Thời gian: 15/03/2023 09:14

Định hướng trong công tác xây dựng đô thị thông minh tại Hải Phòng

1. Mô hình đô thị thông minh tại Hải Phòng

Đô thị thông minh là việc ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học thông tin truyền thông, sử dụng những giải pháp kỹ thuật thông minh và sử dụng nguồn lực hữu hạn của thành phố để giải quyết các vấn đề của thành phố nhằm thực hiện 5 mục tiêu chính: Tăng hiệu quả kinh tế, tỷ lệ đô thị hóa; Môi trường sống ngày càng tốt hơn; Người dân được phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; Thành phố phát triển bền vững.

Đô thị thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, lối sống thông minh, cộng đồng thông minh, ứng dụng những giải pháp CNTT tiên tiến nhất. Ở đó, CNTT và truyền thông được ứng dụng một cách hiệu quả, chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời sử dụng dữ liệu thu thập được từ chính cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công của thành phố, đáp ứng tối đa các yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng và phát triển các đô thị thông minh: Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Trung quốc, Singapore, Ân Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc...

 

Tại Việt Nam, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra 4 vấn đề lớn cần phải giải quyết là: đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng) – vấn đề của đô thị tăng (môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…); hạ tầng lạc hậu, quá tải (điện, nước, giao thông); cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (giáo dục, y tế, chính quyền).

Với vai trò của các đô thị đối với sự phát triển của đất nước, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Để triển khai mô hình đô thị thông minh tại Hải Phòng, thành phố phải thực hiện các công việc như sau:

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố gồm 1 Cổng chính, 33 Cổng thành phần tại các sở, ngành, quận, huyện, 43 cổng các đơn vị trực thuộc sở, ngành, 106 cổng các xã, phường, thị trấn, cung cấp kịp thời các thông tin kinh tế xã hội, cung cấp các dịch vụ hành chính công; phản ánh kịp thời hoạt động của lãnh đạo thành phố và phục vụ nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin của công dân, tổ chức, công khai hóa thông tin, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Cổng thông tin điện tử thành phố là Cổng duy nhất của cả nước có 4 chuyên trang tiếng nước ngoài (Anh, Trung, Nhật, Hàn) hoạt động hàng ngày.

Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế xã hội thành phố ở một số lĩnh vực cơ bản như: kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, nhân lực, tài nguyên và môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, doanh nghiệp, dân cư...; triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đặc biệt là quản lý đô thị và đất đai.

Quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững

Xây dựng và ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống thông tin địa lý (GIS). Số hóa toàn bộ bản đồ quy hoạch trên nền tạo độ và địa hình chuẩn.

Hoàn chỉnh quy hoạch trên cơ sở hệ thống dữ liệu chung, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng rộng rãi, nghiêm túc tiếp thu giải trình các ý kiến tham gia.

Liên tục rà soát để sớm phát hiện các nguy cơ phát triển thiếu bền vững, vấn đề tắc nghẽn nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Quản lý xây dựng thông minh

Công bố rộng rãi tất cả các đồ quy hoạch được duyệt để cộng đồng tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền. Việc công bố quy hoạch được thực hiện dưới nhiều hình thức trong đó có cập nhật trên các trang thông tin điện tử của thành phố, Sở Xây dựng và chính quyền địa phương.

Điều chỉnh Quy định về cấp phép xây dựng, trong đó có đề xuất giải pháp tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng qua mạng theo quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng.

Khuyến kích cộng đồng phát hiện và cung cấp thông tin đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng qua hộp thư góp ý tại Cổng thông tin của Sở.

Hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành: cao độ nền, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng đô thị. Làm cơ sở để quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước, chiếu sáng đô thị thông minh.

Quản lý giao thông thông minh

- Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin và CSDL tập trung, thống nhất, bảo đảm kết nối trực tuyến, tích hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, phương tiện tham gia giao thông và các thiết bị giám sát giao thông (camera, thiết bị thu phí điện tử, thiết bị đo tải trọng, đo lưu lượng, thiết bị giám sát hành trình…). Thông qua hệ thống công nghệ thông tin - truyền thông (qua Internet-Web, thiết bị di động và các thiết bị chuyên dụng), thông tin sẽ được cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác để đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thành phố về quản lý và điều hành giao thông đô thị, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

- Hỗ trợ công tác quản lý, giám sát điều hành giao thông, vận hành khai thác và bảo trì mạng lưới đường đô thị nói riêng và mạng lưới đường bộ nói chung trên địa bàn thành phố. Hệ thống có chức năng thu thập, xử lý, quyết định và truyền đạt thông tin, mệnh lệnh điều khiển tới các bộ phận quản lý và người tham gia giao thông nhằm nắm bắt kịp thời trạng thái vận hành, diễn biến tình hình giao thông theo thời gian thực, phối hợp xử lý đảm bảo ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông.

- Hướng đến xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng: An toàn - Văn minh - Hiện đại – Phát triển bền vững.

Quản lý môi trường thông minh

Tính đến thời điểm hiện nay toàn Thành phố đã triển khai thực hiện 5 khu xử lý, trong đó có 04 khu cấp thành phố (Khu xử lý CTR Gia Minh, Tràng Cát, Đình Vũ, Quang Trung - Quang Hưng) và 01 khu cấp huyện (Khu xử lý CTR Minh Tân); trong đó có 2 Dự án đã đi vào hoạt động là Khu xử lý CTR Đình Vũ và Khu xử lý CTR Tràng Cát, còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, thành phố cần thiết phải triển khai xây dựng 14 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có 07 khu cấp thành phố và 07 khu cấp huyện theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và Quy hoạch mạng lưới thu gom chất thải rắn nông thôn thông thường trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Chính quyền thông minh - Doanh nghiệp thông minh

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, công sở điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử từ đó hình thành các dịch vụ thông minh, chính quyền thông minh kết hợp với đô thị thông minh. Triển khai mô hình cổng/trang thông tin điện tử đa cấp, đa chiều, liên thông từ xã, phường đến thành phố. Thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử, cán bộ công chức, người dân có thể tương tác, làm việc khi truy cập hệ thống. Cụ thể:

- 100% sở ngành, quận, huyện đã xây dựng mạng máy tính nội bộ (LAN), để quản lý và điều hành, đảm bảo thông tin thông suốt và an toàn hệ thống dữ liệu. 98% máy tính của các đơn vị được kết nối internet băng thông rộng (trừ các máy tính phục vụ việc soạn thảo văn bản mật theo quy định). 100% đơn vị có kết nối và sử dụng hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng theo quy định của Chính phủ. 100% sở ngành, quận huyện đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu cho hệ thống mạng máy tính nội bộ.

- 90% sở ngành, quận huyện đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong nội bộ cơ quan, đã kết nối với Văn phòng Chính phủ. 100% sở ngành, quận huyện đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 để cải tiến quy trình nghiệp vụ, chuẩn hóa văn bản trước khi thực hiện tin học hóa thủ tục hành chính, đảm bảo điều kiện để triển khai ứng dụng các phần mềm quản lý.

- Áp dụng mô hình chính quyền điện tử cấp quận nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

- Thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để giải quyết các kiến nghị cũng như vướng mắc của các đơn vị, coi phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, tháo gỡ mọi rào cản cho doanh nghiệp hoạt động.

Chính quyền thông minh – Công dân thông minh

Triển khai mô hình Cổng/Trang thông tin điện tử đa cấp, đa chiều, liên thông từ xã, phường đến thành phố. Qua hệ thống Cổng thông tin cán bộ công chức, người dân có thể tương tác, làm việc khi truy cập hệ thống, nhận được thông tin ở mọi lúc mọi nơi.

Công dân thông minh – dịch vụ thông minh

Phủ sóng thông tin di động thế hệ 3G đến 80% khu dân cư. Các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai cung cấp nhiều dịch vụ: chính phủ điện tử, thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, giải trí, dịch vụ có tính tương tác, dịch vụ truy nhập internet băng rộng di động tốc độ cao, trong đó nổi bật là sử dụng IPTV (truyền hình qua mạng Internet); dịch vụ VoD (truyền hình theo yêu cầu). Dự kiến trong năm 2016 một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động thế hệ 4G.

Một số điểm truy cập mạng internet không dây tại dải Trung tâm thành phố, Trung tâm Hội nghị thành phố, khu du lịch Cát Bà đáp ứng yêu cầu của nhân dân và du khách đến thành phố.

Ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế đối với 108 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đều kết nối dữ liệu với BHXH thành phố.

Ngành Khoa học và Công nghệ xây dựng 36 dịch vụ công mức độ 4 để phục vụ công tác quản lý của ngành.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát triển mô hình trường học điện tử thuộc tất cả các cấp học, bậc học; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học trong tất cả các trường học trên địa bàn thành phố.

Ngành Công thương xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, bước đầu phát triển thương mại điện tử ở một số lĩnh vực.

Ngành Thông tin và truyền thông ứng dụng các phần mềm ứng dụng trong quản lý hạ tầng viễn thông (quản lý hệ thống trạm phát sóng thông tin di động BTS, quản lý hạ tầng cáp thông tin, quản lý các điểm cung cấp dịch vụ internet và trò chơi điện tử công cộng…)

Các ngành Tài chính, Ngân hàng, Thuế, Kho bạc nhà nước, Hải quan… triển khai các phần mềm chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý.

Nông nghiệp thông minh

Triển khai các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2016.

Quản lý trật tự - trị an thông minh

Cùng với hệ thống giao thông thông minh, trong thời gian tới thành phố sẽ thực hiện giám sát an ninh trật tự qua hệ thống camera, khuyến kích cộng đồng lắp đặt hệ thống giám sát tại khu ở và khu vực công cộng cũng như trong gia đình.

Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của công dân về trật tự - trị an qua điện thoại di động.

 

2. Đề xuất giải pháp và kiến nghị

Qua đánh giá điều kiện thực tế và việc triển khai thực hiện quy hoạch tại Hải Phòng cho thấy, đô thị của chúng ta mặc dù đang trên đà phát triển hết sức mạnh mẽ nhưng vẫn còn có những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của đô thị. Để khắc phục tình trạng này rất cần thiết phải áp dụng mô hình đô thị thông minh vào trong quá trình quy hoạch, quản lý đô thị. Để áp dụng thành công mô hình này, Sở Xây dựng kiến xuất một số giải pháp kiến nghị như sau:

2.1. Giải pháp

http://ashui.com/mag/images/stories/201610/smartcity1.png

Một là đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch: Để phát triển 1 đô thị nền tảng chính là dựa trên quy hoạch bởi quy hoạch sẽ tổng hợp phân tích các vấn đề hiện hữu của đô thị, dự báo nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển đô thị bền vững, giúp kiểm soát ngăn ngừa sự cố. Do vậy, để xây dựng đô thị thông minh tại Hải Phòng việc đầu tiên là phải đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch. Phương pháp quy hoạch phải dựa trên các phân tích đánh giá của cơ sở dữ liệu dùng chung để đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lực về đất đai, năng lượng và các nguồn lực tự nhiên khác, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, sử dụng hiểu quả hơn các nguồn lực công cộng, bảo tồn các giá trị lịch sử, đảm bảo không gian cho giáo dục và nghỉ ngơi, hạn chế phát triển tràn lan và nâng cấp không gian đô thị. Trước mắt, tập trung vào nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố trong đó xác định xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Hải Phòng là mục tiêu hàng đầu, là yêu cầu bắt buộc mà các nhà nghiên cứu quy hoạch và các cơ quan quản lý quy hoạch phải thực hiện.

Hai là xây dựng Cơ sở dữ liệu mở dùng chung: là dữ liệu liên thông tổng hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; là cơ sở dữ liệu mở đòi hỏi sự tương tác giữa cơ sở dữ liệu và cơ sử tri thức của người sử dụng. Cơ sở dữ liệu dùng chung chỉ có thể phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin và điện toán đám mây.

Ba là tập chung nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:ứng dụng công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hoạt động của đô thị thông minh, là phương thức giao tiếp chủ yếu giữa chủ thể quản lý (là các cơ quan nhà nước) với đối tượng quản lý (là các tổ chức, cá nhân trong đô thị), đồng thời cũng là công cụ để vận hành đô thị thông minh. Đi đôi với việc đầu tư cho công nghệ, cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, khai thác và sử dụng hiệu quả công nghệ phục vụ lợi ích chung.

Bốn là tuyên truyền vận động, xây dựng ý thức:đô thị thông minh đòi hỏi các chủ thể của nó phải thông minh: quản lý thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh. Thông minh ở đây không chỉ là trình độ năng lực hay học vấn mà còn là ý thức của chúng ta đối với sự phát triển đô thị. Ngoài ra, xây dựng đô thị thông thông minh là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như cộng đồng dân cư. Do vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền để huy động toàn xã hội chung tay xây dựng đô thị theo định hướng đô thị thông minh.

Năm là đẩy mạnh hợp tác quốc tế:học tập kinh nghiệm của các nước phát triển để đi trước, đón đầu, lường trước và tránh mắc phải các vấn đề trong phát triển đô thị. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ giúp đỡ từ các nước bạn để có nguồn lực cho phát triển đô thị.

2.2.Kiến nghị

     Đề nghị các cơ quan trung ương xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá đô thị đạt đô thị thông minh, có cơ chế ưu đãi cho các đô thị phát triển theo mô hình đô thị thông minh.

     Hỗ trợ nguồn vốn cho địa phương thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh như: Hệ thống mạng công nghệ thông tin điện tử phục vụ cho việc hình thành chính phủ điện tử; phát triển hệ thống thủ tục hành chính một cửa hiện đại cho tất cả các quận huyện và sở ban ngành; Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống điện chiếu sáng thông minh; Hệ thống cấp nước, cấp điện thông minh; Hệ thống thanh toán điện tử thương mại; Hệ thống thủ tục liên quan đến doanh nghiệp thông minh: Thủ tục đăng ký kinh doanh, khai báo thuế, hải quan, logistics.....

     Tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ quản lý thông minh, trước mắt là lĩnh vực quy hoạch đô thị thông minh và quản lý đô thị thông minh.

     Thí điểm xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm./.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264570
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn