Với mục đích cung cấp thêm thông tin và luận cứ về các giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ Chương trình giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố về công tác đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực nghề đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn thành phố, sáng ngày 29/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng (Liên hiệp Hội) phối hợp với Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng”. PGS.TS. Lê Quốc Tiến – Thành ủy viên, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND, TS. Bùi Thanh Tùng – Chủ tịch Liên hiệp Hội và ThS. Phạm Thị Huyền – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo
TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo cho biết, tại thành phố có 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (19 trường Cao đẳng, 12 trường Trung cấp, 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp) và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại các quận, huyện, 11 doanh nghiệp). Tuy nhiên, số lượng, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở thành phố đạt khoảng 40%. Đây là con số khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh mới.
TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS Lê Quốc Tiến, Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng, thành phố còn thiếu lao động kỹ thuật lành nghề, thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành để phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Một số ngành nghề doanh nghiệp có nhu cầu song thành phố chưa có cơ sở đào tạo hoặc chưa có chương trình đào tạo.
PGS.TS. Lê Quốc Tiến – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND báo cáo đề dẫn Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nội dung liên quan đến thực trạng đào tạo nghề và đề xuất một số cơ chế, chính sách. Nhiều ý kiến đã nêu những bất cập: Cơ sở vật chất của đơn vị đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học. Chương trình giảng dạy tại các trường còn thụ động, nhiều trường cùng giảng dạy một chuyên ngành, không bắt kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, tư duy “học đại học là con đường duy nhất” còn rất phổ biến hiện nay trong các gia đình.
Các đại biểu tham luận và thảo luận tại Hội thảo
Theo bà Phạm Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, với mục tiêu cung cấp lao động có tay nghề cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của thành phố và đất nước, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về đào tạo nghề.
Đ/c Phạm Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng tham luận tại Hội thảo
Ngoài ra, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để phát huy tối đa năng lực, nguồn lực trong đào tạo nghề nghiệp; xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở từng giai đoạn.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động Sàn Giao dịch việc làm để cập nhật thông tin về cung cầu lao động, làm cơ sở định hướng đào tạo nghề nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm theo nhu cầu thị trường./.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề như, tiếp tục tuyên truyền, hướng nghiệp để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, doanh nghiệp về vai trò, thế mạnh của lao động học nghề. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng cần tập trung đầu tư, chuẩn hóa các điều kiện để nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp tăng cường gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người học.