Thời gian: 16/04/2023 03:16

Báo cáo tổng quan về hiện trạng khu đô thị lõi trung tâm thành phố và một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, chỉnh trang đô thị Hải Phòng

Hải Phòng là thành phố duyên hải nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình thuộc đồng bằng sông Hồng có vị trí nằm trong khoảng từ 20030’ đến 21001’ vĩ độ Bắc, và từ 106023’ đến 107008’ kinh độ Đông; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hải Dương,  phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Đông là biển Đông với đường bờ biển dài 125km, nơi có 5 cửa sông lớn là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình.

Theo Quyết định 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 thì Hải Phòng là:

- Là đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước;

- Là thành phố cảng, cửa chính ra biển quan trọng của nước ta, là đầu mối giao thông quan trọng Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc;

- Là Trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của Vùng duyên hải Bắc Bộ và là một trong những trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Hải Phòng hiện nay gồm 7 quận (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An và Hải An), 6 huyện ngoại thành (An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo) và 2 huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vĩ)  với 223 xã, phường và thị trấn.

Với quy hoạch định hướng Hải Phòng gồm khu vực hạn chế phát triển (bao gồm khu đô thị lõi trung tâm thành phố) và khu vực phát triển mở rộng (bao gồm các khu vực huyện ngoại thành và một phần các quận Dương Kinh, Đồ Sơn, Hải An, Hồng Bàng Kiến An).

Trong phạm vi Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm thành phỗ Hải Phòng”, Sở Xây dựng trao đổi một số thông tin về hiện trạng khu đô thị lõi trung tâm, định hướng quy hoạch khu đô thị lõi trung tâm thành phố Hải Phòng và một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, chỉnh trang đô thị trong thời gian tới như sau:

I. Tổng quan về hiện trạng khu đô thị lõi trung tâm thành phố

Khu vực đô thị lõi trung tâm là khu vực được hình thành, phát triển lâu đời nhất của thành phố Hải Phòng, xuất phát từ khu vực bờ Nam sông Cấm (Mom Thủy đội) do Pháp đòi nhượng lại sau hòa ước 1874 và phát triển theo hướng Đông Nam, với quy mô khoảng 450 ha và được giới hạn bởi:

- Trục Bắc Nam: từ đường Tô Hiệu - Lê Lợi - Nguyễn Trãi hiện nay trở về                Sông Cấm.

- Trục Đông Tây: từ sông đào Lạch Tray đến kênh đào Cửa Cấm.

Đến nay, sau gần 150 năm hình thành và phát triển cùng với quá trình đô thị hóa của thành phố, hiện trạng khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố Hải Phòng cũng có nhiều sự thay đổi. Về tổng quan hiện trạng khu vực, Sở Xây dựng đánh giá trên 02 khía cạnh là kiến trúc cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật, cụ thể như sau:

1. Về hiện trạng kiến trúc cảnh quan

Khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố được chia làm 02 khu vực phía Bắc và phía Nam của Dải vườn hoa trung tâm; Trong đó, khu vực phía Bắc được xây dựng, ghi dấu kiến trúc công trình, cấu trúc đô thị mạng lưới ô bàn cờ theo quy hoạch của người Pháp đan xen văn hóa đô thị cảng giao thoa bởi các nền văn hoá Việt - Pháp - Hoa và khu vực phía Nam với kiến trúc công trình, cấu trúc đô thị của Việt Nam sau giải phóng Hải Phòng.

- Quy hoạch: Cấu trúc đô thị dạng ô bàn cờ ổn định, hiện nay đã được điều chỉnh cục bộ tại một số khu vực như: ven sông Cấm (Hoàng Văn Thụ); các vườn hoa: Tam Kỳ, Kim Đồng, Tố Hữu; Vincom Lê Thánh Tông, Chợ Sắt và kho Ngoại quan (số 4 Trần Phú)…;

- Mặt đứng các tuyến phố: Còn lộn xộn do có sự đan xen giữa các loại hình                    kiến trúc, màu sắc và tầng cao công trình khác nhau, cũng như việc lạm dụng các biển quảng cáo quá khổ che lấp mặt tiền các công trình. Chỉ có một số khu vực được quy hoạch, xây dựng lại đồng bộ mới có sự đồng nhất về toàn tuyến như đường Thế Lữ, khu vực Vincom Lê Thánh Tông…

 - Công trình kiến trúc:

+ Các công trình theo kiến trúc Pháp thấp tầng (02 tầng) sử dụng vào mục đích công cộng (Trụ sở, văn hóa, y tế, giáo dục, tôn giáo…) như: Nhà Hát lớn, Bưu điện, Ủy ban nhân dân thành phố… về cơ bản vẫn giữ được nguyên bản; sử dụng vào mục đích nhà ở đã bị cải tạo, thay đổi, cơi nới và xuống cấp. Theo thống kê sơ bộ về đánh giá, phân cấp công trình; tại khu vực có: 10 công trình loại 1, 64 công trình loại 2 và 164 công trình loại 3;

+ Các công trình theo kiến trúc Hoa thấp tầng (02 tầng) sử dụng vào mục đích nhà ở, tập trung chủ yếu tại khu vực đường Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Quang Trung, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ... đã bị cải tạo, thay đổi, cơi nới và xuống cấp, hoặc bị phá dỡ để xây mới (02 - 05 tầng);

+ Các công trình Nhà ở chia lô; chiều cao trung bình từ 02 - 05 tầng được                           xây dựng theo nhiều hình thức kiến trúc khác nhau.

Như vậy, về tổng quan, hiện trạng trạng kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố tuy có những chuyển biến tích cực nhưng cũng tồn tại những hạn chế do áp lực của tốc độ phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quá trình đô thị hóa nhanh.

2. Về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật

Với việc hình thành và phát triển sau gần 150 năm, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố là sự đan xen giữa hệ thống cũ được xây dựng từ thời Pháp và hệ thống được cải tạo, nâng cấp qua nhiều thời kỳ nhưng còn chắp vá và thiếu đồng bộ. Gần đây nhất, năm 2020, Sở Giao thông vận tải đã triển khai thực hiện Dự án Cải tạo hè các tuyến đường trung tâm thành phố: Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, bao gồm các hạng mục: lát hè, cấp thoát nước, hạ ngầm tuyến điện và thông tin… Đánh giá sơ bộ hiện trạng một số hạng mục của hạ tầng kỹ thuật như sau:

- Giao thông: Hệ thống giao thông ổn định, các tuyến đường có chiều rộng lòng đường nhỏ nhưng được bố trí theo dạng ô bàn cờ với khoảng cách ngắn (khoảng 100 - 120m) và phân luồng giao thông hợp lý.

- Hệ thống thoát nước: là hệ thống thoát nước chung của nước mưa và nước thải sinh hoạt với kích thước đường ống nhỏ (từ D400÷D1200), bao gồm cả tuyến cống hộp và tuyến cống tròn, thu gom về ga thu, ga thăm và thoát ra sông Tam Bạc và sông Cấm. Một số tuyến cống hộp và ga thu, ga thăm đã hỏng, xuống cấp gây mất vệ sinh môi trường và cảnh quan đường phố. Đồng thời, cốt nên trong khu vực còn thấp và không đồng nhất nên gây ngập lụt cục bộ mỗi khi mưa lớn kết hợp với triều cường.

- Cấp điện: Ngoài một số tuyến đường chính mới cải tạo, chỉnh trang thời gian gần đây đã được hạ ngầm; các tuyến đường còn lại trong khu vực có hệ thống hộp công tơ điện, đường dây điện chằng chịt đi nổi trên các cột điện gây nguy hiểm và mất mỹ quan đô thị, nhất là khu vực đường Lý Thường Kiệt, Tôn Đản, Ký Con, Lê Đại Hành, Trần Quang Khải...

Như vậy, về tổng quan, hiện trạng trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố tuy được đầu tư, cải tạo nhiều lần nhưng chưa đồng bộ, còn chắp vá, dẫn tới việc ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân cũng như cảnh quan đô thị của khu vực.

II. Định hướng quy hoạch khu đô thị lõi trung tâm thành phố Hải Phòng

           1. Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thành phố

Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Hải Phòng và Sài Gòn là những cửa ngõ                    kinh tế của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp trong giao thương với quốc tế ở vùng Viễn Đông. Vì thế Hải Phòng quy tụ nhiều thành phần dân cư tới sinh sống lập nghiệp.                    Theo nhiều tiêu chí khác nhau, khu đô thị lõi luôn giữ vị trí trung tâm của thành phố Hải Phòng. Đây là khu vực tập trung mật độ cao các cơ quan đầu não, trụ sở của chính quyền, các cơ sở kinh doanh thương mại, các tổ chức văn hóa - xã hội và nghệ thuật quan trọng của thành phố. Hoạt động đô thị trong khu đô thị lõi trung tâm thành phố có thể được xem là tiêu biểu cho đời sống đô thị thành phố Hải Phòng.

Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại                       Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009, về tổng thể không gian toàn thành phố đã định hướng cấu trúc chùm đô thị gồm đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, phát triển đồng bộ khu vực đô thị và nông thôn.

  • Khu vực đô thị sẽ mở rộng từ trung tâm lõi (các quận cũ Hồng Bàng,                   Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An) đến vùng ngoại vi (các quận mới Đồ Sơn, Hải An, Dương Kinh). Sông Cấm trở thành trục cảnh quan chính phát triển không gian đô thị 2 bên sông, đối diện với trung tâm đô thị lõi hiện hữu là đô thị mới Bắc sông Cấm và trung tâm hành chính mới. Các huyện Cát Hải, An Dương và 1 phần Thuỷ Nguyên từng bước chuyển thành quận (đô thị).
  • Khu vực nông thôn sẽ có các đô thị vệ tinh (thị trấn cũ: Núi Đèo, Minh Đức, An Lão, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Bà, và các thị trấn mới: Quang Thanh, Lưu Kiếm, Hoà Bình, Hùng Thắng, Tam Cương, Bạch Long Vĩ) thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn; có vành đai xanh để kiểm soát phát triển không để đô thị “nhảy cóc” đến vùng nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực. Vành đai xanh còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường vùng cung cấp nước sạch trên các sông Giá, sông Đa Độ.

Cũng theo nội dung Đồ án Quy hoạch chung 2009, Hải Phòng sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng gồm công nghiệp, dịch vụ cảng biển và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 1 - trung tâm cấp quốc gia, để cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng biển văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, cần bảo tồn, chỉnh trang đô thị, không làm thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất để tránh quá tải về hạ tầng đô thị; sắp xếp và quy định một số đường phố trở thành đường phố thương mại, bảo đảm trật tự, văn minh, thu hút khách du lịch. Khu phố cũ có mật độ xây dựng cao cần tăng diện tích giao thông, khuyến khích không gian xanh; bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, tôn tạo giữ gìn bản sắc kiến trúc đô thị cũ.

Theo tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố sẽ phát triển mở rộng như 5 cánh hoa với nhụy hoa là khu đô thị lõi hiện hữu. Từ quá khứ tới hiện tại, khu đô thị lõi trung tâm luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng. Trong tương lai, khu vực này cũng sẽ là hạt nhân kết nối các thành tố mới phát triển của đô thị. Khi mở rộng đô thị sang bờ Bắc sông Cấm, khu đô thị lõi trung tâm thành phố sẽ thực sự là trái tim của thành phố Hải Phòng.

2. Một số kết quả đã đạt được khi triển khai quy hoạch

Đến nay, Thành phố đã nỗ lực cải thiện về chất lượng đô thị ở khu vực trung tâm hiện hữu (3 quận cũ), góp phần từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân Hải phòng, xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo dựng diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại như:

- Đô thị Hải Phòng dần được nâng cấp, cải tạo đáng kể. Khu vực đô thị trung tâm từng bước tập trung nâng cấp, cải tạo chỉnh trang tạo bộ mặt đô thị Hải Phòng có bản sắc riêng. Đã triển khai nhiều dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, cụ thể:

      • Xây dựng, cải tạo chung cư cũ: Đã tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng 205 chung cư cũ (8.074 căn hộ); lập kế hoạch để cải tạo, sửa chữa cho 27 chung cư và xây dựng 18 tòa nhà chung cư mới thay thế cho các chung cư xuống cấp nghiêm trọng phải phá dỡ. Đến nay đã hoàn thành 5 chung cư với 1650 căn hộ và bàn giao nhà cho các hộ dân, đang xây dựng 2 chung cư với 1030 căn hộ.
      • Hoàn thiện, nâng cấp dải trung tâm thành phố bao gồm lát hè, mở rộng và cải tạo mặt đường, hoàn thiện quảng trường, các công viên Nguyễn Du, Nguyễn Bình Khiêm, xây dựng mới công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc đến chân cầu đường bộ Tam Bạc, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật trên dải trung tâm thành phố, nạo vét cải tạo hồ Tam Bạc tạo điểm nhấn cho thành phố, xây dựng Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, cải tạo khu vực Nhà triển lãm, xây dựng cầu vượt sông Tam Bạc, cải tạo chỉnh trang hai bên sông Tam Bạc đem đến diện mạo mới cho đô thị cũ Hải Phòng ...

III. Một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, chỉnh trang đô thị trong thời gian tới

Công tác bảo tồn, chỉnh trang đô thị nói chung và đặc biệt là đối với công tác bảo tồn, chỉnh trang đô thị khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố nói riêng là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Đặc biệt là trong quá trình đô thị nhanh, dân số gia tăng nhanh… đã dẫn đến những thách thức trong công tác bảo tồn di sản, chỉnh trang đô thị. Một số vấn đề chính đặt ra hiện nay, đó là:

1. Hiện nay, các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn và phát huy giá trị khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ và những công trình kiến trúc có giá trị theo hướng bảo tồn cả không gian văn hóa và cảnh quan còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội. Các quy định pháp luật hiện hành chưa tạo điều kiện để có sự hợp tác công tư hoặc các giải pháp đột phá khác để có thể phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị cũng như bảo tồn các công trình.

2. Chưa có các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở cũ, nhà nhiều hộ cùng chung sống… đã xuống cấp, không bảo đảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến an toàn của người dân, bộ mặt kiến trúc cảnh quan xuống cấp ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị… Đồng thời, chưa có giải pháp để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang khu vực đô thị lõi trung tâm và các khu vực khác của thành phố.

3. Về công cụ để quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị: Ngày 11/7/2016, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1339/2016/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung thành phố Hải Phòng; trong đó các nội dung liên quan tới quản lý quy hoạch và không gian khu vực hạn chế phát triển (chính là khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố) được quy định cụ thể tại Điều 5 của Quyết định này:

Điều 5. Quản lý quy hoạch và không gian khu vực hạn chế phát triển

1. Xây dựng kế hoạch lập thiết kế đô thị riêng cho các tuyến phố.

2. Xây dựng danh mục các công trình có giá trị cần bảo tồn.

3. Đối với khu vực xung quanh Nhà hát lớn của thành phố và dải trung tâm: Ban hành quy định cụ thể đối với việc xây dựng, cải tạo các công trình để đảm bảo không gian cảnh quan quan trọng này.

4. Hạn chế xây dựng công trình cao tầng; trừ trường hợp có vị trí quan trọng, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cho phép xây dựng.

5. Các công trình công cộng hiện có được giữ lại, khi cải tạo phải theo hướng không tăng mật độ xây dựng, tăng cường không gian trống (bãi đỗ xe, vườn hoa cây xanh).

6. Lập kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng gây ô nhiễm và các cơ sở khác không còn phù hợp với quy hoạch.

7. Lập kế hoạch hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

8. Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị khoảng 100 m2/người.

Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai theo Quyết định này còn chậm do nhiều yếu tố khách quan, trong đó lớn nhất là nguồn lực về kinh tế. Hiện nay, một số nội dung thực hiện được theo Quyết định này đó là:

- Lập và phê duyệt thiết kế đô thị riêng cho 02 tuyến phố Hoàng Văn Thụ và                    Đinh Tiên Hoàng.

- Đang triển khai xây dựng danh mục các công trình có giá trị cần bảo tồn.

- Sở Công thương đang lập kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng gây ô nhiễm và các cơ sở khác không còn phù hợp với quy hoạch toàn thành phố, trong đó có khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố.

- Đã triển khai được việc hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật của một số tuyến đường.

Nhìn chung, chúng ta cần phải có giải pháp tổng thể, tạo được hành lang pháp lý để thu hút được các nguồn lực xã hội, sự đồng lòng của người dân, thực hiện theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được duyệt trong công tác bảo tồn, chỉnh trang đô thị.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264754
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn