Thời gian: 13/03/2023 09:07

Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển kinh - xã hội, con người Việt Nam hiện nay

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, được đề cập với tần suất khá cao trong hơn một năm gần đây[1], về thực chất, là sản phẩm của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ (KHCN), diễn ra từ giữa thế kỷ XX cho đến nay. Cách mạng KHCN hiện nay là một trong những đặc điểm căn bản của thế giới từ những năm 1950 đến nay. Trên thế giới trong vòng hơn nửa thế kỷ qua cách mạng KHCN làm xuất hiện những ngành khoa học mới, tạo ra cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0, với nhiều ngành công nghiệp mới[2] và làm chúng phát triển nhanh chóng, gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền công nghiệp và đời sống xã hội. Nó cũng làm biến mất nhiều ngành công nghiệp đã được tạo ra trước đây, đã từng thống trị, chi phối nền sản xuất[3]. Cùng với việc sử dụng các công nghệ tổ hợp đa thành phần trong cùng một chu trình sản xuất thay cho phương thức công nghệ một thành phần, nó đang tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển các lực lượng sản xuất, tạo ra 2 cuộc cách mạng công nghiệp, và do vậy, nó đang cải biến toàn bộ nền sản xuất xã hội nói chung.

Lịch sử nhân loại đã trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ khi có đầu máy hơi nước của Jame Watt vào giữa thế kỷ 18, kéo dài cho đến giữa thế kỷ 19 với nền tảng là các phát minh cơ bản như máy hơi nước, máy kéo sợi, máy dệt, các lò luyện thép, tàu thủy, tàu hỏa chạy bằng hơi nước, sử dụng than đá. Nó diễn ra chỉ ở một số nước Tây Âu như Anh, Pháp, Ý, Hà Lan. Nền tảng công nghệ là máy hơi nước và công nghệ cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ XX dựa trên nền tảng của các phát minh về động cơ đốt trong, sử dụng dầu mỏ, động cơ diezen, ô tô, máy bay, máy phát điện và động cơ điện, sóng điện từ. Nền tảng công nghệ là các quá trình điện từ và động cơ đốt trong. Nó diễn ra chủ yếu ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, cụ thể là Tây Âu, Hoa Kỳ, Liên Xô và Nhật Bản. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra mạnh mẽ từ cuối những năm 1950 với các phát minh cơ bản trong nhiều lĩnh vực như máy vi tính, robot, các vật liệu siêu bền siêu dẫn, siêu cứng, polime, sử dụng năng lượng nguyên tử, vệ tinh nhân tạo, tàu du hành vũ trụ, máy bay siêu thanh và hàng loạt các công nghệ mới như công nghệ vi sinh, công nghệ gen, công nghệ thông tin, số hóa. Nền tảng công nghệ rộng lớn hơn cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai, nhưng căn bản và chủ yếu là công nghệ điện từ, công nghệ sinh học, công nghệ số. Nó tạo ra được những bước nhảy vọt về năng suất lao động, về quy mô và tốc độ phát triển sản xuất, làm biến đổi mạnh mẽ nhất đời sống con người và xã hội.

Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, các lực lượng sản xuất của xã hội có những bước phát triển nhảy vọt, khoảng cách thời gian từ phát minh khoa học đến ứng dụng vào thực tiễn ngày càng được rút ngắn, vòng đời các công nghệ và do đó, vòng đời các sản phẩm cũng ngày càng rút ngắn. Khối lượng thông tin và kiến thức tăng theo cấp số nhân. Nhiều ngành công nghiệp truyền thống bị xoá bỏ dần dần, nhưng các ngành công nghiệp mới lại xuất hiện nhanh chóng hơn, và được ra đời không phải trực tiếp từ sản xuất mà là từ các phòng thí nghiệm, các lý thuyết khoa học. Công nghệ laze, công nghệ nano, công nghệ số,... là những thí dụ điển hình. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba con người tiếp tục được giải phóng khỏi các chức năng thực hiện, gồm vận chuyển, năng lượng, công nghệ. Việc giải phóng con người khỏi chức năng quản lý có những bước tiến đột phá thực sự, do nó tạo ra các loại rô bốt, các dây chuyền sản xuất tự động hóa  khác nhau. Việc giải phóng con người khỏi chức năng logic cũng đã được bắt đầu từng bước khi các hệ thống máy tính xuất hiện, đặc biệt khi Internet và các thiết bị thông minh ra đời.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng và theo đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, dựa trên nền tảng giai đoạn phát triển mới của cách mạng KHCN, nó nảy sinh với các công nghệ mới và các thiết bị mới, mà trước hết là trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ tự hành, thiết bị đầu cuối all in one, internet vạn vật, điện toán đám mây - dữ liệu lớn, các công nghệ sinh học liên kết thế hệ mới, công nghệ vật liệu cao cấp, công nghệ tự động hóa robot thế hệ mới có “trí tuệ”… Nền tảng công nghệ chủ yếu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự tích hợp các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và trí tuệ nhân tạo. Ở các giai đoạn tiếp theo nền tảng công nghệ của nó có thể được bổ sung. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những đột phá mới trong việc giải phóng con người khỏi các chức năng thực hiện, chức năng quản lý và sẽ tạo nên những bước nhảy vọt trong việc giải phóng con người khỏi chức năng logic khi các công nghệ có trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi. Nó thực sự biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Cách mạng KHCN ở giai đoạn phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần loại con người ra khỏi quá trình sản xuất trực tiếp, biến họ trở thành những chủ thể sáng tạo thực sự, tạo tiền đề vật chất và lực lượng sản xuất mới cho một nền kinh tế mới, đang được gọi bằng nhiều tên khác nhau, đưa nhân loại đến giai đoạn phát triển mới cũng với những tên gọi khác nhau (Kinh tế số, kinh tế mềm, kinh tế tri thức, xã hội thông tin, xã hội tri thức…).

Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tiếp nối cách mạng công nghiệp 3.0 là sản phẩm của cách mạng KHCN đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn hơn, sâu rộng hơn, tốc độ nhanh hơn, dường như đồng thời trên quy mô toàn cầu, đến mức không thể kịp nhận đoán “hình dạng” của ngày mai. Nó thể hiện vừa đồng thời, đồng loạt, cộng hưởng, đột biến, bất ngờ, ảnh hưởng dữ dội, quy mô lớn và sâu rộng so với các giai đoạn lịch sử trước đây trong sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp. Do vậy cách mạng công nghiệp 4.0 có những đặc tính tương đồng với cách mạng KHCN hiện đại và là sự thể hiện trên lĩnh vực công nghiệp của cách mạng KHCH. Hai cuộc cách mạng công nghiệp này không tách rời nhau trong giai đoạn hiện nay ở đa phần các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 mới chỉ bắt đầu ở một vài nước, nhưng cách mạng công nghiệp 3.0 lại có quy mô và đang tác động mạnh hơn ở đại đa số các quốc gia trên thế giới. Nếu chưa trải qua cách mạng công nghiệp 3.0 các nước cũng khó có thể nhảy vọt lên thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay. Như kinh nghiệm cách mạng công nghiệp 1.0 và 2.0 đã chỉ ra thì chỉ khi cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan rộng ở nhiều nước phát triển hơn thì các nước còn lại mới có thể có những bước phát triển tăng tốc của cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó không có nghĩa là không nên đón đầu, thực hiện sớm một số nội dung, định hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 nếu có điều kiện thuận lợi và hiệu quả thực sự.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, thông tin và tri thức khoa học trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng của sản xuất và đời sống xã hội, ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của các lực lượng sản xuất, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, trở thành động lực của sự phát triển của cả sản xuất, con người và xã hội. Tiếp nối cách mạng công nghiệp 3.0, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tiếp tục tạo ra môi trường xã hội đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử. Đó là môi trường thông tin, trong đó phần nhiều lao động thể lực được thay thế bằng lao động trí tuệ với những phẩm chất và năng lực tinh thần, đòi hỏi tính chất sáng tạo, độc đáo, cá nhân hóa. Thông tin, tri thức khoa học trở thành điều kiện, môi trường, nhân tố cấu thành và nội dung thiết yếu của quá trình sản xuất, là nguồn tạo ra của cải vô tận, là nguồn lực đặc biệt của sự phát triển con người và xã hội.

Cách mạng KHCN tạo tiền đề cho nền sản xuất xã hội ở giai đoạn cách mạng công nghiệp 3.0 vượt qua trình độ sản xuất đại trà, đặc trưng của nền sản xuất cũ trước đây, theo nghĩa là sản xuất đại trà không còn có thể thống trị, phổ quát. Nền sản xuất giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp nối sẽ hướng theo các nhu cầu cá nhân - cá thể, đơn nhất, đặc thù. Nó đang làm chuyển dịch dần nền sản xuất xã hội ở quy mô toàn cầu vận hành theo những nguyên tắc mới: phi tiêu chuẩn hóa, phi chuyên môn hóa, phi đồng thời hóa, phi tập trung hóa, phi tối đa hóa và phi trung tâm hóa[4].

Hai cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt và chủ yếu là cách mạng công nghiệp 3.0, trong hơn nửa thế kỷ qua đã làm thay đổi nhanh chóng các lực lượng sản xuất, nền công nghiệp và đời sống xã hội của toan thế giới, làm đảo lộn nhận thức của con người, loại bỏ một số nguyên lý hoặc lý luận trong các lĩnh vực khoa học từ tự nhiên đến xã hội và con người. Các biến đổi của đời sống xã hội và con người đều gắn liền với 2 cuộc cách mạng công nghiệp này và cách mạng KHCN nói chung. Tốc độ phát triển con người và phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, cũng như của các khu vực và thế giới, phụ thuộc ngày càng nhiều vào sự phát triển của cách mạng KHCN và cách mạng công nghiệp 3.0 lẫn 4.0. Chúng chi phối ngày càng nhiều, ngày càng mạnh các biến đổi của đời sống xã hội và của con người (tuổi thọ, bệnh tật, sức khoẻ, làm đẹp,…) trong mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu. Sức mạnh quân sự, quy mô và tốc độ của các cuộc chiến tranh, sức mạnh tấn công và phòng thủ của các quốc gia phụ thuộc ngày càng lớn vào cách mạng KHCN nói chung và cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0. Các cuộc cách mạng đó quyết định các chiều hướng phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, quan hệ quốc tế, giáo dục đào tạo, y tế và việc làm … ở quy mô toàn cầu cũng như trong từng quốc gia riêng lẻ.

Cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 cũng tác động ngày càng mạnh mẽ đến những vấn đề toàn cầu. Một mặt, nó là công cụ, phương tiện hữu hiệu để có thể giải quyết những vấn đề toàn cầu đã và đang xuất hiện ngày một thêm căng thẳng đối với nhân loại. Mặt khác, nó cũng lại làm tăng thêm mức độ căng thẳng của một số vấn đề toàn cầu, thậm chí theo một số học giả, có thể làm xuất hiện những vấn đề toàn cầu mới. Những hậu quả tiêu cực do việc sử dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại (cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng sinh thái, vũ khí hủy diệt hàng loạt,…) đe dọa sự tồn vong và tương lai của mỗi con người và nhân loại nói chung.

Cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 đóng vai trò đặc biệt trong việc rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia trên thế giới, nhưng đồng thời nó lại trở thành một trong những thách đố khó vượt qua được đối với các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, bởi những nước phát triển có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh, có thể đi vào tương lai với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các nước có tiềm lực khoa học và công nghệ yếu kém hơn. Bằng cách đó cách mạng công nghiệp 4.0 gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp khác nhau đến sự phát triển con người trong các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0, một mặt tác động trực tiếp vào đời sống xã hội và con người, làm tăng tuổi thọ, sức khoẻ, thể lực, trí lực nối dài và gia tăng gấp nhiều lần năng lực trí tuệ và sức mạnh cơ bắp. Bằng cách gián tiếp hơn, nhưng lại mạnh mẽ hơn, nhanh chóng và sâu rộng hơn, nó tác động đến con người và xã hội thông qua công nghệ, sản xuất, viễn thông, giao tiếp. Thông qua công nghệ, thông qua các sản phẩm trực tiếp của cách mạng công nghiệp thì khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đi vào sản xuất và đời sống con người. Khoa học chỉ trở thành động lực thực sự của sự phát triển sản xuất và xã hội, khi nó thông qua cách mạng công nghiệp để thúc đẩy sản xuất, con người, xã hội phát triển nhanh chóng. Trong cách mạng công nghiệp hiện nay những sản phẩm mới, công nghệ mới được tạo ra với tốc độ nhanh, mang tính cách mạng và được đưa vào sản xuất, đời sống con người và xã hội nhanh chóng, tạo nên những thay đổi to tớn, những biến đổi cách mạng trong các lĩnh vực đó. Nền tảng kiến thức của cách mạng công nghiệp hiện đại 4.0 chính là cách mạng trong khoa học và công nghệ.

Cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 thúc đẩy sự phát triển không chỉ của công nghiệp, của sản xuất mà của cả con người lẫn xã hội. Quốc gia nào có được tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh mẽ, triển khai và tiến hành cách mạng công nghiệp tốt thì sẽ có tốc độ phát triển nhanh về mọi mặt, có điều kiện và cơ hội để phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển con người và xã hội nhanh chóng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhân loại. Do sự phát triển của cách mạng công nghiệp nói riêng và cách mạng KHCN nói chung, không chỉ các lý luận cụ thể trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kĩ thuật thay đổi, mà hàng loạt lý thuyết về xã hội và về con người cũng buộc phải thay đổi theo. Chẳng hạn, trước đây trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa Liên Xô và các nước XHCN nói chung chỉ vận dụng lý luận ưu tiên phát triển khu vực I (sản xuất tư liệu sản xuất) so với khu vực II (sản xuất tư liệu tiêu dùng) nên chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Nhưng trong thời đại cách mạng KHCN với cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 đang bắt đầu, thì thế giới đã chuyển sang vận dụng cả lý luận khu vực I (“sản xuất con người”) quyết định khu vực II (sản xuất vật chất); “Sản xuất con người” bao hàm 2 nội dung: Thứ nhất là tạo ra con người với sức khoẻ và thể trạng tốt, không bệnh tật, tức thể lực tốt. Điều này phụ thuộc vào quá trình nuôi dưỡng từ khi bào thai, thậm chí cả sức khoẻ tiền hôn nhân của bố, mẹ. Thứ hai là tạo ra con người có kỹ năng, kỹ xảo lao động, có trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, đạo đức, và nói chung là trí lực và tâm lực trong lao động và hoạt động nói chung. Điều này phụ thuộc vào quá trình giáo dưỡng gồm giáo dục và đào tạo theo nghĩa rộng. Việc nuôi dưỡng và giáo dưỡng thế hệ hôm nay ra sao sẽ quyết định quy mô, nhị độ, định hướng, chất lượng phát triển sản xuất và phát triển xã hội trong 20 - 30 năm sau. Vai trò của nguồn lực con người, của giáo dục, đào tạo trong thời đại cách mạng KHCN chính là ở chỗ đó. Vì thế trong thời đại cách mạng KHCN ngày nay giáo dục, đào tạo cùng với khoa học và công nghệ phải là động lực cơ bản, là quốc sách hàng đầu của các quốc gia.

Trong cách mạng công nghiệp, cả lần thứ ba lẫn thứ tư, vòng đời các công nghệ sản xuất ngày càng rút ngắn, do vậy vòng đời các sản phẩm công nghiệp cũng phải rút ngắn theo. Tốc độ phát triển của công nghệ, công nghiệp, của sản xuất, đặc biệt của các lực lượng sản xuất được thể hiện qua vòng đời công nghệ. Vòng đời công nghệ sẽ là một trong những thang đo tốc độ phát triển của công nghiệp và của các lực lượng sản xuất. Vòng đời công nghệ càng rút ngắn, thì tương ứng, vòng đời các sản phẩm công nghiệp cũng bị rút ngắn, tốc độ vận động của đời sống xã hội và con người cũng tăng nhanh. Điều đó lại càng làm đảo lộn hàng loạt các giá trị, các quy tắc, chuẩn mực hành vi của con người trong xã hội. Ở giai đoạn cách mạng công nghiệp thứ tư, những xáo trộn này trong đời sống xã hội và trong văn hóa sẽ ngày càng mạnh mẽ, thậm chí có thể tạo nên những cú “shock” văn hóa trên cùng chính một mảnh đất đang bắt đầu sử dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư. Điều này cần được hết sức lưu ý trong công tác quản lý, tạo dựng và hoàn thiện các thể chế văn hóa, xã hội.

Cách mạng công nghiệp nói chung, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà điều quan trọng là nó làm cho sự phát triển của các lĩnh vực đó diễn ra với những gia tốc khác nhau, trong các lĩnh vực và các quốc gia, các khu vực khác nhau. Một mặt, nó vừa tạo ra cơ hội để các quốc gia đang phát triển có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước phát triển, nếu họ tận dụng được các thành tựu của cách mạng công nghiệp, biến nó thành động lực thực sự cho sự phát triển kinh tế, xã hội và con người. Nhưng nó sẽ là một thách đố cực kỳ khó vượt qua, làm gia tăng thêm nhanh chóng khoảng cách tụt hậu vốn đã có sẵn của các nước đang phát triển, bởi các quốc gia phát triển, có tiềm lực khoa học, kĩ thuật, công nghệ và công nghiệp mạnh mẽ, sẽ đi vào tương lai với tốc độ ngày càng nhanh. Các nước đang phát triển khó có được những tiềm lực như vậy trong thời gian ngắn. Nghịch lý “rùa, thỏ chạy đua” trở thành một thực tế ngày càng khắc nghiệt đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Các cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng KHCN hiện đại, do những điều kiện lịch sử, văn hóa và xã hội, đã không nảy sinh ở Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, diễn ra ở châu Âu khi nước ta đang ở dưới chế độ phong kiến, với ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo xem nhẹ khoa học, kĩ thuật và công, thương nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra ở châu Âu, khi nước ta đang ở dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chỉ có một vài sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp này được thực dân Pháp đưa vào nước ta phục vụ cho bộ máy cai trị thực dân. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra trên thế giới, khi đất nước đang phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, không có các điều kiện để tiếp nhận và thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp này. Mặc dù những thập kỷ gần đây, chúng ta đã xem cách mạng khoa học - kỹ thuật, sau đó là cách mạng khoa học và công nghệ là then chốt, là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, xã hội, con người. Nhiều thành tựu và sản phẩm hiện đại của cách mạng công nghiệp đã được đưa vào sử dụng ở nước ta, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ xây dựng và phát triển đất nước, con người. Tiềm lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp được từng bước nâng lên và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế xã hội và con người.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là con đẻ mới nhất của cách mạng KHCN, đang bắt đầu diễn ra trên thế giới, đang tạo ra một thách đố và cơ hội lớn đối với dân tộc Việt Nam hiện nay. Chưa bao giờ trong lịch sử nước ta lại có những điều kiện và tiền đề như hiện nay cả về phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, nhân lực và cả các quan hệ quốc tế để có thể vận dụng và thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu chúng ta biết tận dụng tối đa và có hiệu quả những điều kiện và tiền đề đang có thì không chỉ cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng, mà cả cách mạng KHCN nói chung, có thể được triển khai và mang lại những hiệu quả tích cực ở nước ta trong những thập kỷ tới, có thể biến nó trở thành công cụ quyết định trong việc rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới.

Khoảng ba thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, chính nhờ sử dụng có hiệu quả các thành tựu của cách mạng KHCN hiện đại, của cách mạng công nghiệp 3.0 mà các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo và vùng lãnh thổ Đài Loan đã “hóa rồng” một cách ngoạn mục. Ấn Độ hiện cũng đang là một trong những quốc gia có nhiều thành công trong việc tiếp nhận và vận dụng các thành tựu của cách mạng KHCN hiện đại và cách mạng công nghiệp 3.0 để phát triển một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp phần mềm, công nghiệp ô tô, công nghiệp văn hoá,… Một trong những nguyên nhân quan trọng, được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, của sự sụp đổ của hệ thống XHCN trước đây, chính là đã không vận dụng và phát triển được cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 3.0, trong ba thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX.

Nếu không tận dụng được cơ hội do cách mạng KHCN hiện đại và cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 tạo ra, để phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nguy cơ tụt hậu xa hơn, bị đẩy ra vùng ngoại biên của sự phát triển toàn cầu, là một nguy cơ hiện thực và ngày càng trầm trọng, ngày càng khó vượt qua đối với nước ta trong vài thập kỷ tới. Cuộc cách mạng KHCN hiện đại cùng với cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0, theo một ý nghĩa nhất định, đang tạo ra hố ngăn cách ngày càng sâu rộng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trước hết về trình độ công nghệ và trình độ các lực lượng sản xuất. Từ đó nó cũng tạo nên những vấn đề xã hội to lớn và khó giải quyết trong các nước đang phát triển cũng như trong quan hệ giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Nếu nước ta không chú trọng một cách nhất quán, lâu dài và có hiệu quả đối với cách mạng KHCN và cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nói riêng, thì thách đố này có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường cho nhiều thế hệ con người và cho tất cả mọi thành viên của xã hội. Cách mạng KHCN hiện đại, cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 sẽ phải là cứu cánh cho đất nước và dân tộc trong xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xóa bỏ khoảng cách tụt hậu với thế giới phát triển.

Nhân tố quyết định trong việc vận dụng và phát triển cách mạng KHCN hiện đại, cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 không phải là nguồn lực tài chính, không phải là hệ thống máy móc thiết bị, cũng không phải là điều kiện tự nhiên và lịch sử văn hóa, mặc dù chúng vẫn đóng vai trò quan trọng, mà là nguồn lực con người và thể chế. Tuy nhiên, khi nói đến nguồn lực con người thì đó không phải là nguồn lực con người nói chung mà chính là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ và quản lý, kinh doanh. Đó là những lực lượng đầu tàu, vừa giữ vai trò định hướng, vừa giữ vai trò động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và công nghiệp của quốc gia. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao trong những lĩnh vực đó thì không thể vận dụng có hiệu quả các thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ, càng không thể tiếp nhận cách mạng KHCN hiện đại, cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 vào nước ta. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này không phải là những người có bằng cấp cao hoặc có chức vụ quản lý trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội mà là những chuyên gia đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của mình, có năng lực, có tài năng đã được thực tiễn xác nhận, có đóng góp cho sự phát triển của khoa học, công nghệ và công nghiệp. Đây là đội quân chủ lực của cách mạng KHCN, của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư đang đến.

Tuy nhiên, việc sử dụng, bao gồm tuyển dụng, đãi ngộ, sắp xếp nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và công nghiệp, lại phụ thuộc vào thể chế khoa học, công nghệ và công nghiệp của đất nước. Nhưng thể chế lại phụ thuộc vào nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý, mà cụ thể ở đây là quản lý khoa học, kĩ thuật, công nghệ và công nghiệp, trong các cơ quan, tổ chức hoạt động và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Họ là những người xây dựng các quy trình, quy tắc, luật pháp, chính sách và trực tiếp điều hành việc vận dụng và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ của các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở đào tạo, bệnh viện, đơn vị sản xuất, dịch vụ,…Thể chế cho hoạt động khoa học, kỹ thuật và công nghệ đóng vai trò quyết định cả về định hướng lẫn quy mô, tốc độ phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và công nghiệp của quốc gia, quyết định sự thành bại của cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 trên đất nước ta. Đây là một loại thể chế đặc biệt vừa mang tính chất thị trường vừa mang tính chất phi thị trường. Tính cực đoan trong tạo dựng và áp dụng thể chế, hoặc nghiêng quá về phía thị trường, hoặc nghiêng quá về phía phi thị trường, đều không có tác dụng thúc đẩy, mà lại có tác dụng kìm hãm, thậm chí phá hoại tiềm lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ của đất nước, cản trở cách mạng công nghiệp 3.0 đang diễn ra và cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu.

Ở nước ta hiện nay, qua nhiều thập kỷ phát triển, một mặt, đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ và công nghiệp đã được xây dựng và phát triển đông đảo chưa từng có. Nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ to lớn, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của đất nước gắn liền với đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.  Nhưng, trên nhiều bình diện, đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao đó vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở giai đoạn mới hiện nay của cách mạng KHCN, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đến.

Mặt khác, việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, hành chính, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đòi hỏi bước chuyển thể chế quản lý phải đồng bộ và thích hợp để tạo tiền đề cho sự phát triển của các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp. Thêm nữa, chính cách mạng khoa học - công nghệ và cách mạng công nghiệp cũng đòi hỏi phải thường xuyên hoàn thiện thể chế quản lý, thì mới có thể vận dụng các thành tựu và thúc đẩy cách mạng KHCN và cách mạng công nghiệp 3.0 cũng như 4.0 phát triển. Không cải cách và hoàn thiện thể chế thường xuyên thì không thể thúc đẩy khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp phát triển liên tục. Điều đó cho phép nhận định rằng trong thời đại cách mạng KHCN, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hoạt động khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp có ý nghĩa rất quyết định đến sự phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mạng KHCN. Đồng thời, chính việc vận dụng tốt các thành tựu và thúc đẩy sự phát triển của cách mạng KHCN, của cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 sẽ thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của con người và xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mạng KHCN nói chung đang mang cơ hội đang đến với đất nuóc và con người Việt Nam, nhưng nếu không tích cực, chủ động, tận dụng cơ hội và không  nắm bắt được cơ hội thì cơ hội sẽ không lặp lại, tàu tốc hành của nhân loại với đầu máy Cách mạng KHCN và cách mạng công nghiệp sẽ bỏ qua chúng ta, con người và đất nước sẽ tụt hậu xa hơn./.

 

[1] Ở nước ta, theo thống kê của nhóm thực hiện đề tài KX. 01.11/16-20 đến nay trên các phường tiện thông tin đại chúng đã có xấp xỉ 200 bài viết có liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng 30 cuộc hội thảo liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0

[2] Chẳng hạn công nghiệp Laze, công nghiệp viễn thông, công nghiệp chế tạo smartohone, công nghiệp chế tạo tivi, công nghiệp năng lượng nguyên tử, công nghiệp vật liệu nanô,…

[3] Thí dụ công nghiệp đúc và in bản kẽm, công nghiệp chế tạo động cơ hơi nước và các ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm sử dụng động cơ hơi nước, v.v…

[4] Xem A. Toffler.- Làn sóng thứ 3.- Nxb. Thông tin lý luận, H. 1992; Burlaxki F.M. Tư duy mới: đối thoại và nhận địnhvề cách mạng công nghệ trong cải cách của chúng ta.- Nxb. Chính trị, M. 2009

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264608
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn