Thời gian: 24/06/2023 05:38

Giải pháp tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu

1. Nội dung

Trong những năm gần đây, khái niệm chuỗi cung ứng xanh và quản lý chuỗi cung ứng xanh đã nổi lên như một cách tiếp cận quan trọng để các doanh nghiệp giảm tác động đến môi trường và đạt được sự phát triển bền vững. Chuỗi cung ứng xanh liên quan đến việc tích hợp các cân nhắc về môi trường vào các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm thiết kế sản phẩm, tìm nguồn cung ứng, sản xuất, vận chuyển và thải bỏ (Kumar & Srivastava, 2021). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường sự tham gia của các SME Việt Nam trong chuỗi cung ứng xanh toàn cầu là cần thiết. Lợi ích của việc tham gia vào các chuỗi cung ứng xanh toàn cầu bao gồm giảm chất thải và khí thải, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc gia nhập vào các chuỗi cung ứng xanh toàn cầu, đó là các rào cản về nguồn lực hạn chế, thiếu kiến thức cũng như hỗ trợ chính sách không đầy đủ.

Bài nghiên cứu này sẽ phân tích các thách thức mà SME Việt Nam phải đối mặt khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện sự tham gia của SME. Bài viết sẽ bắt đầu bằng cái nhìn tổng quan về chuỗi cung ứng xanh và quản lý chuỗi cung ứng xanh. Tiếp theo, các nhân tố ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng xanh sẽ được đề cập. Phần tiếp sẽ là các thách thức mà SME Việt Nam phải đối mặt khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh, bao gồm nguồn lực hạn chế, thiếu nhận thức và kiến thức cũng như hỗ trợ chính sách. Cuối cùng, bài viết sẽ đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vào chuỗi cung

ứng xanh toàn cầu, bao gồm nâng cao năng lực, hợp tác và hỗ trợ chính sách.

2. Chuỗi cung ứng xanh và quản lý chuỗi cung ứng xanh

Chuỗi cung ứng xanh toàn cầu đề cập đến chuỗi cung ứng tích hợp các hoạt động bền vững với môi trường trong sản xuất, vận chuyển và phân phối hàng hóa và dịch vụ (Kumar & Srivastava, 2021). Chuỗi cung ứng xanh ngày càng trở thành một nội dung quan trọng của hoạt động kinh doanh khi cộng đồng toàn cầu có nhận thức rõ hơn về tác động của các hoạt động sản xuất công nghiệp đối với môi trường. Chuỗi cung ứng xanh toàn cầu có thể mang lại những lợi ích như tiết kiệm chi phí, cải thiện danh tiếng và giảm lượng khí thải carbon (Zhou et al., 2020).

Quản lý chuỗi cung ứng xanh được định nghĩa là khả năng đưa ra chiến lược bao gồm các chiến lược, thực tiễn và chính sách tập trung vào việc quản lý tác động môi trường của hoạt động chuỗi cung ứng (Rauer & Kaufmann 2015). Ngoài ra, quản lý chuỗi cung ứng xanh cũng có thể đề cập đến việc tích hợp tư duy sinh thái vào quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm thiết kế sản phẩm, tìm nguồn cung ứng và lựa chọn nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, giao sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng cũng như quản lý vòng đời cuối cùng của sản phẩm sau khi sử dụng (Srivastava, 2018). Các định nghĩa này bao gồm triết lý hệ sinh thái về giảm thiểu tác động bên ngoài (chất thải và ô nhiễm) và thu hồi vật liệu trong khi vẫn tập trung vào lợi ích kinh tế và trách nhiệm với môi trường (Zhu & Sarkis 2006).

3. Các hoạt động chính của chuỗi cung ứng xanh

Quản lý chuỗi cung ứng xanh đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu và thực hành quan trọng trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp tìm cách giảm tác động đến môi trường và tăng tính bền vững của chuỗi cung ứng mà họ tham gia. Một trong các khung nội dung chính của chuỗi cung ứng và quản lý chuỗi cung ứng xanh do Zhu và Sarkis (2006) đề xuất, theo đó có ba thành phần chính: thiết kế xanh của sản phẩm, mua sắm nguyên vật liệu xanh và các hoạt động sản xuất và phân phối xanh (hình 1). Các thành phần này được chia thành sáu loại chính: quản lý môi trường, thiết kế sản phẩm, tìm nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, logistics xuôi và logistics ngược. Mỗi danh mục này lại được chia nhỏ thành các danh mục phụ, chẳng hạn như hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải và lựa chọn nhà cung cấp, cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn về cách triển khai thực hành chuỗi cung ứng xanh.

 

Hình 1. Các hoạt động chính của chuỗi cung ứng xanh

Nguồn: Zhu et al., 2006

Thiết kế sản phẩm xanh

Thiết kế sản phẩm xanh là việc áp dụng các nguyên tắc thân thiện với môi trường vào quá trình thiết kế sản phẩm. Cụ thể, việc sử dụng các vật liệu, quy trình và công nghệ cần được cân nhắc nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo tồn tài nguyên và thúc đẩy tính bền vững. Thiết kế xanh nhằm mục đích giảm thiểu tác động tới môi trường của các sản phẩm trong toàn bộ vòng đời của chúng, từ sản xuất, tiêu dùng đến thải bỏ (Welford, R. & Hills, P., 2019).

Theo Cho và cộng sự (2016), thiết kế xanh bao gồm việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, chẳng hạn như vật liệu tái chế hoặc tái tạo, áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải và khí thải cũng như thiết kế các sản phẩm có tháo rời để tái chế lại một số bộ phận nhất định. Việc thực hiện các thực hành này có thể làm giảm đáng kể tác động môi trường của các sản phẩm và nâng cao tính bền vững của chúng.

Hoạt động mua hàng xanh

Mua hàng xanh, còn được gọi là mua hàng thân thiện với môi trường (EPP), là một thành

phần quan trọng của chuỗi cung ứng xanh. Bằng phương pháp này, việc mua sắm hàng hóa và nguyên vật liệu có khả năng tác động tiêu cực tới môi trường thấp hơn so với các lựa chọn mua hàng thông thường. Cụ thể, mua hàng xanh có thể giúp giảm tác động đến môi trường của chuỗi cung ứng bằng cách lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ bền vững hơn, tiết kiệm năng lượng và có lượng khí thải thấp hơn (Carter & Rogers, 2008). Thêm vào đó, mua hàng xanh không chỉ có lợi cho môi trường mà còn có nhiều lợi ích kinh tế và xã hội. Đối với các doanh nghiệp, mua hàng xanh giúp tăng tính cạnh tranh bằng cách thu hút các khách hàng quan tâm đến môi trường. Bên cạnh đó, đây cũng là một giải pháp giúp giảm chi phí và tăng tính hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm giảm thiểu lượng rác thải và sử dụng nguồn tài nguyên ít hơn (Tran, 2021).

Hoạt động sản xuất và phân phối xanh

Sản xuất xanh là một khía cạnh quan trọng của quản lý chuỗi cung ứng xanh và nghiên cứu trước đây đã chứng minh hiệu quả kinh tế, xã hội của quy trình này trong việc thúc đẩy tính bền vững và giảm tác động môi trường của các hoạt động sản xuất trong các ngành công nghiệp khác nhau (Zhang el al., 2018 & Xu et al., 2019). Thực hành sản xuất xanh bao gồm việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, giảm chất thải và khí thải, áp dụng các vật liệu và công nghệ thân thiện với môi trường và thực hiện các thực hành có trách nhiệm với môi trường trong suốt quá trình sản xuất.

Phân phối xanh hay còn gọi là phân phối bền vững đề cập đến việc thực hiện quá trình phân phối hàng hóa đề cao trách nhiệm với môi trường trong việc sử dụng các phương pháp vận chuyển hợp lý để giảm lượng khí thải và chất thải, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình phân phối. Nổi bật trong các phương pháp phân phối xanh là hoạt động logistics ngược. Logistics ngược có thể được định nghĩa là quá trình thu thập, tái chế, sửa chữa hoặc tái sử dụng các sản phẩm hoặc tài nguyên đã qua sử dụng. Từ đó, logistics ngược đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một chuỗi cung ứng xanh. Việc tái sử dụng sản phẩm, tái chế, tái sử dụng tài nguyên và phát triển sản phẩm tái chế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một chuỗi cung ứng xanh. Khi các nhà sản xuất, nhà cung cấp và khách hàng đóng góp vào quá trình logistics ngược, họ có thể giúp giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường (Srivastava et al., 2018).

Ngoài ra, logistics ngược còn đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng xanh như giảm chi phí và tăng lợi nhuận bằng cách tận dụng lại các sản phẩm hoặc tài nguyên đã qua sử dụng hoặc giúp các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh và định vị thương hiệu bằng cách tạo ra một hình ảnh tốt về việc giảm thiểu tác động đến môi trường và xã hội (Krikke, 2018).

4. Hạn chế của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng xanh

Nguồn lực hạn chế: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa có đủ nguồn lực để triển khai các hệ thống liên quan tới chuỗi cung ứng xanh như mua sắm thân thiện môi trường hay logistics. Các hạn chế này thường nằm ở nguồn lực tài chính, kỹ thuật và quản lý. Ví dụ đối với hệ thống logistics ngược, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng đầu tư vào công nghệ thông tin để bổ trợ cho năng lực định tuyến, lưu trữ và thông tin (Duong et al., 2020). Điều này dẫn đến việc khó khăn trong quản lý hàng trả lại một cách hiệu quả và hiệu quả (Le & Nguyen, 2018). Bên cạnh đó, số lượng nhà cung cấp cung cấp sản phẩm và dịch vụ xanh tại Việt Nam còn hạn chế gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ xanh đáp ứng yêu cầu của họ.

Cơ sở hạ tầng hạn chế: Cơ sở hạ tầng xử lý và tái chế chất thải ở Việt Nam còn kém phát triển, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc triển khai các hoạt động trong chuỗi cung ứng xanh điển hình là logistics ngược hoặc xử lý sản phẩm theo cách thân thiện với môi trường (Hanoi Times, 2020).

Rào cản pháp lý: Môi trường pháp lý ở Việt Nam chưa hỗ trợ không hỗ trợ logistics ngược và có thể có những khuyến khích hạn chế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào hệ thống logistics ngược. Le & Nguyen (2018)

nhấn mạnh rằng các rào cản pháp lý là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong việc triển khai logistics ngược. Ngoài ra, chưa có sự rõ ràng và nhất quán trong các định hướng chính sách liên quan đến quản lý chuỗi cung ứng xanh tại Việt Nam. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc hiểu các quy định và tuân thủ chúng.

Sự tham gia của các bên liên quan còn hạn chế: Sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách chuỗi cung ứng xanh ở Việt Nam còn hạn chế. Lý do của hạn chế này là do sự thiếu gắn kết và minh bạch giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải làm việc gián tiếp với nhà cung cấp hoặc người tiêu dùng thông qua nhiều đơn vị trung gian. Điều này có thể dẫn đến các chính sách không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và có thể không hiệu quả trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững (Le, 2013).

5. Kiến nghị giải pháp

Đối với chính phủ

Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho các hoạt động trong chuỗi cung ứng xanh. Đây là nhiệm vụ cần thiết nhằm tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan bộ và ngành, đặc biệt là trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải và giảm lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp lựa chọn các phương tiện đạt tiêu chuẩn về phát thải và tiếng ồn. Bên cạnh đó, cần có các quy định và chính sách khác như bằng cấp, chứng chỉ đào tạo bắt buộc cho người điều khiển phương tiện về tiết kiệm năng lượng, an toàn và xanh hóa môi trường. Ngoài ra, cần có chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng. Nếu không có các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp sẽ khó có thể tự giác triển khai các khâu phân phối, logistics xanh, bởi vì đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn đặt mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận lên hàng đầu.

Chính phủ cần quy hoạch hợp lý và thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng logistics hiện có để nâng cao hiệu quả và hiệu suất toàn diện của hệ thống cơ sở hạ tầng. Đối với cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, cần nâng cao chất lượng đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng biển và vận tải biển, bởi phương thức vận tải đường biển có tiềm năng xanh hóa và giảm phát thải cao trong chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng những lợi thế về biển của Việt Nam. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc cải thiện mạng lưới giao thông tích hợp để phát triển hình thức vận tải đa phương thức.

Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, Chính phủ cần phát triển mạng lưới công nghệ sử dụng cho hoạt động logistics để thực hiện nhanh chóng các thủ tục khai báo hải quan, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa. Chính phủ cần tập trung vào việc xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành logistics. Đây là yêu cầu và động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam. Cần làm rõ nội dung của "logistics xanh" và đưa ra các yêu cầu để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu cần xây dựng chỉ số năng lực phát triển logistics xanh để hỗ trợ kiểm soát và đánh giá năng lực logistics xanh, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Chính phủ cũng nên tăng cường hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và sản phẩm của doanh nghiệp logistics Việt Nam trong nước và quốc tế. Tạo sự tin tưởng, uy tín đối với các đối tác, khách hàng, đồng thời thu hút được các đối tác, khách hàng có chính sách, quy định, giá trị, tầm nhìn đồng hành và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay

người tiêu dùng. Theo thống kê của The Economist (2021), tính bền vững là một yếu tố được người tiêu dùng hiện đại quan tâm khi mua sắm. 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng biến đổi khí hậu cũng quan trọng như Covid và họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sông bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”. Người tiêu dùng thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn.

Trong thời gian tới, để tham gia vào chuỗi cung ứng xanh và phát triển logistics xanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải xây dựng và triển khai một chiến lược phát triển bền vững, đổi mới, tích cực trong mọi hoạt động kinh doanh của mình. Việc hưởng ứng các chủ trương, chính sách về phát triển chuỗi cung ứng xanh, hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vươn lên và cạnh tranh trong thị trường ngày càng phát triển và khắc nghiệt.

Nhằm mục đích cải thiện nguồn lực nội tại cho mục tiêu tham gia chuỗi cung ứng xanh, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến công tác phân tích, lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh, tăng cường quản lý tài chính… vừa chủ động tìm kiếm, nắm bắt, hiện thực hóa cơ hội, đồng thời củng cố các điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đổi mới hệ thống quản trị nội bộ. Minh bạch vấn đề tài chính để sử dụng hiệu quản nguồn lực, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, tạo lòng tin trên thị trường... Tích cực tham gia các hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với doanh nghiệp của Chính phủ, Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.

6. Kết luận

Chuỗi cung ứng xanh bao gồm ba thành phần chính là: Thiết kế sản phẩm xanh, Mua hàng xanh và Sản xuất và phân phối xanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, áp lực trong việc duy trì sự cân bằng bền vững giữa tăng trưởng doanh thu và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường. Nghiên cứu này cho thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao hơn nữa về mặt nhận thức vai trò của việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng xanh, doanh nghiệp có thể xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động này bằng cách tiếp tục nâng cao tiềm lực, tăng cường trong công tác cam kết nguồn lực, thúc đẩy đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cũng như chú trọng trong công tác lập kế hoạch cho hoạt động trong chuỗi cung ứng xanh./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Carter, C. R., & Rogers, D. S. (2008). A framework of sustainable supply chain management: moving toward new theory. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management. 38(5), pp. 360-387.

2. Cho, H., Lee, J., & Moon, H. (2016). The impact of eco-design on the environmental and economic performance of products: A case study of the automotive industry. Journal of Cleaner Production. 112, pp. 1662-1672.

3. Duong, L. V., Nguyen, T. T. H., & Vo, D. D. (2020). Green supply chain management practices in small- and medium-sized enterprises in Vietnam: An empirical study. Journal of Cleaner Production. 273.

4. Kumar, S., & Srivastava, S. K. (2021). Critical success factors of green supply chain management practices: A review and empirical study. Journal of Cleaner Production. 277.

5. Krikke, H., & Le Blanc, I. (2018). Reverse logistics in a green supply chain context: Key enablers, barriers and their relationship to performance. Journal of Cleaner Production. 179, pp. 142-151.

6. Le, T. H., & Nguyen, V. T. (2018). Reverse logistics challenges in Vietnam: An exploratory study. Journal of International Logistics and Trade. 16(2), 55-66.

7. Le, T.G. (2013). Supply chain management in Vietnamese enterprises – problems and solutions. Journal of Science and Technology, Danang University. 7(63)

8. Pham, T. H. (2021). The potential of green supply chain management implementation in Vietnam. International Journal of Environmental Research and Public Health. 18(3).

9. Tran, D.T. (2021) Tại sao mua hàng xanh quan trọng đối với chuỗi cung ứng xanh, Khoa Học Kinh Doanh. 5, pp. 45-52.

10. Srivastava, S. K., Mathur, S., & Madan, M. (2018). Role of reverse logistics in enhancing sustainability in construction industry. Resources, Conservation and Recycling. 128, pp. 401-411.

11. Welford, R., & Hills, P. (2019). Implementing eco-design in the electronics industry: a stakeholder analysis. Journal of Cleaner Production. 218, pp. 1023-1031.

12. Xu, X., Huang, L., & Yang, Y. (2019). The impact of green manufacturing practices on energy efficiency and carbon emissions in the electronics industry. Journal of Cleaner Production. 225, pp. 225-235.

13. Zhang, J., Fang, Y., & Yu, Y. (2018). How green manufacturing practices improve performance in the textile industry. Journal of Cleaner Production. 186, pp. 102-110.

14. Zhou, M., Zhai, Y., Qi, X., & He, Y. (2020). The impact of green supply chain management practices on sustainable performance: Empirical evidence from manufacturing enterprises in China. Journal of Cleaner Production. 252.

15. Zhu, Q. & Sarkis, J (2006). An inter-sectoral comparison of green supply chain management in China: Drivers and practices. Journal of Cleaner Production. 14, pp. 472-486.

16. Hanoi Times. (2020). Vietnam faces challenges in waste management [online]. Available at https://www.hanoitimes.vn/vietnam-faces-challenges-in-waste-management-314667.html (Accessed 31 Mar 2023).

17. The Economist (2021). An Eco-wakening: Measuring global awareness, engagement and action for nature [online]. Available at: https://wwfint.awsassets.panda.org/downloads/an_ecowakening_measuring_awareness__engagement_and_action_for_nature_final_may_2021__.pdf (Accessed 31 Mar 2023).

Lượt truy cập: 265263
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: ThS. Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng

 Địa chỉ: Số 6-8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3745.363

 Email: lienhiepkhkt@haiphong.gov.vn