1. Đặt vấn đề
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và sự lệ thuộc của con người vào các sản phẩm điện tử tự động hóa, đã đẩy nhu cầu về chất bán dẫn tăng cao. Trong khi đó, các thảm họa tự nhiên, đại dịch Covid-19 và các căng thẳng về chính trị lại khiến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn thế giới đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành sản xuất khác như sản xuất ô tô, máy tính, đồ gia dụng, và buộc các nhà sản xuất này phải cắt giảm sản lượng, thậm chí là tạm thời đóng cửa dây chuyền sản xuất. Do đó, tự chủ về công nghiệp bán dẫn đã trở thành vấn đề sống còn với hầu hết các nền kinh tế.
Theo đó, trong năm 2022, EU đã đưa ra một kế hoạch trị giá 43 tỷ Euro được gọi là Đạo luật chip, nhằm tăng gấp đôi thị phần của châu Âu về chất bán dẫn vào năm 2030, và giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung từ Châu Á. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư lớn nhằm duy trì vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Mới đây, chính phủ Mỹ đã triển khai thực hiện đạo luật trợ cấp sản xuất chip bán dẫn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc thực hiện đạo luật nghiên cứu và trợ cấp sản xuất chip bán dẫn trị giá gần 53 tỷ USD.
Tại châu Á, các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư và hợp tác quốc tế để duy trì vị thế là những nhà sản xuất chip hàng đầu của châu lục và thế giới. Đáng chú ý, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tăng tốc và tích cực tham gia vào cuộc đua sản xuất chip bán dẫn toàn cầu. Trong bối cảnh Washington tăng cường các biện pháp hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc đã nỗ lực sản xuất chip nội địa để tránh những gián đoạn do nhà cung ứng nước ngoài và đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung chắc chắn cũng không muốn đứng ngoài xu thế này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn
Các chất bán dẫn là những thành phần quan trọng bên trong các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, laptop cho đến xe ô tô, đồ điện gia dụng và các thiết bị y tế. Chúng có thể bao gồm các bộ vi xử lý, các module bộ nhớ và các vi mạch tích hợp bên trong thiết bị. Vậy chính xác thì ngành công nghiệp chất bán dẫn quan trọng với nền kinh tế đến mức nào? Chúng ta đang ở thời đại công nghiệp 4.0, nơi mà máy tính, các thiết bị điện tử, robot và trí tuệ nhân tạo trở thành một phần không thể thiếu của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các thiết bị điện tử này sẽ chỉ là những cái vỏ rỗng vô dụng nếu không có một con chip nằm bên trong. Do đó, công nghiệp bán dẫn vừa là cốt lõi vừa là động lực cho sự đổi mới và phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác.
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu là một thị trường rộng lớn và vẫn đang tiếp tục phát triển. Trong năm 2022, ngành công nghiệp này đã tạo ra doanh thu là 574.1 tỷ USD. Ngành công nghiệp này cũng là một trong những ngành thu hút nhiều lao động, với hàng trăm nghìn người đang làm việc trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất và phân phối chip trên toàn thế giới. Với tầm quan trọng của mình, ngày nay ngành công nghiệp chất bán dẫn đã trở thành mục tiêu đầu tư chiến lược của nhiều quốc gia. Nhiều chính phủ và doanh nghiệp đã không ngần ngại đầu tư mạnh tay vào việc nghiên cứu và phát triển các linh kiện bán dẫn nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn là một hệ thống các công ty liên quan đến việc thiết kế, sản xuất, kiểm định, đóng gói và phân phối chip. Đây là một hệ thống cực kỳ phức tạp và có mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty ở các giai đoạn khác nhau từ tìm kiếm, chọn lọc các nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào cho đến khi thành phẩm đến được tay người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng này thường bao gồm các giai đoạn sau:
Hình 1. Các giai đoạn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn
Giai đoạn 1: Thiết kế và phát triển. Các công ty chuyên thiết kế và phát triển các loại chip nhưng không tự sản xuất được gọi là fabless. Các công ty fabless lớn hiện nay có AMD, Apple, Broadcom, Marvell, MediaTek, thậm chí là NVIDIA, Qualcomm. Các công ty fabless sẽ chỉ thiết kế kiến trúc, phát triển chức năng, lo việc marketing và trao đổi sản phẩm trên thị trường. Khi cần sản xuất, họ sẽ kí hợp đồng với các công ty cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử (Electronics manufacturing services – EMS) hay còn gọi là các foundry.
Giai đoạn 2: Sản xuất. Các foundry mới là những người thực tế sản xuất các sản phẩm chất bán dẫn. Các công ty này nhận các thiết kế chip từ các fabless và sử dụng các dây chuyền sản xuất khác nhau để tạo ra các loại chip riêng biệt cho từng khách hàng. Một trong những foundry có giá trị nhất thế giới hiện nay là TSMC -
Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, một công ty sản xuất và thiết kế bán dẫn lớn của Đài Loan, đối tác của các fabless lớn trong ngành như Apple, NVIDIA, AMD, Qualcomm, thậm chí là cả Intel. Việc sản xuất chất bán dẫn chưa bao giờ là việc dễ dàng, vì nó yêu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn (mỗi loại chip lại cần một hệ thống dây chuyền sản xuất riêng biệt), chuyên môn cao, việc quản lý nguyên vật liệu và chất lượng thành phẩm cực kì khắt khe. Một số công ty sẽ đảm nhiệm cả việc thiết kế lẫn sản xuất, như Intel hay Samsung. Nhưng không phải công ty nào cũng đủ khả năng hoặc mong muốn làm điều này. Do việc đầu tư vào các dây chuyền sản xuất sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc thuê gia công.
Giai đoạn 3: Kiểm định và lắp ráp. Sau khi các con chip được sản xuất ra, chúng cần phải được kiểm tra để đảm bảo các chức năng hoạt động của mình. Việc này thường được thực hiện bởi một công ty riêng biệt chuyên về kiểm nghiệm và lắp ráp. Sau khi qua được các bài kiểm tra cần thiết, chúng sẽ được lắp ráp vào trong các linh kiện để sẵn sàng sử dụng.
Giai đoạn 4: Phân phối. Các con chip được đóng gói hoàn chỉnh sẽ được phân phối đến các công ty và từ đây chúng sẽ được bán cho người tiêu dùng hoặc được lắp ráp vào trong các sản phẩm của công ty.
Ngoài các giai đoạn chính này, chuỗi cung ứng chất bán dẫn còn có thể bao gồm việc nhượng quyền sở hữu trí tuệ, loại bỏ hoặc tái chế. Tất cả các bước đều cần đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng, do đó sẽ bao gồm cả quản lý hàng tồn kho, dịch vụ order fulfillment và dịch vụ vận chuyển. Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là những yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo chip được giao đến tay người tiêu dùng đúng giờ và trong tình trạng tốt nhất.
Top năm nước sản xuất chip bán dẫn chính của thế giới là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, vì hệ thống sản xuất chất bán dẫn toàn cầu rất phức tạp, tích hợp và không dễ phân tách. Những nước xuất khẩu chip hàng đầu này đồng thời cũng là những nước nhập khẩu chip lớn. Giá sản phẩm trung bình của Nhật Bản và Trung Quốc là thấp nhất, lần lượt là 0.13 và 0.19 USD trong năm 2021, do sản phẩm của 2 nước này hầu hết tập trung vào dòng chip đơn giản, sử dụng cho các thiết bị điện thoại, đồ gia dụng và các sản phẩm tiêu dùng. Trong khi đó giá trung bình cho một con chip bán dẫn do Mỹ sản xuất là 2.16 USD. Mỹ và Hàn Quốc chuyên sản xuất những loại chip phức tạp, có giá trị cao và nhập khẩu các dòng chip đơn giản từ nước ngoài.
Bảng 1. Top 10 công ty bán dẫn lớn nhất thế giới năm 2022
Đơn vị: tỷ USD
2.2. Các thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đã trở nên ngày càng phức tạp trong những thập kỷ gần đây. Chính sự phức tạp này khiến chuỗi cung ứng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi các tác động đến từ môi trường bên ngoài. Chỉ cần một mắt xích trong chuỗi cung ứng xảy ra vấn đề thì toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng theo. Đơn cử như thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản đã gây đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến sản lượng sụt giảm mạnh và giá cả tăng chóng mặt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn trong thời gian gần đây. Một trong các nguyên nhân đó đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra bởi đại dịch Covid-19, bắt đầu từ đầu năm 2020. Các chính sách đóng cửa đất nước đã khiến việc vận chuyển hàng hóa bị đình trệ. Ngoài ra các chính sách hạn chế đi lại và cách ly xã hội đã buộc nhiều công nhân phải ở nhà, khiến các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn buộc phải cắt giảm, thậm chí là tạm dừng dây chuyền sản xuất.
Nguyên nhân thứ hai ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đến từ sự phân bổ không đồng đều của các công ty sản xuất chip bán dẫn.
Khu vực sản xuất chính tập trung ở châu Á và phần lớn đến từ Đài Loan. Cho nên khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, với nhiều chính sách cấm vận đến từ cả hai phía, khiến cho dòng chảy nguyên vật liệu bị đứt đoạn. Để hạn chế những ảnh hưởng tiềm tàng đến an ninh công nghệ, hiện nay các nước trên thế giới đều đang đẩy mạnh việc tự nghiên cứu và sản xuất chip, thay vì lệ thuộc vào một vài công ty lớn như trước đây.
Nguyên nhân thứ ba tiếp tục đến từ sự xung đột giữa các nước. Tác động từ cuộc căng thẳng Nga-Ukraine đối với từng ngành công nghiệp sẽ khác nhau và phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc đụng độ, nhưng ảnh hưởng chắc chắn là không nhỏ, đặc biệt là với những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp. Nếu Nga là một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp năng lượng của toàn thế giới, thì Ukraine lại đóng vai trò không nhỏ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hai công ty lớn của nước này, Ingas và Cryoin cung cấp đến hơn 50% neon, một nhiên liệu quan trọng cho việc sản xuất chip điện tử, đã phải buộc đóng cửa dưới sức ép từ các cuộc tấn công của Nga. Trước cuộc tấn công, Ingas sản xuất 15,000 đến 20,000 mét khối neon mỗi tháng cho các doanh nghiệp sản xuất chip ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Đức. Theo Bộ trưởng kinh tế của Đài Loan, quê hương của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC, các hãng sản xuất vật liệu bán dẫn của Đài Loan đã có dự phòng từ trước và đủ lượng dự trữ neon để chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong thời gian gần. Các hãng sản xuất chip lớn như Intel, Samsung và TSMC có thể chống chọi trong khoảng thời gian dài hơn nhưng các hãng nhỏ thì có thể sẽ gặp phải cú sốc lớn. Dưới căng thẳng của đại dịch Covid-19, giá khí neon vốn đã tăng vọt đến 500% từ tháng 12/2021, giờ sẽ tiếp tục có xu hướng đi lên khi mà các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung thay thế.
Thiếu hụt nguồn cung và giá nhiên liệu leo thang không chỉ khiến các công ty sản xuất chip chật vật mà còn kéo theo các công ty phụ thuộc vào chip, như máy tính, điện thoại và ô tô, cũng phải đối mặt với tình trạng chậm trễ trong sản xuất. Đơn cử như các nhà sản xuất ô tô đã và đang cảm nhận một loạt các tác động tiêu cực đến từ chuyện này. Công ty sản xuất ô tô Volkswagen đã thông báo ngừng sản xuất ô tô điện tại nhà máy chính của hãng này, nhưng đến ngày 1/3 lại tiếp tục thông báo sẽ tạm dừng hoạt động tại một số nhà máy khác nữa trong những tuần tới, bao gồm cả nhà máy chính ở bang Wolsburg của Đức, do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào ở tất cả các khâu sản xuất. Năm 2021, với sự thiếu hụt nguồn hàng từ ngành công nghiệp bán dẫn, ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ đã thua lỗ hơn 200 tỷ USD, sản lượng sụt giảm 11 triệu chiếc và Ford thậm chí còn phải đóng cửa một vài nhà máy của mình, để tập trung vào dòng xe tải với biên lợi nhuận cao hơn.
Ngoài những yếu tố tác động bên ngoài, đặc thù của ngành cũng khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, như là tốn nhiều thời gian và vốn đầu tư ban đầu lớn. Khi nhu cầu sản phẩm thay đổi, các công ty foundry có thể sẽ phải tốn rất nhiều hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trời để xây dựng các nhà máy và công nghệ phù hợp với yêu cầu về sản phẩm.
2.3. Cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn
Khó khăn về ngành sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn đã và đang diễn ra trên toàn cầu lại chính là cơ hội cho Việt Nam khi đang là điểm đến của nhiều tập đoàn chip hàng đầu thế giới. Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7 năm 2024 với số vốn đầu tư thêm là 920 triệu USD. Việt Nam còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel với mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới cũng đang đặt nhà máy tại Việt Nam, như USI Electronics của Đài Loan hay Renesas Electronics của Nhật Bản. Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Synopsys đang chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam để tái cân bằng hoạt động trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ Trung - Mỹ đang diễn ra vô cùng gay gắt.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2022, giải ngân FDI đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, đây là con số cao nhất trong 5 năm qua.
Trong số giải ngân này, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 65%, mà trong đó ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, sản xuất chip và các linh kiện sản xuất chip lại chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam vẫn chưa có chiến lược, giải pháp, kế hoạch đầu tư bài bản tầm quốc gia để phát triển. Nhìn chung, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, đa phần các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp thành phẩm có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix... Các công ty trong nước chỉ có VHT và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip, còn lại các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.
Từ đó có thể thấy, trong 4 giai đoạn chính của chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn không có thế mạnh trong 2 giai đoạn đem lại giá trị gia tăng cao là thiết kế và sản xuất. Do đó, kể cả khi các doanh nghiệp Việt Nam nhận được một khoản đầu tư lớn từ nước ngoài, Việt Nam cũng khó ghi dấu ấn và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Nghiên cứu, thiết kế và phát triển chip là một giai đoạn yêu cầu hàm lượng chất xám cao và là một trong những hoạt động tốn kém nhất trong các ngành công nghệ hiện đại. Chi phí nghiên cứu và phát triển trong ngành này trung bình chiếm tới 14,2% doanh thu. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới. Trong khi đó, giai đoạn thứ 2 là sản xuất cũng đem lại nhiều khó khăn cho Việt Nam do yêu cầu máy móc thiết bị hiện đại, vốn đầu tư xây dựng nhà máy và mua sắm dây chuyền sản xuất đắt đỏ, cùng với quá trình quản lý chất lượng khắt khe. Những khó khăn này đủ làm chùn bước bất kỳ một doanh nghiệp nào có mong muốn thử sức với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, ngoài môi trường kinh doanh ổn định, nhiều ưu đãi, thì điều doanh nghiệp mong muốn là có nguồn điện sản xuất dồi dào và ổn định. Sản phẩm chip hay chất bán dẫn đều là những sản phẩm có giá trị rất cao. Trong quá trình sản xuất, nếu mất điện đột ngột thì dây chuyền sản xuất sẽ phải làm lại hoàn toàn và phải mất từ một tuần đến vài tháng. Điều này sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp lên đến hàng tỷ USD. Nếu địa phương không có nguồn điện đầy đủ và ổn định thì rất khó có thể thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở giao thông và mạng lưới thông tin cũng là điểm nghẽn trong việc thu hút đầu tư. Như phân tích ở phía trên, logistics đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa chúng ta và các nền kinh tế mới nổi trong khu vực.
2.4. Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam
Tính đến nay, ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chỉ có duy nhất một công ty quốc nội ghi được dấu ấn của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn đầy tiềm năng này, đó là FPT. Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc điều hành của FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software - công ty thành viên Tập đoàn FPT) cho biết, FPT đã bước chân vào con đường làm chip bán dẫn từ khoảng 8 năm trước. Từ năm 2014, đã có một số cán bộ từ các công ty khác nhau của FPT tham gia phát triển lĩnh vực này. FPT phát triển lĩnh vực theo 3 hướng: phát triển đội ngũ kỹ sư Việt Nam, phát triển các giải pháp và các sản phẩm chip “Made by FPT”.
Tháng 9 năm 2022, FPT Semiconductor vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt. Dòng chip bán dẫn tích hợp IC được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói. Khách
hàng đầu tiên và cũng là đối tác chiến lược sẽ phối hợp để phân phối các sản phẩm chip của FPT Semiconductor ở các thị trường Úc, Đài Loan, Trung Quốc. Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.
Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh. Trong bối cảnh đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ đô la Mỹ (theo báo cáo từ Technavio), FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn ở trong nước.
Với quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tham gia vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn thông qua giai đoạn thứ 2 - sản xuất là không thực sự khả thi, do để tham gia vào giai đoạn này, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vào công nghệ và dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Ngoài ra, “uy tín” là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng nhận được các đơn đặt hàng của các foundry, bởi những lo ngại về chất lượng cũng như nguy cơ đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.
Do đó, khả năng thiết kế và phát triển chip có thể sẽ trở thành khâu đột phá của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện toàn bộ các bước trong quy trình thiết kế chip mà có thể lựa chọn một phần để tập trung phát triển, sau đó kết nối với các doanh nghiệp khác để tạo thành một hệ sinh thái chất bán dẫn của riêng Việt Nam. Các bước trong quy trình thiết kế chip cụ thể bao gồm (1) phân tích hệ thống tổng thể, (2) thiết kế khối kiến trúc, (3) thiết kế chức năng và logic hoạt động, (4) thiết kế vi mạch, (5) thiết kế giao diện, (6) xác minh giao diện và chốt thiết kế, (7) sản xuất, cuối cùng là (8) đóng gói và thử nghiệp. Liên quan đến công đoạn thử nghiệm và đóng gói chip, Trung Quốc đang chiếm 40% mảng này, 20% ở Đài Loan và 27% đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận ngành công nghiệp này thông qua khâu phân phối. Rõ ràng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển logistics nói chung và logistics cho chất bán dẫn nói riêng. Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics. Tỉ lệ tăng trưởng năm giai đoạn 2022-2030 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh. Tuy chỉ chiếm 1% nhưng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn nhất của ngành logistics toàn cầu.
3. Kết luận
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đem lại nhiều cơ hội tích cực cho các quốc gia Đông Nam Á trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Khi các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc bị thu hẹp, các nhà sản xuất chip của Mỹ đã để mắt đến Đông Nam Á như một thị trường tiềm năng với nguồn lao động dồi dào và giá rẻ.
Song song với việc đẩy mạnh thu hút FDI vào các lĩnh vực sản xuất cũng như kiểm định và lắp ráp, chính phủ các nước Đông Nam Á cũng đang tích cực đầu tư vào việc tự nghiên cứu, thiết kế và phát triển chip của riêng mình - giai đoạn đem lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi cung ứng. Việt Nam, Philippines và Thái Lan là các nước được đánh giá là dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch. Đây cũng là con đường phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn thử sức trong lĩnh vực hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai này./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alper, A. (2022, March 11). Exclusive: Russia's attack on Ukraine halts half of world's neon output for chips. Retrieved from REUTERS: https://www.reuters.com/technology/ exclusive-ukraine-halts-half-worlds-neon-output-chips-clouding-outlook-2022-03-11/
2. Anh Quang (2023, March 15). Tiềm năng sản xuất chất bán dẫn tại Đông Nam Á. Retrieved from VTV.vn: https://vtv.vn/kinh-te/ tiem-nang-san-xuat-chat-ban-dan-tai-dong-nam-a-20230315123502494.htm
3. Băng Tâm (2022, October 19). Việt Nam đang sở hữu tất cả những lợi thế để thúc đẩy logistics phát triển. Retrieved from Báo Điện tử Chính phủ: https://baochinhphu.vn/viet-nam- dang-so-huu-tat-ca-nhung-loi-the-de-thuc-day-logistics-phat-trien-102221019181620366.htm
4. Duy Luân (2020, August 09). TSMC là gì? Công ty foundry vs. fabless là gì? Vì sao Qualcomm, AMD, Apple đều nhờ TSMC làm chip? Retrieved from Tinhte: https://tinhte.vn/thread/tsmc-la-gi-cong-ty- foundry-vs-fabless-la-gi-vi-sao-qualcomm-amd-apple-deu-nho-tsmc-lam-chip.3172456/
5. Đông Dương (2022, December 12). Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu. Retrieved from Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuoc-dua-san-xuat-chat-ban-dan-tren-toan-cau-post729386.html
6. FPT (2022, September 28). FPT Ra Mắt Chip Vi Mạch Đầu Tiên. Retrieved from FPT: https://fpt.com.vn/vi/tin-tuc/thong-cao-bao-chi/fpt-ra-mat-chip-vi-mach-dau-tien
7. Hayes, A. (2023, March 29). Semiconductors: What Is the Supply Chain? Why Is it Important? Retrieved from Investopedia: https://www.investopedia.com/ semiconductors-supply-chain-7367716
\8. Hufbauer, G. C., & Hogan, M. (2022, October 31). Major semiconductor producing countries rely on each other for different types of chips. Retrieved from Peterson Institute for International Economics: https://www.piie.com/ research/piie-charts/major-semiconductor-producing-countries-rely-each-other-different-types-chips.
9. ictvietnam.vn (2022, October 26). Việt Nam trước cơ hội làm chủ sản xuất chip. Retrieved from Công nghiệp ICT: http://makeinvietnam.mic.gov.vn/baiviet/Viet-Nam-truoc-co-hoi-lam-chu-san-xuat-chip-k9Qyz6KssQ.
10. Nguyễn Ngọc (2022, November 22). Cơ hội hình thành ngành công nghiệp bán dẫn "make in Việt Nam". Retrieved from CAFEF: https://cafef.vn/co-hoi-hinh-thanh-nganh-cong -nghiep-ban-dan-make-in-viet-nam-20221122101953105.chn
11. Reiff, N. (2023, January 05). 10 Biggest Semiconductor Companies. Retrieved from Investopedia: https://www.investopedia.com/ articles/markets/012216/worlds-top-10-semiconductor-companies-tsmintc.asp
12. Semiconductor Industry Association (2023, February 03). Global Semiconductor Sales Increase 3.3% in 2022 Despite Second-Half Slowdown. Retrieved from Semiconductor Industry Association: https://www.semiconductors.org/global-semiconductor-sales-increase-3-2-in-2022-despite-second-half-slowdown/
13. Walsh, D. (2022, June 21). How auto companies are adapting to the global chip shortage. Retrieved from MIT Management Sloan School: https://mitsloan.mit.edu/ ideas-made-to-matter/how-auto-companies-are-adapting-to-global-chip-shortage.