Thời gian: 01/02/2023 09:41

Phát triển thành phố cảng trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 và một số gợi ý cho Hải Phòng

Kinh tế biển là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển các thành phố cảng đang trở thành ưu tiên trong chiến lược kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tiến bộ khoa học-công nghệ vượt trội đang góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt của các thành phố biển, biến chúng trở thành những thành phố cảng thông minh, từ New York, Hamburg, Talinn cho tới Hong Kong, Busan hay Singapore... Là một trong những cảng biển lớn và sôi động nhất của Việt Nam, kỷ nguyên khoa học công nghệ hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho Hải Phòng đổi mới và phát triển, hướng tới mô hình thành phố cảng 4.0.

1. Yêu cầu đổi mới và phát triển các thành phố cảng

Năm 2012, 14 trong 20 thành phố tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và 36 trong tổng số 50 thành phố có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới đều thuộc về các thành phố cảng\[1]. Những con số ấn tượng này cho thấy sự năng động và tiềm năng của các thành phố cảng trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, các thành phố cảng đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự đổi mới, cụ thể là: 

Thứ nhất, áp lực cạnh tranh giữa các cảng biển ngày càng khắc nghiệt. Quá trình toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế sâu sắc khiến lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển những năm đầu thế kỷ 21 tăng nhanh chóng. Cácnước nghèo xuất khẩu hàng hóa sang những quốc gia phương Tây giàu có, sau đó nhập khẩu trở lại thiết bị, máy móc và nguyên phụ liệu từ những nước này. Đa phần những hoạt động này đều thông qua các cảng biển. Dù vậy, gần đây hoạt động thương mại quốc tế bắt đầu có dấu hiệu chùng xuống, một phần là do những rào cản thương mại mới được đặt ra và phần khác là do lợi thế cạnh tranh ở các quốc gia châu Á không còn mạnh mẽ như trước. Khởi đầu là các nhà máy của Adidas sẽ rút khỏi thị trường châu Á để quay về với “Speedfactory” ở châu Âu – nơi các nhà máy được đầu tư trang bị dây chuyền lắp ráp tự động và số hóa 100%. Sự thay đổi về cấu trúc thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưu lượng chu chuyển hàng hóa quốc tế trên biển, và khi cầu giảm sút, các cảng biển sẽ phải cạnh tranh gắt gao hơn để giành chiếm thị phần.[2]

Thứ hai, áp lực thu hẹp không gian phát triển từ quá trình đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhất là tại các thành phố đang phát triển ở châu Á và châu Phi, để lại những hệ lụy tiêu cực tới các hoạt động kinh tế - xã hội. Đối với các thành phố cảng, quá trình đô thị hóa còn làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề, trong đó, hệ quả lớn nhất là xung đột giữa mục tiêu phát triển cảng biển với nâng cấp đô thị. Cảng biển thường tọa lạc ở trung tâm thành phố, là nơi cung cấp chủ yếu hàng hóa, nguyên vật liệu và dịch vụ vận chuyển hành khách, vì thế thường được ưu tiên là đầu mối phát triển của thành phố. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang đặt ra nhu cầu mở rộng không gian xây dựng nhà ở cho người dân và hạ tầng công cộng cho hoạt động đô thị, đồng thời gia tăng áp lực đối với hệ thống giao thông... Thực tế này làm trầm trọng thêm mâu thuẫn về đất đai và ưu đãi ngân sách giữa đầu tư cảng biển với phát triển đô thị.

Thứ ba, sự liên kết giữa khu vực “cảng biển” và khu vực “đô thị” bên trong các thành phố cảng đang yếu dần, thậm chí có xu hướng đứt gãy. Trong nhiều thế kỷ trước, khu vực “cảng biển” và khu vực “đô thị” có mối quan hệ rất chặt chẽ, cảng biển đóng góp lớn cho sự thịnh vượng của khu vực đô thị nói riêng và cả thành phố nói chung. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp vận tải biển với những con tàu, xe tải cỡ lớn và lưu lượng vận tải hàng hóa gia tăng đột biến trong 30 năm qua đã làm thay đổi căn bản mối quan hệ này. Sự sôi động của khu vực cảng biển kéo theo nhu cầu mở rộng không gian cho các cảng. Hoạt động của các cảng bắt đầu dịch chuyển ra ngoài trung tâm thành phố. Theo đó, lợi ích kinh tế mà các cảng biển dành cho khu vực đô thị giảm dần trong khi những hậu quả về môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn và ách tắc giao thông lại tăng lên. Những hệ lụy này khiến cho không gian phát triển các cảng biển đứng trước nguy cơ bị điều chỉnh theo hướng giới hạn lại. Hoạt động của các cảng phải tuân thủ đầy đủ những quy định nghiêm ngặt về môi trường cũng như trách nhiệm xã hội đối với khu vực đô thị. Đặc biệt, ở nhiều quốc gia, các cảng buộc phải duy trì hoạt động của mình ở gần hoặc quay trở lại khu vực đô thị.[3]

Thứ tư, áp lực phát triển bền vững. Phát triển bền vững đang trở thành một xu thế chủ đạo của các nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Xu thế này đặt ra đòi hỏi về một sự chuyển mình theo hướng bền vững của các thành phố nói chung, trong đó có các thành phố cảng và chuỗi dịch vụ logistics nói riêng. Để phát triển môi trường bền vững, các thành phố cảng phải đối mặt với yêu cầu cắt giảm lượng khí thải ở cảng từ tàu và các phương tiện vận tải khác, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do khói, bụi và chất thải từ tàu và hàng hóa. Về phát triển kinh tế bền vững, các cảng biển đứng trước thách thức phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả vận hành. Về phát triển xã hội bền vững, các cảng biển phải đảm bảo được quyền lợi của người lao động trên khía cạnh sức khỏe, môi trường làm việc và chất lượng giáo dục đào tạo...

Tuy nhiên, các thành phố cảng cũng đang đón nhận cơ hội chưa từng có cho tiến trình đổi mới và phát triển khi những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ biến các thành phố cảng trở thành những thành phố số, thành phố thông minh, với sự ra đời của mô hình cảng 4.0, đô thị 4.0... Cuộc cách mạng sẽ tăng cường tính kết nối và tích hợp bên trong các cảng, bên trong các khu vực đô thị, giữa cảng với đô thị, và giữa các cảng trong nước với các cảng quốc tế. Công nghiệp 4.0 cũng hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi đột phá về cơ sở hạ tầng, giải quyết triệt để những vấn đề liên quan tới giao thông động và tĩnh như tắc nghẽn cầu đường, bến bãi, nhu cầu bãi đậu, đỗ xe, những vấn đề về môi trường - hướng tới xây dựng các thành phố cảng thông minh, hiện đại nhưng bền vững.

2. Phát triển mô hình thành phố cảng 4.0

Mô hình thành phố cảng 4.0 đang được hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cùng những giải pháp công nghệ mới... sẽ là những nhân tố hàng đầu quyết định tới tương lai của các thành phố cảng. Công nghệ đã và đang trở thành những chất xúc tác không thể thiếu cho tiến trình đổi mới và phát triển các thành phố này.

2.1. Xây dựng “cảng thông minh”

Trước làn sóng phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhiều thành phố cảng trên thế giới đã bắt tay vào thực hiện chiến lược phát triển và nâng cấp cảng biển theo hướng “số hóa” và “thông minh hóa”. Điển hình là sáng kiến “smartPORT” của thành phố Hamburg (Đức) và các dự án “cảng thông minh” tương tự của thành phố Amsterdam và Rottedarm (Hà Lan), Singapore (Singapore) hay Busan (Hàn Quốc)... Mặc dù chưa có một định nghĩa chính thức về “cảng thông minh”, nhưng theo cách hiểu chung nhất, “cảng thông minh” là nơi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng cường hiệu quả vận hành cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đồng thời giảm chi phí vận hành và tác động tới môi trường.[4]

Một số đặc điểm cơ bản của mô hình “cảng thông minh” như sau:

Thứ nhất, tính hiện đại. Công nghệ đóng vai trò then chốt trong quá trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại cảng (máy móc, thiết bị, hệ thống giao thông) cùng các dịch vụ vận tải biển và logistics thông minh...

Điểm nổi bật của các khu vực cảng thông minh là mức độ áp dụng tự động hóa cao, từ hoạt động bốc xếp hàng hóa, vận chuyển container cho tới theo dõi hành trình di chuyển trên biển. Ví dụ, ở Hamburg và Rotterdam, gần như 100% các cầu cảng sử dụng container đều được tự động hóa; trên các cảng biển của Hà Lan đã xuất hiện những tàu cá có khả năng tự động hóa rất cao, có thể đánh bắt, chế biến và đóng gói cá tươi ngay trên tàu giống như một nhà máy trên biển. Ngoài ra, các phần mềm quản lý thông minh cho phép thu thập, xử lý và kết nối thông tin giữa các trung tâm giám sát ngoài khơi với hệ thống quản lý trong đất liền, cung cấp thông tin về lịch trình và lộ trình của các tàu đang vận hành từ các nhà cung ứng khác nhau. Mô hình cảng thông minh giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi tại các bến, thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đội tàu, và góp phần tiết kiệm chi phí... Ví dụ, ở cảng Los Angeles, tự động hóa giúp giảm tới 50% chi phí lao động, hay hệ thống FASTCONNECT đã giảm thời gian điều tàu ở cảng Singapore từ 8 giờ xuống chỉ còn 2 giờ.[5]

Bảng 1. Ứng dụng công nghệ 4.0 tại một số cảng biển trên thế giới

Công nghệ

Giá trị ứng dụng

Điển hình

Vạn vật kết nối (IoT)

Quản lý các dòng hàng hóa vận chuyển, thu thập và giám sát thông tin, ra quyết định nhanh chóng, thông minh

Cảng Hamburg đã sử dụng công nghệ điện toán đám mây, mạng cục bộ, các thiết bị di động, IoT và dữ liệu lớn để quản lý khu vực cảng, các bãi đỗ, các bến tàu và đường sá...

Các loại tàu thông minh cũng được sử dụng nhằm hạn chế lượng dầu tiêu thụ cũng như giúp quá trình giám sát hoạt động của tàu thuận lợi hơn

Máy bay, xe tải và tàu không người lái

Hạn chế và dần sẽ thay thế con người trong các hoạt động vận chuyển, nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo an ninh hàng hải

Một số cảng đã sử dụng máy bay không người lái để giám sát lượng chất thải trên biển, hay để trao đổi các giấy tờ, tài liệu.

Hãng công nghệ Starship của Anh cũng đang thử nghiệm robot giao hàng ở cảng London

Robot

Đảm nhiệm một số công việc  nhằm nâng cao hiệu quả

Amazon đã sử dụng robot trong các nhà kho để quản lý và vận chuyển hàng hóa

Công nghệ in 3D

Chuyển đổi hoạt động sản xuất hàng loạt sang sản xuất theo nhu cầu khách hàng

Cảng Rotterdam đã sử dụng công nghệ in 3D để hỗ trợ hoạt động bảo trì và sửa chữa các linh kiện, máy móc...

Dữ liệu lớn

Phân tích dữ liệu, nhận diện cơ hội và rủi ro nhằm tối đa hóa hiệu quả

Ban quản lý Cảng Singapore đã sử dụng công nghệ này để phát triển các công cụ giám sát, quản lý giao thông, phát hiện những diễn biến bất thường trong hành trình của các tàu trên biển, đảm bảo an toàn hằng hải

Điện toán đám mây

Xây dựng các “cộng đồng cảng” và tạo điều kiện cho các chủ thể tăng khả năng kết nối

Ứng dụng giao hàng thông minh Trucker Path của Amazon và Cargomatic, ứng dụng Smartport tăng cường kết nối và tương tác giữa các thủy thủ, lái xe...

Nguồn: Accenture & Shanghai International Port (2016), Conneted Ports Driving Future Trade.

https://www.accenture.com/t20161012T003018Z__w__/us-en/_acnmedia/PDF-29/accenture-connected-ports-driving-future-trade.pdf

 

           Thứ hai, tính kết nối. Cảng biển thông minh là một hệ thống tích hợp và kết nối thông suốt các hoạt động khai thác, vận hành và quản lý cảng, đặc trưng bởi mạng lưới kết nối giữa nhà cung ứng với khách hàng, kết nối giữa hệ thống quản lý trên bờ với các tàu trên biển, kết nối cảng và thành phố, kết nối cảng nội địa với các cảng quốc tế... Ngoài ra, tính kết nối còn thể hiện ở sự đồng bộ các dịch vụ nhờ công nghệ ICT và điện toán đám mây... Trong đó, đảm bảo sự kết nối của hệ thống giao thông có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của các thành phố cảng. Ví dụ, tại cảng biển Hamburg (Đức), Busan (Hàn Quốc) và Tallinn (Estonia) được phủ sóng wifi; các ứng dụng di động và cổng thông tin điện tử giúp kết nối ban quản lý cảng, đội ngũ nhân viên tại các bến, các công ty vận chuyển hàng hóa và bộ phận điều hành bến đỗ với nhà xe và các phương tiện vận tải. Trên cơ sở hệ thống thời gian thực (real-time system), thông tin và tương tác giữa các chủ thể này được cập nhật từng giây. Xe tải vận chuyển hàng được bố trí tập kết tại những bến đỗ xa trung tâm, sau đó sẽ được thông báo chính xác thời gian khởi hành để tới cảng nhận hàng.[6] Cảng Singapore cũng được trang bị mạng 4G nhằm tăng cường kết nối giữa ban quản lý cảng với tàu và đội ngũ thủy thủ. Hệ thống này giúp các luồng hàng hóa lưu thông thuận lợi, giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và tiết kiệm chi phí.

           Thứ ba, tính bền vững. Mục tiêu chung của các chương trình phát triển “cảng thông minh” đó là đảm bảo tính hiện đại, kết nối và hiệu quả sử dụng năng lượng cao. Các cảng biển thông minh phải duy trì lượng khí thải và chất thải ra môi trường ở mức tối thiểu đồng thời khuyến khích sử dụng các loại năng lượng tái tạo thay thế. Cảng Rotterdam (Hà Lan) ứng dụng hệ thốngCavotec E3 Berth, giúp tự động kết nối hệ thống năng lượng sạch cho các tàu khi vào cảng, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí cục bộ. Cảng Barcelona (Tây Ban Nha) áp dụng công nghệ chiếu sáng tự động và hệ thống quản lý điện tử, hóa đơn điện tử nhằm tiết kiệm điện năng và xóa bỏ các giao dịch bằng giấy tờ. Trong khi đó, cảng Los Angeles và Long Beach (Mỹ) đã thử nghiệm và đưa vào sử dụng các loại xe tải điện vận chuyển hàng hóa và xây dựng đường cao tốc cho các phương tiện này.[7]Ban Quản lý cảng Hamburg cũng thành công trong việc ứng dụng công nghệ IoT vào đo lường chất lượng không khí, thu thập các thông số về lượng khí thải trên cảng...

           Thứ tư, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể, từ doanh nghiệp, Ban quản lý cảng cho tới chính quyền thành phố và người dân trong tiến trình xây dựng mô hình cảng biển thông minh. Về phía chính quyền, chính quyền thành phố là nhân tố cốt lõi trong việc hiện thực hóa các mô hình cảng biển thông minh, đóng vai trò là người đề xuất và phê duyệt các chiến lược phát triển, điều hành hệ thống kinh tế-xã hội của thành phố (phân bổ ngân sách đầu tư hạ tầng cảng) và kết nối các chủ thể chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Ví dụ, Chính phủ Singapore với Chương trình Next Generation Port 2030 - xây dựng cảng biển hiệu quả, thông minh, an toàn và xanh hóa. Về phía Ban quản lý cảng, trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, các Ban Quản lý cảng đã chủ động trong việc ứng dụng công nghệ mới nhằm hiện đại hóa quá trình chu chuyển hàng hóa cũng như điều phối giao thông, giảm tiêu dùng năng lượng ở cảng để tiết kiệm chi phí. Về phía doanh nghiệp, thành công của chiến lược thông minh hóa và bền vững hóa các cảng biển ở Hamburg, Rotterdam hay Singapore... không thể thiếu những đóng góp của các công ty công nghệ lớn như Siemens hay CISCO. Siemens đã lắp đặt một hệ thống điện thông minh cho toàn bộ cảng Duesseldorf (Đức), phát triển các phần mềm và hệ thống dự trữ điện, tích hợp năng lượng tái tạo và các lưới điện siêu nhỏ ở khu vực. Theo đó, các tàu có thể sử dụng lưới điện này để nạp nhiên liệu thay cho các máy phát điện diesel gây ô nhiễm môi trường.

2.2. Phát triển “đô thị thông minh”

           Phát triển thành phố cảng thông minh không đồng nghĩa với tập trung tối đa mọi nguồn lực cho khu vực cảng biển mà bỏ quên khu vực đô thị, trái lại phải gắn kết chặt chẽ giữa phát triển cảng biển với phát triển đô thị, tạo nên một chỉnh thể thống nhất cho thành phố. Phát triển “đô thị thông minh” cũng tương tự như phát triển “thành phố thông minh”.

           Thứ nhất, ứng dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện các điều kiện về giao thông, môi trường kinh doanh cũng như các vấn đề an sinh xã hội ở khu vực đô thị, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân. Chính quyền thành phố Hamburg đã triển khai nhiều chương trình hành động để tạo dựng một hình ảnh hấp dẫn hơn cho khu vực đô thị, giúp khu vực này có thể thu hút thêm nhiều lao động, người nhập cư và khách du lịch. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện chiến lược nới rộng khu vực đô thị, biến khu vực đô thị trở thành một thành phố IoT thu nhỏ theo mô hình “thành phố bên trong thành phố”. Giao thông sẽ trở nên thuận tiện hơn nhờ những ứng dụng giám sát các bãi đỗ xe, mạng lưới chăm sóc y tế, giáo dục và an ninh sẽ được nâng cấp và kết nối chặt chẽ, hoạt động kinh doanh được số hóa. Mô hình này cũng đang được phát triển ở các thành phố cảng như Busan, Copenhagen, Barcelona và Chicago...[8]

           Thứ hai, bảo tồn các giá trị truyền thống và vẻ đẹp tự nhiên của các thành phố cảng. Amsterdam, Venice, Malta, Bergen, Saint Peterburg, Busan và New York... đều được biết tới là những thành phố cảng xinh đẹp với nhiều di sản văn hóa thiên nhiên nổi tiếng thế giới. Doanh thu từ du lịch hàng năm ở các thành phố này là nguồn lợi kinh tế khổng lồ, không kém gì so với những hoạt động công thương nghiệp khác. Điểm đặc trưng của đa số các thành phố cảng là những trung tâm lịch sử văn hóa, các công trình kiến trúc cổ đại ở Hamburg, Venice, Bergen hay Amsterdam... đều gắn liền với các cảng biển và hoạt động của chúng. Sắc thái của những thành phố cảng cũng mang âm hưởng từ kiến trúc, màu sắc, các giá trị lịch sử của cảng biển, ẩm thực và lối sống của người dân nơi đây. Mặc dù xây dựng mô hình các cảng biển thông minh nhưng những thành phố này vẫn nâng cao trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hóa và công trình lịch sử truyền thống.[9]Vì thế, không khó để có thể nhận thấy những khu vực cảng biển và xung quanh cảng biển thường tập trung đông đảo một lượng lớn khách du lịch. 

3. Một số gợi ý cho việc phát triển thành phố cảng Hải Phòng

           Với vị trí địa chiến lược, thành phố cảng Hải Phòng hiện là trung tâm công nghiệp và thương mại quan trọng của cả nước với cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai ở Việt Nam. Hải Phòng cũng là đầu mối giao thông, cửa ngõ quốc tế kết nối Việt Nam với thế giới; đồng thời là trung tâm kinh tế - văn hoá - giáo dục - du lịch phát triển của đất nước. Trong những năm qua, Hải Phòng đã thể hiện vai trò thành phố lớn thứ ba của cả nước với những bước phát triển nhanh chóng và bền vững. Xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2017 cán mốc hơn 3 tỷ USD, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,08% và tổng sản phẩm địa phương tăng 13,26%.[10] Năm 2016, Hải Phòng cũng vươn lên trở thành thành phố dẫn đầu cả nước về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

           Tuy nhiên, những thành tựu mà Hải Phòng đạt được cho đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Những thế mạnh về cảng biển chưa được Hải Phòng khai thác và tận dụng một cách tối đa. Trong khi đó, cuộc chạy đua trong ngành cảng biển đang diễn ra ngày một khốc liệt hơn với những yêu cầu đòi hỏi mới của ngành vận tải biển. “Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” nhấn mạnh phát triển vận tải biển cần phải theo hướng “hiện đại hóa với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh của vận tải biển để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và trên thế giới”. 

           Vì thế, thành phố cảng Hải Phòng đứng trước đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ nhằm khắc phục những khó khăn nội tại của thành phố cũng như đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước. Bộ Chính trị khóa XI đã ra Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2020 sẽ theo hướng “xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại”. Định hướng này tiệm cận với mục tiêu xây dựng và phát triển “thành phố cảng thông minh”, “thành phố cảng 4.0” ở nhiều thành phố trên thế giới khi cùng đề cập tới “tính hiện đại” và “tính bền vững” (thành phố cảng xanh). Để hiện thực hóa mục tiêu này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy thành phố Hải Phòng nên đổi mới theo một số hướng sau:

           Thứ nhất, nâng cấp nền tảng công nghệ của thành phố và tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại – hướng tới xây dựng và phát triển mô hình “cảng biển thông minh”, “đô thị thông minh”. Hiện nay, Hải Phòng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin và IoT trong một số khâu liên quan tới dịch vụ logistics như thủ tục hải quan, quản lý, xếp dỡ hàng hóa tại các kho bãi, bến cảng... Một số doanh nghiệp như Viconship cũng tiến hành phủ sóng Wifi toàn bộ khu vực cầu cảng, kho hàng nhằm tăng cường tính kết nối giữa ban quản lý, nhân viên của các bộ phận và khách hàng, giúp cập nhật thông tin về số lượng hàng hóa, lộ trình của tàu, thời gian hàng cập bến... Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ của Hải Phòng vẫn còn hạn chế và lạc hậu so với các cảng biển thông minh trên thế giới hiện nay.

           Khó khăn lớn nhất của Hải Phòng là nguồn vốn đầu tư để hiện đại hóa hạ tầng cơ sở, trang bị các thiết bị công nghệ cao... Thành phố có thể huy động nguồn vốn đầu tưnước ngoài, cũng như kêu gọi tài trợ của các doanh nghiệp công nghệ (như CISCO Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin như FPT, Mobiphone hay Viettel). Đồng thời, thành phố cũng cần chú trọng tới công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ có tay nghề, có năng lực để vận hành và sử dụng các thiết bị công nghệ mới.

           Thứ hai, nâng cấp hệ thống giao thông thành phố. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các thành phố cảng và là chìa khóa xây dựng thành phố thông minh. Thế mạnh của Hải Phòng là hệ thống giao thông tích hợp với đầy đủ các phương thức vận tải từ đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Do vậy, Hải Phòng có tiềm năng lớn cho phát triển các loại hình vận tải đa phương thức, ví dụ gắn kết cảng biển với hệ thống đường sắt và mạng lưới đường bộ vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, tính kết nối giữa các phương thức vận tải này ở Hải Phòng vẫn còn rất thấp, gánh nặng vận tải đang chủ yếu dồn lên đường bộ khiến cho phí vận tải bình quân cao. Ngoài ra, hệ thống giao thông của Hải Phòng đang trong tình trạng quá tải khi mạng lưới giao thông của thành phố khá phức tạp - vừa kết nối trung tâm thành phố với các quận, huyện ngoại thành và các tỉnh, thành phố khác, vừa phục vụ nhu cầu đi lại nội đô.

           Thực tế này đặt ra yêu cầu chính quyền thành phố cần tập trung nguồn lực cải tạo, nâng cấp và phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, nhất là khi cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động. Đồng thời, thành phố cũng cần khẩn trưởng giải quyết những vấn đề liên quan tới các loại phí; phí cầu đường, phí BOT, phí cơ sở hạ tầng tại cảng Hải Phòng hiện còn cao.

           Thứ ba, phát triển bền vững thành phố. Trong những năm gần đây, các hoạt động phát triển du lịch, cảng biển, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất công nghiệp... đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng. Tuy nhiên, song hành với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng nghiêm trọng. Rác thải, khí thải không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm suy thoái trầm trọng môi trường biển. Với định hướng trở thành một cảng biển quốc tế nhộn nhịp, thách thức đặt ra đối với Hải Phòng là làm thế nào để kiểm soát tình trạng ô nhiễm khi mỗi ngày cảng Hải Phòng sẽ đón tiếp một lượng tàu cập bến khổng lồ với lưu lượng giao thông tăng vọt. Trước mắt, chính quyền thành phố cần tăng cường quản lý, kiểm soát lượng chất thải và khí thải từ các cảng, đồng thời nghiên cứu các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, thậm chí chấp nhận nhập khẩu các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Ngoài ra, Hải Phòng cũng cân nhắc đầu tư phát triển mô hình cảng xanh, thân thiện với môi trường. Đối với khu vực đô thị, chính quyền thành phố cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc xử lý các vi phạm về môi trường, kiên quyết không cấp phép đầu tư cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

           Thứ tư, gắn kết phát triển cảng biển với các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh của thành phố. Quy mô và không gian đô thị của Hải Phòng năm 2017 đã được mở rộng đáng kể, tổng diện tích đô thị tăng lên 4,7 lần (từ 7.359 ha lên 34.289 ha) và quy mô dân số tăng lên 1,45 lần. Đô thị mở rộng sẽ làm gia tăng sức ép đối với các vấn đề về hạ tầng đô thị. Vì thế, song song với đầu tư nguồn lực xây dựng cảng biển, chính quyền thành phố cũng cần chú trọng tới công tác phát triển đô thị, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà ở, hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện..., phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị cần phải tính tới việc bảo tồn và gìn giữ các công trình kiến trúc lịch sử cũng như các giá trị văn hóa dân tộc của thành phố./.

 

[1]The Economist Intelligence Unit Hot Spots (2012), “Benchmarking Global City Competitiveness. A Report from the Economist Intelligence Unit”, The Economist. Available online at: http://www.citigroup.com/citi/citiforcities/pdfs/eiu_hotspots_2012.pdf.

[2] Saxe, Sebastian and Carlos Jahn (2017), Digitalization of Seaports: First Ideas, Hamburg: Hamburg Port Authority.

[3] European Parliament (2016), EU port cities and port area regeneration, Briefing November 2016.

[4] Tan, Jeffrey (2016), “Demystifying Smart Port – The Next Generation Port”, Supply Chain Asia 31st August 2016.

[5]Quách Thị Hà (2016), “Kinh nghiệm phát triển dịch vụ cảng biển của một số nước trên thế giới”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 32, Số 1 (2016) trg 73-79

[6] Smart Cities Council (2017), Tallinn’s strategy for smart port solutions, https://eu.smartcitiescouncil.com/article/tallinns-strategy-smart-port-solutions

[7]Peeples, Doug (2015), “How smart technologies are making ports greener and leaner”, Smart Cities Council 12th June 2015.https://smartcitiescouncil.com/article/how-smart-technologies-are-making-ports-greener-and-leaner

[8]Elfrink, Wim (2014), Video Showcases Hamburg’s Digital Smart City + Port Connection.https://www.cisco.com/digital/video-showcases-hamburgs-digital-smart-city-port-connection

[9] Girard, Luigi (2013), “Toward a Smart Sustainable Development of Port Cities/Areas: The Role of the “Historic Urban Landscape” Approach”, Sustainability Vol. 5 pp. 4329-4348. doi:10.3390/su5104329

[10]Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng (2017), Hải Phòng phấn đấu là thành phố lớn hiện đại.http://haiphong.gov.vn/p-UBNDTP/d-9545/117277/hai-phong-phan-dau-la-thanh-pho-lon-hien-dai

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 264585
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn