Thời gian: 25/06/2023 05:46

Thực trạng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

1. Tổng quan vê chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

Chuỗi giá trị toàn cầu là một tập hợp các hoạt động cần thiết của một quá trình kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ kể từ khi nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ đến khi phân phối sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng. Như vậy, chuỗi giá trị bao gồm một số hoạt động như nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối và dịch vụ khách hàng. Nếu các hoạt động của chuỗi giá trị diễn ra tại nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu thì chuỗi giá trị đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, OECD định nghĩa chuỗi giá trị toàn cầu là toàn bộ quá trình sản xuất hàng hóa, từ nguyên liệu thô cho tới thành phẩm, được thực hiện ở bất cứ nơi nào mà kỹ năng và nguyên liệu cần thiết để sản xuất để có sẵn tại mức giá cả cạnh tranh cũng như đảm bảo chất lượng thành phẩm. Phân tích chuỗi giá trị toàn cầu là một công cụ hữu ích trong việc đánh giá mức độ cạnh tranh, vai trò và vị thế của từng quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đưa ra được những chiến lược phù hợp để nâng cao lợi thế của từng quốc gia đóng góp và gặt hái lợi ích từ chuỗi giá trị đó.

Theo tác giả Bamber, Guinn and Gereffí (2014), có thể phân chia chuỗi giá trị ngành hàng cà phê thành 4 khâu chính như sau:

- Khâu thứ nhất – Sản xuất nguyên phụ liệu: Đây là khâu quan trọng hỗ trợ cho ngành cà phê phát triển và là khâu thâm dụng vốn, đất đai. Đối với mặt hàng cà phê, nguyên phụ liệu có vai trò quyết định đến chất lượng và giá thành hạt cà phê. Nguồn nguyên phụ liệu trong ngành cà phê phần gồm nguyên liệu chính và phụ liệu. Trong đó, nguồn nguyên liệu chính bao gồm hạt giống, đất đai và lao động. Phụ liệu bao gồm phân bón, hóa chất tưới,…

- Khâu thứ hai – Trồng trọt: Đây là mắt xích thâm dụng vốn, đất đai và lao động. Sản xuất và chế biến thô sơ là khâu thường được thực hiện tại các nước đang phát triển như Braxin, Việt Nam, Colombia,… bởi lẽ nó không đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao và rất thâm dụng lao động, phù hợp với các chuỗi giá trị ngành hàng cà phê.

Giá trị gia tăng của khâu này trong chuỗi giá trị không cao, chỉ chiếm khoảng 10% (Diệu Quân và Hương Xuân, 2017).

- Khâu thứ ba – Chế biến thô sơ & Rang xay: Đây là khâu thâm dụng kỹ thuật khoa học và tri thức. Một trong những điểm đáng chú ý của khâu này là sự chuyển đổi từ hạt cà phê nhân thô sang hạt cà phê có chất lượng cao. Các nước tham gia chính vào khâu này như Mỹ, Đức, Bỉ, Ý,… đòi hỏi phải có trình độ khoa học tiên tiến và khả năng chế biến sâu. Đây là khâu mang lại giá trị gia tăng trung bình trong chuỗi giá trị.

- Khâu thứ tư – Marketing & phân phối sản phẩm: Đây cũng là khâu thâm dụng trí thức và cũng là khâu tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong chuỗi giá trị. Các nhà bán lẻ nổi tiếng thế giới như Costa Coffee từ Anh Quốc, Starbucks từ Mỹ,… Các công ty này không trực tiếp tạo ra sản phẩm, chỉ phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm cà phê.

Từ khi nền kinh tế Việt Nam đổi mới những năm 80 đến nay, ngành cà phê đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nước nhà. Mặt hàng cà phê là một trong những hàng hóa xuất khẩu chủ đạo của nền nông nghiệp nước ta. Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, sản lượng xuất khẩu cà phê đạt 1,78 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu lên tới 4,06 tỷ USD là mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Số liệu đột biến này đến chủ yếu từ từ việc đẩy mạnh xuất khẩu, khi giá cà phê trên thị trường đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, kết hợp với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp khiến tỉ giá USD/VND tăng mạnh. Tuy vậy nhu cầu xuất khẩu 2022 tăng cao cũng làm cho nguồn cung trong nước bị thiếu hụt ảnh hưởng xuất khẩu vào giai đoạn đầu 2023. Trong năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 14% so với năm 2021, trong khi sản lượng chỉ tăng 9% từ 1,74 triệu tấn lên 1,89 triệu tấn (theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ). Thậm chí, sản lượng cà phê thu hoạch vào cuối năm 2022 được dự báo sẽ giảm từ 10% đến 15% do mưa lớn ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch. Như vậy, tổng nguồn cung xuất khẩu trong năm nay có thể sẽ thấp hơn so với năm ngoái và điều này sẽ khiến ngành xuất khẩu cà phê khó duy trì được mức tăng trưởng như năm 2022. Bên cạnh đó, Fed đã giảm dần đà tăng lãi suất trong năm 2023, với mức tăng 25 điểm cơ bản trong lần điều chỉnh đầu tiên của năm nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng này vào tháng 3, sau khi các quan chức của Fed đều có quan điểm cứng rắn về lãi suất, với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Điều này sẽ khiến sự chênh lệch tỉ giá thu hẹp lại so với thời điểm tăng mạnh lãi suất trong năm 2022, làm hạn chế phần nào nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Tình hình sản xuất và xuất khẩu cà phê của Việt Nam

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,78 triệu tấn tăng 10,26% so với năm 2021 và đạt mức tương đương năm 2016 nếu xét trong 10 năm trở lại đây từ 2013 đến nay. Nếu tính theo kim ngạch xuất khẩu, giá trị đạt được là 4,06 tỷ USD tăng 32,25% so với năm 2021 và cao nhất trong vòng một thập niên, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản (22,6 tỷ USD). Số liệu đột biến này đến chủ yếu từ từ việc đẩy mạnh xuất khẩu, khi giá cà phê trên thị trường đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, kết hợp với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp khiến tỉ giá USD/VND tăng mạnh.

 

Hình 1. Xuất khẩu và kim ngạch cà phê Việt Nam trong 10 năm trở lại đây

Nguồn: Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản

phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm. Cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy mô xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu, đạt trên 3 tỷ USD/năm. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.

Mặc dù sản lượng xuất khẩu lớn và có vị thế cao trong thị phần xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng hiệu quả xuất khẩu của ngành hàng cà phê Việt Nam còn thấp. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu trồng trọt, sản xuất; trong khi đó, khâu này chỉ đóng góp khoảng 10% trong chuỗi giá trị, mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp cho nền kinh tế nước nhà (Diệu Quân, Hương Xuân, 2017).

Việt Nam là khu vực có vị trí địa lý và thời tiết thuận lợi để trồng và phát triển giống cà phê robusta. Diện tích sản xuất của Việt Nam tới hơn 95% sản lượng là cà phê robusta trong tổng diện tích trồng là 600.000 ha. Năm 2022, năng suất cà phê đạt khoảng 28,2 tạ/1ha, đạt mức cao nhất kể từ 2005, theo số liệu của cục trồng trọt. Giống cà phê robusta tại Việt Nam cũng được đánh giá là giống cà phê tốt nhất thế giới. Bởi vậy, theo thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt nam, trong năm 2022, Việt Nam là quốc gia có giá trị xuất khẩu cà phê robusta cao nhất thế giới, chiếm đến 36% tổng giá trị xuất khẩu cà phê toàn cầu, theo sau thứ 2 là Brazil chiếm 28%.

Hình 2. Top 5 quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới

Nguồn: Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới với giá trị xuất khẩu cà phê đạt 2,35 tỷ USD. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê nhưng kim ngạch chỉ đạt khoảng 3,9 tỷ USD. Trong đó, 82% cà phê của Việt Nam xuất khẩu dạng nhân thô (chủ yếu là Robusta) với giá trị 2,9 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu cà phê Arabica chỉ có 260 triệu USD, cà phê đã khử cafein 76,9 triệu USD và cà phê rang xay - hòa tan có giá trị 598 triệu USD. Comlumbia và Thụy Sĩ có số lượng cà phê xuất khẩu ít nhưng giá trị thu về cao là nhờ vào chất lượng và thương hiệu cà phê mà nước này đã xây dựng được.

3. Thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong xuất khẩu cà phê

3.1. Khó khăn

Nguồn cung thiếu hụt: Những khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở thách thức về nguồn cung mà đó còn là vấn đề về chất lượng cũng như nguồn gốc cà phê.

Chất lượng, nguồn gốc cà phê: Vào cuối năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng đã gây ra những lo ngại về lượng cà phê Việt Nam có thể xuất sang thị trường này và đặt ra bài toán về việc phát triển cà phê một cách bền vững hơn. Tại Việt Nam, tình trạng ken, đốt gốc thông, bạch đàn để chiếm đất trồng cà phê không còn quá xa lạ và đã từng là vấn nạn quan tâm hàng đầu đối với việc phát triển ngành cà phê. Sắc lệnh mới của châu Âu không chỉ đưa đến sự nghiêm ngặt đối với hàng cà phê xuất khẩu mà còn là một nhân tố có thể thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững hơn của ngành cà phê khi không chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng mà cần chú ý hơn đến vấn đề năng suất. Hơn nữa, việc EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu.

3.2. Thuận lợi

Thế giới hồi phục tăng trưởng: Trung Quốc đang tích cực mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều này không chỉ thúc đẩy sự hồi phục về kinh tế của riêng Trung Quốc mà còn

có thể đóng góp vào sự phát triển chung của toàn cầu khi đây hiện là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia như Mỹ, Việt Nam,… Cũng chính nhờ sự mở cửa này mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã có sự điều chỉnh lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế toàn thế giới được điều chỉnh từ 2,7% lên 2,9%. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng có sự khởi sắc lần lượt từ 1,0% lên 1,4% và 0,5% lên 0,7%. Sự tăng trưởng trở lại giúp thị trường kỳ vọng chi tiêu của người dân sẽ được nới lỏng và nhu cầu đối với cà phê, mặt hàng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế của các quốc gia sẽ có sự khởi sắc.

Sự chênh lệch giá giữa cà phê Arabica và Robusta: Trong bối cảnh trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, khiến người dân có xu hướng chuyển từ tiêu dùng Arabica sang Robusta để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể sử dụng cà phê. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu có thể sẽ suy yếu nhưng không tập trung vào Robusta và vẫn là một thông tin tích cực đối với cà phê Robusta ở thời điểm hiện tại. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023-2033.

Nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp lại: giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil, sản lượng cà phê Robusta của nước này trong năm 2023 có thể sẽ sụt giảm gần 9% so với năm ngoái và Indonesia được Volcafe dự đoán sản lượng sẽ giảm về mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ.

4. Đề xuất

Thứ nhất, Việt Nam cần có giải pháp tham gia mạnh hơn vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu trong khâu marketing và phân phối sản phẩm. Tại Việt Nam khi nhắc đến cà phê hầu như người tiêu dùng sẽ nghĩ tới đầu tiên là thương hiệu cà phê Trung Nguyên ngoài ra không còn một tên tuổi nội địa nào khác đủ sức cạnh tranh trực tiếp. Với một quốc gia có thế mạnh về giống cà phê Robusta, việc không tạo được thương hiệu quốc gia khi nhắc đến cà phê Robusta cần được nhìn nhận nghiêm túc và phải được thúc đẩy mạnh mẽ từ các cơ quan nhà nước trong truyền thông và quan hệ quốc tế.

Thứ hai, tiêu chuẩn nhập khẩu của các quốc gia phát triển với bất kì sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp nào cũng rất cao và khắt khe. Điển hình như các chỉ tiêu về dư lượng thuốc trừ sâu hay vấn nạn tàn phá rừng để trồng trọt cần phải được các cơ quan khoa học nghiên cứu và chính quyền các cấp có kế hoạch và giải pháp mang tính bền vững lâu dài để giúp người dân nâng cao hiểu biết và có ý thức trong phát triển cây cà phê một cách bền vững.

Thứ ba, Việt Nam có ưu thế rất lớn trong việc trồng và phát triển giống cà phê Robusta. Mặc dù không phải giống cà phê được xếp vào loại cao cấp, nhưng giá cả lại rất phù hợp với các phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình khá. Hơn nữa hạt cà phê Robusta của Việt Nam được đánh giá là có hương vị thơm ngon nhất thế giới. Do vậy, cần có chiến lược tiến công vào các phân khúc khách hàng phù hợp hơn nữa trên toàn cầu.

5. Kết luận

Việt Nam là khu vực có vị trí địa lý và thời tiết thuận lợi để trồng và phát triển giống cà phê robusta. Diện tích sản xuất của Việt Nam tới hơn 95% sản lượng là cà phê robusta trong tổng diện tích trồng là 600.000 ha. Năm 2022, năng suất cà phê đạt khoảng 28,2 tạ/1ha, đạt mức cao nhất kể từ 2005. Giống cà phê robusta tại Việt Nam cũng được đánh giá là giống cà phê tốt nhất thế giới. Bởi vậy, theo thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, trong năm 2022, Việt Nam là quốc giá có giá trị xuất khẩu cà phê robusta cao nhất thế giới, chiếm đến 36% tổng giá trị xuất khẩu cà phê toàn cầu, theo sau thứ 2 là Brazil chiếm 28%. Với đặc trưng thời tiết và khí hậu như vậy, Robusta cần được Việt Nam làm thương hiệu chuyên nghiệp và cẩn thận, tạo ra một thương hiệu mang tầm vóc quốc gia. Để khi nhắc đến cà phê Robusta là nhắc đến Việt Nam. Và quan trọng hơn nữa, là tiến công mạnh mẽ vào phân khúc phân phối làm thương hiệu, kể các câu truyện hấp dẫn khách hàng để tạo ra giá trị gia tăng tối đa và về vật chất và tinh thần cho khách hàng sử dụng, chỉ có như vậy mới thu được thành quả về kinh tế to lớn cho người làm cà phê trong nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Phương Linh, Phân tích sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cà phê Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số tháng 7, 2017.

2. Organisation for Economic Co - operation and Development (OECD) (2013), Interconnected Economies: Benefiting from Global Value Chains.

3. Bamber, Guinn and Gereffi, Burundi in the Coffee Global Value Chain: Skills for Private Sector Development, Duke University Center on Globalization, Governance and Competitiveness. Commissioned by the World Bank, 2014.

4. Chương Phượng, 2023, https://vneconomy.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-2022-nhieu-nganh-hang-lap-ky-luc.htm

5. Quỳnh Dung, 2022, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1042205/xuat-khau-ca-phe-viet-nam-dung-thu-hai-the-gioi

6. Mai Văn Quyền, 2022, https://nongnghiep.vn/gia-vat-tu-tang-cao-nguoi-trong-ca-phe-co-loi-khong-d338779.html

7. Đinh Thị Thanh Long, Chuỗi giá trị toàn cầu - Cơ hội và thách thức cho sự phát triển, Tạp chí khoa học và đào tạo ngân hàng, số 159 tháng 8/2015.

Lượt truy cập: 264737
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn