1. Kinh nghiệm về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 418 DN tham gia vào CGTTC. Trong đó, có 272 DN FDI, chỉ riêng năm 2021 tổng số vốn đầu tư FDI đã tăng khoảng 3,1 tỷ USD. Các DN FDI hiện chiếm 78% giá trị sản xuất. Trong những năm qua, tuy giá trị sản xuất công nghiệp ngành CNHT có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất toàn ngành (chiếm 10,9% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các DN CNHT mới tạo ra khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp; riêng các DN CNHT thuần Việt chỉ đóng góp được khoảng 26% trong giá trị đó và chiếm 34% giá trị cung cấp các sản phẩm bao bì, gia công lắp ráp modul, chi tiết đơn giản.
Chính sách phát triển CNHT tỉnh. Với thuận lợi có nhiều dự án FDI lớn như Samsung Electronics Việt Nam, Samsung Display Việt Nam, Canon, Foxconn có nhu cầu lớn về cung cấp linh kiện và đã hình thành chuỗi cung ứng trong một số ngành trọng điểm của tỉnh như: điện tử, cơ khí chế tạo. Ngày 30/6/2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định 229/QĐ-UBND phê duyệt tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, trong đó đã xác định các nhóm ngành ưu tiên phát triển và một số giải pháp đột phá để thực hiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, cụ thể: Thành lập trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; Nghiên cứu điều chỉnh thành lập các cụm CNHT; Thành lập các cụm CNHT ngoài khu công nghiệp (KCN) tập trung, hình thành các cụm CNHT trong các KCN tập trung.
Mặt bằng sản xuất Bắc Ninh đã hình thành các khu cụm công nghiệp (KCCN) có hạ tầng tương đối hoàn thiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển CNHT. Đến nay, đã thành lập được 2 cụm công nghiệp (CCN) với định hướng thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ: CCN hỗ trợ Tân Chi 2, CCN hỗ trợ Cách Bi và hình thành một số phân
khu công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp. Các khu vực này đã thu hút thành công DN sản xuất linh kiện phụ tùng, cả FDI và DDI, do có diện tích thuê phù hợp (chủ yếu dưới 5.000m2, 5-10.000m2/nhà xưởng).
Tuy Bắc Ninh có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn và nhu cầu tìm kiếm đơn vị cung cấp linh kiện sở tại là tất yếu, song thực tế phần lớn số DN trong nước vẫn chưa “chen” được vào chuỗi sản xuất của khối DN FDI. Trước năm 2010, các DN FDI chủ yếu phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện, chi tiết bán thành phẩm… để lắp ráp, đến nay có một số DN nội địa sản xuất được linh kiện thay thế nhập khẩu, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất chính. Giá trị sản xuất CNHT Bắc Ninh thấp do chủ yếu là gia công, lắp ráp; nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài nên tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng thấp.
Hoạt động sản xuất của các DN trong nước chủ yếu là làm bao bì hay những sản phẩm ở cấp độ thấp cho các Tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Brather, Kawasaki...; một số DN thì cung cấp bàn đạp, bàn phanh.... cho Yamaha. Hơn thế, sản phẩm hàng hóa tạo ra vẫn chủ yếu do lao động trực tiếp mà chưa được ứng dụng công nghệ cao, do đó sức cạnh tranh thấp, chưa có sản phẩm chất lượng cao.
Điển hình như Samsung, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa rất cao, song phần lớn linh kiện đều do các DN CNHT của Tập đoàn này tại Việt Nam cung ứng, trong tổng số 279 nhà cung ứng cấp I thì DN thuần Việt mới chỉ có 29 đơn vị. Mặt khác, các DN cung ứng nội địa cho Samsung cũng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm bao bì, linh kiện nhựa… giá trị gia tăng thấp (28/29 DN). Đối với các DN điện, điện tử - mới chỉ là bước khởi đầu, duy nhất có 1/29 DN cấp I. Nguyên nhân chính dẫn tới các DN nội địa khó “chen chân” được vào CGTTC tiềm lực yếu, chưa có kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thực sự trong vấn đề sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp các sản phẩm hiện đại; thiếu hẳn sự phối hợp, liên kết giữa các nhà cung ứng với nhau, giữa các DN FDI với các DN nội địa… Những điều này gây khó khăn cho không chỉ DN sản xuất linh kiện, phụ kiện, bán sản phẩm mà còn gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện có 3 vấn đề lớn mà nhiều DN CNHT trong nước đang vấp phải đó là: vốn, mặt bằng sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi cho các lĩnh vực này, nhưng thực tế, số DN được thụ hưởng còn rất ít. Hầu hết DN đều “tự bơi”, nên nhiều đơn vị không dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Điểm đặc biệt tại Bắc Ninh là hiện nay UBND tỉnh đang xúc tiến thành lập Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh, nhằm tạo kênh chính thức cho việc phát huy liên kết giữa các DN đầu chuỗi và các DN trong nước.
Kinh nghiệm nổi bật qua thực tế tại Bắc Ninh cho thấy việc cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của DN nội địa. Dưới tác động của CMCN 4.0 có nhiều ngành (du lịch, CNTT, giáo dục, y tế…) sẽ được hưởng lợi từ nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa. Trong khi đó, một số ngành như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, đặc biệt là ngành CNHT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn. DN sẽ tăng trưởng nhanh nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, DN sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.
2. Kinh nghiệm về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương có các giải pháp tích cực để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút FDI. Thứ nhất, tỉnh chủ động tháo bỏ các hàng rào thuế quan đối với doanh nghiệp FDI; ưu đãi doanh nghiệp FDI vào các lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư phát triển, như: trí tuệ nhân tạo, robot, dữ liệu lớn, công nghệ tài chính.. Thứ hai, chính quyền tỉnh Bình Dương cố gắng xây dựng một cơ chế phối hợp “ba bên - ba chân kiềng - ba trụ cột”, trong đó Nhà nước là bệ đỡ, các doanh nghiệp FDI là trung tâm và hạt nhân, doanh nghiệp trong nước
là những vệ tinh lan tỏa. Chính quyền có chính sách khuyến khích thu hút, nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp FDI cần xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.
3. Kinh nghiệm về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc
Sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh cũng thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước để tham gia sâu vào CGTTC.
Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tận dụng các lợi thế có tháp dân số trẻ cùng vị trí địa lý thuận lợi nằm liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt là nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh - Vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, ngay khi tái lập năm 1997, Vĩnh Phúc đã xác định mục tiêu: “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ - du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”. Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Chủ động về quỹ đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, đào tạo và tuyển dụng lao động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ hỗ trợ. Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Thị Mai Thơm (2022) “Nghiên cứu đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường khả năng gia nhập CGTTC của các DNNVV Hải Phòng”, Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố. 2. https://www.bacninh.gov.vn/web/bacninh/news/-/details/20182/tiem-nang-ve-thu-hut-fdi 3. https://danviet.vn/binh-duong-thay-doi-chinh-sach-de-thu-hut-dau-tu-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-20210813143324172.htm
4. https://dangcongsan.vn/vinh-phuc-tiem-nang-va-trien-vong/vinh-phuc-co-hoi-va-phat-trien/vinh-phuc-day-manh-phat-trien-cong-nghiep-599474.html