1. Mở đầu
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu là một xu thế tất yếu của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vai trò các doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng quan trọng, bởi các doanh nghiệp này ở Việt Nam chiếm tới hơn 96% trong tổng số các doanh nghiệp, đối với khu vực kinh tế tư nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% về vốn và 99% về lao động [3]. Vấn đề cấp thiết hiện nay là làm sao các doanh nghiệp đó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy cần có những giải pháp phù hợp. Trong nội dung bài báo này tác giả muốn đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Việt Nam có thêm thông tin hữu ích để tham khảo và sử dụng.
2. Đánh giá và phân tích về thực trạng tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh của SMEs
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam theo thống kế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính số lượng (SMEs) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 17%, xây dựng 14%, nông nghiệp 14%, các loại hoạt động dịch vụ khác chiếm 55%.
Theo đại diện của Viện kinh tế và phát triển doanh nghiệp, cả nước hiện tại có 96,7% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngành nghề hoạt động thường là sản xuất, thương mại và dịch vụ. Về sản xuất nằm trong lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng. Trong sản xuất chủ yếu là các sản phẩm phụ trợ, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm của nông lâm thủy sản và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu nằm trong nhóm dịch vụ Logistics.
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, SMEs của Việt Nam nằm trong dòng chảy đó nên được thừa hưởng những cơ hội và thuận lợi nhất định, bên cạnh đó nó cũng gập không ít khó khăn thách thức đòi hỏi phải vươn lên vượt qua khó khăn và thách thức để tồn tại và phát triển. Phân tích và đánh giá về vấn đề này, chúng ta có thể thấy:
Những cơ hội và thuận lợi đó là:
+ Công nghệ số đang thay đổi thị trường. Có thể nói làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả
doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam.
+ SMEs Việt Nam còn có thuận lợi là cơ cấu bộ máy đơn giản, nhân sự ít, dễ quản lý nên việc phát hiện các vấn đề trong quản lý cũng sẽ dễ dàng hơn.
+ SMEs Việt Nam cũng có thuận lợi hơn trong việc gắn kết các thành viên trong công ty với nhau bởi môi trường làm việc gần gũi, giúp tinh thần người lao động thoải mái, hiệu suất làm việc của mọi người trở nên tốt hơn.
+ SMEs Việt Nam thường ít gặp rủi ro về tài chính hơn so với doanh nghiệp lớn. Do SMEs xác định hướng phát triển tương đối hẹp nên khi xử lý những biến động trong hướng phát triển dễ dàng hơn.
+ Ngày nay SMEs Việt Nam được sự hỗ trợ và sự quan tâm từ các chính sách của Nhà nước rất lớn.
Những thách thức và khó khăn:
+ Mặc dù Công nghệ số đang thay đổi thị trường, nhưng phần lớn SMEs Việt Nam vẫn chưa thể cung cấp được các dịch vụ thương mại trên không gian mạng tốt và thậm chí còn chưa triển khai thương mại điện tử. Nguyên nhân là do SMEs chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của internet; lo lắng về an ninh mạng; thiếu chuyên gia về công nghệ và thiếu vốn.
+ Khó khăn hiện nay của SMEs Việt Nam là thiếu vốn kinh doanh và rất khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức do không có các tài sản thế chấp khi vay vốn, không đủ khả năng tham gia sản xuất, kinh doanh ở các ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi tập trung vốn lớn và công nghệ cao.
+ Hạn chế trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số đối với SMEs Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiếu vốn đầu tư, hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu nhân sự xây dựng quy trình vận hành chuẩn, tâm lý ngại đổi mới. Từ đó dẫn đến bị thiếu thông tin về các thị trường đầu vào như thị trường vốn, lao động, nguyên vật liệu, thiết bị, công nghệ; thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu và chưa tiếp cận được công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp. Do đó khó mở rộng thị trường.
+ Phần lớn các SMEs Việt Nam có trình độ khoa học công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, tay nghề của công nhân thấp nên chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không cao, khả năng cạnh tranh yếu, khó tiêu thụ trên thị trường trong nước và phục vụ cho xuất khẩu.
+ Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và SMEs Việt Nam còn chưa chặt chẽ, dẫn đến sự hạn chế trong chất lượng, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của cả SMEs và doanh nghiệp lớn.
+ Số lượng SMEs Việt Nam ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đủ; còn thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt. [1] Theo các chuyên gia, nhiều SMEs Việt Nam ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
3. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của SMEs Việt Nam.
Về phía nhà nước:
+ Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường. Trong giai đoạn hiện nay SMEs Việt Nam rất cần các chính sách ưu đãi về vốn tín dụng, thông tin về thị trường.
+ Nhà nước có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với điều kiện đất nước để các SMEs yên tâm đầu tư phát triển.
+ Cần có quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế.
+ Các cơ quan nhà nước hỗ trợ SMEs bằng cách tăng khả năng kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Về phía SMEs.
+ SMEs Việt Nam cần có sự hợp tác và liên kết: SMEs Việt Nam có thể hợp tác và liên kết với nhau và ngay cả SMEs nước ngoài để tạo thành các mạng lưới hoặc liên kết trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này
giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh của SMEs Việt Nam và đẩy mạnh khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.
+ SMEs Việt Nam cần đầu tư vào năng lực sản xuất: Để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, SMEs Việt Nam cần cải thiện năng lực sản xuất của mình, bao gồm công nghệ, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ và năng lực quản lý. Để làm điều này, SMEs Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ hiện đại, đào tạo và phát triển nhân lực và nâng cao quản lý sản xuất và vận hành bằng việc ứng dụng công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
+ Tìm kiếm đối tác thương mại quốc tế: SMEs có thể tìm kiếm đối tác thương mại quốc tế. Thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ, hoặc mạng lưới kinh doanh quốc tế để tìm kiếm thị trường và đối tác. Điều này giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu và tìm kiếm những đối tác thương mại có thể hỗ trợ cho SMEs Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
+ Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: SMEs Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm rủi ro từ sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới có thể giúp SMEs Việt Nam mở rộng khách hàng và đối tác thương mại, đồng thời đẩy mạnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
+ SMEs Việt Nam cần đặc biệt tới chuyển đối số. Bởi lẽ có thực hiện chuyển đổi số thành công sẽ giúp cho SMEs Việt Nam có cơ hội tiếp cận và tham gia được chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu. Chính nhờ kết quả chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp có được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, nhờ áp dụng công nghệ số phù hợp, doanh nghiệp có những thay đổi căn bản về tổ chức quản lý, về tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao công suất thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực nhân lực của doanh nghiệp. Cũng từ chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ có sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Giai đoạn hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đối với SMEs Việt Nam cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là chuyển đổi tư duy và nhận thức không chỉ riêng cấp lãnh đạo mà của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp. Tiếp theo cần căn cứ điều kiện thực tế của doanh nghiệp để có những bước đi thích hợp cùng với việc lựa chọn công nghệ phù hợp. SMEs Việt Nam cần tránh triển khai theo phong trào. Một điều hết lưu ý là khi chọn công nghệ số cũng cần chọn đơn vị có uy tín.
4. Kết luận
Với những kết quả phân tích, đánh giá thực trạng tình hình hoạt động của SMEs Việt Nam, tác giả đã đúc kết được những nét cơ bản về cơ hội cùng thuận lợi, những thách thức và khó khăn của SMEs Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp, mà số giải pháp đó có những giải pháp thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, một số giải pháp thuộc về doanh nghiệp. Hy vọng rằng phần trình bày này độc giả có thêm thông tin về SMEs Việt Nam và SMEs Việt Nam có thể dùng để vận dụng vào doanh nghiệp cụ thể, góp phần thúc đẩy quá trình tham gia của SMEs Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu có hiệu quả./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://nhandan.vn/ho-tro-doanh-nghiep- nho-va-vua-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-post741777.html- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
2. https://vnexpress.net/3-thach-thuc-cho-su- phat-trien-cua-doanh-nghiep-vua-va-nho-4506141.html -3 thách thức cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. https://www.tanthanhthinh.com/vai-tro- cua-cac-doanh-nghiep-vua-va-nho - Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì? Vai trò và cách xác định?.
4. https://vienptdn-vcci.vn/4083.html - Báo cáo “Thực trạng tham gia của doanh nghiệp tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0 và hàm ý cho hợp tác công tư” (28/02/2022 ).