Thời gian: 11/03/2023 08:50

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chứa đựng sự tương tác của công nghệ các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học sẽ tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh kinh tế xã hội, từ cấu trúc thể chế của các cơ quan chính phủ đến sự vận hành của các mô hình kinh doanh. Cuộc cách mạng này được cho rằng sẽ “kiểm tra” khả năng của các quốc gia trong việc thích ứng với các hệ thống mới. Trong bối cảnh trên, nghiên cứu đánh giá sự sẵn sàng của các quốc gia ASEAN đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sau đó, tiếp tục phân tích phản ứng của một số quốc gia thành viên ASEAN cũng như chính sách chung của cả khối trong bối cảnh cuộc cách mạng này.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chứa đựng sự tương tác của công nghệ các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học sẽ tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh kinh tế xã hội, từ cấu trúc thể chế của các cơ quan chính phủ đến sự vận hành của các mô hình kinh doanh. Klaus Schwab (2016) đã viết “chúng ta đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc trên tất cả các ngành công nghiệp, đánh dấu bằng sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, sự phá vỡ của các mô hình hiện tại và sự định hình lại hệ thống sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển và giao nhận. Về mặt xã hội, một sự dịch chuyển mẫu hình cũng diễn ra trong cách chúng ta làm việc và giao tiếp, cũng như cách chúng ta thể hiện mình, tiếp cận thông tin và giải trí. Tương tự như vậy, các chính phủ và các tổ chức đang được định hình lại, một số trong đó phải kể đến như hệ thống giáo dục, y tế, giao thông vận tải. Những cách thức mới trong việc sử dụng công nghệ để thay đổi hành vi và các hệ thống sản xuất, tiêu thụ của chúng ta cũng thúc đẩy tiềm năng hỗ trợ quá trình tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên, chứ không phải là tạo ra các chi phí ẩn dưới hình thức ngoại ứng.”[1] Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng giống như các cuộc cách mạng trước đó, sẽ “kiểm tra” khả năng của các quốc gia trong việc thích ứng với các hệ thống mới.

Trong trường hợp của các Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chuyển trọng tâm của Cộng cồng kinh tế ASEAN (AEC) từ việc tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất dựa trên sự tự do lưu thông của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng thành một thị trường và cơ sở dịch vụ điện tử với trọng tâm là dòng chảy tự do của thông tin và dữ liệu.[2]

Dưới góc tiếp cận trên, nghiên cứu đánh giá sự sẵn sàng của các quốc gia ASEAN đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sau đó tiếp tục phân tích phản ứng của một số quốc gia thành viên ASEAN cũng như chính sách chung của cả khối trong bối cảnh cuộc cách mạng này.

1. Sự sẵn sàng của các quốc gia ASEAN đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Kết nối, không chỉ dừng lại ở nghĩa hẹp là internet, mà còn mang nghĩa rộng là sự liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan, là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo báo cáo Công nghệ Thông tin Toàn cầu 2016, các quốc gia ASEAN thực sự đã thực hiện các biện pháp để cải thiện sự sẵn sàng cho kết nối trong thời gian gần đây, nhưng những tiến bộ đạt được không đồng đều. Trong đó, để đánh giá mức độ sẵn sàng cho kết nối, các quốc gia được đánh giá bởi 10 trụ cột, phân chia thành bốn nhóm tiêu chí: môi trường tổng thể cho sử dụng công nghệ và sáng tạo (chính trị, qui định; kinh doanh và cải tiến); sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, điều kiện kinh tế và kỹ năng; sự sử dụng/chấp thuận công nghệ bởi ba bên liên quan (chính phủ, khu vực tư nhân và các cá nhân); và ảnh hưởng kinh tế và xã hội của các công nghệ mới.

Bảng 1: Chỉ số Sẵn sàng cho Kết nối của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 3 quốc gia Đông Bắc Á giai đoạn 2012-2016

Năm

2012

2013

2014

2015

2016

Bờ-ru-nây

54

57

45

   

Campuchia

108

106

108

110

109

Trung Quốc

51

58

62

62

59

In-đô-nê-xi-a

80

76

64

79

73

Nhật Bản

18

21

16

10

10

Hàn Quốc

12

11

10

12

13

Lào

   

109

97

104

Ma-lai-xi-a

29

30

30

32

31

Mi-an-ma

   

146

139

133

Phi-líp-pin

86

86

78

76

77

Xin-ga-po

2

2

2

1

1

Thái Lan

77

74

67

67

62

Việt Nam

83

84

84

85

79

Nguồn: Baller, Soumitra và Lanvin (chủ biên) (2017)

Theo Bảng 1, trong suốt thời kỳ 2012-2016 các nước thành viên ASEAN đều đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc đảm bảo sự sẵn sàng cho kết nối, thể hiện ở sự cải thiện trong thứ hạng hàng năm (ngoại trừ Ma-lai-xi-a). Trong đó Xin-ga-po là quốc gia dẫn đầu khu vực cũng như toàn bảng xếp hạng trong hai năm liên tiếp, tiếp theo là Ma-lai-xi-aBờ-ru-nây (tuy số liệu về quốc gia này bị thiếu trong 2 năm 2015 và 2016, nhưng thứ hạng của họ trong 3 năm trước đó khá cao). Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam là các quốc gia thuộc nhóm trung bình trong khu vực với thứ hạng năm 2016 lần lượt là 62, 73, 77 và 79. Nhóm ba nước có chỉ số thấp nhất khu vực là Lào, Campuchia và Mi-an-ma với thứ hạng lần lượt là 104, 109 và 133 năm 2016. Đồng thời, so với nhóm 3 nước Đông bắc Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, sự sẵn sàng cho kết nối của hầu hết các nước ASEAN là thua kém, ngoại trừ Xin-ga-poMa-lai-xi-a.

Bảng 2: Bốn thành phần trong Chỉ số Sẵn sàng cho Kết nối năm 2016

Quốc gia

Môi trường

Tính sẵn sàng

Sử dụng

Tác động

Chỉ số Sẵn sàng cho Kết nối

Bờ-ru-nây

         

Campuchia

119

100

110

117

109

In-đô-nê-xi-a

62

81

78

78

73

Lào

93

107

117

104

104

Ma-lai-xi-a

21

73

30

30

31

Mi-an-ma

133

118

137

135

133

Phi-líp-pin

89

92

66

62

77

Xin-ga-po

1

16

1

1

1

Thái Lan

54

62

63

65

62

Việt Nam

86

82

81

76

79

Nguồn: Baller, Soumitra và Lanvin (chủ biên) (2017)

Xét về từng thành phần của Chỉ số Sẵn sàng kết nối, mỗi quốc gia lại có các thế mạnh và hạn chế riêng. Xin-ga-po đứng đầu trong cả ba chỉ số thành phần ngoại trừ chỉ số về tính sẵn sàng, đứng ở vị trí số 16, do sự gia tăng chi phí sử dụng Internet. Kết quả ấn tượng về thứ hạng của Xin-ga-po được cho là kết quả của sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ đối với chương trình nghị sự kỹ thuật số, bao gồm Chương trình Quốc gia Thông Minh. Ma-lai-xi-a lại cho thấy sự ổn định khi đảm bảo duy trì vị trí trong bảng xếp hạng. Theo đánh giá của Baller và cộng sự (2017), những thành công của Ma-lai-xi-a có được nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ những hành động của chính phủ như cam kết toàn diện hướng tới chương trình nghị sự kỹ thuật số và đi đầu trong ứng dụng những công nghệ mới nhất.

2. Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Để thực hiện đầy đủ tiềm năng của sự tiến bộ trong kết nối cũng như hiện thực người dân của mỗi quốc gia cần phải có những hiểu biết về công nghệ. Do vậy, một trong những ưu tiên của chính sách ứng phó là nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin truyền thông của nguồn nhân lực. Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a là những quốc gia ASEAN tiêu biểu đã có những chiến lược toàn diện giúp phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Trong trường hợp của Xin-ga-po, thông qua chiến lược hàng đầu của Infocomm Media 2025 để phát triển khả năng thư duy toán của người dân, Singapore khuyến khích các sáng kiến phù hợp với sinh viên, công nhân các ngành công nghiệp, và chuyên gia truyền thông. Chính phủ cung cấp các hỗ trợ vườn ươm cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp và Block 71 giờ đây được xem là thung lũng Silicon của Đông Nam Á. Tỷ lệ người học/máy tính ở Xin-ga-po cũng khá ấn tượng. Cụ thể, tỷ lệ người học/ máy tính của các trường tiểu học và trung học tại Xin-ga-po là 4:1, còn cao hơn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tỷ lệ này tại trường tiểu học ở Ma-lai-xi-a và Thái Lan lần lượt là 17:1 à 15:1 và 412:1 tại Phi-líp-pin. Con số tại Campuchia còn thấp hơn, với tỷ lệ là 500:1 và 441:1 cho trung học cơ sở và trung học phổ thông.[3]

Bên cạnh đó, trong khi hệ thống giáo dục tại hầu hết các quốc gia ASEAN tiếp dục dựa vào các chương trình truyền thống, và nhiều trường học thiếu thiết bị phù hợp, Xin-ga-po đã dần dần thích ứng hệ thống giáo dục của mình và thúc đẩy việc tái trang bị lại bằng chương trình SkillsFuture của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đối với Ma-lai-xi-a, quốc gia này tập trung vào phát triển nguồn vốn nhân lực để cải thiện kỹ năng làm việc của công nhân. Họ đã từng bước thực hiện nhiều biện pháp để sẵn sàng ứng phó với những thay đổi mà kỷ nguyên công nghiệp mới đem lại. Chính phủ Ma-lai-xi-a đã thành lập Quỹ Phát triển Nguồn nhân lực để hiện thực hóa nỗ lực trang bị kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động Ma-lai-xi-a trong bối cảnh nước này chủ trương tạo ra các “công xưởng thông minh”. Quỹ sẽ hỗ trợ 2,3 triệu RM cho ba trương trình lớn: Data and Data Professional Training, Nâng cao Năng lực phụ nữ thông qua Công nghệ thông tin và truyền thông và Khoa học dữ liệu lãnh đạo, và Chương trình phát triển kỹ năng ICT quan trọng của MDEC.

Song song với phương hướng thích ứng của từng thành viên, khối ASEAN cũng đã có những hành động cụ thể để thúc đẩy đổi mới, phát triển khoa học công nghệ trong toàn khu vực. Ngày 29/10/2016, tại Campuchia, trong hội nghị bộ trưởng về Khoa học và công nghệ không chính thức lần thứ 9 đã thông qua Kế hoạch thực thi cho Kế hoạch hành động ASEAN về Khoa học, công nghệ và đổi mới (APASTI) 2016-2025. Bên cạnh đó, để tăng cường hợp tác và năng lực Khoa học, công nghệ và đổi mới trong ASEAN, các bộ trưởng hoan nghênh một số sáng kiến do các quốc gia thành viên ASEAN đề xuất như: thành lập ASEAN Science, Technology and Innovation Partnership Contributions. Thành lập một Nền tảng ASEAN mở về công nghệ và doanh nhân để hòa hợp di chuyển nhân tài, phát triển nguồn nhân lực và các chương trình R&D của ASEAN với chương trình nghị sự về đổi mới của ASEAN.

3. Kết luận

Từ những phân tích trên cho thấy, xét về từng quốc gia riêng lẻ, có sự phân hóa rõ ràng trong khối ASEAN về sự sẵn sàng cho kết nối cũng như mức độ các quốc gia phản ứng đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a là hai quốc gia đi đầu khối về trình độ, mức độ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông. Đồng thời, hai quốc gia này cũng đang có những hành động mạnh mẽ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo vận hành, khai thác tốt những tiềm năng cuộc cách mạng mang lại cũng như duy trì tính cạnh tranh của nguồn nhân lực trước thách thức việc làm bị thay thế bởi các nhân tố trí tuệ nhân tạo.

Xét về tổng thể khối ASEAN, theo đánh giá của ATKearney (2015), mặc dù khối đang tụt lại phía sau so với các nền kinh tế khác trong việc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, nhưng khối có tiềm năng trở thành top 5 nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất thế giới vào năm 2025. Điều này cho thấy ASEAN thực sự có khả năng bắt kịp các nền kinh tế khác trong việc hiện thực hóa và hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ tất cả các quốc gia thành viên cũng như sự đồng thuận của toàn khối.

Tài liệu tham khảo:

  1. ATKearney (2015), The ASEAN Digital Revolution, Online version at https://www.atkearney.com/documents/10192/7567195/ASEAN+Digital+Revolution.pdf/86c51659-c7fb-4bc5-b6e1-22be3d801ad2
  2. Baller S., Soumitra D., Lanvin B., editors (2017), The Global Information Technology Report 2016, Inovating in the Digital Economy, Insight Report. Online version at http://www3.weforum.org/docs/GITR2016/GITR_2016_full%20report_final.pdf
  3. Klaus Schwab (2016, Dong Bich Ngoc, Tran Thi My Anh), The Fourth Industrial Revolution,Crown Business, United State of America, Pg 1.
  4. http://reports.weforum.org/global-information-technology-report-2016/networked-readiness-index/
  5. https://www.adb.org/features/asean-12-things-know
  6. https://blogs.adb.org/blog/asean-ready-fourth-industrial-revolution
  7. http://www.themalaymailonline.com/malaysia/article/how-to-prepare-for-the-fourth-industrial-revolution-now#gVRwAb4UTKHBlwiF.97
  8. http://www.theborneopost.com/2017/07/29/hrdf-prepares-for-4th-industrial-revolution-with-new-initiatives/
  9. http://www.mida.gov.my/home/4012/news/the-opportunitythreat-of-industry-4.0/

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264586
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn