1. Mở đầu
Thời gian gần đây, thành phố Hải Phòng đã trở thành điểm đến của nhiều dự án đầu tư lớn, theo đó đã thu hút được nhiều dự án với số vốn đầu tư lớn, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cùng với một số địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, thành phố Hải Phòng ngay từ thời kỳ đầu mở cửa cho đến nay luôn được coi là một địa điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà sản xuất công nghiệp lớn, đặc biệt là những nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ đặt ra cho Hải Phòng trong giai đoạn sắp tới là duy trì và phát triển dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo giá trị gia tăng, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên thực tế, nền sản xuất của Việt Nam nói chung và của thành phố Hải Phòng nói riêng vẫn thực hiện trên cơ sở nguồn nguyên liệu, vật tư chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu từ nước ngoài về để tiến hành gia công, lắp ráp. Một phần nguyên nhân là do các sản phẩm đầu ra của nhà đầu tư nước ngoài thuộc nhóm chưa sản xuất phổ biến tại Việt Nam; nhà đầu tư muốn chủ động kiểm soát thời gian và chất lượng nguồn
nguyên vật liệu đầu vào trong khi chưa hiểu rõ về thị trường trong nước; năng lực của các nhà sản xuất trong nước còn chưa có cơ hội cọ xát, chưa tiếp cận được với nhà đầu tư nước ngoài ngay từ khi họ nghiên cứu đầu tư để chủ động chuẩn bị các điều kiện đáp ứng. Điều này dẫn đến hiệu quả trong hợp tác đầu tư nước ngoài còn chưa đạt được như kỳ vọng, tính lan tỏa của khối doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước còn chưa rõ nét, giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu còn chưa cao, nền sản xuất công nghiệp của thành phố phát triển chưa bền vững, hàm lượng chất xám và tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm còn thấp, cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các nhà sản xuất còn hạn chế.
Bài viết nhằm đưa ra những đánh giá thực trạng công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hải Phòng và đưa ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ như một biện phát giúp Hải Phòng tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trong khuôn khổ bài viết ngắn, nhóm tác giả đã sử dụng một số phương pháp chủ yếu như: Phương pháp phân tích tổng hợp, thu thập số liệu, thống kê so sánh, suy luận… dựa trên các dữ liệu thứ cấp để đánh giá thực trạng công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hải Phòng. Từ đó rút ra những nhận định và đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hải Phòng nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Khái niệm về “công nghiệp hỗ trợ” và “tham gia chuỗi cung ứng”
“Công nghiệp hỗ trợ”: Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã định nghĩa như sau: Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.(Chính phủ, 2015)
“Tham gia chuỗi cung ứng”: Chuỗi cung ứng bao gồm các liên kết đầu vào - đầu ra của các hoạt động sản xuất tạo ra chuỗi các sản phẩm. Sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ là phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu, vật liệu, là hàng hóa trung gian, đầu vào cho hoạt động sản xuất sản phẩm cuối cùng. Do vậy, bất kỳ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nào cũng đều được lắp ráp vào một sản phẩm cuối cùng, bất kỳ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào cũng đều phải tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của một hay một vài doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng thông qua những hình thức khác nhau, có thể trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, hoặc xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ở nước ngoài.
Công nghiệp hỗ trợ được hiểu là một ngành kinh tế kỹ thuật, bao gồm các ngành sản xuất sản phẩm trung gian, cung cấp linh, phụ kiện máy móc, thiết bị nguyên vật liệu đã qua chế biến và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất theo các quy trình nhất định để lắp ráp các sản phẩm cuối cùng
3.2. Vai trò của phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT)
Theo Lê Xuân Sang và Nguyễn Thị Thu Huyền (2016), CNHT có vai trò rất quan trọng, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, được thể hiện qua những khía cạnh cụ thể:
- CNHT là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành CNHT. Các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng sẽ bị giới hạn trong một số ít các ngành nếu thiếu sự phát triển của CNHT.
- Các doanh nghiệp trong ngành CNHT thường có xu hướng tập trung chuyên môn hóa vào các công đoạn hoặc chi tiết sản phẩm có thế mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp CNHT thực hiện hợp tác liên kết với nhau nhằm hoàn thiện, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Do sự chuyên môn hóa sâu, chuyên tâm vào lĩnh vực của mình và kết hợp với sự hợp tác hóa chặt chẽ nên sẽ tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn.
- CNHT chính là cơ sở để thực hiện hội nhập công nghiệp toàn cầu. Các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu trên thế giới ngày càng có vai trò chi phối, điều tiết và gần như quyết định với tầm ảnh hưởng rất rộng đến hệ thống kinh tế thế giới. Các nước đang phát triển, đi sau, cũng
chịu sự chi phối, điều tiết này và không thể một bước phát triển vượt bậc, để đạt được sức mạnh ngang tầm mà cần phải có quá trình từng bước tương thích, hợp tác và hội nhập. Điều này chỉ có ngành công nghiệp hỗ trợ mới phát huy được vai trò đó. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khi các quan hệ hợp tác được thiết lập, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ là một bộ phận hiện hữu, không tách rời, cấu thành trong các sản phẩm của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,… Công nghiệp hỗ trợ nhờ đó mà trở thành một bộ phận tham gia vào hệ thống sản xuất chuyên môn hóa quốc tế. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ sẽ được nằm trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực cũng như toàn cầu.
Hội nhập quốc tế quan trọng hơn là hội nhập ở thượng nguồn, tức là phối hợp với nhau trong quá trình tham gia sản xuất linh kiện, để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu chứ không phải công nghiệp lắp ráp. Công nghiệp lắp ráp lại thuộc khâu hạ nguồn, nó không mang tính sản xuất, chế tạo, thiếu yếu tố năng động, sáng tạo. Đối với việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nếu như công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, chi phí chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng phí tổn đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng mà giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng điển hình. Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác.
- CNHT phát triển có hiệu quả tạo điều kiện thu hút được đầu tư nước ngoài và tạo tăng trưởng bền vững. Nhân tố lao động giá rẻ ngày nay cũng không còn sức hấp dẫn nhiều trong thu hút đầu tư, phát triển bền vững. CNHT phát triển sẽ thúc đẩy thu hút FDI hay nói cách khác, một quốc gia, một địa phương có ưu thế về CNHT sẽ có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn so với một quốc gia, một địa phương có ưu thế về lao động giá rẻ.
Đối với công nghiệp lắp ráp và tận dụng lao động giá rẻ, đến một mức độ nào đó khi các tập đoàn kinh tế không thấy cơ hội nữa họ sẽ rời bỏ đi. Thay vào đó, xu thế ngày nay các tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài, các nhà đầu tư sẽ chú trọng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành công nghiệp hỗ trợ tốt, đáp ứng được nhu cầu mua sắm linh kiện, chi tiết sản phẩm hay như các hợp đồng cung cấp, đặt hàng sản xuất các chi tiết, đơn vị sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm.
- Phát triển CNHT sẽ có tác động khuyến khích ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ cao, lực lượng lao động có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi, nâng cao tay nghề. Lao động trong công nghiệp hỗ trợ sẽ khuyến khích, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, trong khi hoạt động lắp ráp là những công việc đơn thuần, lặp đi lặp lại, trình độ tay nghề của công nhân không có cơ hội được nâng cao, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật.
- Ngành CNHT còn có những đóng góp quan trọng trong sự ổn định kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Khi các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp tự sản xuất được các chi tiết, linh kiện sản phẩm, đồng nghĩa với việc không còn phải nhập khẩu để phục vụ cho xuất khẩu, từ đó sẽ có tác động hạn chế nhập siêu, tăng nguồn thu ngoại tệ, đồng thời giảm được tình trạng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành CNHT phát triển tự động nó sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, ngành CNHT phát triển sẽ tạo ra hiệu ứng kéo các ngành công nghiệp khác phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, đóng góp tăng trưởng kinh tế và làm giảm tỷ lệ người nghèo.
- Phát triển CNHT là điều kiện đủ để phát triển các cụm liên kết ngành, là công cụ rất hữu hiệu giúp nâng cao cạnh tranh, đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế vùng thông qua xây dựng mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác.
3.3. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hải Phòng nhằm từng bước tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến năm 2022, trên địa bàn thành phố có khoảng 339 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trong đó 224 doanh nghiệp CNHT (chiếm 66%) phục vụ ngành công nghiệp mũi nhọn tại Hải Phòng (gồm các ngành điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, ngành công nghiệp công nghệ cao), 46 doanh nghiệp CNHT (chiếm 14%) phục vụ ngành công nghiệp truyền thống (gồm các ngành dệt may, da giầy) và 69 doanh nghiệp CNHT phục vụ ngành công nghiệp khác (chiếm 20%). Số doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm CNHT là 204 doanh nghiệp trên tổng số hơn 800 doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Bảng 1. Thống kê doanh nghiệp CNHT tại Hải Phòng năm 2022
TT Ngành (theo Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển) Số lượng Tỉ trọng (%) FDI DDI
A CNHT phục vụ ngành công nghiệp mũi nhọn tại Hải Phòng 224 66 147 77
1 Ngành điện tử 69 20 63 6
2 Ngành cơ khí chế tạo 95 28 38 57
3 Ngành sản xuất lắp ráp ô tô 34 10 26 8
4 Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao 26 8 20 6
B CNHT phục vụ ngành công nghiệp truyền thống 46 14 19 27
5 Ngành dệt - may 7 2 4 3
6 Ngành da - giầy 39 12 15 24
C CNHT phục vụ ngành công nghiệp khác 69 20 38 31
7 Không thuộc danh mục 69 20 38 31
Tổng cộng 339 100 204 135
(Nguồn: Sở Công Thương Hải Phòng)
Đánh giá về thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng cho thấy: Trong các dự án FDI đầu tư vào thành phố, tỉ lệ nội địa hóa còn khá thấp. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị gia tăng của sản phẩm tạo ra tại Việt Nam không cao. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: thép chế tạo, nhựa và chất dẻo, vải cho ngành dệt may và da – giày, các linh phụ kiện điện tử... chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu hoặc từ doanh nghiệp phụ trợ bản địa mà doanh nghiệp FDI này kéo theo, sử dụng nhiều linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu, chứ chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Hải Phòng như đóng tàu hầu như chưa có CNHT đi kèm, vì thế sản xuất dù đã có nhiều kết quả khả quan nhưng khả năng cạnh tranh thấp.
Việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành doanh nghiệp FDI còn thấp trước tiên do chính sách để quy định ràng buộc về tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng nhà thầu trong nước bị thu hẹp vì các cam kết quốc tế; các chính sách được ban hành chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với quy mô và vai trò của các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành công nghiệp ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ còn thấp; chưa hình thành các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan tỏa, dẫn dắt nền công nghiệp; chưa thực hiện tốt định hướng sản xuất các vật liệu cơ bản; việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT cho các tập đoàn lớn cũng hết sức khó khăn (hiện hầu hết do các doanh nghiệp FDI vệ tinh của tập đoàn này cung cấp).
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay có đến 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực rất hạn chế, trình độ công nghệ không cao, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, chưa đảm nhận tốt vai trò trong phát triển công nghiệp, đặc biệt trong ngành công nghiệp hỗ trợ vốn là ngành thâm dụng vốn và kỹ thuật. Trình độ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hạn chế do xuất phát điểm thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật của chuỗi sản xuất toàn cầu
và khách hàng; chưa hình thành được hệ sinh thái công nghiệp, xã hội sản xuất, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp công nghiệp còn thấp, sinh viên lĩnh vực kỹ thuật ít, chưa thu hút được các nguồn lực của xã hội đầu tư vào công nghiệp, đa phần chưa tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu.
Từ thực trạng trên cho thấy cần áp dụng một số giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách nhanh chóng và bền vững, nhằm đưa nền sản xuất của thành phố tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội để hưởng lợi khi Việt Nam tham gia các hiệp định, hiệp ước quốc tế.
4. Một số giải pháp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng
- Hoàn thiện các giải pháp hỗ trợ (chính sách ưu đãi, tài chính, đào tạo...) để thúc đẩy khả năng các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng được các đòi hỏi liên kết trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, nhằm khắc phục sự thiếu liên kết giữa hai khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hiện nay; cho thuê mua tài chính đổi mới trang thiết bị sản xuất theo mô hình cụm liên kết ngành, sản xuất sản phẩm CNHT và các nguyên phụ liệu quan trọng ngành dệt may, da giầy, vật liệu mới và vật liệu kim loại trong cơ khí chế tạo.
- Quan tâm đến chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống thông tin DN và sản phẩm CNHT, thông tin về nhu cầu CNHT... để tạo cầu nối giữa DN CNHT với các DN lắp ráp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, từ đó, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
- Đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp gắn với khu nhà xưởng tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư công nghiệp hỗ trợ do lĩnh vực này nhu cầu về diện tích nhà xưởng không lớn, chủ yếu tập trung vào dây chuyền công nghệ tinh xảo, hiện đại, tự động hóa cao và nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Chú trọng các chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ thông qua việc hình thành các trung tâm thử nghiệm, kiểm tra, hướng dẫn về công nghệ mới và phát triển công nghệ, theo đó trước mắt có thể thực hiện theo hướng khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu cụm công nghiệp dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất để cho các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư trung tâm thử nghiệm, kiểm tra, sản xuất thử các sản phẩm CNHT.
- Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với giá thành thấp; phối hợp với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với cơ hội sở hữu, sử dụng nhà ở xã hội … Tăng cường xã hội hóa hoặc hợp tác đầu tư công - tư với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp để đầu tư về trường học, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao chất lượng, giá rẻ phục vụ người lao động trong khu, cụm công nghiệp, tạo môi trường sinh sống tốt để làm tiền đề cho việc thu hút và giữ chân lao động lành nghề.
- Tranh thủ khảo sát, nghiên cứu nhu cầu về lao động và đề xuất hợp tác Win - Win với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm tiên lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
5. Kết luận
Hải Phòng là một thành phố công nghiệp với các ngành công nghiệp truyền thống có thế mạnh như: công nghiệp chế tạo; đóng và sửa chữa tàu; sản xuất kim loại; sản xuất thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng; sản xuất, lắp ráp ô tô tải nhẹ; sản xuất dây và cáp điện, sản xuất ống nhựa; da giầy - dệt may... Với sự có mặt của một số dự án lớn về sản xuất công nghiệp của Tập đoàn LG, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành CNHT tại Hải Phòng.
Thông qua việc đánh giá thực trạng phát triển CNHT tại thành phố Hải Phòng, phân tích mối quan hệ tác động tác động của phát triển CNHT đến nền sản xuất của thành phố Hải Phòng cho thấy việc phát triển CNHT là một trong những giải pháp thúc đẩy, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Với một số giải pháp cụ thể đề xuất trên đây, tác giả mong muốn có thể góp phần vào công cuộc phát triển CNHT thành phố trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của thành phố nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn
cầu, tiến tới phát triển CNHT trở thành một ngành công nghiệp chủ lực của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp thành phố./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2015), “Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ”.
2. Chính phủ (2020), “Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
3. Trương Thanh Hoài (2022), “Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần có cách tiếp cận mới”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM234936, truy cập 15/3/2023.
4. Phí Thị Hồng Linh và Nguyễn Đức Nhân (2023), “Cơ cấu lại cấu trúc đầu vào trong tăng
trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 dưới góc độ phát triển bền vững” – Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
5. Lê Xuân Sang và Nguyễn Thị Thu Huyền (2016), “Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng”, http://www.congnghieptieudung.vn/cong-nghiep-ho-tro-co-vai-tro-rat-quan-trong-la-dong-luc-truc-tiep-tao-ra-gia-tri-gia-tang-dt3771, truy cập ngày 15/3/2023
6. UBND TPHP (2020), “Quyết định số 3055/QĐ-UBND ngày 02/10/2020 của BND thành phố Hải Phòng ban hành Chương trình hành động về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
7. UBND TPHP (2022), “Quyết định số 4297/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2023”.