau này, do các biệt thự thường trong khuôn viên rộng từ 200 - 400m2, phía trước và phía sau thường có khoảng sân rộng, đan xen là thảm thực vật cắt tỉa cẩn thận, các loài cây được trồng một cách phù hợp, phía cuối cũng là sân vườn, khu phụ. Không gian này đã tạo nên những khoảng không thông thoáng, thoải mái. Tuy nhiên, sau này, khi không còn cần thiết và cũng để đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề dân cư nói trên, một số công trình, khoảng không gian này đã được xây cất nên những ngôi nhà mới, kiến trúc mới.

 

*      *

*

Đô thị Hải Phòng ra đời là kết quả của một quá trình tích hợp dài lâu giữa nhiều yếu tố của tự nhiên và xã hội. Điều kiện tự nhiên của vùng đất này cũng là phức hợp của nhiều yếu tố như đất đai, địa hình, sông ngòi…; và điều kiện xã hội cũng bao gồm nhiều thành tố như lịch sử, thiết chế quản lý, đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội…

Những thuận lợi về vị trí của một vùng đất có tầm nhìn hướng ra biển, lại có hệ thống sông ngòi dày đặc nối liền tuyến giao thông thủy vào sâu trong nội địa, Hải Phòng án ngữ con đường từ biển tiến vào cùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ đây, vùng đất này mang trong mình chức năng: kinh tế và quốc phòng. Cửa Cấm, sông Cấm, cửa Nam Triệu gắn liền với hoạt động buôn bán với các thương thuyền ngoại quốc, còn sông Bạch Đằng gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chính vì vậy, trong những tranh cãi về địa điểm xây dựng cảng lớn xứ Bắc Kỳ, Hải Phòng đã được chọn lựa khi cơ bản đáp ứng được yêu cầu vừa là một thương cảng, vừa là một quân cảng.

Từ đó, hoạt động kinh tế của Hải Phòng đã chuyển mình mạnh mẽ, từ một thị tứ trung đại với những làng cổ sống bằng kinh tế nông nghiệp kết hợp ngư nghiệp, dẫu có hoạt động buôn bán ở bến Ninh Hải nhưng khi cảng Hải Phòng chính thức xuất hiện, nền kinh tế thương nghiệp với hoạt động xuất nhập khẩu, các thương thuyền trong và ngoài nước, và sự hình thành những nhà máy, xí nghiệp đầu tiên đã chuyển nền kinh tế của đô thị này sang một hướng mới, phát triển kinh tế công - thương nghiệp, là nền tảng tiền đề cho nền kinh tế của thành phố Hải Phòng trong những giai đoạn sau.

Trong giai đoạn tiếp sau, Hải Phòng thực sự trở thành một thành phố thuộc địa, một mắt xích quan trong trong chiến lược đầu tư khai thác của thực dân Pháp. Đồng thời, Hải Phòng cũng được quy hoạch để trở thành một thành phố có diện mạo đẹp đẽ, quy hoạch kiến trúc phố xá theo mô hình phương Tây với khu cơ quan hành chính tập trung, các khu dân cư được bố trí phân tách riêng biệt, trong đó tập trung xây dựng khu phố Tây với những công trình kiến trúc như nhà thờ, trường học, nhà hát, sân vận động, trường đua… phục vụ tối ưu cho cuộc sống của cộng đồng người Pháp ở xứ thuộc địa. Đặc biệt, Hải Phòng được quy hoạch và xây dựng để trở thành một thành phố công-thương nghiệp phát triển, có cảng lớn của xứ Bắc Kỳ, có đường xe lửa… nối Hải Phòng với các vùng miền không chỉ ở Bắc Bộ mà còn vươn tới xứ Vân Nam, đồng thời Hải Phòng còn có những nhà máy, xí nghiệp, được xây dựng đồng bộ, có quy hoạch không gian hợp lý, vừa khai thác tận dụng được nguồn lực tự nhiên, vừa không làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung đô thị và cuộc sống của con người. Đó là nền tảng để tạo nên một đô thị Hải Phòng hiện đại, năng động, trong đó khu đô thị trung tâm thành phố đóng vai trò là trung tâm, cốt lõi với những giá trị nổi bật. Việc mở rộng không gian đô thị trong điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội mới là một yêu cầu cấp thiết, vì thế việc bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan đô thị Hải Phòng, nhân lên những giá trị của khu đô thị trung tâm là một yêu cầu quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

 

[1] Gilles Raffi, Hải Phòng – Nguồn gốc, điều kiện và thể thức phát triển cho đến năm 1921, LATS Lịch sử, Đại học Provence Pháp, 1994, (Bản dịch tại Trung tâm KHXH&NV Hải Phòng) tr.43.

[2] Gilles Raffi, sđd, tr.120.

[3] Gilles Raffi, sđd, tr.73.

[4] Xem thêm Nguyễn Thị Hoài Phương, Về quá trình thành lập cảng Hải Phòng – cảng lớn xứ Bắc Kỳ, in trong “Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001-2006)”, Nxb Thế giới, 2006, tr.562-571.

[5] Jean Dupuis, A journey to Yunnan and the Opening of the Red River to Trade, White Lotus Press, p.57.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.98

[7] Đại Nam thực lục tập 4, sđd, tr.64

[8] Đại Nam thực lục, tập 4, sđd, tr.42.

[9] Gilles Raffi, sđd, tr.39.

[10] Gilles Raffi, sđd, tr.39.

[11] Claude Bourrin, Bắc Kỳ xưa: sân khấu, thể thao, đời sống đô thị từ 1884 đến 1889, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, 2005, tr.82.

[12] Xem thêm Bản đồ quy hoạch đô thị Hải Phòng thời cận đại tại Thư viện thành phố Hải Phòng, hoặc xem thêm Nguyễn Thị Hoài Phương (2015), Quy hoạch đô thị Hải Phòng thời thuộc địa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử , số 476, tháng 12, tr.29-38,74.

[13] Bài phỏng vấn: Hà Nội quyến rũ nhất là kết nối với thiên nhiên, Báo điện tử Hà Nội ngày nay, 14/10/2011.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264717
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn