Sau ba cuộc Cách mạng công nghiệp lớn trong lịch sử, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) giúp cho máy tính, phần cứng, phần mềm cũng như mạng toàn cầu phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự ra đời một cuộc cách mạng công nghiệp toàn diện và làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính là:
Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI);
Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu;
Lĩnh vực vật lý: Robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions...), công nghệ nano...
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là cơ hội cho phát triển thị trường lao động. Nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thành phố Hải Phòng.
- Một số đánh giá về thị trường lao động thành phố Hải Phòng hiện nay:
- Lực lượng lao động hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng khoảng 1,1 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 4%. Trong đó, lao động làm việc trong ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 24%; ngành công nghiệp, xây dựng 29,2%; ngành dịch vụ 46,8%.
- Nguồn cung lao động đã cơ bản đáp ứng được về mặt số lượng cho thành phố;
- Cơ cấu sử dụng lao động chuyển dịch theo hướng tích cực: Giảm dần trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
- Nhiều giải pháp kích cầu lao động đã được triển khai thực hiện, góp phần tạo việc làm cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị;
- Thành phố tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành (đặc biệt là các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động như: da giầy, may mặc...) ra khu vực ngoại thành, khu vực thưa dân cư nhằm giảm sức ép việc làm ở nội thành và tạo điều kiện thu hút lao động ngoại thành;
- Các kênh giao dịch trên thị trường lao động đang hình thành và phát triển. Sàn giao dịch việc làm của thành phố đã được đầu tư xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2011. Hiện nay, Sàn giao dịch việc làm duy trì hoạt động định kỳ 3 phiên/tháng. Hệ thống các đơn vị dịch vụ việc làm đã được sắp xếp, kiện toàn lại, tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Các đơn vị này đang từng bước phát triển thành cầu nối giữa cung và cầu lao động trên thị trường.
- Hệ thống thông tin thị trường lao động thành phố đã, đang và sẽ được ứng dụng mạnh mẽ từ thành tựu công nghệ thông tin hiện nay như hệ thống cơ sở dữ liệu về cung, cầu lao động; hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động dịch vụ việc làm; hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và rất nhiều hệ thốn cơ sở dữ liệu có liên quan khác.
2. Những cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4:
Có thể nói, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động cho phí thấp chuyển sang kinh tế tri thức.
Các ngành công nghiệp sáng tạo tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế so với các ngành sản xuất và dịch vụ truyền thống. Từ đó sẽ tạo ra số lượng việc làm tương ứng.
Trong nền công nghiệp 4.0, bên cạnh việc tìm ra những nguồn/dạng năng lượng mới và công nghệ để khai thác và sử dụng chúng, còn có các công nghệ hướng tới việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có, được gọi là công nghệ nhúng, công nghệ phái sinh. Cụ thể là, các thiết bị sử dụng trong sản xuất sẽ được tăng tùy biến, giúp nhà sản xuất chỉ nâng cấp phần mềm để bổ sung các tính năng mới cho hệ thống thông minh, chứ không cần nâng cấp phần cứng hay thay thế các chi tiết, bộ phần trong dây chuyền như trước đây mà vẫn đảm bảo đầy đủ các yêu cầu mới của khách hàng cho sản phẩm đầu ra.
Theo nhận định của các chuyên gia, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Từ đó, năng suất lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Thu nhập của người lao động sẽ tăng cao hơn.
3. Thách thức từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4:
- Hiện nay nước ta nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt, nguồn lao động trẻ dồi dào là lợi thế lớn, bới đây là lực lượng có khả năng hấp thụ tốt nhất về khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, trong nền công nghiệp 4.0 với sự mở rộng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, thành phố Hải Phòng cũng đứng trước nhiều vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể:
Một là, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp
Hai là, năng suất lao động thấp
Ba là, tay nghề và các kỹ năng mềm khác của người lao động còn yếu.
- Trước thực tế trình độ lao động nước ta nói chung và ở thành phố Hải Phòng nói riêng như trên, cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo này càng trở nên lớn hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả các lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là ký năng sáng tạo. Theo đánh giá của các chuyên gia, những ngành gắn với lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là các ngành gắn với quá trình tự động hóa:
Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có đến 86% lao động cho các ngành Dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc CMCN 4.0. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không hề nhỏ khi các ngành như dệt may, giày dép đã tạo ra số lượng lớn việc làm cho lao động trong nước. Ngành dệt may là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất và có nguy cơ mất việc làm trước công cuộc cách mạng 4.0.
Nguy cơ tiếp theo gần nhất có thể thấy là ngành lái xe. Theo đó, trước tiên các lái xe taxi có thể bị loại khỏi cuộc chơi trong khoảng 20 năm tới khi những loại xe ô tô tự động xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.
Còn với ngành lắp ráp điện tử, rô-bốt cũng sẽ dần thay thế.
- Lợi thế nguồn nhân lực lớn hiện nay rất có thể trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai, nếu tác động tiêu cực của CMCN 4.0 không được chủ động hóa giải.
- Với những thách thức về việc làm thì gánh nặng chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho lao động trước nguy cơ thất nghiệp cũng là thách thức không nhỏ.
4. Về nhiệm vụ, giải pháp nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Đối với Nhà nước:
- Trước hết cần tập trung các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
+ Cần hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nang cao chất lượng giáo dục, đào tạo; có cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nghề nghiệp. Hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo.
Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục - đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng mềm phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới.
+ Cần xây dựng cơ sở dẽ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp. Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống phục vụ công tác quản lý và điều hành lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở giáo dục nhà nước xậy dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo...
+ Chú trọng đến hoạt động dự báo nhân lực theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, Nhà nước có những điều chỉnh kịp thời về đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.
+ Tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, song phương theo lĩnh vực giáo dục - đào tạo, như: nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; Quản trị nhà trường; Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục chất lượng cao.
- Tập trung các giải pháp phát triển thị trường lao động:
+ Nâng cao công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về thị trường lao động thông qua nhiều hình thức khác nhau như phát văn bản, tờ rơi rộng rãi trong dân cư tại những nơi người lao động dễ tiếp cận; tổ chức hội nghị, hội thảo tại các địa bàn; phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài địa phương...
+ Đầu tư các nguồn lực cần thiết như cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong công tác quản lý thị trường lao động tại thành phố và các quận, huyện trên địa bàn nhằm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển thị trường lao động.
+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động của các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm cả về số lượng và chất lượng kết nối.
Về phía các cơ sở đào tạo:
- Cần đổi mới tổ chức đào tạo theo mô đun, tín chỉ và phát triển đào tạo trực tuyến sẽ là hướng đào tạo chủ yếu. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề.
- Thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bảo giảng. Cùng với đó là sự đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong giáo dục đào tạo theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo cảu người học.
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại co sở. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.
Đối với người lao động:
- Phải xác định cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.
- Mỗi cá nhân người lao động phải nỗ lực vượt qua chính mình, trước hết là tư duy, tập quán, lề thói tiểu nông, sau đó là tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yếu cầu phát triển mới./.