1. Đặt vấn đề
Với vai trò ngày càng tăng của các chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC) trong việc mở rộng thương mại và đầu tư cũng như tái cơ cấu sản xuất ở châu Á, điều quan trọng là phải nâng cao hiểu biết về những đóng góp của chuỗi giá trị toàn cầu đối với sự phát triển kinh tế. Trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng một vai trò quan trọng. Mặc dù được coi là nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng toàn diện của một quốc gia thông qua việc nâng cao năng suất và tạo cơ hội việc làm, các DNVVN ở các nước đang phát triển ở châu Á đã không tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh và thương mại do CGTTC tạo ra trong quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư, cũng như hội nhập kinh tế. Nghiên cứu này tìm hiểu xem trong những điều kiện nào CGTTC sẽ tạo ra những đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của các DNVVN, đồng thời xem xét các hạn chế đối với các DNVVN.
2. Phân tích vấn đề
Trong những thập kỷ qua, sự xuất hiện của CGTTC và khu vực là một bước phát triển quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp châu Á. CGTTC đề cập đến toàn bộ các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, có giá trị gia tăng cần thiết để mang lại một sản phẩm hoặc dịch vụ từ ý tưởng, thiết kế, tìm nguồn nguyên liệu thô và các giai đoạn từ đầu vào đến trung gian của quá trình sản xuất, tiếp thị, phân phối và cung cấp cho người tiêu dùng. [1] Một số doanh nghiệp bao gồm cả DNVVN tham gia vào CGTTC và cung cấp dịch vụ với tư cách là nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh. CGTTC được đơn giản hóa theo hình dưới đây:
Hình 1. Chuỗi giá trị toàn cầu đơn giản hóa
(Nguồn: Abe 2015 [2])
Là một thành phần thương mại, các công ty trong CGTTC có thể tìm kiếm sự tăng trưởng trong các lĩnh vực như thị phần, doanh thu, lợi
nhuận, quy mô và một số lĩnh vực khác. Để đạt được điều này, họ thường đưa ra quyết định của mình dựa trên 3 yếu tố là tài nguyên, tối đa hóa hiệu quả và tiếp cận thị trường. Các công ty tìm cách tiếp cận các nguồn lực chính như lao động chi phí thấp, nguyên vật liệu khan hiếm và cơ sở hạ tầng phát triển tốt, công nghệ tiên tiến trong một quốc gia và trên toàn cầu. Lợi thế bắt nguồn từ sự sẵn có của lao động, vật liệu và cơ sở hạ tầng có thể giảm chi phí sản xuất và phân phối [3]. Thứ hai, tối đa hóa hiệu quả bằng cách giảm chi phí trong doanh nghiệp hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng để đạt năng suất cao [4]. Thứ ba, các công ty tiến hành thâm nhập vào các thị trường mới bằng cách đa dạng hóa sản phẩm cho một thị trường hoặc thâm nhập thị trường nước ngoài để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Như vậy việc tham gia vào CGTTC đem lại rất nhiều cơ hội cho các DNVVN để phát triển.
Song bên cạnh đó còn tồn tại không ít những khó khăn thách thức. Do quy mô và sự tách biệt của các DNVVN, các doanh nghiệp này thường bị hạn chế trong việc tiết kiệm chi phí khi mua các yếu tố đầu vào như vật tư, thiết bị, nguyên liệu thô, công nghệ, tài chính và lao động có tay nghề [5]. Thường thì họ không thể xác định các thị trường tiềm năng và không thể tận dụng các cơ hội trên thị trường đòi hỏi sản lượng lớn, chất lượng ổn định, tiêu chuẩn đồng nhất và nguồn cung cấp thường xuyên do quy mô của mình. Quy mô nhỏ cũng là một hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ kinh doanh, chẳng hạn như đào tạo, thu thập thông tin thị trường, công nghệ mới. Các khó khăn mà DNVVN thường gặp phải có thể là:
- Khả năng đàm phán và thương lượng thấp, cả về việc mua sắm các yếu tố đầu vào và bán các yếu tố đầu ra, dẫn đến chi phí cao mà doanh thu thấp, khiến cho lợi nhuận ít đi.
- Khả năng tiếp cận thị trường yếu.
- Mức độ áp dụng công nghệ thấp.
- Thương hiệu chưa phát triển.
- Cơ cấu nợ cao, khó quản lý dòng tiền.
- Quản lý còn yếu kém, chưa được đào tạo.
- Nguồn nhân lực yếu, mức đãi ngộ thấp.
- Hỗ trợ thể chế không đầy đủ.
- Mạng lưới kinh doanh hạn chế.
3. Kết luận
Như vậy việc tham gia CGTTC đem lại cho các DNVVN rất nhiều cơ hội. DNVVN có cơ hội gia tăng thị phần, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cũng như gia tăng quy mô của mình thông qua việc tận dụng nguồn lao động chi phí thấp, nguồn nguyên vật liệu hay cơ sở hạ tầng, công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, rõ ràng là các DNVVN phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn do có ít nguồn lực và trình độ chuyên môn còn hạn chế so với các doanh nghiệp lớn hơn. Quản lý hiệu quả các DNVVN là rất quan trọng để xác định và sử dụng kiến thức, công nghệ, phát triển sản phẩm chất lượng và nâng cấp quy trình sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các DNVVN cũng cần trang bị cho mình thông tin thị trường về khách hàng, nhà cung cấp, giá cả, các thể chế, quy định thương mại và kinh doanh tại thị trường mục tiêu của các DNVVN./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. G. Abonyi, "Linking Greater Mekong Subregion Enterprises to International Markets: The Role of Global Value Chains, International Production Networks and Enterprise Clusters," Studies in trade and investment, 2007.
2. Masato Abe, Charles Harvie, Teerawat Charoenrat, Shigehiro Shinozaki, Steven Beck, Alisa DiCaprio, Santosh Pokharel, Paul Vandenberg, Naoyuki Yoshino, Akira Goto, Patarapong Intarakumnerd, INTEGRATING SMEs INTO GLOBAL VALUE CHAINS CHALLENGES AND POLICY ACTIONS IN ASIA, Asian Development Bank and ADBI, 2015.
3. Mitsuyo Ando, Fukinari Kimura, "The formation of international production and distribution networks in East Asia," NBER-East Asia Seminar on Economics, vol. 14, 2005.
4. M. Christipher, Logistics and Supply Chain Management, Harlow: Pearson Education Limited, 2011.
5. Masato Abe, Micheal Troilo, J.S Juneja, Sailendra Narain, Policy guidebook for SME development in Asia and the Pacific, United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, 2012.