Thời gian: 14/03/2023 09:12

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các tác động đến kinh tế, quân sự và những nguy cơ, thách thức

Trải qua 3 cuộc cách mạng khoa học công nghệ lớn bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 và đến nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang trong giai đoạn đầu khởi phát, nhưng dự đoán sẽ phát triển, lan truyền với tốc độ rất cao;  có phạm vi ảnh hưởng rất sâu rộng phức tạpso với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây do được hình thành trên nền tảng thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng lần  thứ 3 (giữa thế kỷ 19)  sự hội tụ của các loại hình  công nghệ mới chủ yếu như: mạng lưới  kết nối vạn vật (IoT), mạng lưới kết nối các dịch vụ (IoS), công nghệ thông tin (CNTT), lưu trữ và điện toán đám mây, công nghệ tự động hóa, số hóa, lượng tử; công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo; công nghệ nano vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ robot, in 3D, ... Các nền tảng khoa học này sẽ giúp tối ưu hóa vàthông minh hóa các quá trình vật lý, các quy trình phương thức sản xuất, các phương thức trao đổi dịch vụ, hàng hóa, tiền tệ và các hoạt động thực tiễn khác của con người thông qua không gian ảo;giúp cho con người và thế giới thực, thế giới ảo tương tác với nhau trong thời gian thực;làm cho tổ chức, chính quyền, xã hội, công cụ sản xuất, quan hệ sản xuất,môi trường làm việc, sinh sống,... trở nên thông minh hơn,nhờ đó sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm theo yêu cầu cụ thể của khách hàng với chi phí phù hợp và xây dựng hệ thống sản xuất hàng loạt có khả năng điều chỉnhlinh hoạt hơn theo thay đổi của nhu cầu xã hội.

1. Tác động về mặt kinh tế xã hội

          Với tính ưu việt của các lĩnh vực khoa học công nghệ được hội tụ, CMCN 4.0 sẽ tác động, làm thay đổi rất lớn đến các hoạt động xã hội, các hệ thống quản lý và sản xuất hiện nay. Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ rất cao, là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất và quản lý trên toàn thế giới; tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo, phát triển, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, giảm đáng kể các loại chi phí, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, qua đó làm giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ  và tăng mức độ cạnh tranh sản phẩm. Nền kinh tế thế giới sẽ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ đổi mới và sáng tạo đó là những động lực không giới hạn,giống như cuộc cách mạng trước đó, CMCN 4.0 có tiềm năngtạo ra nhiều lợi ích to lớn, nâng cao mức thu nhập toàn cầu, cải thiện chất lượng sống của người dân trên thế giới. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ tác động làm thay đổi phương thức tiêu dùng, thời gian tiếp cận sản phẩm. Các hoạt động tiêu dùng, sử dụng dịch vụ cơ bản đều có thể thực hiện từ xa thông qua IoT, IoS. Thêm vào đó, người tiêu dùng được tiếp cận thông tin sản phẩm minh bạch hơn do áp lực duy trì lợi thế cạnh tranh giữa các nhà sản xuất. .

Đặc trưng lớn nhất của CMCN 4.0 là tính liên kết giữa các chủ thể và các chu trình kinh tế dựa vào các công nghệ tiên tiến, mà đỉnh cao là IoT và IoS đang xóa nhòa dần khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo; Nó sẽ tạo ra làn sóng du nhập của các công nghệ tiên tiến; tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn,  đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, Internet và tự động hóa. Các mạng lưới IoT, IoS cho phép tương tác hai chiều giữa người dân và các cơ quan chính phủ giúp tăng cường sức mạnh quản lý, chỉ đạo, giám sát và điều tiết nền kinh tế, nhờ đó, sẽ tăng cường sự minh bạch và thúc đẩy nhanh hội nhập. Ngoài ra, thông qua các công nghệ tiên tiến chúng ta có thể thiết lập các hệ thống tự động thu thập và xử lý thông tin, cảnh báo sớm từ các thảm họa thiên nhiên, hỗ trợ nông nghiệp, các hệ thống tự động hóa sản xuất, quản lý, giám sát trong các thành phần kinh tế,...

- Tuy nhiên, đi đôi với những ảnh hưởng tích cực mang lại lợi ích lớn thì các tác động tiêu cực đối với mỗi cuộc cách mạng công nghiệp là điều khó tránh khỏi hoàn toàn. CMCN 4.0 tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người, số lượng lao động dư thừa sẽ tăng lên, ngoài tác động về kinh tế, sự bất bình đẳng xã hội là vấn đề đáng được quan tâm. CMCN 4.0có thể tạo ra sự sụt giảm thu nhập đối với số đông dân cư tại các nước phát triển có thu nhập cao khi nhu cầu nhân lực có trình độ cao tăng đồng thời sẽ triệt tiêu dần lao động giản đơn, giảm mạnh nhu cầu nhân lực phổ thông và chính điều đó có thể sẽ tạo ra thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.

Việc gia tăng sử dụng IoT và IoS sẽ làm tăng nguy cơ xâm phạm đời tư, tấn công thông tin, an ninh mạng và những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của con người trong sử dụng các sản phẩm kết nối không dây hay các phương tiện không người lái, các nhân công rô bốt,... sẽ kéo theo là những vấn đề phải giải quyết về mặt pháp lý, tính hợp pháp của các giao dịch qua mạng bằng toàn bộ hoặc một phần lớn máy móc thay thế cho con người.Ngoài ra, đòi hỏi thiết yếu của việc duy trì tính toàn vẹn của quá trình sản xuất, tránh các rủi ro về CNTT, những yếu tố sẽ gây hậu quả xấu cho sản xuất, đòi hỏi bảo vệ bí quyết công nghiệp,...      Đây là những nhận định hết sức rõ ràng và thực tế về những cơ hội và nguy cơ mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các vấn đề bảo mật sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Yêu cầu đó đặt ra thách thức phải đổi mới, cải thiện cơ cấu hoặc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với cả doanh nghiệp và chính phủ.

2. Tác động đối với lĩnh vực quân sự

Những thành tựu của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã tác động rất sâu sắc và mang đến những bước phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ quân sự, đã tạo ra những vũ khí và phương tiện chiến tranh mới, từ đó xuất hiện những phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự và học thuyết quân sự mới. Những đột phá về  công nghệ của cuộc CMCN 4.0 chắc chắn sẽ làm biến đổi sâu sắc nền khoa học và công nghệ quân sự thế giới, trước hết nó tạo ra những công cụ, phương tiện chiến tranh mới, các hệ thống tự động hóa chỉ huy C4ISR, vũ khí công nghệ cao thế hệ mới mà đặc thù là vũ khí mạng và nền công nghiệp quốc phòng tại chỗ.

Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng vào quân sự, làm xuất hiện những hệ thống vũ khí thế hệ mới, với những tính năng mới, có sự nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả như: vũ khí điều khiển chính xác thế hệ mới, vũ khí tàng hình, vũ khí tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng (vũ khí la-de, vũ khí chùm hạt), vũ khí vi-ba, bom xung điện từ, pháo điện từ, vũ khí thông minh và vũ khí vũ trụ.

Có thế điểm qua một vài xu hướng chính và kết quả điển hình về công nghệ quân sự trên thế giới trong thời gian qua, như sau:

Không gian mạng và tác chiến không gian mạng

Sự kết nối mạng của số lượng khổng lồ các thiết bị công nghệ thông tin đã tạo ra một không gian hoạt động mới, còn gọi là không gian số, hay không gian mạng. Trên không gian mạng đó, tồn tại nhiều cộng đồng mạng chia sẻ các dịch vụ khác nhau, các dịch vụ này đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng tới kinh tế và xã hội của các quốc gia.Chính vì sự quan trọng đó, trong không gian mạng đã và đang xuất hiện nguy cơ mới, đó là nguy cơ mất an ninh an toàn trên không gian mạng, hàng loạt các hành động bất hợp pháp nảy sinh như lừa đảo, trộm cắp, đe dọa, tấn công mạng đã xảy ra với tần xuất ngày càng nhiều thậm chí có nhiều cuộc tấn công có chủ đích và có tổ chức. Điều này đặt các quốc gia trước một thách thức vô cùng lớn, đó là duy trì an ninh an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như bảo vệ an ninh quốc gia trước các cuộc tấn công mạng. Từ đó, khái niệm tác chiến không gian mạng cũng dần hình thành, đi đầu trong vấn đề này là quân đội Mỹ- quốc gia có Bộ Tư lệnh “Tác chiến Không gian mạng” sớm nhất hiện nay và công khai học thuyết quân sự về tác chiến không gian mạng.

          Bên cạnh đó, sự phát triển của các hệ thống IoT, IoS làm nảy sinh rất nhiều nguy cơ khác, như: số lượng các thiết bị có nguy cơ khi bị khai thác sẽ tăng lên cùng với sự đa dạng của các chủng loại thiết bị trong ngành công nghiệp khi các thiết bị có kết nối với nhau, sẽ đẩy các nguy cơ an ninh mạng lên cao. Song hành với sự tiện ích mà IoT, IoS mang lại thì với sự phát triển của nó tiềm ẩn những rủi ro đi cùng. Có thể nhận thấy rằng các cuộc tấn công mạng do tin tặc thực hiện ngày càng nhiều, quy mô và phạm vị ngày càng lớn, tin tặc sử dụng các phần mềm đã bị xâm phạm để tác động đến mục tiêu dẫn tới các hiệu ứng vật lý đặc biệt gây lo ngại cho nhiều tổ chức xã hội và nhiều quốc gia.

          Trong tương lai không xa, các dịch vụ tình báo có thể sử dụng IoT để nhận dạng, giám sát, theo dõi, định vị, toàn bộ các điểm của IoT đều sẽ trở thành mắt lưới gián điệp, giám sát hoạt động của tổ chức, cá nhân chặt chẽ hơn nếu đưa vào diện nghi ngờ. Với sự gia tăng của các thiết bị IoT, các thiết bị đầu cuối IoT sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm các chức năng “thông tin” (ví dụ, báo cáo tình trạng về điều kiện năng lực) và “kiểm soát” (ví dụ, kích hoạt, vô hiệu hóa). Đặc biệt về IoT “thế hệ thứ tư” các chức năng kiểm soát sẽ ngày càng được tự động với các quyết định được thực hiện trên cơ sở máy - tới - máy mà không cần sự can thiệp của con người sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn

 

Thiết bị không người lái:

Cách đột phá về công nghệ tính toán, trí tuệ nhân tạo, robot và IoT như đã nêu ở trên đã mở ra một chương mới trong phát triển khí tài quân sự mà không cần có quân nhân điều khiển trực tiếp.Một trong những xu hướng phát triển quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng thập kỷ qua chính là sự trỗi dậy của các thiết bị không người lái.

Các hệ thống tự động hóa chỉ huy thế hệ mới.

Phát triển vũ khí công nghệ cao thế hệ mới.

Robot chiến binh.

Công nghệ in 3D - nền công nghiệp quốc phòng sản xuất vũ khí tại chỗ.

3. Cơ hội và thách thức

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội tốt để chúng ta bứt phá, tuy nhiên mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều đặt ra yêu cầu phải thay đổi kỹ năng để đáp ứng điều kiện làm việc mới và cuộc cách mạng 4.0 cũng không phải ngoại lệ.  Đối với Việt Nam, làm chủ công nghệ trong CMCN 4.0 có thể sẽ dễ dàng hơn so với trước đâydo chúng ta đã có một số yếu tố cơ bản và quan trọng làm nền tảng như: ngành CNTT đang được phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%, đứng trong top 5 nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới; Tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao, năm 2016 có khoảng 54% dân số - đứng thứ 5 ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; Tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh cao, đạt khoảng 55% dân số;… Chúng ta cũng đang có sự tiếp cận rất nhanh với CMCN 4.0 kể cả trong nghiên cứu và thực hiện. Nếu các doanh nghiệp của chúng ta đầu tư sớm cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng CMCN 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng này, vị thế của chúng ta, của doanh nghiệp chúng ta trên thị trường quốc tế sẽ thay đổi lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn thách thức.

Thách thức đầu tiên chúng ta gặp phải là tiềm lực và trình độ phát triển: điều kiện về kinh tế để cấu trúc lại và triển khai nâng cấp các hệ thống theo yêu cầu của CMCN 4.0; khả năng đáp ứng về trình độ công nghệ tiên tiến để tiếp nhận, quản lý một cách toàn diện của các tổ chức, cá nhân. Có thể nói, trình độ phát triển công nghệ của chúng ta còn ở mức thấp và không đồng đều,  đây là vấn đề gây cản trở rất lớn cho việc đột phá và đi tắt đón đầu. Bên cạnh đó,  CMCN 4.0 đòi hỏi phải thay đổi phương thức quản lý, phương thức sản xuất, lề lối, cách thức làm việc,... để tận dụng tính ưu việt của IoT, IoS và các lĩnh vực công nghệ tiên tiến khác là vấn đề khá xa vời với chúng ta. Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam chính là làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, làm chủ công nghệ không dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể. Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách Việt Nam đối với việc đưa ra chính sách phù hợp để tạo ra những doanh nghiệp trong nước có thể ứng dụng những công nghệ nổi bật của cuộc cách mạng này và làm sao để phát triển một nền kinh tế chia sẻ; tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.  Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội để bứt phá nhưng cũng là một thách thức không nhỏ với kinh tế, xã hội khi chúng ta vốn chưa qua đầy đủ các cuộc cách mạng trước đó.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, đây là cơ hội để Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu đặc biệt là quản lý ở cả nền kinh tế, hệ thống quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực, ở các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình.Thành phố Hải phòng cũng đã và đang rất tích cực, chủ động đi tắt đón đầu cuộc cách mạnh công nghiệp lần này: các ngành các cấp, đã tăng cường thúc đẩy phát triển hạ tầng, ứng dụng, kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tạo điều kiện tốt cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển các nội dung số hóa, tự động hóa để tiếp thu kịp thời và đáp ứng tốt các yêu cầu của CMCN 4.0./.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264538
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn